Cha thánh An Phong cũng là một nhạc sĩ sáng tác có tài, ít ra ngày nay vẫn còn hát một bài thánh ca Giáng sinh bất hủ mà chúng ta vẫn thường hay ngân nga bên hang đá: HỘI NHẠC THIÊN QUỐC. Cha giám đốc Phê rô Đặng Văn Đào thì có bài PHÓ THÁC. Rồi cha Hoàng Diệp với bài KÌA BÀ NÀO, mà khi nói đến cha Hoàng Diệp thì phải nói đến công của cha lo cho các chú trong ban Ca nhi cung thánh. Rồi kế tiếp là các thầy trong ban ALLELUIA ở Đà Lạt, rồi Hoàng Đức, Sỹ Tín, Tiến Lộc, Thành Tâm ... các thế hệ kế tiếp Vũ Nhuận, Quang Uy .. bài nhỏ, bài lớn ... đi đến tận hang cùng ngõ hẻm, lên tận cao nguyên.. và vang đi khắp thế giới, nơi có các công đoàn Công giáo người Việt. Đó là công của các cha Canada đầu tiên thổi vào lòng yêu ca hát, say sưa hát không phải là do mê hát hò mà vì theo khẩu hiệu của thánh Âugustino: "Hát là cầu nguyện hai lần". Đời đệ tử DCCT của chúng ta quả thật đọc kinh rất ít, một ngày đọc kinh rất ít, ngày cấm phòng, tuần chay thánh càng ít đọc kinh. Hát thì thích hơn. Chúa và mẹ thích các con hát hơn. Ngay Đức Hồng Y Thuận cũng đã kể kinh nghiệm của Ngài là chỉ cần kêu tên Chúa và Mẹ, con đây, là cũng đủ rồi!
Để có thể mê hát đến như vậy, các chú Đệ tử phải có một nề nếp sinh hoạt ca hát. Và thường là hát chung cả nhà như một ca đoàn, giống như khi chúng ta nghe các dòng chiêm niệm như Biển Đức, Xitô, Carmel .. hát thì phải nói là tâm hồn người nghe như bay bổng. Nhạc sĩ Phạm Duy khi đến thăm An Phong Học viện Chợ Lớn, hoặc nhạc sĩ Viết Chung ghé chơi ở An Phong Học viện Thủ Đức đều khâm phục tài hát hợp ca của các chú đệ tử. Nhưng thú thật, suốt những năm ở Đệ tử từ lớp nhỏ đến lớp lớn nhất, tôi không thấy có thầy dạy nhạc nào đến dạy chúng ta về các kỹ thuật luyện thanh và hợp ca cả. Hầu như là anh em dạy bảo nhau, công sưu tầm các bài hát để phục vụ cho các chương trình ca nhạc mà Ban Văn nghệ phải thường xuyên tổ chức trong năm, có thể nói là công của "cái gọi là Bộ Văn hóa". Cao điểm của cuộc thi truyền thống hàng năm là Thi Hợp ca Cécilia -lấy tên thánh nữ tử đạo Cécilia (được Công Giáo, Anh Giáo, Chính thống tôn kính), người đã có công khai sáng nền thánh nhạc và là thánh quan thầy của các nhạc sĩ sáng tác Kitô giáo.
Cuộc thi diễn ra vào ngày 22/11 là ngày lễ kính thánh Cécilia, được tổ chức giữa các lớp, không kể tuổi tác khác biệt giữa các lớp. Thiệt thòi nhất là các lớp đang ở tuổi dậy thì, bị vỡ tiếng. Ráng chịu. Khi lấy lại được "tiếng tốt", thì sẽ được dịp "báo thù" thôi (!). Bức ảnh lớn cỡ 60 x 80 thánh nữ Cécilia như hình trên được trao cho lớp đạt giải nhất và ghi tên lớp đó vào sau lưng bức ảnh (không biết bây giờ bức ảnh đó ở đâu?!). Lớp sẽ mang về treo trong lớp của mình cho đến kỳ thi sang năm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét