Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

Ngày 70 - THI HỢP CA CÉCILIA

THI HỢP CA CÉCILIA

Cha thánh An Phong cũng là một nhạc sĩ sáng tác có tài, ít ra  ngày nay vẫn còn hát một bài thánh ca Giáng sinh bất hủ mà chúng ta vẫn thường hay ngân nga bên hang đá: HỘI NHẠC THIÊN QUỐC. Cha giám đốc Phê rô Đặng Văn Đào thì có bài PHÓ THÁC. Rồi cha Hoàng Diệp với bài KÌA BÀ NÀO, mà khi nói đến cha Hoàng Diệp thì phải nói đến công của cha  lo cho các chú trong ban Ca nhi cung thánh. Rồi kế tiếp là các thầy trong ban ALLELUIA ở Đà Lạt, rồi Hoàng Đức, Sỹ Tín, Tiến Lộc, Thành Tâm ... các thế hệ kế tiếp Vũ Nhuận, Quang Uy .. bài nhỏ, bài lớn ... đi đến tận hang cùng ngõ hẻm, lên tận cao nguyên.. và vang đi khắp thế giới, nơi có các công đoàn Công giáo người Việt. Đó là công của các cha Canada đầu tiên thổi vào lòng yêu ca hát, say sưa hát không phải là do mê hát hò mà vì theo khẩu hiệu của thánh Âugustino: "Hát là cầu nguyện hai lần". Đời đệ tử DCCT của chúng ta quả thật đọc kinh rất ít, một ngày đọc kinh rất ít, ngày cấm phòng, tuần chay thánh càng ít đọc kinh. Hát thì thích hơn. Chúa và mẹ thích các con hát hơn. Ngay Đức Hồng Y Thuận cũng đã kể kinh nghiệm của Ngài là chỉ cần kêu tên Chúa và Mẹ, con đây, là cũng đủ rồi!

Để có thể mê hát đến như vậy, các chú Đệ tử phải có một nề nếp sinh hoạt ca hát. Và thường là hát chung cả nhà như một ca đoàn, giống như khi chúng ta nghe các dòng chiêm niệm như Biển Đức, Xitô, Carmel .. hát thì phải nói là tâm hồn người nghe như bay bổng. Nhạc sĩ Phạm Duy khi đến thăm An Phong Học viện Chợ Lớn, hoặc nhạc sĩ Viết Chung ghé chơi ở An Phong Học viện Thủ Đức đều khâm phục tài hát hợp ca của các chú đệ tử. Nhưng thú thật, suốt những năm ở Đệ tử từ lớp nhỏ đến lớp lớn nhất, tôi không thấy có thầy dạy nhạc nào đến dạy chúng ta về các kỹ thuật luyện thanh và hợp ca cả. Hầu như là anh em dạy bảo nhau, công sưu tầm các bài hát để phục vụ cho các chương trình ca nhạc mà Ban Văn nghệ phải thường xuyên tổ chức trong năm, có thể nói là công của "cái gọi là Bộ Văn hóa". Cao điểm của cuộc thi truyền thống hàng năm là Thi Hợp ca Cécilia -lấy tên thánh nữ tử đạo Cécilia (được Công Giáo, Anh Giáo, Chính thống tôn kính), người đã có công khai sáng nền thánh nhạc và là thánh quan thầy của các nhạc sĩ sáng tác Kitô giáo.   

                                            

Cuộc thi diễn ra vào ngày 22/11 là ngày lễ kính thánh Cécilia, được tổ chức giữa các lớp, không kể tuổi tác khác biệt giữa các lớp. Thiệt thòi nhất là các lớp đang ở tuổi dậy thì, bị vỡ tiếng. Ráng chịu. Khi lấy lại được "tiếng tốt", thì sẽ được dịp "báo thù" thôi (!). Bức ảnh lớn cỡ 60 x 80 thánh nữ Cécilia như hình trên được trao cho lớp đạt giải nhất và ghi tên lớp đó vào sau lưng bức ảnh (không biết bây giờ bức ảnh đó ở đâu?!). Lớp sẽ mang về treo trong lớp của mình cho đến kỳ thi sang năm. 

Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2013

Ngày 72 - MEN SANA IN CORPORE SANO

MEN SANA IN CORPORE SANO

"Một tinh thần minh mẫn trong một thân xác tráng kiện" đó là khẩu hiệu dịch từ tiếng La tinh mà cha Giám đốc nào cũng nhắc nhở các chú trong buổi lễ "Khai mạc mùa chơi" vào đầu năm học, thường là vào buổi sáng chúa nhật đầu tiên của năm học mới. Đó là mục đich mà các chú phải nhắm tới khi chơi, khi rèn luyện thân thể cường tráng. Còn chơi ra làm sao, Chơi cái gì, chơi với ai ... thì tôi tạm kể gộp một lần ra đây, từ các nhà đệ tử khác nhau. Nếu thầy nào hứng chí muốn nhắc thêm, thì mình kể ra thêm cho dzui.

Lễ "Khai mạc mùa chơi" và Lễ "Bế mạc mùa chơi" là hai sự kiện quan trọng đánh dấu một năm hoạt động thể dục thể thao của các chú, mà từ lớp lớn đến lớp nhỏ ai cũng nao nức. Ban Thể dục thể thao (có năm các chú cũng bị ảnh hưởng tình hình chính trị sôi động bên ngoài đời, bèn tự đặt tên là Bộ Thể dục thể thao cho "oách", vì vậy cũng có Bộ trưởng cùng các thứ trưởng phụ trách từng chuyên ngành, tất nhiên cũng có các bộ khác - sẽ nói sau) đã lên chương trình khai mạc từ ngày hôm trước bằng một buổi tổng diễn tập.  

Trong toàn năm học, trò chơi chính của các chú là đá banh (ngày xưa mình không có từ bóng đá) hoặc môn túc cầu. Nhờ vậy đội hình trong buổi lễ được xếp theo đội banh, chứ không theo lớp, hoặc theo đoàn, hoặc theo đội sinh hoạt hỗn hợp giữa các lớp gần nhau. Chỉ có các chú mới vào năm đầu tiên thì đứng chung với nhau sẽ được gọi tên phân thành đội banh ngay trong buổi lễ, cũng là một cách chính thức công khai thành lập đội mới với tên gọi mới khiến cho buổi lễ khai mạc càng thêm ý nghĩa. Thường tiêu chuẩn hình thể của các thành viên một đội bóng được tính theo vóc dáng, chiều cao ngang nhau, chứ không tính theo tuổi. Vì vậy, có ba hạng được phân loại, đội banh hạng A, hang B và hạng C (thật ra tôi không nhớ chi tiết tên gọi - ai nhớ thì bổ sung giúp nghen). Cũng vì vậy có chú ở lớp nhỏ được đưa vào nhóm B hoặc A, và ngược lại. Ví dụ như chú Quân của lớp 6B của chúng ta được xếp vào một đội của hạng B, bởi vì chú Quân cao to nhất lớp lại đá hay, nếu chú Quân đá chung với chúng ta chắc là đè bẹp các bạn đồng môn mất (!). Hoặc ngược lại, ví dụ chú Long "tintin" ở lớp 6A, chú Huân lớp 5 ... rất nhanh nhẹn, nhưng nhỏ con quá đành phải đá chung với lớp chúng ta.

Lễ Khai mạc mùa chơi
Mỗi năm mỗi khác vì năm nào đều có "Bộ trưởng mới" cho nên các ngài BT (hoặc Tổng trưởng) nhất quyết phải để lại dấu ấn, cho nên nếu mà ai có trí nhớ tuyệt vời, hoặc còn lưu lại được hình chụp, tất sẽ có được một tập dày cộm của mấy chục năm Đệ tử viện DCCT! Nhưng có thể lược tóm lại chương trình diễn ra như sau:
Sau buổi điểm tâm sáng, tất cả lên nhà ngủ thay đồ thể thao và tụ họp tại sân banh (địa điểm thay đổi hàng năm) nơi mà  hôm qua đã tổng dượt. hàng ngũ chỉnh tề, tiếng nhạc "Khỏe vì nước" vang lên từ loa phóng thanh nghe thật hùng hồn, thôi thúc (có tiếng từ các đội nhỏ lầm bầm hát chế tiếp lời ngay ..."bánh ướt tôm khô, chè đậu đen năm cắc một tô ...", thế là có nhiều tiếng cười. Tôi nghĩ nhạc sĩ Hùng Lân chắc sẽ không giận tài đặt lời của các chú đâu. Chỉ có lớp mới vào chưa được phát áo đồng phục đội banh của mình, còn tất cả đã có màu áo với tên đội riêng (tôi không nhớ nổỗ ... lõm bõm mấy tên Bạch Đằng, Hồng Hà ... gì gì đó). Ngoài ra có một số chú được tách ra, tuy vẫn là thành viên của đội, nhưng được đưa vào đội hình tập luyện thêm khi không phải ngày đội banh của mình ra sân. Trong 1 buổi chiều, không thể mấy trăm con người rượt đuổi theo mấy trái banh, thật là hỗn độn, vừa phản thẩm mỹ vừa phản giáo dục. Ở Huế có 3 sân: hai sân bên trong khuôn viên nhà đệ tử, 1 sân ở ngoài. Vũng Tàu 4 sân. Thủ Đức: 3 sân. Chợ lớn: ở tạm bợ đành chịu, cho nên tất cả chia nhau tập võ và đánh bóng chuyền.

Các cha trong Ban giám đốc, các cha giáo, các thầy đi ra lễ đài. Dưới lễ đài có một cái bàn đặt một (hoặc 3 là khi ở Vũng Tàu) cái cúp lớn (cúp cũ xài đi xài lại kiểu như cúp Fifa bây giờ) tuy là cũ nhưng là niềm kiêu hãnh mà mọi người đều ước ao, còn lại tất cả đều mới toanh: chỉ có các bộ huy chương là do Bộ TDTT tự chế tác nhờ tài khéo tay (năm sau làm đẹp hơn năm trước là cái chắc, cơ bản là một miếng kim loại cắt tròn, bọc giấy bạc theo màu rồi đục lỗ luồn dây vào để đeo lên cổ), lưới và banh cho sân bóng chuyền, hoặc vớt và lưới cho bàn ping pong, banh đá (không phải là bằng đá - nhưng vì ngày xưa gọi tên như thế) và áo đồng phục đội banh cho các chú mới, còi cho các trọng tài ...v.v... Các chú được cha cung cấp để chơi trong suốt một năm học. Bộ TDTT ngoài việc quản lý cẩn thận các dụng cụ thể thao, sau giờ chơi phải cất kỹ vào kho, còn phải bảo trì các quả banh. Banh ngày xưa là banh làm bằng da bò được may từng mảnh ghép lại, chơi lâu, nhất là khi gặp mưa, sẽ bục rách, và có ruột như ruột bánh xe, có khi đá banh bị xì, hoặc bị nổ (như bánh xe cán phải đinh) do gặp hai chân của hai cầu thủ quá khỏe dập vào nhau khiến trái banh bị tức mà bể ruột, do đó phải có banh secours. Vai trò Bộ TDTT rất quan trọng là vì thế, luôn có một đội ngũ "chuyên viên" bảo trì chuyên vá ruột banh, may banh bị rách ... "công tác bảo trì bảo quản" (xin lỗi phải dùng từ mới bây giờ) luôn được tiến hành vào các giờ rảnh. Banh chơi xong phải được rửa sạch, phơi khô đặc biệt là vào mùa mưa, thường dính bùn, hoặc rơi xuống xình ... trọng tài phải có nhiệm vụ đi lấy banh trước giờ chơi và giao trả lại sau giờ chơi, thấy hư hỏng thì phải báo cho người của Bộ TDTT. Chỉ vài chi tiết này mà thấy rằng tự vận hành bộ máy này bởi các chú với nhau thật không hề đơn giản, nhưng vẫn có thể tập và làm được, quan trọng là giáo dục được tinh thần trách nhiệm tập thể. Một khi đã vào nếp rồi, thì năm này kế tiếp năm sau dễ dàng, trơn tru.

Bộ TDTT còn phải quản lý những thứ phức tạp hơn tùy từng thời kỳ. Chẳng hạn khi mới dọn về An Phong học viện Thủ Đức, sân banh làm gì được bằng phẳng, phải mất cả mấy tuần lễ cha con vác cuốc, vác xẻng ra cào bới, lượm đá ... vậy mà có bữa xút trái banh một cú là thấy bay cả móng chân (à quên một chuyện: đá banh bằng chân không, không có đá giày. Các thầy có nhớ anh Quân lớp mình không, anh ta tìm đâu ra một đôi giày đá banh nhưng có bao giờ được cha Lộc cho đeo vào để đá đâu, đành phải cất trong tủ, lâu lâu mang ra ngắm). Hoặc làm sân tập judo, đi kiếm mạt cưa đổ xuống, rồi tìm xin một tấm bạt nhà binh cũ phủ lên trên. Cưc lắm. Hoặc đi kiếm các trường bạn cùng trang lứa để tổ chức đá giao hữu (chuyện này để nói sau).

Sau khi quan khách đã vào vị trí, nhạc quốc ca được cất lên. Anh đoàn trưởng mời cha giám đốc phát biểu ý nghĩa buổi lễ và làm phép dụng cụ thể thao. Một anh là người "đô" con nhất nhà, mặc quần short trắng áo thun trắng, trên tay cầm ngọn đuốc từ hàng dưới chạy đến bên cha để được thắp lửa. Ngọn đuốc trên tay của lực sĩ bừng cháy. Ngọn được này được chế cũng khá công phu, nhưng quan trọng là phải cháy tốt không tắt giữa chừng, bởi vì "tai nạn kỹ thuật đã có lần xảy ra ... khiến cả nhà ôm bụng cười, tiếng chê bai râm ran suốt cả tuần mới dứt. Anh cầm đuốc chạy về phía đài lửa đặt ở cạnh lễ đài. Anh bước lên bục, giơ cao ngọn đuốc, rồi châm vào đài lửa - đó là một cái chảo nấu ăn cỡ lớn nhất mượn của nhà bếp, bên trong chảo được đổ một lớp cát và đặt lên trên một mớ giẻ và gỗ vụn đã tẩm đầy dầu hôi. Ngọn lửa trên chảo bùng cháy lớn. Anh đoàn trưởng mời cha Giám đốc ra ban phép lành. Cha đeo giây các phép vào rồi đến bên cái bàn lớn đặt các món dụng cụ thể thao rảy nước thánh, ban phép lành, rồi ban phép lành cho các chú. Thật là trang nghiêm và ý nghĩa. Mọi người im phăng phắc .. có thể nghĩ đến hình ảnh các chiến binh thập tự quân trước giờ xuất chinh... Rồi bỗng các đội trưởng đứng đầu đội banh lần lượt giơ tay hô to ... Hồng Hà ... quyết thắng ... Cả đội hô thật to ... quyết thắng .. Chi Lăng.. quyết thắng ... Dứt các tiếng hô, anh đoàn trưởng cầm danh sách xướng tên đội banh mới, tên các cầu thủ trong đội. Các chú nhỏ tách ra khỏi lớp nối vào hàng đôi mới. Một chú lớn cầm một xấp áo đi với cha đến bên đội banh. Cha trao cho từng chú và động viên với lời động viên khuyến khích.


                                         Chú Nguyễn Tường Vân - đội banh lớp 6B Vũng Tàu

Các chú đều biết rằng các trận banh được xếp đá theo lịch trong suốt một năm chẳng khác gì bây giờ người ta bày ra V- League này nọ ... Mỗi trận đều được ghi điểm lại trên bảng cho cả nhà theo dõi. Cuối năm học, tổng cộng điểm thắng, thua, hòa mà xếp đội nào nhất, nhì, ba, tư .. Bóng chuyền cũng có tính điểm, nhưng lại tranh giải giữa các lớp, vì từ lớp 4 trở lên có thể đấu với nhau. Hôm nào không đá banh, thì các cầu thủ bóng chuyền tập với nhau, để tranh giải vào các dịp lễ lớn ... Bóng bàn và cầu lông thì có tính cách cá nhân và theo lớp. Các môn này có treo giải, nhưng không xem là quan trọng. Cho nên tài năng tự phát rồi .. vụt tắt. Lớp mình có anh Quang "trọc", chơi món gì cũng hay, đá banh thì vị trí nào cũng chơi được. Có người chỉ chịu một vị trí, như thầy Bửu chuyên bắt gôn, thầy Đào là trung phong chuyền bóng cho các bạn rất khéo. Thầy Thạch thì cứ như ... xe tăng, cứ thấy tên nào có banh là húc cho nên được làm hậu vệ (mình còn nhớ mãi hình ảnh tay thầy hay nắm chặc lại mà đá trái banh). Còn tôi thì thích nhất là nhảy vào cha Thụy để cản banh. mà chẳng sợ cái đôi giày bata của cha. Đối với hai môn võ Judo và Tae kwoon do ai thích thì ghi tên tập, và thi lên đai theo thời gian ấn định của thầy võ, sau này các anh lớn có đai đen thì không nhờ thầy đến nữa. Đá cầu cũng có nhưng không được xem là môn thể thao. Cũng có parafixe, bộ ngựa, xà kép ... chỉ có mấy chú chơi được vì phải có huấn luyện viên. Có lần ở Vũng Tàu cha Đào mời nhóm lực sĩ Kiến Càng từ Saigon do lực sĩ Nhơn dẫn xuống biểu diễn, thấy cơ bắp của các vị ấy mà phát khiếp. Tối đó nhà bếp phải tốn hết một thùng dầu ăn cho các lực sĩ bôi lên người để tạo hình. Các chú lớp lớn bắt chước họ tập nâng tạ để có cơ bắp. Các anh đổ xi măng nhão vào 2 lon bơ lớn và cắm một khúc sắt khoảng 1 mét để làm tạ. Nằm ngửa ra ghế dài rồi nâng tạ khoảng vài mươi cái .. là hết hơi! Phải kiên trì lắm mới nổi được mấy cục ở bụng.

Nói về các môn điền kinh và thể dục dụng cụ. Về Điền kinh, vào dịp lễ, đôi khi Bộ TDTT cho tổ chức thi chạy nước rút 200m và chạy Việt dã 2 km (khoảng mấy vòng sân đá banh). Rồi khi về An Phong học viện Thủ Đức, các chú lại được xem các em trường Thiếu niên cải huấn Thủ Đức (do người Đức lập để giúp các em thiếu niên phạm pháp) biểu diễn thể dục dụng cụ rất đẹp mắt, cũng bắt chước tập. Có anh Miển lớp trên chơi xà kép và  xoay người trên ngựa rất cừ. Lớp mình thì có cha Bích lấy đà chạy rồi lộn trên không (tiếng chuyên môn gọi là nhảy santo) xong đáp xuống đất bằng hai chân. Khốn cho tôi, thấy anh Miển nhà ta làm dễ dàng, mình bèn bắt chước làm, hai tay cặp vào hai cây đà, rồi đá vòng hai chân ngược qua đầu, nhưng không có ai giữ chặt tay mình khiến 2 cánh tay sút ra khỏi 2 thanh đà, rớt nguyên con theo chiều dài của cây xà đôi. Đau điếng người. May mà không sao. Thế mới biết cái gì cũng phải có từng bước, và tập luyện ..

Kế tiếp ,tất cả các đội đồng diễn bài tập thể dục buổi sáng theo tiếng còi, trông thật nhịp nhàng, từ cổ đến tay, bụng, chân, chạy tại chỗ. Giá như có máy quay phim từ trên cao thì xem như là kính vạn hoa. Sau đó đội hình tản ra thành một chữ U lớn nối với khán đài, để ra một khoảng trống chính giữa. Đó là phần biểu diễn của các bộ môn. Các chú thay phiên nhau tiến ra sân thực hiện phần của mình, gồm :nhảy vòng lửa (coi bộ nguy hiểm, nhưng thật ra cứ nhảy đại qua, rồi lộn một vòng là xong ...); đi bài quyền Tae Kwondo, có luôn phần chặt gạch hoặc tung cước đá gỗ (thật ra chỉ có vài chú lớn dám làm!). Đẹp nhất là biểu diễn xếp hình kim tự tháp và trồng chuối ở phần cuối cùng. Để kết thúc buổi lễ khai mạc diễn ra trong khoảng 40 phút, anh Đoàn trưởng mời quan khách và mọi người ra sân banh xem trận banh đầu tiên giữa hai đội banh của các anh lớn.

Thế là hết một buổi sáng Chúa nhật.

Có mấy chi tiết về giáo dục thể chất ngày xưa dưới mái trường đệ tử DCCT chúng ta khó quên và luôn nhớ ơn nhà Dòng. Đó là buổi sáng ngủ dậy, dù thời tiết như thế nào, cũng phải tập thể dục, chạy một vòng sân đá banh rồi tập thể dục chung do một anh trong ban Thể dục Thể thao điều khiển theo tiếng còi. Buổi chiều, tất cả mọi người phải ra sân chơi. Cha con chơi với nhau rất vui. Mưa cũng chơi. Riêng đối với ngày mưa gió lạnh lẽo ở Huế, thì chỉ có một hai ngày là không ra sân chơi, gọi là chơi tự do. Nhưng sau đó, cha tổ chức chơi banh ruby, không đá  mà dành nhau ôm banh cà na chạy đến gôn của phe địch. Hơi thô bạo, nhưng thật sự thì không sao cả. Cứ một khi bắt được người đang ôm bay, thì người khác nhào tới, chất chồng lên nhau. Trong tài sẽ bắt mọi người buông nhau ra, rồi một người lại ôm banh chạy .. lại chận bắt .. cứ như vậy. Nhưng cấm không được tung chưởng, hoặc chơi cùi chỏ, đầu gối. Cứ dưới mưa mà chạy, rồi vật nhau. Nóng cả người lên, phà hơi thấy cả khói. Chỉ khi có tiếng chuông báo hết giờ chơi mới thôi. Dưới vòi nước robinet lạnh buốt của tiết trời có khi lạnh xuống 10 độ C, hơi nóng trong người bốc lên, rồi lau khô, mặc ấm vào, thì cả người thấy thật sảng khoái.