Tên thánh Phanxico Xavie bổn mạng lớp chúng ta cũng là tên Tỉnh Dòng Tên Việt Nam, được chọn vào ngày 14/7/2007. Chúng ta cũng có thể thấy trong lịch sử Giáo hội La Mã đã từng xảy ra những thời kỳ đen tối. Năm 1773, Dòng Tên bị Giáo triều Roma giải thể trên toàn thế giới, khiến cho Dòng Tên đã vào đến Việt Nam từ đầu năm 1615, trụ cho đến năm 1773, được 158 năm, mà phải "rút quân" toàn bộ, nhường lại chỗ cho các cha Dòng Đa Minh. Tính "đa quốc gia" của Dòng Tên đã có từ thời đó với 155 tu sĩ thuộc 20 quốc tịch khác nhau. Đầu tiên là 3 tu sĩ theo các tàu buôn phương tây đổ bộ đến cửa Hàn, vào phố Hội An ngày nay, nơi có cộng đồng người Nhật theo đạo Công giáo sinh sống, nhưng về sau bị Chúa Nguyễn Đàng Trong đàn áp. Vì vậy mà mà đến năm 1627, cha Alexandre de Rhodes chọn Cửa Bang ở Thanh Hóa mà truyền giáo, cùng với cha Pedro Marquez xây dựng Giáo hội Đàng ngoài dưới thời Chúa Trịnh. Trong thời gian hơn 100 năm đó, Dòng Tên chỉ đào tạo được 33 tu sĩ người Việt, cho thấy sự cẩn trọng hết sức của Dòng. Chủ trương của Dòng là dành thời gian thâm nhập vào hàng ngũ trí thức và quan lại, vì cho rằng đây là giai cấp cai trị có ảnh hưởng quan trọng, vì vậy 12 tu sĩ đã vào làm việc trong triều đình, đàng Trong lẫn đàng ngoài, ghi nhận có 12 tu sĩ làm việc ở Thái Y Viên và Khâm Thiên Giám của các Chúa Nguyễn Đàng Trong.
Ví dụ khi xem lịch sử Dòng Tên, ngày nay ở Việt Nam, ngoài thói quen gọi các cha Dòng Tên - les Jésuites, thì gọi là các Giêsu hữu - những người bạn của Đức Giêsu. Quyển tự điển Việt La Bồ cũng được soạn trong thời gian đó.
Mãi đến năm 1814, nghĩa là đầu thế kỷ 19, mất 2 thế kỷ, sai lầm của giáo triều Vatican mới được sửa chữa dưới giáo triều của Đức Giáo Hoàng Piô VII, bằng sắc lệnh Sollicitudo Omnium Ecclesiarum, Dòng Tên mới được lập lại trên toàn thế giới. Rồi đến năm 1957, Dòng Tên mới vào lại Việt Nam, thật ra là do chính quyền Cộng sản Trung quốc trục xuất vào năm 1949. Nhóm anh em đầu tiên trở lại Việt Nam đã lập trụ sở tại 161 Yên Đỗ nay là Lý Chính Thắng, gọi là cộng đoàn thánh Ignatiô. Sau này giới trẻ thường gọi là Trung Tâm Đắc Lộ vì là nới thu hút các sinh hoạt văn hóa và giáo dục phù hợp với các sinh viên. Có thư viện cho sinh viên đến đọc sách và học thi vì khung cảnh yên tĩnh. Bên cạnh có tư vấn hướng nghiệp cho bạn trẻ, do cha Elizalde (người Tây Ban Nha), gọi là cha Thành. Rồi hình thành foyer Đắc Lộ làm lưu học xá cho các sinh viên ở xa, rồi một số cha dạy ở các trường đại học, Y khoa, Văn Khoa .. Cho nên sinh hoạt càng hấp dẫn mà lại có chiều sâu. Đến năm 1970, nhà Dòng có một quyết định táo bạo, lấy nhà nguyện để làm phim trường cho Trung Tâm truyền hình giáo dục Tráng niên Đắc Lộ. Một nhà nguyện khác sẽ xây một năm sau đó để cho các bạn trẻ. Nhưng bão táp lại đổ ụp xuống Trung tâm Đắc Lộ và Cộng đoàn Y Nhã. Tan tác. Cuối năm 1975, các cha Dòng tặng cho chính quyền thành phố Khu vực Truyền hình Đắc Lộ. Năm 1978, toàn bộ khu vực phục vụ sinh viên bị đóng cửa và bị tịch thu, trở thành tòa soạn báo Tuổi trẻ và nhà xuất bản Trẻ. Do có giấy cho mượn nhà để làm cơ sở của Ủy Ban Phát thanh và truyền hình phía Nam, sau đổi tên là Viện Nghiên cứu và phát triển PT-TH, cho nên Nhà Dòng đã nhận lại được khu vực này, bao gồm cả khu vực thư viện - âu cũng là có phần may mắn, chứ không như toàn bộ An Phong Học Viện Thủ Đức và Học viện DCCT ở Thủ Đức phải đóng cửa và trưng dụng làm bệnh viện Thủ Đức, còn sân banh thì bị người dân sống chung quanh lấn chiếm ... Nhớ lại những lần đi thăm các cha thầy Dòng Tên ngày đó, cha Chính, cha Quí, thày Đạt (nay là Giám mục Bắc Ninh), thầy Lai, thày Tình, thày Nghĩa .. (nay đều là cha) .. rồi đến thăm các cha DCCT, cha Đào, cha Quang ...tá túc ở dãy nhà ngủ trên tầng lầu Đại chủng viện thánh Giuse ... giống như là đi tỵ nạn, trông rất tang thương. Một số thì ở tù. Vậy mà họ vẫn vui vẻ chịu đựng ... quả là ... con đường thập giá theo Chúa: "Đầy tớ thì không thể hơn thầy" !!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét