Đôi điều còn nhớ về Ban Hallêluyah:
Ngày “N’ hôm ấy, rơi vào tháng 10 là tháng Đức Mẹ Mân Côi năm 2013, có Lm Tiến Lộc DCCT từ Việt Nam qua Melbourne tham gia giảng lễ Đại Hội La Vang tại trung tâm Hoan Thiện, sau đó lại xuất hiện trên sân khấu “bỏ túi” của nhà hàng Crystal Palace Sydney với đôi lời mào đầu câu chuyện thân thương, như hồi nào: “Hôm nay, anh em chúng tôi, một số thành viên trong Ban Hallêluyah Học viện Dòng Chúa Cứu Thế quyết định thực hiện một tiết mục mà chúng tôi gọi là “Hallêluyah, 45 năm nhìn lại.”
Tiếp sau đó, người anh em làm nhiệm vụ MC là anh Vũ Nhuận trước khi cùng diễn trình với Lm Tiến Lộc và Trần Ngọc Tá, đã quay sang phỏng vấn Lm Tiến Lộc một câu: “Anh Tiến Lộc à, các bài hát năm đó vui nhộn ở điểm nào vậy?” Sau đó, anh Vũ Nhuận lại quay sang hỏi anh Trần Ngọc Tá, cũng là thành viên của ban nhạc này, một câu khác: “Xin hỏi anh: tại sao khi đó anh em lại đặt tên cho các bài ca này là: “Vào Đời”?
Nói chung, các câu hỏi hôm ấy được trả lời cách tóm gọn, vì lý do hôm ấy là buổi văn nghệ gây quỹ từ thiện giúp “các em khiếm thị ở Mấi Ấm Nhật Hồng và Thiên Ân” tại Việt Nam và ban tổ chức chỉ dành cho nhóm “Tam Ca Áo Đen” Dòng mình chừng 20 phút phù du thôi. Tuy nhiên, những ngày sau đó lại có thắc mắc cũng như nhận định từ nhiều nơi trên thế giới, nên một lần nữa anh Vũ Nhuận lại đề nghị người viết bài này ghi thêm một vài nét có tính “sử-liệu” về cái-gọi-là “Ban Hallêluyah, Ca Vào Đời”.
Với những gì người viết hôm nay còn nhớ được, thì xin ghi lại như sau: Lúc ấy, là cuối năm 1967 hoặc đầu năm 1968, anh em Học Viện DCCT Đà Lạt đã lĩnh-hội được ngọn gió lành rất mới thổi từ Giáo hội mẹ nhờ có Công Đồng Vaticăng II cho phép giáo-hội toàn-cầu sử-dụng ngôn-ngữ và âm-nhạc của đất nước mình sinh sống.
Nói cho công bằng, thì: vào cuối năm 1967, anh em Học Viện DCCT ở Đà Lạt sau khi hoà mình vào với bầu khí thân thương vui nhộn chịu ảnh hưởng từ Lm Aimé Duval, Sj và Soeur Sourire, OP ở Pháp sau đó lại nhận được một dĩa nhạc 33 vòng “tua” từ Học Viện DCCT Sainte Anne de Beaupré, Canada do Ban “Les Alleluias” thực-hiện, trong đó có hơn 10 bản nhạc mới dùng Tin Mừng làm lời ca nền nã. Không biết bên đó, anh em học viện DCCT Canada có hát hoặc trình diễn các bài đó trong nhà thờ hay trên sân khấu không nhưng âm-hưởng và nhịp điệu của những bài như “Juke-box”, “Alleluia! Alleluia!” đã khiến anh Thành Tâm có hứng đặt lời cho bài “Bạn Đường” tạo nguồn cảm-tác cho một số anh em có mặt trong Ban này.
Đặc biệt hơn, ở Việt Nam lúc đó, đã có bầu khí rộn ràng vui tươi và nguồn hứng rất phấn-khởi đã chuyển thành chất-liệu mới cho ý nhạc thời-thượng và lời ca cùng tâm-tình rút từ nền thần-học rất Kinh-thánh. Chả thế mà, sức hút của loại nhạc này đã bắt đầu được thể-hiện lập tức ngay sau khi các anh Thành Tâm, Sỹ Tín và Đức Mầu đưa vào hiện-thực phần kỹ-thuật và nghệ-thuật âm-thanh rất bài bản. Về phần ghi/kẻ giòng nhạc và chép lời ca cũng như trình-bày thành ấn-phẩm đã được các anh Vũ Đức Nhuận, Trần Ngọc Tá thực hiện bằng tay và phần thu thanh trên băng nhựa đã do anh Cao Đăng Minh, nay là linh mục DCCT ở Mỹ đưa vào thực tế, rất phấn chấn.
Còn nhớ, khi ấy anh Vũ Đức Nhuận đã khổ công ghi chép, kẻ nhạc và trang hoàng đầu đề bằng tay trên giấy giấy trắng và anh Trần Ngọc Tá cũng chép tay các ca từ trên bản thảo mà thời đó bà con gọi là thủ bản rồi sau đó, được anh Cao Đăng Minh cùng với Trần Ngọc Tá đích-thân đến Nha Địa Dư Đà Lạt để cậy nhờ quý vị bên ấy in theo dạng “offset”, qua trung gian của người anh ruột của anh Cao Đăng Minh, là Trung Tá Võ Bị Cao-Đăng-Tường (là vị sĩ quan nổi tiếng với sự-kiện trao đổi tù binh Nam Bắc và đoàn Quân sự Bốn bên hồi thập niên 1970, ở Sàigòn).
Dù đề-tựa của tập sách nhỏ do Ban Hallêluyah cưu-mang thực-hiện chỉ mang hai chữ “Vào Đời” thôi, nhưng thực-chất của tập sách, ngay từ đầu, đã mang ý nghĩa các bản “Ca Vào Đời”, tức chủ-trương: đem giọng ca của dân con nhà Đạo đi vào đời gặp-gỡ sẻ-san Lời Chúa với đời. Và quả nhiên, Ban Hallêluyah, với các tu sĩ mặc áo chùng thâm chơi đàn trống với loa kèn đã đem lại cho người trẻ một sức sống dâng trào niềm vui. Lúc đó, hai chữ “Vào Đời” hiện ra như câu “thần chú” thúc-bách các anh có trọng-trách mang Lời Chúa chuyển trao cho mọi người, ở đời, vì thời đó anh em Học viện đã thừa-hưởng và hấp-thụ cái-gọi-là “luồng gió mới” cả về thần-học lẫn triết-lý đến từ nước ngoài do các bậc thày đàn anh đi trước như: Lm Nguyễn Thế Thuấn, LM Đinh Khắc Tiệu, Lm Trần Hữu Thanh, Lm Chân Tín, cựu Lm Nguyễn Ngọc Lan, vv.. Riêng cựu Lm Nguyễn Ngọc Lan khi ấy đã thúc đẩy anh em học viên hãy đón-nhận không chỉ triết-học nền-tảng của thánh Tôma Akinô thôi, nhưng cũng nên và cũng cần ra đời mà xem xét, hấp-thụ nền triết-học hiện-sinh của các triết-gia nổi tiếng như:Kant, Hengel, Jean Paul Sartre, Albert Camus, Simone de Beauvoir, vv... Cụ thể là anh em lớp Triết đã được phép ra ngoài học “triết học ở ngoài đời” tại Đại Học Đà Lạt có tên là “Thụ Nhân” để học hỏi và nhận lãnh bằng cử-nhân văn/triết, như các người trẻ thời đó. Kết quả là, rất nhiều anh đã thành công về mặt này.
Được biết, sự kiện “Đạo Vào Đời” không chỉ xuất-phát từ phong-trào ca và nhạc “Vào Đời” mà thôi, nhưng còn xuất-hiện từ tình-huống lẫn chủ-trương của Công Đồng Vatican II đem lại. Nói cách khác, “luồng gió mới” Công Đồng Vaticăng II đã thổi vào Học viện qua lập-trường cũng như tư-tưởng của một số bậc thày giảng dạy tại Học-viện chủ-trương nên để cho anh em có thời-gian và cơ-hội tiếp-xúc cũng như chung sống với đời, trước khi về lại nhà Dòng lại sẽ tiếp-tục nhận-lãnh sứ-vụ linh mục chuyên chăm rao-giảng Lời Chúa cho đời và cho người. Tóm lại, muốn giảng cho người đời, cũng phải hiểu và biết đời người là thế nào. Và, muốn hiểu và biết “mặt thật” của đời, không gì bằng cứ “đầu cao mắt sáng” hiên ngang “đi Vào Đời” để “Ca Vào Đời” và để sống với lý-tưởng đem “Đạo Vào Đời”.
Có thể nói, trước/sau sự kiện “Ca Vào Đời” anh em Học Viện đã có những buổi bàn bạc, thương thảo về đường lối sống cũng như đào-tạo chính mình ở Học viện. Người viết những giòng này đã thực-tế “đi Vào Đời” một thân một mình, ở nơi xa-xôi ngoài miền Trung nước Việt, nên không được biết và cảm-thông những gì xảy ra sau đó, vào những năm 1969 và/hoặc 1970 khi có sự-kiện toàn Dòng quyết thực hiện cái-gọi-là Chương trình “Dự tu” hoặc “Đi Thử”, vào những tháng ngày sau đó.
Về chi-tiết thành-phần của Ban Hallêluyah, còn nhớ khi ấy gồm các thành viên như sau:
-Nguyễn Thành Tâm: người sáng-lập và sáng-tác phần lớn các bài trong tuyển tập “Vào Đời” và là tay chơi Guitar Lead và lấy bút-hiệu là Tuấn Anh khi sáng-tác các bài: Họp Nhau Trong Khúc Hát, Xuất Hành, Sao Đêm..
-Cao Đăng Minh: phụ trách in ấn, thu thanh vào máy Cassette Akai và liên-hệ với các nơi đăng cai trình-diễn.
-Nguyễn Đức Mầu (với bút hiệu Hoàng Đức) đã sáng tác các bản:Người Gieo Giống, Về Nhà Cha, Bài Ca Người Được Yêu, Bước Người Đi Qua.. Đồng thời, anh cũng chơi Clarinette cho hầu hết các bài được ghi âm trong băng nhựa.
-Trần Sỹ Tín: chơi Guitar Bass và là người đặt lời cho các bài, như:Vào đời, Bài Ca Người Được Yêu, Alleluia Hát Lên Người Ơi.
-Trần Ngọc Tá: chơi Guitar Rythm và hát chung các phần điệp khúc.
-Nguyễn Trường Thái; chơi Phong Cầm loại Accordion.
-Nguyễn Văn Thủy: chơi trống.
-Trần Quốc Tuấn: solo chính cho hầu hết các bài trong toàn tập.
-Lương Thế Vinh: hát solo một số bài.
-Vũ Đức Nhuận: cùng hát solo một số bài trong sách này.
-Nguyễn Tiến Lộc: hát phụ hoạ giọng Bass.
-Nguyễn Kim Văn: hát phụ hoạ giọng Tenor.
Như MC Vũ Nhuận có nói vào hôm trình diễn ở Sydney, là: phân nửa thành-viên trong Ban Hallêluyah, gồm các anh: Lm Cao Đăng Minh, Lm Nguyễn Thành Tâm (tức Thành Tâm), Lm Trần Sỹ Tín, Lm Nguyễn Đức Mầu (tức Hoàng Đức), Lm Tiến Lộc và Lm Nguyễn Văn Thủy tất cả vẫn là linh mục Dòng Chúa Cứu Thế sống ở Việt Nam, đang sinh họat với Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế, ở Sàigòn ngoại trừ linh mục Cao Đăng Minh lâu nay gia nhập tỉnh Dòng Baltimore, Hoa Kỳ. Các anh khác, đều đã chia tay và thực tế đi “Vào Đời”, theo ơn gọi khác, như: các anh Nguyễn Kim Văn (Hoa Kỳ), Nguyễn Trường Thái (Việt Nam), Trần Ngọc Tá (Úc), Lương Thế Vinh (Hoa Kỳ), Vũ Đức Nhuận (Úc), Trần Quốc Tuấn (còn gọi là Tuấn A, đang ở Hoa Kỳ). Tất cả, dù ở bậc nào đi nữa, vẫn đang rao-truyền chủ-trương và lời mời rất “Duc in Altum” tức “Ra Khơi” mà “đánh cá người”, nơi cuộc đời.
Còn việc đặt tên cho buổi diễn-trình ngày “N” hôm ấy, ở Sydney năm 2013 là: “Hallêluyah, 45 năm nhìn lại”, có lẽ cũng hơi “nổ bạo” một chút. Bởi, người đặt tên cho tiết mục dài 20 phút này chỉ muốn gợi lại một chút gì để nhớ và để thương về quá khứ có ban Hallêluyah ngày nào từng tạo sức hút rất phấn-khởi cho một số cộng-đoàn ở Đà Lạt, thôi. Chứ kỳ thực, cả đến sáng-lập-viên cũng như toàn ban ban hát này không có cao-vọng đưa nhạc Đạo theo kiểu mới thay cho loại nhạc nào đó, thật sự cũng không đúng. Duy có điều, là: sức hút và ảnh-hưởng của cái-gọi-là phong trào “Vào Đời” đã tạo một sức sống nào đó, để đến nỗi Trần Ngọc Tá nổi-hứng đã thêm câu kết cho lời phỏng vấn “bỏ túi” hôm ấy, đại-khái bảo rằng: tinh thần “Vào Đời”, nay được tiếp tục với cái-gọi-là “Chuyện Phiếm Đạo vào Đời”, cũng quá lời.
Nay, ghi lại đôi điều hiện nổi lên trong trí nhớ, cũng chỉ để gợi lại một đề-nghị rất cỏn con, rằng: có nên duy-trì tinh-thần “Vào Đời”, ở mọi nơi không? Và nếu được, có nên có một buổi hát ca văn nghệ hoặc hòa nhạc nào khác mang tên: “Hallêluyah, một hội ngộ” ở đâu đó, chốn sản-sinh tinh-thần này hoặc ở nước ngoài? Câu trả lời, xin dành để cho mỗi người, bạn bè cũng như người thân, vẫn gần gũi tinh thần An Phong, rất Hallêluyah, lâu nay.
Mai Tá ghi nhanh từ Sydney,
Những ngày cuối tháng Mân Côi 2013.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét