Thăm Cha nhạc sĩ Thành Tâm
(tựa này do mình đặt - bài viết của Minh và nhóm "Jean de Dieu và Cố Yến" thực hiện)
Các bạn này đã làm được một việc thật tuyệt vời !
Các bạn này đã làm được một việc thật tuyệt vời !
Như đã hẹn trước, vào buổi sáng đẹp trời hôm thứ bảy ngày 26/10/2013 vừa rồi, anh em đại diện Lớp Jean De Dieu & Nhóm Cố Yến đã tề tựu tại Nhà sách ĐMHCG, có mặt gồm: Dương Hùng, Thành Mỹ, Minh Giàu, Minh Tân và Quang Minh để được gặp gỡ phỏng vấn LM. Nguyễn Thành Tâm (được biết Ngài hiện là Phó xứ nhà Thờ ĐMHCG, phụ trách Thiếu nhi thánh thể).
Tuy hẹn gặp Ngài vào lúc 9g30 nhưng anh em đã đến sớm trước 9g. Cha Thành Tâm tiếp đón anh em tại phòng làm việc của Ngài tại tầng 1 của Nhà xứ ĐMHCCG Kỳ Đồng. Đây là 1 căn phòng tuy sáng sủa nhưng khiêm tốn, cũ kỹ và có phần hơi bề bộn một chút do có chứa nhiều tư liệu, tranh tượng. Để trang bị cho cuộc phỏng vấn này, anh em đem theo 1 camera Sony hiện đại, 02 cái máy chụp ảnh digital và 01 máy thâu băng.
Vào đề, anh em thưa với Cha là muốn gặp gỡ Cha là vì các lý do như sau:
1/ Đại diện anh em Lớp JDD & Nhóm Cố Yến chúc mừng Cha nhân kỷ niệm 50 năm khấn dòng mà vì biết tin trễ nên chúc trễ, xin Cha thông cảm.
2/ Minh Tân đại diện mời Cha đến dự Lễ Lục tuần của các anh em vào dịp Tết Dương lịch.
3/ Và cuối cùng, thay mặt anh em có lòng yêu mến và có nhiều kỷ niệm với dòng nhạc Vào đời Alléluia xin được phép phỏng vấn Ngài một đôi điều đáng quan tâm về chủ đề này (đây là nội dung chính của buổi gặp gỡ)
Về 2 việc đầu Cha cho biết như sau: Việc tổ chức kỷ niệm khấn dòng không có trễ vì nhà Dòng sẽ kết hợp với Lễ kỷ niệm 80 năm thành lập DCCT SG, 50 năm thành lập Giáo xứ ĐMHCG vào ngày 30/10/2013 để tổ chức mừng kỷ niệm cho các LM luôn thể, trong đó có Ngài. Còn việc tham gia dâng Thánh Lễ tại gia cho anh em nhân dịp Lục tuần thì Cha vui vẻ nhận lời và căn dặn Minh Tân phải xin phép Đức Cha hoặc Cha sở địa phương.
BAN ALLELUIA & DÒNG NHẠC “VÀO ĐỜI”
(Đây chỉ là chuyện “kể trước” cho biết một số nội dung, còn sự kiện chính xác sẽ có vidéo clip do TM và CDH biên tập và phổ biến chính thức sau)
Chúng tôi không ngờ Cha Thành Tâm lại có sẵn tư liệu “tạm gọi là” đồ sộ như vậy về Ban Halléluia & dòng nhạc Vào đời từ thuở ban đầu thành lập: các bản nhạc, hình ảnh, thư từ, bài báo và các tài liệu khác. Nhiều thứ tuy đã cũ kỹ ngả màu ố vàng nhưng được sắp xếp cẩn thận theo thứ tự trong các album, file hồ sơ một cách thứ tự, lớp lang. Phải là người có tâm huyết và gắn bó thì mới có nỗ lực lưu giữ kỹ càng như vậy! Nếu như có ai gợi ý làm 1 cuốn sách để tập hợp tư liệu về phong trào Nhạc Vào đời_Ban Halléluia thì chắc… phải tìm đến đây để tham khảo các tài liệu quý này. Trong thời gian phỏng vấn ghi hình quay film, chúng tôi mà đặc biệt là CDH đã tích cực bấm máy chụp hình các tài liệu. Mặc dù, ngoài việc tự tay giới thiệu các tư liệu cần thiết, phần còn lại Cha nói đây là tài liệu riêng tư có tính chất cá nhân nhưng tranh thủ lúc Cha đang trả lời phỏng vấn, anh em cứ… làm tới. Tuy có chuẩn bị câu hỏi sẵn để phỏng vấn nhưng câu chuyện cứ tuôn trào thoải mái, trao đổi qua lại vui vẻ giữa cha con.
Có thể tóm tắt như sau:
1. Về thời điểm, các nguồn động viên thúc đẩy thành lập dòng nhạc Vào đời_Ban Halléluia:
- Theo Ngài cho biết và coi các tài liệu thì chúng tôi thấy rằng năm ra đời của Ban Halléluia là vào năm 1967, mà cụ thể là vàongày 28 và 29/1/1967 với buổi trình diễn hai bài hát "Vào đời" và "Người gieo giống" tại sân khấu Domaine De Marie ở Đà Lạt gồm các khán giả đa số là nữ tu. Buổi biễu diễn thứ hai (ít ra là như vậy) đánh dấu với việc lancer bài "Alléluia - Hát lên người ơi" của Ban Halleluia Học viện được thực hiện vào ngày 11/6/1967 tại buổi cơm gia đình kết thúc niên học để cám ơn các cha giáo.
- Các nguồn động viên cổ vũ: ngoài ảnh hưởng của luồng gió mới từ Cộng đồng Vatican II, từ dĩa nhạc nhóm Học viện DCCT (Canada), và sự gợi mở của LM.Nguyễn Ngọc Lan, giáo sư Triết, (vừa du học bên Pháp về)... Ngài cho biết còn có sự ủng hộ trực tiếp rất nhiệt thành của Cha Cao đăng Minh(Phó giám đốc Học viện), Cha Nguyễn Tự Do, tuyên úy quân đội phụ trách Giờ phát thanh công giáo (ở Sàigòn) và sau này là sự hỗ trợ của cha Louis Qui (coi nhóm bụi đời An Phong, bên Pháp) …
- Về ảnh hưởng của dòng nhạc: Ngài cho biết có chịu ảnh hưởng bởi dòng nhạc ngoại quốc Tây phương thời đó mà Ngài từ nhỏ tới lớn, do “gen’’ của mẹ, đã thường tiếp xúc và chơi thể loại nhạc này. Nhưng Ngài đã soạn lại để thích nghi thành dòng nhạc đặc thù như đã biết. Ngài tâm sự: "Sau này, hàng chục năm sau, có nhiều tác phẩm cũng mang danh nghĩa "Vào đời" nhưng nhạc nghe sao không giống thể loại của tôi, mà giống như là tân nhạc "Đời" vậy?!..."
Anh em cũng có nghe vào thời đó có Soeur Sourire (dòng Đaminh) cũng sáng tác với thể loại nhạc tươi trẻ hấp dẫn, nên hỏi Ngài có bị ảnh hưởng không? Ngài cho biết không có liên quan gì. Tuy nhiên, Ngài tiết lộ có chịu ảnh hưởng bởi phong thái của LM.Aimé Duval là người đã có sáng kiến sáng tác và hát những ca khúc có nội dung "đạo đức" trong một số quán ăn ở bên Pháp vào thập niên 50....
2. Thành viên ban đầu:
- Chúng tôi may mắn có được 01 tấm hình quý do Cha Thành Tâm đưa cho coi, thấy các thành viên ban đầu gồm khoảng hơn 10 người, (đính kèm hình, từ trái sang phải, có vài người bị khuất) là Các Thầy: Trần Ngọc Tá, Trần Sỹ Tín, Trần Ứng Tường, Vũ Nhuận (?, vì hình bị khuất không rõ), Ngọc Thái, Thành Tâm, Vân và Vinh. Người đánh trống bị khuất là Thầy Thủy. Còn Tiến Lộc, Đức Mầu và Tuấn khuất phía sau?
- Hỏi Ban Halléluia có bầu trưởng ban, phó ban gì hay không? Cha Tâm trả lời là không! Tuy cha không tự nhận, nhưng chúng tôi thấy Ngài (nhạc danh khác là Tuấn Anh), tay “guitar Lead” lúc đó, xét về kiến thức âm nhạc và chỉ vẽ cho các bạn…và các bản nhạc do Ngài sáng tác, chiếm lĩnh trong dòng nhạc Vào đời, thì chúng ta có thể coi Ngài là người sáng lập ra Ban Halléluia (!) và thể loại nhạc này, mà sau này được tiếp nối bởi những người khác (?)
3. Về thành kiến và áp lực: với sự tò mò, chúng tôi phỏng vấn Ngài câu này. Ngài nói không biết sau này ra sao nhưng thời của Ngài thì Ngài không cảm thấy bị áp lực gì vì mọi việc Ngài có xin phép Bề trên rồi. Tuy nhiên, lúc đầu không hẳn là được mọi người đón nhận ! Ngài cho biết có một Đức Cha (nay đã quá cố), ra 1 văn thư chính thức cấm giáo phận hát thể loại nhạc Thành Tâm trong thánh lễ. Và một số LM ở đó kháo với nhau : khi nào Đức Cha không làm chủ tế thì tùy nghi mà hát, nhưng hát với tiết tấu chậm lại là được. Sau này, tình cờ Đức Cha nghe thì khen, nói bài hát này của ai mà nghe được quá...
Một số bài nhạc Vào đời hiện nay được đưa vào Phụng vụ, hát trong thánh lễ !
4. Sự chia tay của Ban nhạc: với sự suy nghĩ rất đời là thông thường các ban nhạc sẽ chia tay tan rã phần lớn do có sự lục đục trong nội bộ. Thí dụ như Ban Beatles chẳng hạn. Nhưng khi phỏng vấn câu này, Ngài cho biết : “không có sự chia tay như vậy đâu! Chẳng qua là sau khi hết năm Thần học 4 thì anh em Lớp chúng tôi phải đi “thực tế”, mỗi người chọn một hình thức tông đồ mình thích. Người thì lên Pleiku, người thì tháp tùng các cha già đi giảng Đại phúc hoặc nhận một công việc khác do Bề Trên gợi ý. Thế là mỗi người mỗi hướng”!
Tuy quên không hỏi thêm! Nhưng theo anh em chúng tôi suy đoán, Ban Halléluia chỉ hoạt động trong thời gian ngắn ngủi, khoảng hai năm thôi khi còn ở Học viện Đà Lạt. Nhưng sau này dòng nhạc Vào đời vẫn tiếp diễn và có các ban nhạc “hậu sinh” khác tiếp nối. Điển hình là vào khoảng năm 1970, Lớp Jean De Dieu chúng tôi đã hình thành 2 ban nhạc cũng mang tên gọi Vào đời (hình như là duy nhất tại ĐTV vào thời đó). Một ban gồm các tay đờn trống lão luyện gồm: Việt Anh, Đắc Nghĩa, Quốc Thắng và Thanh Lâm (trống). Một ban trình độ hơi nhỉnh hơn gồm: Đình Tuyên, Nam Mỹ, Thành Mỹ và Chí Minh (trống).
5. Ý nguyện của Cha Thành Tâm khi sáng tác nhạc Vào đời:Tuy không được chuẩn bị trước với một câu hỏi khá lớn lao trừu tượng như vậy, Ngài đã bộc bạch với chủ ý rõ ràng : "Xin được làm một chút gì gọi là để góp phần vào gia sản Thánh nhạc của Giáo hội, để ngợi khen Chúa. Ai đón nhận được thì đón nhận. Ai chê bai thì mình cũng đón nhận...". Ngài nói thêm, trên trang mạng Ca trưởng, cũng đôi lúc có bình luận hơi nặng lời đối với dòng nhạc Vào đời hoặc sau khi nghe hát ở đâu đó, có người tới méc : “tụi nó hát sai quá xá, anh mà nghe chắc phải nổi giận đập trống luôn!”... tôi nghe thì cũng cười vậy thôi…(Miễn sao họ cầu nguyện ngợi khen Chúa Mẹ là được rồi!)
6. Các chi tiết thú vị khác:
- Ở trên mạng có hình chụp hành lang lầu thượng Nhà Dòng Đàlạt, nói đây là chỗ Ban nhạc Alleluia tập luyện khi xưa. Nhưng Ngài đinh chính là không đúng như vậy vì chỗ này trống hoác. Nếu tập luyện hát hò trên đó thì ồn ào lắm!... Chỗ tập luyện, thâu băng của Ban là căn phòng nhỏ kế bên cầu thang, tầng hầm ở bên phải của bức hình. Nó là phòng để nghe nhac, xem phim..của Học viện.
- Có 1 bức hình quý chụp cảnh Cha Thành Tâm đang đàn acordéon, ông Cố Phêrô Hoàng Yến đang thổi kèn Harmonica (Ngài giả bộ thôi!). Anh em cho là chụp ở Vĩnh Long.
- Hỏi là trên mạng có nghe nói Ban Alleluia có trình diễn ở... vũ trường? Ngài nói chưa!
Vào thời Ngài, Ban Alleluia đã lưu diễn tại các dòng tu nam-nữ, các Tiểu-Đại chủng viện, Nam-Nữ Trung học, Đại học công giáo… ở Đàlạt. Và tại Nha Trang, dịp hè, trên sân khấu nhà.
- Có thủ bút của ĐHY.FX Nguyễn Văn Thuận gửi cho Cha Thành Tâm viết : "Lúc này con còn sáng tác không? Đó là đặc sủng của Chúa ban cho con, phải nhớ mà sáng tác. Gửi cho Cha với!...". Và lá thư của Đức cha P.Nguyễn Văn Nhơn, lúc ngài còn ở Đàlạt….
- Hỏi về các tác phẩm nhạc mà Ngài sáng tác khoảng bao nhiêu? Ngài cho biết khoảng 180 bài, tính luôn dài ngắn.
- Nói về ước muốn ghi lại lịch sử của dòng nhạc vào Đời: chúng tôi có tình cờ chụp được 1 tài liệu lịch sử do chính Nhạc sĩ biên soạn từ lâu với màu giấy đánh máy ố vàng, trong đó trình bày mạch lạc, theo mục lục như sau:
I. Tiền thân của thể nhạc này.
II. Thời kỳ hình thành và phát triển, qua 3 giai đoạn:
A. Từ "ngoài nhà thờ": 1967 - 1970
B. Mời tiến vào "trong nhà thờ": 1970 - 1980
C. Để "đi vào Phụng vụ" (đặc biệt là Thánh lễ "giới trẻ" và "thiếu nhi"): 1980 - 1990
(tiếc là người viết chỉ chụp trang đầu, đính kèm)
Buổi nói chuyện kết thúc vào khoảng 11g30. Khi đến đoạn cuối anh em có mời Cha Thành Tâm giới thiệu về song thân của mình, mà tro cốt của các vị để ngay tại phòng làm việc của Ngài.
Sau cùng, anh em cám ơn Ngài đã dành thời giờ tiếp anh em để có được cuộc nói chuyện thú vị này!
* Ghi chú:
- Nghe lại băng ghi âm mới thấy rõ tính không chuyên nghiệp của anh em ta khi đi phỏng vấn: Lúc Cha Thành Tâm đang kể chuyện mạch lạc hoặc đang trả lời phỏng vấn đi vào chủ đề chính. Anh em ta tự nhiên nói đùa, đưa vào thông tin khác phang ngang nữa chừng, làm cho Ngài phải lịch sự bắt chuyện, rồi tới phiên anh khác lại nhảy vào đế thêm nữa...., thành ra cuối cùng quay lại với chủ đề chính không được nữa mặc dù Ngài đã cố gằng làm vậy. Mà nhiều lần lập đi lập lại như vậy thành ra câu chuyện đứt khúc nữa chừng, giống như 1 buổi nói chuyện tâm sự chứ không giống buổi phỏng vấn để có được tư liệu quý đang được quan tâm. May là có chụp hình tư liệu mới còn chuyện để kể. Bái phục cho anh em ta (trong đó có tớ) và xin lỗi cha Thành Tâm.
- Bài viết này đã hân hạnh được Cha Thành Tâm, mặc dù bận nhiều việc nhưng đã bỏ thời giờ duyệt qua, chỉnh sửa về các chi tiết lịch sử. Nhân tiện, nếu Cha Thành Tâm thấy có gì cần nói thêm thì xin cho biết. Xin được cám ơn Cha.
- Các hình ảnh tư liệu gửi kèm chỉ là 1 phần nhỏ, còn các tư liệu khác do TM và CDH chụp hình, quay film ghi nhận lại chưa thể truyền đạt hết. Tuy nhiên, nếu muốn tìm hiểu thấu đáu hơn về chủ đề này, chắc anh em ta phải chịu khó quay trở lại một lần nữa.
MS
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét