Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

Ngày 100 - TÌM LẠI THỜI NIÊN THIẾU

TÌM LẠI THỜI NIÊN THIẾU

Hôm nay, tôi nhớ lại quá khứ bắt đầu từ năm 1963, dựa phần nào theo mốc thời gian cho dễ viết. 
Mình tìm thêm vài chi tiết liên quan đến đệ tử DCCT ở Huế từ 1956 đến 1990, còn Đệ tử Vũng Tàu từ ngày chuyển từ Huế vào, hình như từ năm 1956, 57 gì đó, rồi lại vào Chợ lớn năm 1965, xuống Thủ Đức 1968 .... là thời gian chịu sự tác động của nhiều biến cố chính trị xã hội dồn dập từ bên ngoài. Ở một góc độ nào đó thì thấy khá hấp dẫn ly kỳ. Nhưng phải nói là các con cái cha thánh An Phong  đã nhận được ơn Chúa dồi dào và sự che chở của Mẹ Hằng Cứu giúp.

Có gì thiếu sót các thầy góp ý thêm nghen:

Nhân hôm 22/8/2013, chúng ta thu xếp công việc gia đình, tụ về Nhà Dòng Kỳ Đồng dự Lễ kỷ niệm sinh nhật 80, khấn dòng 60 năm, 55 năm linh mục của Cha Giuse Phan Thiện Ân. 
Chi tiết thánh lễ chúng ta có thể đọc xem tin tức ở link của Nhà DCCT: http://www.chuacuuthe.com/2013/08/23/thanh-le-ta-on-bat-tuan60-nam-khan-dong-va-55-nam-linh-muc-cua-cha-giuse-phan-thien-an-dcct/














Năm 1963, Cha Ân là cha phó, phụ trách đoàn nhỏ của Đệ tử Vũng Tàu. Năm học 63-64, ba má lại gửi tôi ra Đệ tử Huế, khi đó cha Lôrensô Vũ Văn Phát là giám đốc. Qua năm 1964, cha Phát làm Bề trên Nhà Dòng Huế. Còn cha Ân từ Vũng Tàu ra Huế nhận chức Giám đốc tiểu đệ tử Huế vì nhà chỉ còn 3 lớp: 7, 6B và 6A.

Kỷ niệm lần đầu vào nhà Đệ tử mà tôi còn nhớ như in, là chiều hôm đó, cô tôi đưa tôi đến gặp cha Giám đốc. Sau khi cha Phát xem thư của ba tôi cùng giấy tờ của tôi ở phòng khách, cha mở cửa ra hành lang bên trong nhà, thấy ngay một chú trạc tuổi tôi đi qua, trông như anh tây lai. Cha ngoắc chú ấy lại bảo dẫn tôi lên nhà ngủ cất đồ. Chú nhanh nhẹn cầm lấy cái valy nhỏ của tôi xách lên cầu thang bên cạnh hành lang từ nhà khách. 

Chú bảo tôi đi theo lên lầu 2, toàn bộ là nhà ngủ, có một lối đi chính giữa từ cửa chính đầu này cho đến cửa ra vào tận đầu kia vừa dẫn xuống cầu thang bên kia đồng thời dẫn lên sân thượng. Hai bên lối đi phân thành từng hàng giường sắt sơn màu trắng ngà. Mỗi hàng giường đều có lối đi nhỏ có lối đi vừa đủ cho 1 người. Cứ bên cạnh mỗi giường ở đầu giường có một cái tủ nhỏ, gồm 1 ngăn nhỏ để vật dụng cá nhân như bàn chải đánh răng, ngăn dưới lớn hơn để quần áo. Giường đã được trải chiếu, một cái gối bọc vải trắng ở đầu giường, còn 1 tấm chăn được xếp ngay ngắn phía dưới. Cái giường sắt có gắn 4 cây sắt kết nối bằng bốn thanh ngang. Một cái mùng muỗi trắng phau móc bằng khoen tròn treo trên thanh ngang, được đẩy dồn về phía đầu giường, và được túm cột lại bằng một dải băng màu xanh dương. Khi nhìn toàn thể nhà ngủ, tất cả giường tủ đều i như nhau với màu trắng của mùng treo thẳng tắp, sạch sẽ, và gọn gàng. Ánh sáng từ các cánh cửa sổ lớn ở hai bên hông mở rộng, làm cho ánh nắng ban chiều ùa vào sáng rực rỡ. 

Tôi thấy có vài chú đang loay hoay ở bên cạnh giường của mình, xếp dọn dồ, nhưng nói chung là tương đối vắng vẻ. Tôi hỏi chú hướng dẫn: "Mọi người đi đâu hết rồi?" "À, đi ra chơi hết rồi. Chiều này chơi tự do. Mình tên Đình, Hoàng Xuân Tràng Đình", chú ấy đáp lại nhiệt tình nhưng nói giọng hơi nhỏ. "Khi vào nhà ngủ thì mình không được nói chuyện, chơi đùa. Chỉ nói nhỏ với nhau những gì cần thiết thôi", chú Đình nói.

Tôi nói mình ở tận Saigon mới ra, không qua lớp thử nên không biết gì cả, nhờ anh chỉ cho. Trong khi tôi xếp đồ vào tủ, Đình chỉ cho tôi tháo mùng bằng cách với tay tháo cái móc nhỏ ở dải đai xanh túm eo cái mùng. Chiếc mùng bung thẳng xuống. Đình tiện tay nắm một đầu mùng kéo về phía đầu giường. Những khoen sắt cột vào nóc mùng cọ sát vào hai thanh sắt dọc reo lên âm thanh nghe thật vui tai. Đó là cái âm thanh mà tôi nghe rất quen thuộc của mỗi buổi sáng thức dậy đồng loạt, nhưng khi đêm xuống thì âm thanh này lại không đồng đều, nhưng cũng rộn ràng trong khoảng 10 phút, rồi rơi vào yên tĩnh, kế tiếp là bóng tối và giấc ngủ đêm. "Vậy là mình treo xong mùng ngủ rồi đó", Đình vừa nói vừa biểu diễn kéo ngược cái mùng trở lại phía đầu giường rồi lại với tay túm gọn cái mùng và thắt eo lại bằng cái đai xanh, rồi nói tiếp, "khi ngủ dậy, anh làm như thế này, chỉ mất trong mấy giây thôi. Nè xếp đồ lẹ lên, cởi quần dài ra, rồi ra sân chơi đá banh với tụi mình". Nói là làm, Đình chạy nhanh ra phía cánh cửa dẫn xuống cầu thang. 

Đó là người bạn lớp 7 ở Đệ tử Huế của tôi, Hoàng Xuân Tràng Đình, cháu ruột của cha Giuse Phan Thiện Ân. Chính vì mối quan hệ ruột thịt này mà Đình thường phải chịu đòn thay cho các bạn khi cha Ân (trở về Huế làm giám đốc thay cho cha Phát) không truy ra được "thủ phạm" các vụ nghịch phá của các chú nhỏ hoặc là bị nhéo tai, chịu cú bạt tai, phạt quỳ ...

Trở lại chuyện lúc nãy với Đình. Chúng tôi chạy ra sân banh nằm bên ngoài nhà Đệ tử, bên cạnh trường tiểu học Việt Hương của nhà dòng. Tôi thấy khoảng mười mấy chú đang rượt đuổi nhau với trái banh. Đình nhập cuộc nhanh chóng. Tôi đứng lớ ngớ, chưa biết vào đội nào. Lúc ấy có một chú chạy đến bên tôi, hất cằm hỏi tôi, "đứa nào đó?" Tôi chỉ tay về phía Đình, "tôi theo anh ấy". Chú lại hỏi, "thằng Đình [....] hả?'' Tôi khó chịu nói xẳng lại: "thì sao?" Chú xấn lại cà khịa với tôi. Tôi "xửng cồ" lại. Hai bên coi bộ muốn chơi nhau một trận(!) Đoán được sắp có trận chiến, cả đám ngừng chơi kéo lại phía hai đứa chúng tôi. Lúc ấy có tiếng kẻng liên hồi từ bên kia nhà Đệ tử báo hiệu hết giờ chơi. Chú này bỏ tôi đi mà không quên buông lại một lời gì đó tôi không nghe rõ. Đình đến bên tôi kéo tay tôi đi, vừa nói: thằng Ánh [....] dân Phủ Cam đàn em Phú [...] đó! Thế là ngày đầu tiên nhập đệ tử Huế tôi biết tên 2 người bạn mới: Hoàng Xuân Tràng Đình và Nguyễn Văn Ánh. .... rồi những ngày kế tiếp, tôi làm quen thêm các cùng lớp 7:  Ân, Hộ, Hồng, Chiến, Hòa, Phương, Thuấn .... Nhưng chúng tôi sống theo đội, một nhóm 6,7 người. Đội phó/ trưởng là các anh lớp trên. Anh đoàn trưởng là anh Hội, về sau là cha Hội. Anh đoàn phó là anh Tâm, tụi tôi rắn mắt hay gọi là anh Tâm ngố, vì anh ấy hiền và vui vẻ, bị chọc mà không tức. Tiếc quá, cha Tâm sau này về làm bề trên Nhà Huế chưa được bao lâu thì chết vì tai nạn xe cộ. Còn anh Hào khi bị chọc thì chẳng tha đứa nào, rượt theo bắt cho bằng được, rồi cú một cái lên đầu đau điếng, nay là cha Hào phụ trách Nhà sách Kỳ Đồng vui vẻ, ít nói nhưng rất cần mẫn.  

Tôi ở nhà Đệ tử Huế một năm. Có nhiều kỷ niệm để nhớ mãi. Sẽ kể được đủ thứ chuyện lớn nhỏ ở đó, năm đó - 1963 - 64. Vì đường xa cách trở, ba tôi lại xin chuyển tôi về nhà đệ tử Vũng Tàu. 

Thời gian này chiến sự bắt đầu dữ dội từ năm 1964 sau khi nền đệ nhất cộng hòa miền Nam bị lật đổ. Nhà đệ tử nằm bên cạnh sân bay quận sự Vũng Tàu cho nên các chú không thể nào học hành được vì tiếng máy bay cất và hạ hánh ngày đêm liên tục. Nhà Dòng quyết định dọn nhà vào hè 1965. 

Khi này cha Phêrô Đặng Văn Đào là giám đốc, cha Lộc là cha phó phụ trách đoàn nhỏ, chỉ có lớp 6B của chúng ta và lớp 6A (Ánh đế, Chiến, Thuyết, Tùng ..), không nhận thêm lớp mới, chỉ có Đệ tử Huế mới nhận thêm lớp mới. Đoàn giữa (Đoàn Hiệp sĩ) do cha Ngô Đình Thỏa phụ trách. Còn đoàn lớn có cha Nguyễn Văn Thọ (tức anh Hai Thọ bây giờ - lúc ấy mình nhớ cha nghiêm lắm, có tác phong nhà binh). 

(ngày mai, ngày 99, sẽ nhớ tiếp ...)  

Theo danh sách 2 lớp Huế và Vũng Tàu do thầy Khiêm cung cấp, tương đối đầy đủ nếu tính từ năm đầu tiên, vì mỗi lớp cũng có khoảng hơn ba chục người, ai biết thì thêm vào:  

An - Ân - Ấn - (Minh Anh) - Ngọc Anh - Ánh - BÍCH - Bửu - (Chiến) - Chiếu - Chu - Chung - Cung - Đào -Đình - HXT Đình - Định - (Giầu) - Haỉ - Hầu - Hiển - Hiến - (HÒA) - M.Hoàng - Chánh Hoàng - Hồng - Thế Hùng - Văn Hùng - Q.Huy - Khải.Huy - Khải - Khánh - Khiêm - Ký - Lâm - Lộc - Kỳ Long - Thanh Long - Văn Long - (Luân) - Mầu - Minh Nhị - Phồn- Phứơc - Phương - Quân -(Quang) - Quới - Qúy - Quyền  - Văn Sơn - Sơn - Tài - Tân - Tam - Tâm -Thanh - Thanh VT - Thạch - Thăng - Thảo - Phùng Thảo - Thế - Thể - Thiện - Thông - (Thuấn) - Thụy - Tín - (Tòa) - Trân - (Tuấn)  -Vân  - Vinh - Xuân : 75 chú

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét