Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

Ngày 98 - NHÀ ĐỆ TỬ DCCT HUẾ

NHÀ ĐỆ TỬ DCCT HUẾ

Anh Vũ Sinh Hiên viết về Nhà Dòng Huế trong “Câu chuyện những cây đại thụ” ghi rằng cha Eugène Larouche là cha giám đốc đầu tiên vào năm 1928 là chưa chính xác lắm, vì trước đó, cha Cousineau đã làm giám đốc 1 năm (1927 -1928). 


Cha Hubert Cousineau
                                       Nhà Đệ tử đầu tiên là túp lều tranh dựng tạm trong vườn nhà ông Đinh Doãn Sắc           
Các chú đầu tiên (sau này là cha Trần Hữu Thanh, cha Nguyễn Quang Kiêm, cha Hoàng Quang Lượng, thầy Edmond Hà) ở tạm trong một căn nhà tranh dựng lên trong vườn nhà ông Đinh Doãn Sắc. Nhà ông Sắc cách nhà ông bà nội tôi mấy căn, chia cắt bằng đường rầy xe lửa dẫn lên ga Huế (hiện nay ông Gioankim Đỗ Trinh Huệ là chủ nhà). Thời ở Đệ tử, cuối tháng được dịp về thăm gia đình, tôi đi bộ từ cửa sau nhà đệ tử, dọc sông An cựu, qua cầu Kho rèn (hay Lò rèn?), đi một quãng là tới nhà. 
  
                            27 chú đệ tử lớp đầu tiên cùng với cha Cousineau và cha Larouche
                                 cùng với ông Đốc Sắc trước nhà của ông vào năm 1928.

Cũng phải thôi, cha Eugène Larouche là giám đốc đệ tử viện Huế lâu nhất (1928-46); rồi cha Dubé (1946-51); cha Labonté (51-55). Chưa tìm thấy trong tư liệu Nhà dòng từ 1956 là các cha giám đốc nào. Nhưng theo mình nhớ năm 1962, là cha Sơn. Vậy năm nào thì Đệ tử viện chuyển vào Vũng Tàu? Chắc chắn là sau Hiệp định Genève, vì nghe nói, các cha dự định chuyển về Vũng Tàu cho dễ lên tàu “ra khơi”, cho nên mới có cái motto “Duc in Altum” của Đệ tử Vũng Tàu (mà cũng rất là ý nghĩa! Bây giờ là tên nội san của các anh cựu đệ tử ở Úc).                                                                                                                                                                  Cha Larouche (cố Hiền)
Đệ tử viện Huế xây xong vào tháng 1.1930.




Nhìn vào Nhà Đệ tử Huế, phải thật sự nhìn nhận về thiết kế kiến trúc tòa nhà khá hợp lý trong một khối hoàn chỉnh của một trường trung học nội trú, có những thuận tiện trong di chuyển đến từng nơi sinh hoạt. Tòa nhà này đã là mô hình mẫu sau này cho các trường gần bên là trường Thiên Hựu (Providence) và Tiểu chủng viện Hoan Thiện. Nhà Đệ tử Vũng Tàu, tuy nhà thiết kế cố gắng tối đa nhưng vì không nhằm mục đích lâu dài, cho nên có nhiều điều bất tiện. Càng nhiều bất tiện hơn khi dọn về Chợ lớn. An Phong Học viện Thủ Đức trông đồ sộ hơn, nhưng kiến trúc sư không hiểu hết triết lý đào tạo "có định hướng đời sống tu" cho tuổi thiếu niên cho nên cũng có một số bất cập trong chi tiết thiết kế (hãy thử bàn thêm về sau).

Tháng 9/1930, số đệ tử là 77 chú, chia thành 5 lớp, tăng dần lên đến khoảng trên 120, cho đến năm 1945. 
   
Vị trí chụp hình: trên sân banh, dãy nhà bên trái - nhà khánh tiết, dãy nhà ngang phía sau - nhà chính đễ tử viện; dãy nhà thấp bên phải: nhà kho. Hiện nay, người dân kéo về tỵ nạn từ Tết Mậu Thân 1968 ở luôn phần sau nhà đệ tử viện cho đến nay.

Rồi tăng lên 9 lớp từ lớp 8è (Huitième) - cho lứa 10 tuổi, vì cha Ân "khai" là cha vào đệ tử lúc 10 tuổi) là lớp nhỏ nhất, rồi kế tiếp là lớp 7è (Septième) ... lớp 1è (Première), rồi lớp cuối cùng trước khi vào Nhà Tập là lớp Triết gọi là lớp "phi-lô" (philosophie). Lớp nhỏ nhất có khoảng 15-20 chú. Cứ mỗi năm rơi rụng vài chú, vì nhiều lý do khác nhau. Lớp cuối chỉ còn khoảng 5, 7 chú lớn ở tuổi 18 - 20. 

Các cha Canada rất quan tâm đến việc đào tạo về nề nếp sinh hoạt thường ngày của một cậu bé, chẳng hạn rửa tay trước khi ăn cơm, chải răng trước khi đi ngủ, quần áo tươm tất từ sau khi vệ sinh sáng cho đến lúc thay đồ nghỉ trưa, cách cầm muỗng nĩa khi ăn, cách đi đứng, quỳ ngồi ... hàng ngàn thứ phải tập luyện sao cho tự nhiên mà không cảm thấy gò bó. Cho nên phải tập luyện ngay từ lúc nhỏ là vậy, từ lúc 10 tuổi theo "qui chế đào tạo" của năm 1928. Thật vậy, chúng ta đã có dịp xem phim tài liệu mà các cha đã quay được hình như vào khoảng năm 1935, 40 gì đó. Những thước phim tài liệu thật quí! Những cảnh các chú nhỏ thức dậy có các thầy trợ sĩ giúp lau mặt với các chậu nước trong phòng tắm, kể cả cảnh các chú "ở truồng" đứng cho các thầy chà xà bông lên người, kỳ cọ ... "Rứa" mới biết "sự công phu" để có một linh mục "đầu cao mắt sáng" sau này là như thế nào (!)

Sau Hiệp định Genève 1954, do Đệ tử viện từ Thái Hà/ Hà Nội di cư vào miền Nam, cho nên Đệ tử Huế cũng rút theo vào Nam, sát nhập chung ở Vũng Tàu, thành Đệ tử viện Vũng Tàu.

Năm 1958, cha Sơn làm giám đốc,  Đệ tử viện Huế mở lại, thu hẹp qui mô thành Tiểu Đệ tử viện chỉ còn các bốn lớp nhỏ, thì số lượng năm đầu được tăng lên. Một lớp có khoảng 30 chú. Tôi không biết thời nào, đã có sự sắp xếp lại tên gọi các lớp nhỏ, lớp 8, 7 và 6A / 6B, mà bỏ luôn lớp 8. Hình như để tương ứng với lớp đệ thất của chương trình Việt bên ngoài, và lớp Septième của chương trình Pháp, để khi lên đến lớp 4è các chú có thể thi Trung học đệ nhất cấp, lên 3è thì thi BEPC của Pháp, lớp 2è thì thi Tú tài 1, lớp 1ère thi Bac1 (Baccalauréat 1) và Tú tài 2, lớp Triết thi "Bắc đơ" (2è Baccalauréat). Sẽ trở lại việc thi cử này sau, cũng là một đề tài đáng bàn thêm. Năm học 1963 - 1964, thời cha Phát, Nhà Huế có 3 lớp, lớp 7, lớp 6B và lớp 6A, gồm trên 100 chú.

Lớp chúng ta vào năm đầu tiên ở Huế là lớp 7 của năm học 1963 - 1964 với cha Phát làm giám đốc, cùng lúc với lớp Đệ tử ở Vũng Tàu, thành ra có 2 lớp 7, năm đó chưa có tên riêng để gọi. Sau này chúng ta phân biệt nguồn gốc thì gọi lớp Huế và lớp Vũng Tàu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét