Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

Ngày 81 - THÁNH LỄ MISA

THÁNH LỄ MISA LÀ TRUNG TÂM CỦA ĐỜI SỐNG TU SĨ DCCT

Tiếp phần "việc đạo đức": 

Chú còn được dạy, "Đời con còn phải là thánh lễ kéo dài" ... Ý là mình phải cố gắng sống sao cho xứng đáng, tránh làm cho con người mình nên hoen ố ... mà lỡ có sai phạm điều gì thì chiều thứ Năm nào, là ngày nghỉ học buổi chiều giữa tuần, cũng có giờ Xưng tội. Chú không biết rằng cách sắp lịch như vậy là nhà giáo dục khôn ngoan nhằm cân bằng cho thời gian học tập trong tuần, học sinh được giảm áp lực có một buổi nghỉ ngơi ngắn, còn đệ tử viện thì giải quyết được một trong những giờ sinh hoạt đạo đức cần thiết là giờ xưng tội, hướng dẫn thói quen lãnh nhận bí tích hòa giải này hằng tuần (nhưng không hiểu thế nào, lớn lên các chú rất thích giải tội tập thể ... có dịp sẽ nói thêm sau). Giờ  ngủ trưa được dài hơn một chút, rồi xuống nhà nguyện làm việc đạo đức, các chú xưng tội riêng và làm giờ chầu thánh thể, chỉ trong 1 tiếng, rồi ăn bữa lỡ (goûter) và giờ ... giờ quan trọng nhất, đó là giờ chơi được kéo dài hơn một tiếng (giờ chơi này là trận đá banh có nghỉ mi-temps.) 

Nói về giải tội. Cha giải tội là các cha ở bên nhà dòng (ví dụ cha Nghiễm, tác giả các quyển sách Dừng, Sống, Vươn - mình nhớ cái dáng đi của cha rất ư làn nhẹ nhàng, nói năng cũng rất từ tốn, ngài cũng cho đọc rất ít kinh để đền tội, hình như là chỉ một kinh kính mừng ...) được qua ngồi tòa giải tội, vì vậy các chú không phải lo các "bí mật riêng tư" sẽ bị bóc trần. Thật ra cái gì rất ư là "kín đáo" có ... trời biết, thì mới phải xưng, chú cho là vậy. Nhưng bị anh em mình phát hiện, thì vẫn xưng, như vậy là lãnh phạt hai lần, dù kinh đền tội quá ư là nhẹ nhàng. Còn cái tội mà bị trừng phạt công khai ... đôi khi "nảy đom đóm", do bị cú bạt tai của cha Ân, hay cha Thụy. Lớp nào vào đầu năm học cha cũng thông báo có 2 zélateur(s) cha chọn và phát cho chú ấy một cuốn sổ để giúp cha ghi chép các lỗi vi phạm giờ giấc sinh hoạt ... của các bạn trong lớp mình, đến giờ sinh hoạt trong tuần của lớp vào buổi tối, thì chú này sẽ đọc tên những người đã vi phạm, bây giờ mình tạm dịch là báo cáo viên, nhưng nó không giống mấy anh ăng ten hay là báo cáo viên trong trại học tập cải tạo. Zélateur thường là người gương mẫu.  Ai giữ sổ zélateur cũng khiến cho anh em dè chừng, hơi xa lánh ... Biết điều đó, cha không để ai phải đảm nhận công việc này cả năm. Một hai tháng thì thay người. Nhưng cũng có lúc cha chọn một chú hay nghịch làm zélateur, nhưng lại có tác dụng ngược, là vì chú ấy chẳng chịu ghi ai, mà lại thành khẩn ghi tên mình vào sổ ... Thật tình, mục đích của nó là cha nhờ có những ghi chép này để giải thích, uốn nắn hơn là xử phạt.

Thánh lễ buổi sáng sớm, diễn ra trong bầu không khí như đã kể trên dần dần làm cho mình có một cái cảm nhận thật đặc biệt. Bỏ qua những lúc ngái ngủ ... riết rồi quen, nhất là đã thể dục xong, quần áo chỉnh tề, cha con cùng tiến đến bàn thánh, quả thật là thánh thiện. Đối với tôi, có lẽ đã làm cho minh trở nên khó tính khi tham dự thánh lễ ở bên ngoài tu viện. Có thể phần nào trở về cái cảm giác đó khi mình đi lễ buổi sáng, nhưng quanh mình chỉ gồm các cụ già với tiếng đọc kinh "như cái máy" cứ lặp đi lặp lại đến chán ... Nhưng sáng sớm cũng thật khó khăn để đến nhà thờ ... do đời sống gia đình và không thuận tiện đi lại. Buổi chiều thì ồn ào xe cộ tấp nập giờ tan ca và khói bụi ... Thỉnh thoảng, tôi cũng được trở về bầu không khí ấy vào những kỳ nghỉ hè, đi chơi xa, đến sống ở một tu viện vài ngày thì được trải nghiệm

Đối với những ai đã sống ở Đệ tử Huế, chắc chắn sẽ không bao giờ quên Thánh lễ ngày Chúa nhật. Từ đầu năm, các chú được một bộ áo ca nhi. gồm một áo dài trắng (như áo giúp lễ), khăn để làm nón capuchon (mũ trùm), một dây dài để cột ngang thắt lưng, và 1 thánh giá gỗ có dây để đeo trước ngực. Chú phải phủ tấm khăn lên đầu trước, dùng dây gắn ở hai đầu khăn quấn giữ ở ngang hông, rồi trùm cả cái áo dài qua đầu, rồi tròng dây thánh giá qua đầu, cây thánh giá sẽ ở ngay trước ngực, kéo khăn trùm xuống khỏi đầu thành cái mũ trùm capuchon, cuối cùng là lấy dây vòng quanh hông, thắt lại thành nút ở bên hông phải sao cho hai đầu giây buông thõng xuống bằng nhau. Đó là áo giúp lễ của mỗi chú, cũng là áo để đi dự lễ Chúa Nhật với cộng đoàn giáo xứ Đức Mẹ Hằng cứu giúp.

Từ trên nhà ngủ, sau khi mùng chiếu đã ngay ngắn, các chú mặc áo ca nhi vào trong thinh lặng, không chuyện trò, chỉ có tiếng nhạc gregrorien (các thầy dòng hát bình ca) qua đĩa hát phát trên loa. Có tiếng chuông, các chú bước vào vị trí thành hàng ngay ngắn chính giữa nhà ngủ. Hai chú nhỏ đầu tiên được cha ra dấu đi xuống cầu thang ra phía Nhà dòng ở lầu một. Đi qua Nhà Dòng bằng một hành lang dài, ngang qua các phòng riêng của các cha. Đôi khi cánh cửa một phòng mở ra, một cha bước ra trong bộ áo dòng đen truyền thống, cổ trắng, đai ngang hông với xâu chuỗi dài. Chú tò mò nhìn vào trong mà không kịp vì phòng tối om. Chú tự nhủ biết chừng nào mình được vào ở đây (còn khuya !). Vài chú xì xầm ... à cha ... gì đó ... à cha Hưng bề trên đó, ... không phải ... suỵt ... có người nhắc phải yên lặng.

Đến phòng áo của Nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, các chú tẻ ra làm hai nhánh, đi vào cung thánh tạo thành một vòng cung quanh bàn thờ, gồm 2 hàng, nhỏ trước lớn sau. Các chú quì trước cái ghế đẩu bằng gỗ. Các chú đảm trách phần hát bộ lễ, hát một câu, công đoàn phụng vụ hát một câu đáp lại. Ví dụ Kyrie có 3 đoạn, mội đoạn 2 lần. Hoặc Gloria, sau khi cha chủ tế bắt câu đầu tiên Gloria in excelsis Deo ... thì Ca đoàn thiếu nhi cung thánh (Pueri Cantores - oai lắm chứ bộ!) bắt câu tiếp theo, rồi đến công đoàn ... và cứ thế .. Ối chào ... tiếng hát của các chú nghe sao mà thánh thót ... Không khí thánh lễ vừa sâu lắng vừa thánh thiện. Gian cung thánh có phần giống Nhà thờ DCCT Sài gòn nhưng rộng hơn và cao vút lên nhờ phần kiến trúc ở đầu nhà thờ được đẩy lên cao, không theo kiến trúc truyền thống là tháp cao ở tháp chuông khi bước vào từ cuối nhà thờ, và được làm sáng lên bởi các tấm kính màu. Nhờ thế tiếng hát trong trẻo như cuộn dâng lên theo chiều cao đó. Cô tôi hay nói với tôi, nhiều lần sau này khi tôi đã là chàng thanh niên, "Chúa nhật nào cô cũng đi lễ DCCT (trừ khi các chú nghỉ hè về nhà) chứ không đi lễ ở nhà thờ chính tòa Phủ Cam, vì đến đây các chú hát rất hay giúp cô dự lễ sốt sắng." Cô tôi ngày xưa tu dòng kín ở Kim Long, nhưng phải trở về để chăm sóc bà nội tôi vì là chị cả. Các chị dòng kín hát hay lắm, đến ngày lễ thánh Têrêxa cha tổ chức cho chúng tôi đi thăm các chị, đúng hơn là thăm mẹ bề trên, nói chuyện qua cánh cửa có những lỗ nhỏ. Lần nào các chị cũng hái cho chúng tôi một thúng khế ngọt.



Sau này, lớp chúng ta hằng năm đến ngày 3 tháng 12, thường thì có cha Bích và cha Hòa đến dâng thánh lễ tại nhà một anh em trong lớp. Có năm thầy Thanh Long làm capo thì anh em lại kéo nhau đến Tòa báo Công giáo và Dân tộc. Có năm thì mời cha dòng khác, "anh Hai" Thọ, cha Thủy, cha Vãng ... Những lần như vậy, anh em như sống lại những kỷ niệm xưa mà không hề cũ, dù đang nguội lạnh cũng thấy sốt sắng lên đôi chút. Chỉ tiếc là khoảng 2, 3 năm nay, cha Bích không đồng ý mà nói rằng phải xin phép cha xứ sở tại, chỉ có thể quay về Nhà Dòng mà làm thôi (?!). Dĩ nhiên là cha xứ thường là không bằng lòng ... cho nên chỉ còn buổi cầu nguyện, vì vậy mà thấy .. rất thiếu (!!).


Nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu giúp do kiến trúc sư Nguyễn Mỹ Lộc thiết kế, xây dựng mất 20 tháng do cha Hưng bề trên nhà Dòng Huế trực tiếp theo dõi và dưới sự điều khiển của thày Henry, và Đức cha Ngô Đình Thục làm lễ cung hiến vào tháng 8/1962. Đặc biệt là nơi này đầu tiên sử dụng chuông điện, và cứ mỗi một giờ thì cử bản nhạc "Kìa bà nào", tối khuya thì ngưng tiếng chuông.
    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét