Việc đạo đức dưới nhà đệ tử mà tôi muốn kể ra ở đây không liên quan gì đến môn đạo đức học mà chúng ta đã học ở lớp 12, mà bây giờ chẳng nhớ gì xớt. Nhưng khi ra đời hành nghề, là đụng ngay cái "đạo dức" đó. Ethics - đạo đức kinh doanh, đạo đức làm báo, đạo đức nghề y. Nghề luật sư còn cả cuốn Qui tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư mà luật sư nào cũng phải học thuộc (Vade Mecum de la profession d'avocat). Đoàn LS nào, ở nước nào cũng phải có một Ban Kỷ luật/Đạo đức để chế tài các luật sư vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Nhưng trong ngôn ngữ bình dân, người ta thường nói một người giáo dân đạo đức là một người năng đọc kinh (tức là biết nhiều thứ kinh và đọc thường xuyên và đọc nhiều kinh mỗi khi đọc), năng đi lễ (thường là mỗi ngày), để phân biệt với một người có đạo nhưng nguội lạnh, ít đọc kinh ít đi lễ, thậm chí không đọc kinh mà cũng chẳng đi lễ. Tây họ nói thẳng luôn: Un/une catholique pratiquant/e ou non-pratiquant/e. Dân Tây bây giờ phần lớn là non-pratiquant. Nhưng các ngày lễ trọng trong năm thì họ vẫn xem là ngày nghỉ lễ chính thức, ví dụ ngày lễ Thăng thiên -Đức Mẹ lên trời (Fête de l'Assomption), nhưng Tây không đi lễ, mà ở nhà ngủ, hoặc đi chơi ...
Vậy cho nên, việc đạo đức của chú đệ tử Dòng Chúa Cứu Thế là gì? Ai còn nhớ không? Chắc là phải nhớ ít nhiều chớ ?!
Đó là buổi sáng đang ngon giấc, nhất là ở Huế vào mùa đông giá lạnh, chui trong mấy lớp mền, nghe tiếng chuông điện reo vang cả nhà ngủ, đèn néon bật sáng, làm mọi người phải ngồi bật dậy. Chú chồm về phía trước một chút, với hai cánh tay kéo hai đầu mùng ngược về đầu giường, nhảy xuống giường, quỳ bên giường. Tiếng cha cất lên từ đầu nhà ngủ, "Lạy Chúa Cứu thế mến yêu". Tất cả hưởng ứng: Toàn thân con là của Chúa, con chỉ muốn theo Chúa, làm đẹp lòng Chúa hôm nay và trót đời con. Amen. Một hai ba, chú tụt cái quần dài xuống, còn lại cái xà lỏn, chạy nhanh vào phòng vệ sinh, chỉ tè thôi nghe, vì còn vài ba chú khác đang sắp hàng đợi. Chạy xuống cầu thang, nếu đó là đệ tử Huế, hoặc ở nhà Thủ Đức. Còn ở Vũng Tàu, không có lầu, chỉ là một dãy nhà ngủ ngang dài, được ngăn thành 3 phòng, một cho đoàn nhỏ, một cho đoàn giữa, phòng thứ ba là của đoàn lớn. Thiệt tình, câu kinh này đối với tôi rất có hiệu nghiệm cho đến bây giờ. Hầu như sáng nào, thức dậy, tôi cũng dâng ngày cho Chúa bằng câu kinh ngắn gọn này. Đọc lẩm nhẩm trong người xong là thấy tỉnh táo hẳn.
Sau khi thể dục, rồi vệ sinh, gấp mùng màn, xếp chăn gối ngay ngắn, mặc áo bỏ vào quần, chải tóc đàng hoàng là vừa kịp nghe tiếng chuông hiệu 5 phút. Trong thinh lặng các chú xuống Nhà nguyện. Nhanh nhẹn thì cũng có thể sớm được hơn vài phút, vào chỗ của mình mà lấy sách thiêng liêng ra đọc. Thường đầu năm học, các cha giới thiệu cho vài đầu sách hay để đọc trong Nhà nguyện (cấm đọc các loại sách khác). Loại sách này thường cất ở tủ cuối Nhà nguyện. Ai cũng có thể chọn cho mình một cuốn. Cứ mỗi lần vào sớm, chú có thể lấy sách ở bàn quỳ của mình ra đọc. Còn đã vào giờ lễ, giờ chầu, giờ cầu nguyện là không được đọc, mà phải làm theo việc chung. Thật ra chỉ có 3 lần vào nhà nguyện trong ngày, một lần vào sáng sớm để cùng dự thánh lễ, buổi trưa là khi tan học,buổi sáng là giờ cầu nguyện ngắn 5 phút , kinh truyền tin buổi trưa, và kinh tối trước khi đi ngủ vào những ngày mưa gió không sinh hoạt được trên sân thượng. Cho nên, đọc hết một quyển sách thiêng liêng, phải mất khoảng nửa năm học. Các chú nhỏ thích đọc sách hạnh các thánh. Lớp lớn hơn cũng đọc loại sách đó nhưng bằng tiếng Pháp ... rồi sách có chủ đề tu đức ...Giờ thì tôi chẳng còn nhớ mình đọc cái gì nữa. Bởi vì, đọc chục trang thì chán, lại đổi cuốn khác ... cho nên có thể nói tôi đã đọc rất nhiều sách, nhưng mỗi thứ chỉ được vài trang .. !!
Giờ vệ sinh cá nhân buổi sáng được báo hiệu chấm dứt bằng tiếng kẻng. Thường có hai lần kẻng báo, lần thứ nhất là 3 tiếng kẻng, 5 phút sau tiếng kẻng nhịp nhanh rồi tách thành 3 tiếng mạnh mẽ. Lúc này, tất cả mọi người đều đã có mặt trong nhà nguyện. Vừa dứt tiếng thứ ba, chú phụ trách xướng kinh cất bài Truyền tin (Angelus), kinh mùa Phục sinh phải khác mùa thường niên là cái chắc (có khi xướng lộn là dịp cho các chú nhỏ cười): xướng - Đức Chúa trời sai Thánh Thiên Thần truyền tin cho rất thánh Đức Bà Maria. Tất cả đáp lại: Và rất thánh Đức Bà chịu thai bởi phép Đức Chúa Thánh Thần ... Kính mừng Maria đầy ơn phước Đức Chúa trời ở cùng Bà ... Cuối cùng là: Lạy Chúa, chúng con xin Chúa ban ơn xuống trong linh hồn chúng con là kẻ đã nhờ lời Thánh Thiên Thần truyền, mà biết thật Chúa Kitô là con Chúa đã xuống thế làm Người, thì xin vì công ơn Chúa chịu nạn chịu chết trên cây Thánh Giá, cho chúng con ngày sau khi sống lại được đến nơi vinh hiển, cũng vì công nghiệp Chúa Kitô Chúa chúng con. Amen. Kế tiếp là Kinh Tin Cậy Mến, Kinh cám ơn ...
Rồi cả nhà thinh lặng trong mấy phút. Thỉnh thoảng nghe vài tiếng ho - có khi là ho giả đò, vì có chú thấy không khí sao yên ắng quá !
Rồi cả nhà thinh lặng trong mấy phút. Thỉnh thoảng nghe vài tiếng ho - có khi là ho giả đò, vì có chú thấy không khí sao yên ắng quá !
Trong bầu không khi yên tĩnh bốn bề, chỉ nghe thấy tiếng Cha phụ trách dâng lời cầu nguyện, hoặc nguyện gẫm ... Sốt sắng thật! Nhưng cũng nhiều khi chú vẫn còn buồn ngủ, cho nên xem ra có kẻ nhắm tít mắt lại, tay ôm lấy đầu như thể đang hết sức sốt sắng cầu nguyện, chưa hẳn là cầu nguyện sốt sắng, mà biết đâu chú đang ráng ngủ thêm một chút.
Bỗng cha phụ trách gõ tay vào bàn quỳ nghe một cái cóc. Thế là xong phần kinh sáng, mất đúng 5 phút.
Bỗng cha phụ trách gõ tay vào bàn quỳ nghe một cái cóc. Thế là xong phần kinh sáng, mất đúng 5 phút.
Mọi người ngồi lên. Sột soạt. Cha phụ trách và các chú theo phiên giúp lễ đi vào phòng áo. Các chú trong ban phụng vụ đã chuẩn bị áo lễ từ tối hôm qua, đã ghi lên bảng phiên ai giúp lễ ... Anh phụ trách hát lễ gắn số báo trang hát ở tập thánh ca lên bảng. Những năm 60, giáo hội chưa có bộ lễ tiếng Việt, cho nên các chú đệ tử hát bộ lễ Kyrie bằng tiếng La tinh, gồm Kyrie, Gloria, Sanctus và Agnus Dei. Không nhất thiết ngày nào cũng hát bộ lễ đó Để hát được thì phải có giờ tập hát các bài đó. Không phải chỉ có các chú mới vào. Các chú lớp lớn cũng phải ôn lại và hát sao cho hay hơn. Tập theo đội. Chú lớn hát mẫu cho chú nhỏ. Đầu tiên là tập cách "xôn fe" (solfège), là ký xướng âm khóa đô của nhạc bình ca in trên tập sách bìa bọc vải đen. Các nốt nhạc này trông lạ, không tròn mà vuông ... Nhưng không khó lắm. Cứ hát theo. Khi vào nhà nguyện có tiếng đàn phong cầm bắt cung rồi mình ngân nga theo tiếng đàn, lên xuống một cách mềm mại là được, chứ không bất chợt nhảy quãng, lên xuống mấy quãng, cũng không phải theo nhịp nào cả. Người giữ nhịp thì cứ đưa bàn tay lên vẽ từng vòng nhỏ trong không gian. Nốt cao thì tay đưa lên cao. Nốt thấp thì đưa xuống thấp Nghe mấy lần là quen, hát theo dễ dàng. Gọi là hát theo tiết điệu bình ca, hay là hát gregorian.
Ngoài bộ lễ, các chú còn được hát Tantum Ergo, Veni Creator Spiritus ... khi chầu thánh thể, hát Salve Regina trước khi đi ngủ. Dễ nhất là hát Ave Maria theo điệu bình ca. Nhưng không hiểu sao nhạc Ave Maria của Schubert hay Gounot/ Bach thì ít khi được hát. Sau này mới hiểu là hát cùng loại nhạc cầu nguyện để không bị xao lãng là vậy.
Còn Thánh lễ thì sao? Ngày thường chỉ hát một bài vào đầu lễ và kết lễ, cha chủ tế không giảng chỉ nói sơ qua ý lễ của ngày hôm đó, cho nên trọn thánh lễ chỉ mất 30 phút. Sau lễ, các chú tiếp tục giữ yên lặng đi về lớp mình để học bài 30 phút - đó là giờ "étude" buổi sáng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét