Thứ Ba, 10 tháng 9, 2013

Ngày 84 - ĐỌC KINH VÀ CẦU NGUYỆN

KHÔNG PHẢI LÀ TIẾNG KÊU TRONG SA MẠC ! (ĐỌC KINH VÀ CẦU NGUYỆN)

Tin tức thế giới trong ngày hôm nay: Syria đồng ý giải pháp của Nga là giao kho vũ khí cho LHQ kiểm soát. TT Obama xem đó là một hành động cần thiết để Mỹ không tiến hành phóng tên lửa vào Syria.

Tối thứ bảy ngày 7/9, khoảng mấy ngàn người đã tụ về quảng trường thánh Phêrô để cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện suốt 4 tiếng đồng hồ cho Syria thoát khỏi chiến tranh. ĐTC có một bài chia sẻ thật ý nghĩa. Trước hết, những người tham dự bày tỏ sự chân thành của mình trước giờ cầu nguyện, là xin được hòa giải với Chúa. 50 tòa giải tội được bố trí quanh sân trước cửa đền thờ thánh Phêrô từ 5 giờ chiều. Đến 7 giờ tối,  ĐTC bắt đầu buổi cầu nguyện hiệp cùng giáo dân và các tôn giáo khác khắp năm châu như ĐTC đã mời gọi. Xen kẽ bằng một số bài thánh ca do Ca đoàn thiếu nhi cung thánh hợp cùng cộng đoàn như lời cầu nguyện, chủ yếu là yên lặng ... kéo dài đến 11 giờ khuya,. Mong rằng lời cầu nguyện hòa bình này sẽ đem lại một giải pháp tích cực ,đem lại hòa bình cho Syria.

Mình thấy cần thiết phải lưu lại đây bài suy niệm của ĐTC Phanxicô, không dài, nhưng sâu sắc:

"Thiên Chúa thấy mọi sự là tốt đẹp" (St 1:12, 18, 21, 25 ). Trình thuật Kinh Thánh về sự khởi đầu lịch sử của thế giới và của nhân loại nói cho chúng ta về một Thiên Chúa Đấng đang nhìn những gì Ngài đã tạo ra, hầu như là chiêm ngưỡng công trình ấy và tuyên bố: "Thật là tốt đẹp". Điều này cho phép chúng ta tiến vào con tim của Thiên Chúa và chính xác từ bên trong Ngài, chúng ta đón nhận thông điệp của Ngài.

Chúng ta có thể tự hỏi: thông điệp này có nghĩa là gì? Nó nói gì với tôi, với bạn, với tất cảchúng ta?

1. Thông điệp nói với chúng ta đơn giản một điều này thôi, đó là: thế giới của chúng ta, trong trái tim và tâm trí của Thiên Chúa, là "ngôi nhà của hòa hợp và hòa bình ", và rằng, đó là nơi trong đó tất cả mọi người có thể tìm thấy được chỗ đứng của mình và cảm thấy "thoải mái như đang ở nhà", bởi vì thế giới này "tốt lành". Toàn thể công trình sáng tạo họp thành một tập hợp hài hòa, tốt lành, nhưng nhất là con người, đã được tạo nên theo hình ảnh giống Thiên Chúa, họ là một gia đình duy nhất, trong đó các mối quan hệ được đánh dấu bởi một tình huynh đệ thực sự với nhau chứ không chỉ những lời nói đầu môi chót lưỡi: tha nhân là anh chị em của chúng ta cần được chúng ta yêu thương, và  trong mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa là Tình Yêu, là lòng trung thành và  sự thiện hảo (cần thiết phải được) phản ánh trên tất cả các mối quan hệ giữa con người với nhau và (để - nhằm) mang lại sự hài hòa cho toàn thể công trình sáng tạo.
Thế giới của Thiên Chúa là một thế giới mà tất cả mọi người phải cảm thấy có trách nhiệm đối với người khác, với thiện ích của tha  nhân.
Tối nay, trong suy tư, chay tịnh và cầu nguyện, mỗi người chúng ta tự thẳm sâu trong lòng nên tự hỏi mình: Đây có thực sự là thế giới mà ta mong muốn? Đây có thực sự là thế giới mà tất cả chúng ta đều mang trong tim mình? Thế giới mà chúng ta mong muốn có thực sự là một thế giới của hòa hợp và hòa bình trong chính con người chúng ta, trong các mối quan hệ của chúng ta với những người khác, trong gia đình, trong các thành thị, trong và giữa các quốc gia với nhau sao? Và trong thế giới này, con người có được tự do lựa chọn một cách đích thực con đường cần đi theo hầu được hướng dẫn bởi tình yêu mang lại thiện ích cho tất cả mọi người không?

2. Nhưng giờ đây, chúng ta hãy tự hỏi: Đây có phải là thế giới mà chúng ta đang sống? Loài thụ tạo vẫn đang giữ được vẻ đẹp khiến chúng ta ngạc nhiên và đó vẫn là một kỳ công tốt đẹp. Nhưng cũng có cả "bạo lực, chia rẽ, xung đột, chiến tranh ". Điều này xảy ra khi con người ở đỉnh cao của việc tạo dựng, thì thôi không còn chiêm ngưỡng vẻ đẹp và sự tốt lành nữa, nhưng rồi lui vào trong sự khép kín ích kỷ của mình.


Khi con người chỉ nghĩ đến mình, đến những lợi ích riêng mình và đặt mình ở vị trí trung tâm, khi con người cho phép mình bị mê hoặc bởi các thần tượng của sự thống trị và quyền lực, khi con người đặt mình vào vị trí thay thế Thiên Chúa, thì lúc đó con người phá vỡ hết mọi tương quan, và tất cả mọi thứ bị hủy hoại, khi đó mở tung ra những cánh cửa cho bạo lực, thờ ơ, và xung đột (tràn vào). Đây là chính xác những gì mà trích đoạn sách Sáng Thế ký muốn dạy chúng ta, đoạn sách kể về sự Sa Ngã của con người: người đàn ông bắt đầu xung đột với chính mình, ông nhận ra mình trần truồng và ông ẩn trốn vì sợ hãi (Sáng Thế 3: 10 ), ông ta sợ cái nhìn của Thiên Chúa, ông cáo buộc cho người phụ nữ, vốn là thịt bởi thịt của chính mình ( xem câu 12) ; ông phá vỡ sự hài hòa của thiên nhiên, ông bắt đầu giơ cao tay mình lên chống lại em trai của mình để giết hại em mình. Chúng ta có nên nói rằng từ sự hài hòa, con người đi đến sự thiếu hòa hợp (disarmonia) hay không? Không, chẳng có thứ gì là "thiếu hòa hợp" cả, hoặc là có sự hòa hợp hoặc là chúng ta đang rơi vào hỗn loạn, nơi đó có bạo lực, tranh giành, xung đột và sợ hãi.
Chính khi xảy ra sự hỗn loạn này mà Thiên Chúa chất vấn lương tâm con người: "Em trai Abel của ngươi ở đâu?" Cain trả lời: "Tôi không biết, tôi là người trông giữ em tôi sao? " (Sáng thế 4:9).
Câu hỏi này cũng được gửi đến chất vấn chúng ta, sẽ là tốt nếu chúng ta tự hỏi: Tôi có phải thực sự là người trông giữ anh em tôi không? Đúng, con người là người trông giữ anh chị em mình! Là con người nghĩa là phải chăm sóc cho nhau! Trái lại, khi ta phá vỡ sự hài hòa, thì xảy ra tình trạng biến thái: người anh em lẽ ra phải được chăm sóc và yêu thương lại trở thành một kẻ thù phải bài trừ, phải tiêu diệt. Từ lúc ấy bạo lực xảy ra, bao nhiêu là xung đột, bao nhiêu là chiến tranh đã xảy ra trong lịch sử của chúng ta! Hãy nhìn vào sự đau khổ của rất nhiều anh chị em chúng ta. Đây không phải là một sự tình cờ, nhưng là một sự thật: chúng ta hồi sinh tội ác của Cain trong mọi hành vi bạo lực và trong tất cả các cuộc chiến tranh. Tất cả là do chúng ta đó thôi! Và thậm chí cho đến hôm nay, chúng ta tiếp tục để cho mình được hướng dẫn bởi những ngẫu tượng, bởi sự ích kỷ, bởi những lợi ích riêng của mình, và thái độ này vẫn còn. Chúng ta đã hoàn thiện vũ khí của chúng ta, lương tâm của chúng ta đã chìm vào giấc ngủ, và chúng ta đã làm cho những lý luận của mình trở nên tinh tế để biện minh cho hành động của mình. Như thể đó là bình thường khi chúng ta tiếp tục gieo rắc sự hủy diệt, đau khổ, và chết chóc! Bạo lực và chiến tranh chỉ dẫn đến tử vong, chúng réo gọi cái chết! Bạo lực và chiến tranh là ngôn ngữ của cái chết!

3. Tại thời điểm này tôi tự hỏi: Liệu chúng ta có thể đi theo một con đường khác không? Chúng ta liệu có thể thoát khỏi cái vòng lẩn quẩn của đau thương và chết chóc không? Chúng ta có thể học lại cách bước đi trên con đường hòa bình không? Khi khẩn cầu sự giúp đỡ của Thiên Chúa, dưới cái nhìn từ mẫu của Đức Mẹ là phần rỗi của dân Rôma, là Nữ Vương Hòa Bình, tôi muốn trả lời rằng: Thưa vâng, tất cả chúng ta có thể đi theo một con đường khác! Tối hôm nay, tôi mong muốn rằng từ mọi nơi trên thế giới chúng ta hãy kêu lên: Vâng, tất cả mọi người có thể đi con đường khác ! Hoặc thậm chí tốt hơn, tôi xin mỗi người chúng ta, từ người thấp cổ bé họng nhất đến những bậc cao trọng nhất, cho tới cả những người được gọi làm lãnh đạo các quốc gia, hãy đáp lại: Vâng có, chúng ta muốn con đường khác!
Đức tin Kitô giáo của tôi thúc giục tôi nhìn lên Thánh Giá. Tôi ao ước rằng trong lúc này mọi người nam nữ thiện chí hãy nhìn lên Thánh Giá dù chỉ trong giây lát! Ở đó, chúng ta có thể thấy câu trả lời của Thiên Chúa: bạo lực đã không được đáp trả bằng bạo lực, cái chết không được đáp trả bằng ngôn ngữ của cái chết. Trong thinh lặng của Thánh Giá, tiếng bom đạn phải im bặt và người ta sẽ nói với nhau bằng ngôn ngữ của sự hòa giải, tha thứ, đối thoại và hòa bình.
Tối nay, tôi cầu xin Chúa cho những người Kitô hữu chúng ta, cho các anh chị em của chúng ta ở các tôn giáo khác, và mọi nam nữ thiện chí, hãy mạnh mẽ kêu lên: bạo lực và chiến tranh không bao giờ là con đường hòa bình!  Ước gì mỗi người hãy nhìn sâu vào lương tâm của mình và lắng nghe từ đó những lời này: Ngươi hãy ra khỏi những lợi ích riêng tư đang bóp nghẹt con tim ngươi, hãy vượt thắng sự dửng dung đối với anh em đồng loại, hãy khuất phục cái lý luận chết chóc của ngươi, và hãy cởi mở cho những cuộc đối thoại và hòa giải. Hãy nhìn vào nỗi đau của anh em ngươi và đừng chất cao thêm những sầu muộn khác, hãy ngừng tay phá hoại lại mà trái lại dùng để xây dựng lại sự hài hòa đã bị tan vỡ, và tất cả điều này đạt được không phải bằng các đụng độ, nhưng bằng các cuộc gặp gỡ đối thoại !

Hãy chấm dứt những tiếng ồn của vũ khí! Chiến tranh luôn luôn đánh dấu sự thất bại của hòa bình, luôn luôn là một đại bại của nhân loại. Một lần nữa, những lời của Đức Phaolô VI vang vọng: "Đừng chống lại nhau, đừng bao giờ nữa!... Đừng bao giờ chiến tranh nữa!" (Diễn văn tại Liên Hiệp Quốc, ngày 4/10/1965). " Hòa Bình chỉ được khẳng định bằng hòa bình, một nền hòa bình không tách rời khỏi những đòi hỏi của công lý, hòa bình được nuôi dưỡng bởi sự hy sinh cá nhân, bằng khoan dung, lòng thương xót và bác ái" (Thông điệp nhân Ngày thế giới về Hoà bình, 1975). 

Tha thứ, đối thoại, hòa giải - đó là những lời của hòa bình, tại đất nước Syria thân yêu, ở Trung Đông, trên toàn thế giới! Chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa giải và hòa bình, chúng ta hãy làm việc cho hòa giải và hòa bình, và tất cả chúng ta hãy trở thành, ở mọi nơi, là những người nam nữ của hòa giải và hòa bình!  Amen.

(nguồn Vietcatholic và Radio Vatican Việt ngữ)

Đêm nay, cả nhà thay phiên nhau đọc từng đoạn của bài suy niệm trên đây thay cho kinh tối trước khi đi ngủ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét