Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

Ngày thứ 10 - Giải Hợp ca Cecilia

Giải Hợp Ca Cecilia

Hôm nay là ngày Giáo hội mừng kinh thánh Cecilia là vị thánh bổn mạng các ca đoàn. Ở Đệ tử có một giải quan trọng về hạt hợp ca, đó là Giải Hợp ca Cécilia. Tôi không biết Giải Hợp ca Cecilia có từ lúc nào. Nhưng lúc khi tôi vào Đệ tử Huế năm 1963 thì không thấy, nhưng năm kế vào Vũng Tàu, thì thấy có cuộc thi giữa các lớp. Năm trước đó, lớp tôi lúc ấy là lớp 7 đã được giải 3 với bài "La Petite Rose d'Or" như đã nói ở phần trước (ngày 73). Bài này do cha Đăng điều khiển. Lên lớp 6B, cha Đăng tiếp tục giữ nhịp với bài "Le Manteau rose de l'Aurore", giữ vững hạng 3 toàn nhà.

Giải Cecilia là một bức ảnh lớn thánh nữ Cécilia được phối nổi bằng các vải màu, ngoại trừ khuôn mặt của thánh nữ và 2 bàn tay cùng các thiên thần thì được vẽ trên vải lụa, theo hình dưới đây: 


Tên của lớp đạt giải nhất sẽ được ghi tên và dán vào sau lưng bức ảnh, và lớp đó được treo ở lớp của mình cho đến kỳ thi sang năm, y như cúp bóng đá Fifa vậy.

Có mấy điểm đáng ghi nhớ:
- Bài hợp ca tối thiểu phải có 2 bè, như lớp nhỏ chúng ta, vì còn giọng cao, cho nên là 2 bè nữ cao là soprano và alto; còn thường là 4 bè giọng nam.
- Các anh lớp lớn có xu hướng sưu tầm các bài hát dài, loại trường ca, như trường ca "Hồn Vọng Phu" gồm 3 trường đoạn 1,2 và 3, của nhạc sĩ Lê Thương và nhạc sĩ soạn hòa âm. Hoặc "Con đường cái quan" , "Mẹ Trùng Dương" của Phạm Duy. Hoặc "Cung Đàn bạc Mệnh" của Hải Linh ... Nội quy không cấm bài của năm trước được lớp khác lấy hát cho năm sau, nhưng vì "tự ái", không ai thích "chơi" trùng lặp lại e... mất duyên.
- Các lớp đang đến tuổi vở giọng ... ở tuổi 14,15 thì không có cách nào ngoi lên hàng tốp đầu được, chỉ là dịp cho cả nhà bò ra cười vì cái giọng vịt đực, quả là cứ như "Trois canards déployant leurs ailes ... coin ... coin .. ".
- Lớp triết là lới phải đi thi Baccalauréat (Tú tài Pháp) là phải học "chết bỏ", giờ đâu mà khổ luyện, nhưng không thể chiếm vị trí đầu bảng.
- Vị trí đầu bảng, hoặc trong tốp 1,2 và 3 là các lớp nhất, nhì và ba. Cho nên lớp chúng ta xếp vào hạng 3 là cũng oách lắm. Thật ra là công cha Đăng điều khiển, chọn ra các giọng khỏe và trong trẻo.
- Qua cuộc thi, mỗi lớp chọn ra được một anh ca trưởng có tài điều khiển, từ đó chọn vào ban ca trưởng để đthay phiên nhau điều khiển cho các bài hát hợp ca cho cả nhà, mà không bao giờ sợ thiếu nân tài. Ví dụ anh Thuyết, anh Ánh "đế" của lớp trên kế lớp mình. Lớp cha Hội, cha Hiến bây giờ thì có anh Bính. Anh Hùng "Bosco". Có lớp có nhiều nhân tài, hầu như anh nào cũng có thể ra điều khiển được, như lớp anh Tuấn A, Tuấn B, anh Nhuận ... Thật ra đến lớp nhì (hoặc lớp secon theo chương trình Pháp, tương đương lớp 11 bây giờ) các anh đều có thể giữ nhịp, lấy cung, hướng dẩn các em nhỏ tập hát. Cho nên, khi có một bài hát mới cần tập cho các nhà. Các anh lớn tập với nhau rất nhanh, rồi cửa vài anh xuống lớp nhỏ để tập cho từng nhóm nhỏ.
- Giờ tập hát chỉ là 15 phút vào sau giờ chơi buổi chiều, sau khi tắm rửa khỏe khoắn, thay quần áo tử tế, trước giờ kinh chiều và buổi ăn tối. Bảy ngày trong tuần đều như thế, chỉ thay đổi nội dung tập hát. Khi thì tập để thi Cecilia, tập theo lớp. Tập thánh ca cho các buổi lễ thường niên. Tập cho các buổi văn nghệ đặc biệt ...

Nhưng mục tiêu lúc nào cũng được các cha nhắc nhở, tập hát và có thể tự cầm lấy bản nhạc solfège (xướng âm) để hát được, từ đó sau này, trong các chuyến giảng đại phúc các cha DCCT có phần tập hát cho cọng đoàn nhà thờ là không thể thiếu trong chương trình Tuần Đại phúc. Trước mắt là" hát thánh ca sốt sắng là cầu nguyện gấp hai lần" (thánh Augustin).

Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2013

Ngày thứ 18 - Bạn gửi tặng 10 lời khuyên bổ ích

Tặng nhau 10 lời khuyên bổ ích 

1. Prayer is not a "spare wheel" that you pull out when in trouble, but it is a "steering wheel" that
directs the right path throughout.

Cầu nguyện không phải là bánh xe dự phòng mà bạn lôi ra xài khi có chuyện khó khăn, nhưng là bánh lái dẩn ta đến đường ngay lối chính.

2. A Car's WINDSHIELD is so large & the Rear view Mirror is so small? Because our PAST is
not as important as our FUTURE. So, Look Ahead and Move on.

Tại sao Kính chắn gió xe hơi thì rất lớn nhưng kính chiếu hậu lại quá nhỏ? Bởi vì Quá khứ của chúng ta không quan trong bằng Tương lai. Vậy thì ta nhìn về phía trước mà thẳng tiến.

3. Friendship is like a BOOK. It takes few seconds to burn, but it takes years to write. 

Tình bạn như một quyển sách. Chỉ mất vài giây để đốt, nhưng phải mất nhiều năm mới viết được.

4. All things in life are temporary. If going well, enjoy it, they will not last forever. If going wrong, don't  worry, they can't last long either.    

Tất cả mọi thứ trong đời đều là tạm bợ. Nếu là chuyện tốt đẹp thì hãy  hưởng lấy, nó chẳng kéo dài mãi đâu. Nếu không may là chuyện xấu, thì cũng đường lo lắng, nó cũng không kéo dài lâu được.  

5. Old Friends are Gold! New Friends are Diamond! If you get a Diamond, don't forget the Gold! Because to hold a Diamond, you always need a Base of Gold! 

Bạn củ là Vàng! Bạn mới là Kim cương! Nếu bạn được Kim cương thì đừng quên Vàng. Vì muốn giữ được viên Kim cương, bạn cần phải có cái đế bằng vàng để đở lấy viên KC.
 
6.
 Often when we lose hope and think this is the end, GOD smiles from above and says, "Relax,
sweetheart, it's just a bend, not the end! 

Những lúc chúng ta mất hết hy vọng và nghỉ rằng đã đến lúc kết thúc, thì Chúa trên cao mỉm cười mà nói,” hãy thư giãn đi con yêu, đó chỉ là một khúc quanh mà thôi, chứ chưa phải là hết!


7. When GOD solves your problems, you have faith in HIS abilities; when GOD doesn't solve
your problems HE has faith in your abilities.

Khi Chúa giải quyết rắc rối của bạn, bạn có niềm tin vào khả năng của Ngài; khi Chúa không giải quyết rắc rối của bạn, thì (đó là lúc) Ngài đặt niềm tin vào khả năng của bạn.

8. A blind person asked St. Anthony: "Can there be anything worse than losing eye sight?" He
replied: "Yes, losing your vision!"   

Một người mù hỏi thánh An Tôn: "Có thể có điều gì tệ hơn là không được thấy?", Thánh nhân đáp: “Vâng,  đó là (khi) mình mất tầm nhìn.”   

9.When you pray for others, God listens to you and blesses them, and sometimes, when you are safe and happy, remember that someone has prayed for you. 

Khi bạn cầu nguyện cho người khác, Chúa lắng nghe bạn và ban phước lành cho họ, và những lúc bạn  thấy mình được an bình hạnh phúc, thì hãy nhớ có người nào đó đã cầu nguyện cho bạn.
 
10. 
WORRYING does not take away tomorrow's TROUBLES, it takes away today's PEACE. 


Lo âu không lấy đi rắc rối của ngày mai, mà nó đang lấy đi sự Bình an của hiện tại.

Ngày thứ 17

zzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzz

Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

Ngày thứ 19 - BẠN GIÀ



Thầy Nguyễn Ngọc Thạch (bác sĩ tim mạch) kiểm tra sức khỏe cho thầy Nguyễn Ái Chiếu.

Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

Ngày thứ 26 - Nhân một vụ án oan sai

Mấy hôm nay báo chí râm ran vụ án oan sai 10 năm. Mấy anh em cựu đệ tử cũng lên mạng bàn tán.

Minh lớp Jean de Dieu viết:
Anh em đã đọc qua vụ án oan của Ông Chấn, gây chấn động cả tuần nay. Về khía cạnh chuyên môn pháp luật, tớ thấy lùng bùng cái lỗ tai ở đoạn này, mời các LS trong nhóm này tham gia (có 4 LS), hoặc anh em khác nêu ý kiến ...chuyên môn thì càng tốt (miễn bàn về chính trị).
Tại sao không giám đốc thẩm mà tái thẩm vụ án?
Đọc báo thì thấy vụ án này có nhiều sai lầm trong các giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử, không tiện nhắc lại dài dòng. Tức nói nôm na là xử sai, gây nên oan trái cho người vô tội, rồi sau này do có tố cáo, điều tra lại và tự thú của hung thủ nên xét xử lại ở cấp tái thẩm, do Hội đồng Thẩm phán TANDTC mới xét xử vào chiều hôm qua (6/1/2013), đã tuyên Ông Chiến vô tội.Nhưng tại sao có sai mà không giám đốc thẩm, lại tái thẩm?
Sorry, trong phiên xử tái thẩm chiều hôm qua 6/11, chỉ mới hủy bản án kết tội Ông Chấn để điều tra, xét xử lại, chứ chưa tuyên Ông Chấn vô tội.

An tôi bèn đáp lời:
Trước hết phải thấy là không có nước nào trên thế giới mà không có vụ án bị xử oan, kể cả tòa án giáo hội  - nhiều lúc còn cố tình xử oan!!

Mỗi lần có một vụ án oan sai, thì giới luật gia phải rút ra bài học (đúc kết ghi vào sử sách pháp đình). Riêng đối với vụ án này, tất nhiên là cơ quan điều tra phải chịu trách nhiệm, nhưng luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thanh Chấn cũng phải chịu trách nhiệm rất lớn, phải chịu một bản án lương tâm. Do đây là một vụ bào chữa chỉ định (pro bono - không có thù lao), vị luật sư không nhận thù lao, cho nên đã không làm việc hết mình!!! Phải biết rằng, ngoài phần tranh luận tại phiên tòa, những nhận định và phân tích của luật sư nộp cho Tòa án sẽ làm cơ sở pháp lý cần thiết giúp cho cán bộ của Tòa Tối cao/ Viện Kiểm sát tối cao đọc và rà soát lại vụ án. Thật là buồn - ở đây luật sư kiên trì theo đuổi vụ án chính là phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn và gia đình!

Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải bồi thường xứng đáng và nhanh chóng cho người bị oan.

Nói về trình tự Giám đốc thẩm hoặc Tái thẩm trong vụ án Nguyễn Thanh Chấn: ở đây vụ án bị Viện Kiểm sát tối cao  kháng nghị tái thẩm, cho nên  Hội đồng thẩm phán của Tòa án tối cao phải họp phiên tái thẩm là vậy.

Minh “Jean de Dieu” trả lời ngay sau đó:
1/  Có vẻ Anh Vĩnh An đã nói đúng. Coi trên báo thì thấy LS bào chữa cho Ông Chấn hình như đã chưa làm hết sức mình (nghe nói ông này đã hết làm LS rồi) và cũng mới nhận được 1 email ở dưới đây cũng có nhận định như vậy

2/ Nói cho thấu đáo: Cũng có bài báo cho rằng nhận định của ông Vũ Đức Khiển ở dưới đây là vội vàng bởi nó chỉ đúng khi biết chắc chắn đối tượng Lý Nguyễn Chung thực sự là hung thủ gây án (tức là Ông Chấn vô tội). Trong khi đó, trên thực tế thì hiện nay cơ quan tiến hành tố tụng mới chỉ có một chứng cứ duy nhất là lời tự thú nhận tội của Lý Nguyễn Chung. Trách nhiệm của cơ quan điều tra là phải tìm thêm những chứng cứ khác để khẳng định lời tự thú nhận tội của Lý Nguyễn Chung hoàn toàn phù hợp với những tình tiết khác, phù hợp với thực tế khách quan.

Vậy có thể sẽ có phiên toà Giám đốc thẩm, sau phiên toà Tái thẩm này hay chăng?

Tôi viết trả lời Minh:
Minh ơi,
Anh bắt đầu hành nghề luật sư từ cuối năm 1989 cho đến nay. Trước hết phải nói một điều như thế này: "TIÊN TRÁCH KỶ, HẬU TRÁCH NHÂN". Thật ra mình cũng chẳng tốt gì hơn ai đâu. Có thể nói mình hành nghề rất lương tâm. Nhưng cũng không phải hiếm khi mình tham gia vụ án một cách chiếu lệ "qua loa rơ măng". Ai cũng vậy cả. Ngay cả thánh An Phong sô tổ phụ chúng ta, ngài cởi áo luật sư bởi vì ngài để sót chi tiết quan trọng khiến cho ngài bị thua vụ án.
Về trình tự giải quyết vụ án oan sai này:
Sau khi phiên tái thẩm kết thúc, Tòa án tối cao sẽ ra quyết định yêu cầu cơ quan điều tra tiến hành thu thập chứng cứ bổ sung, khởi tố bị can Lý Nguyên Chung, dẫn đến kết luận điều tra bổ sung để chuyển cho Viện kiểm sát của Huyện Việt Yên lập bản cáo trạng đối với bị cáo. Lúc này cảnh sát điều tra sẽ loại bỏ những yếu tố cấu thành tội phạm hình sự trước đây của  ông Nguyễn Thanh Chấn để có kết luận ông Chấn hoàn toàn không có hành vi phạm tội. Vậy thì bản cáo trạng của Viện Kiểm sát sẽ nêu những tình tiết mới với tên bị cáo Lý Nguyên Chung, đồng thời loại bỏ tên Nguyễn Thanh Chấn ra khỏi vụ án. Hồ sơ vụ án sẽ chuyển qua Tòa án sơ thẩm để xét xử. Chỉ đến khi phiên tòa được mở công khai, Tòa sẽ tuyên ông Nguyễn Thanh Chấn vô tội, còn Lý Nguyên Chung là có tội. Đến lúc này, ông Chấn mới được pháp luật xem thật sự là vô tội, được nhận lời xin lỗi của các cơ quan tiến hành tố tụng, được bồi thường thiệt hại do 10 năm thụ án oan.

Chặng đường được chính thức công nhận vô tội không thể một sớm một chiều được. Hy vọng sẽ kết thúc trước Tết con ngựa với chút "ngân lượng" cho ông Chấn vui cùng với vợ con. Chắc chắn là dư luận xã hội đồng tình và nhiều người cũng gửi quà chia sẻ với ông Chấn cho ngày vui đầu Xuân mới ...

VA

Đến đây, Minh "Jean de Dieu" chán bàn luận tiếp vụ án, cho nên viết:
Thôi bỏ qua vụ ông Chấn nhức cái đầu
Cái đoạn anh nói qua nghe cũng thú vị: .....Ngay cả thánh An Phong sô tổ phụ chúng ta, ngài cởi áo luật sư bởi vì ngài để sót chi tiết quan trọng khiến cho ngài bị thua vụ án.
Coi ở trên mạng thì biết:
- Alphonsus Liguori (được coi là Tổ sư của giới LS CG, cái này tớ nói) vào học trường luật khi mới 16 tuổi và trở thành một luật sư rất nổi tiếng. Có tài liệu nói: Vào năm 16 tuổi, ngài lấy bằng tiến sĩ giáo luật và dân luật của Ðại Học Naples. Năm 1871, Giáo hội tuyên bố Ngài là tiến sỹ Hội thánh.
- Đặc biệt Ngài đã viết: "Bạn của tôi, nghề nghiệp của chúng tôi là quá nhiều những khó khăn và nguy hiểm, chúng ta sống một cuộc đời không hạnh phúc và chạy đua với sự mạo hiểm. Chúng ta sẽ chết mà không hạnh phúc. Đối với bản thân mình, tôi sẽ từ bỏ nghề này. Nó không phù hợp với tôi vì tôi muốn bảo đảm sự cứu rỗi linh hồn cho mình". Với câu nói này, phải chăng anh em chúng ta nên nghe theo lời Ngài bỏ nghề vì dạo này thấy có nhiều vụ LS bị tạt axit, chận đường mần thịt...
- Lịch sử có nói: Ở tuổi 27, sau khi bị thua trong một vụ xử quan trọng, trường hợp đầu tiên trong suốt tám năm hành nghề luật sư, Ông đã quyết tâm rời khỏi nghề luật sư.
Nhưng theo Anh có nghiên cứu thì cho là Ngài coi không kỹ hồ sơ hay không xem xét kỹ chứng cứ gì đó, bỏ qua một chi tiết nên thất bại trong 1 vụ án. Còn em thì nghe là do bên kia có chạy án nên Ngài bị thua. Không biết sự thực là như thế nào? Anh có tài liệu gì hay kể nghe về vụ án đó của Thánh Tổ phụ

Tôi bèn kết thúc bằng chuyện làm luật sư của Thánh Cả An Phong:

Minh ơi,
Sao cũng được ... Em thích thì chiều!

Chuyện thánh Anphongsô liên quan đến vụ án cuối cùng ngài vào năm 1723:
“Năm 1723 đã có một vụ kiện tại tòa án giữa một nhà quý tộc thành Naples, không ghi lại rõ tên , và một đại công tước thành Tuscany , trong đó tài sản có giá trị từ 500.000 ducat , tương đương 100.000 bảng Anh. Anphong là một trong những luật sư hàng đầu thời đó , chúng tôi không biết rõ ngài bảo vệ bên nào . Vào ngày phiên tòa mở vị thánh tương lai đã phát biểu một bài khai mạc  xuất sắc và ngồi xuống tự tin vào chiến thắng. Nhưng trước khi ngài mời một nhân chứng vị luật sư đối lập nói với ngài bằng một giọng lạnh lùng: " Lập luận đồng nghiệp chỉ làm lãng phí hơi thở. Ngài đã bỏ qua một tài liệu làm hủy hoại toàn bộ vụ án . ". "Đó là tài liệu nào vậy? " Alphonsô có phần tự ái . "Chúng ta hãy xem đây. " Một tài liệu làm bằng chứng đã được trao cho vị luật sư trẻ tuổi mà ông đã đọc đi đọc lại nhiều lần, nhưng đã luôn có cảm giác chính xác ngược lại với  điều mà bây giờ ông nhận ra nó đáng phải có. Vị luật sư tôi nghiệp tái mặt . Ông như thấy bị sét đánh trong một thoáng chốc, sau đó ông nói bằng một giọng bị vỡ : " Đồng nghiệp nói đúng. Tôi đã bị nhầm lẫn. Tài liệu này làm cho ngài thắng tối rồi. " Mặc cho những người xung quanh và thậm chí cả vị thẩm phán trên tòa đã cố gắng  an ủi ông . Ông cảm thấy bị đạp đến sát đất. Ông nghĩ sai lầm của mình không thể được gán là do sơ xuất nhưng bị xem là có chủ ý lừa dối. Ông cảm thấy như thể sự nghiệp của mình đã bị hủy hoại , và rời khỏi tòa án, mà nói : " Hỡi thế gian, ta biết ngươi rồi. Hỡi Pháp đình, ngươi sẽ không còn thấy ta nữa rồi. " Trong ba ngày ông đã không chịu ăn uống gì. Sau đó, cơn bão dịu xuống, và ông bắt đầu thấy sự nhục nhã của ông đã đưa ông đến  Chúa để phá vỡ niềm tự hào của ông và dứt bỏ ông khỏi thế giới. Tin tưởng rằng ông được yêu cầu cần phải có một số hy sinh đặc biệt , mặc dù ông chưa biết rõ là hy sinh gì , ông không trở lại nghề luật sư của mình, mà mỗi ngày ông cầu nguyện, tìm kiếm  ý Chúa. Sau một khoảng thời gian ngắn - chúng ta không biết chính xác là bao lâu - câu trả lời đã đến . Vào ngày 28 tháng 8 năm 1723 , vị luật sư trẻ đã quyết định làm một việc từ thiện là thăm viếng bệnh nhân tại một bệnh viện. Đột nhiên chàng trai thấy mình được vây quanh bởi một ánh sáng kỳ lạ, ngôi nhà như đá , và một tiếng nói nội tâm: "Hãy rời bỏ thế giới và hiến dâng mình cho ta. "

(trích nguồn: Catholic Encyclopedia)

Minh đóng lại câu chuyện mạn đàm trên mạng trong một ngày mưa bão của áp thấp nhiệt đới:
OK, thks anh. Quá hay và chưa thấy tài liệu hiếm này, để từ từ....mò đọc
Mới đọc sơ sơ thì thấy đúng là như vậy, cái đó kêu bằng thần hồn nát thần tính, đọc tới đọc lui chứng cứ rồi tự tin mà hiểu ngược lại. Tới chừng ngớ ra thì ..xanh mặt. Âu cũng là cơ hội TC đem đến để hôm nay chúng ta mới có vị Thánh tổ phụ lẫy lừng
Bởi vậy mới có 1 vụ án khác, 1 LS (xin giấu tên) trong 1 vụ án ....trẻ vị thành niên, bị cáo bị truy tố chung thân, vị LS này cãi làm sao mà biến thành tử hình luôn, hehe...

Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

Ngày thứ 27 - Phác thảo chương trình kỷ niệm 50 năm lớp Phanxicô Xaviê 1963

Phác thảo chương trình kỷ niệm 50 năm lớp Phanxicô Xaviê 1963 ở Sàigòn:

Capo Long dự tính triệu tập một số thầy ở Saigon ngồi lại để bàn chương trình và phân công. Nhưng ai cũng bận, nhất là mấy hôm nay, chiều nào cũng mưa. Thôi thì thử trưng cầu ý kiến mọi người khắp nơi gần xa xem sao:

Có mấy chuyện ... thì capo Long cho biết đã rất ổn: 
1- Thời gian: 
Vào chiều ngày 3/12/2013 - bắt đầu lúc 16g30 - các thầy cùng vợ con đến Nhà Dòng 38 Kỳ Đồng
2- Địa điểm: 
Thánh lễ đồng tế tại Nhà nguyện của các cha thầy hưu dưỡng ở phía sau Nhà Dòng Kỳ Đồng - vừa mới xây xong, nhỏ gọn xinh xắn, ấm cúng, rất tiện cho 2 cha giáo chân yếu ngồi xe lăn (cha Bosco Thiện và cha Đăng).
- một số việc cần quan tâm chuẩn bị cho Thánh lễ:
      1/ Tập bài hát lễ (thầy Hoàng)
      2/ Áo lễ cho các cha, rượu bánh, cắm hoa, trang trí nhà nguyện (capo Long)
3- Khách tham dự: khoảng 70 người
* Thư mời: hình thức, nội dung ....  (thầy An) Ngày gửi thư là 10/11/2013
* Thành phần:
+ Các cha giám đốc, cha giáo, cha bề trên có liên quan đến công tác đào tạo hiện nay.. : (1) cha Ân, (2) anh Hai, (3) cha Đăng, (4) cha Thụy, (5) cha Lãm, (6) cha Phụng, (7) cha Hiên (gđ học viện), (8), cha Tiến Lộc (gđ dự tập), (9) cha Hào (gđ Nhà sách), (10) cha BT Giám tỉnh, (10) Cha Quang (phụ trách dự tập) ...
+ Capo một số các lớp trên và dưới: khoảng 8 anh, gồm anh Vũ Sinh Hiên, anh Nghi (lớp Vô Nhiễm), anh Chiến, anh Mầu (lớp Vĩnh Long), Lớp Jean De Dieu, lớp PX nhỏ.
+ Anh em trong lớp và gia đình ở Việt Nam: An, Ân, Ấn, cha Bích, Đào, Bửu, Chiếu, Định, Hiến, Hòa, Hùng, Khánh, T.Long, V.Long, Quới, Sơn , Tân, Thăng, Tuấn. (21 người x 2)
* Ghi chú: mới có tin thầy Thạch bị kẹt "xô" ở Trung quốc không đến được, vợ chồng thầy Chiếu kéo dài kỳ trăng mật ở xứ cờ Huê đến hết Tết tây 2014 .... 

4- Địa điểm tiệc mừng là trên lầu Nhà sách Đức Mẹ (như lần tổ chức cho cha Ân)
* Thực đơn: vừa phải - thầy Long dự trù khoảng 4 triệu đồng ($200)/1 bàn x 7 bàn, bao gồm cả nước uống và phí phục vụ ... khá rôm rả  rồi.
* Chi phí khác: quà kỷ niệm để mà nhớ nhau (chưa biết cái gì đây!) 
* Kinh phí đóng góp: anh em trong lớp đến dự năm nay sẽ đóng góp tùy hỷ. Thầy Ấn có hứa bao chót, nhưng không sao, vì còn vài thầy khác cũng sẵn sàng đóng góp nhiều hơn cho phần ăn của gia đình mình, cộng với sự hỗ trợ hải ngoại (như thường lệ hằng năm, ít nhiều tùy hỷ - điều mong ước nhất là làm sao có thầy nào về chung vui và đi viếng thăm lại Nhà Dòng) đã được thầy Khiêm thông báo và sẽ gửi về kịp trước ngày 3/12.

5- Dĩa CD kỷ niệm gửi sau cho các anh em trong lớp: các em lớp Jean De Dieu hứa giúp quay phim chụp hình và eiting, in ra dĩa...


Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

Ngày thứ 32 - THĂM LINH MỤC NHẠC SĨ THÀNH TÂM

Thăm Cha nhạc sĩ Thành Tâm
(tựa này do mình đặt - bài viết của Minh và  nhóm "Jean de Dieu và Cố Yến" thực hiện)

Các bạn này đã làm được một việc thật tuyệt vời !

Như đã hẹn trước, vào buổi sáng đẹp trời hôm thứ bảy ngày 26/10/2013 vừa rồi, anh em đại diện Lớp Jean De Dieu & Nhóm Cố Yến đã tề tựu tại Nhà sách ĐMHCG, có mặt gồm: Dương Hùng, Thành Mỹ, Minh Giàu, Minh Tân và Quang Minh để được gặp gỡ phỏng vấn LM. Nguyễn Thành Tâm (được biết Ngài hiện là Phó xứ nhà Thờ ĐMHCG, phụ trách Thiếu nhi thánh thể).
Tuy hẹn gặp Ngài vào lúc 9g30 nhưng anh em đã đến sớm trước 9g. Cha Thành Tâm tiếp đón anh em tại phòng làm việc của Ngài tại tầng 1 của Nhà xứ ĐMHCCG Kỳ Đồng. Đây là 1 căn phòng tuy sáng sủa nhưng khiêm tốn, cũ kỹ và có phần hơi bề bộn một chút do có chứa nhiều tư liệu, tranh tượng. Để trang bị cho cuộc phỏng vấn này, anh em đem theo 1 camera Sony hiện đại, 02 cái máy chụp ảnh digital và 01 máy thâu băng.
Vào đề, anh em thưa với Cha là muốn gặp gỡ Cha là vì các lý do như sau:
1/ Đại diện anh em Lớp JDD & Nhóm Cố Yến chúc mừng Cha nhân kỷ niệm 50 năm khấn dòng mà vì biết tin trễ nên chúc trễ, xin Cha thông cảm.
2/ Minh Tân đại diện mời Cha đến dự Lễ Lục tuần của các anh em vào dịp Tết Dương lịch.
3/ Và cuối cùng, thay mặt anh em có lòng yêu mến và có nhiều kỷ niệm với dòng nhạc Vào đời Alléluia xin được phép phỏng vấn Ngài một đôi điều đáng quan tâm về chủ đề này (đây là nội dung chính của buổi gặp gỡ)
Về 2 việc đầu Cha cho biết như sau: Việc tổ chức kỷ niệm khấn dòng không có trễ vì nhà Dòng sẽ kết hợp với Lễ kỷ niệm 80 năm thành lập DCCT SG, 50 năm thành lập Giáo xứ ĐMHCG vào ngày 30/10/2013 để tổ chức mừng kỷ niệm cho các LM luôn thể, trong đó có Ngài. Còn việc tham gia dâng Thánh Lễ tại gia cho anh em nhân dịp Lục tuần thì Cha vui vẻ nhận lời và căn dặn Minh Tân phải xin phép Đức Cha hoặc Cha sở địa phương. 





PHẦN PHỎNG VẤN LM.THÀNH TÂM, THÀNH VIÊN SÁNG LẬP
BAN ALLELUIA & DÒNG NHẠC “VÀO ĐỜI”

(Đây chỉ là chuyện “kể trước” cho biết một số nội dung, còn sự kiện chính xác sẽ có vidéo clip do TM và CDH biên tập và phổ biến chính thức sau) 

Chúng tôi không ngờ Cha Thành Tâm lại có sẵn tư liệu “tạm gọi là” đồ sộ như vậy về Ban Halléluia & dòng nhạc Vào đời từ thuở ban đầu thành lập: các bản nhạc, hình ảnh, thư từ, bài báo và các tài liệu khác. Nhiều thứ tuy đã cũ kỹ ngả màu ố vàng nhưng được sắp xếp cẩn thận theo thứ tự trong các album, file hồ sơ một cách thứ tự, lớp lang. Phải là người có tâm huyết và gắn bó thì mới có nỗ lực lưu giữ kỹ càng như vậy! Nếu như có ai gợi ý làm 1 cuốn sách để tập hợp tư liệu về phong trào Nhạc Vào đời_Ban Halléluia thì chắc… phải tìm đến đây để tham khảo các tài liệu quý này. Trong thời gian phỏng vấn ghi hình quay film, chúng tôi mà đặc biệt là CDH đã tích cực bấm máy chụp hình các tài liệu. Mặc dù, ngoài việc tự tay giới thiệu các tư liệu cần thiết, phần còn lại Cha nói đây là tài liệu riêng tư có tính chất cá nhân nhưng tranh thủ lúc Cha đang trả lời phỏng vấn, anh em cứ… làm tới. Tuy có chuẩn bị câu hỏi sẵn để phỏng vấn nhưng câu chuyện cứ tuôn trào thoải mái, trao đổi qua lại vui vẻ giữa cha con.




Có thể tóm tắt như sau

1. Về thời điểm, các nguồn động viên thúc đẩy thành lập dòng nhạc Vào đời_Ban Halléluia:
- Theo Ngài cho biết và coi các tài liệu thì chúng tôi thấy rằng năm ra đời của Ban Halléluia là vào năm 1967, mà cụ thể là vàongày 28 và 29/1/1967 với buổi trình diễn hai bài hát "Vào đời" và "Người gieo giống" tại sân khấu Domaine De Marie ở Đà Lạt gồm các khán giả đa số là nữ tu. Buổi biễu diễn thứ hai (ít ra là như vậy) đánh dấu với việc lancer bài "Alléluia - Hát lên người ơi" của Ban Halleluia Học viện được thực hiện vào ngày 11/6/1967 tại buổi cơm gia đình kết thúc niên học để cám ơn các cha giáo.
- Các nguồn động viên cổ vũ: ngoài ảnh hưởng của luồng gió mới từ Cộng đồng Vatican II, từ dĩa nhạc nhóm Học viện DCCT (Canada), và sự gợi mở của LM.Nguyễn Ngọc Lan, giáo sư Triết, (vừa du học bên Pháp về)... Ngài cho biết còn có sự ủng hộ trực tiếp rất nhiệt thành của Cha Cao đăng Minh(Phó giám đốc Học viện), Cha Nguyễn Tự Do, tuyên úy quân đội phụ trách Giờ phát thanh công giáo (ở Sàigòn) và sau này là  sự hỗ trợ của cha Louis Qui (coi nhóm bụi đời An Phong, bên Pháp) …  
- Về ảnh hưởng của dòng nhạc: Ngài cho biết có chịu ảnh hưởng bởi dòng nhạc ngoại quốc Tây phương thời đó mà Ngài từ nhỏ tới lớn, do “gen’’ của mẹ, đã thường tiếp xúc và chơi thể loại nhạc này. Nhưng Ngài đã soạn lại để thích nghi thành dòng nhạc đặc thù như đã biết. Ngài tâm sự: "Sau này, hàng chục năm sau, có nhiều tác phẩm cũng mang danh nghĩa "Vào đời" nhưng nhạc nghe sao không giống thể loại của tôi, mà giống như là tân nhạc "Đời" vậy?!..."
 Anh em cũng có nghe vào thời đó có Soeur Sourire (dòng Đaminh) cũng sáng tác với thể loại nhạc tươi trẻ hấp dẫn, nên hỏi Ngài có bị ảnh hưởng không? Ngài cho biết không có liên quan gì. Tuy nhiên, Ngài tiết lộ có chịu ảnh hưởng bởi phong thái của LM.Aimé Duval là người đã có sáng kiến sáng tác và hát những ca khúc có nội dung "đạo đức" trong một số quán ăn ở bên Pháp vào thập niên 50....




2. Thành viên ban đầu: 
- Chúng tôi may mắn có được 01 tấm hình quý do Cha Thành Tâm đưa cho coi, thấy các thành viên ban đầu gồm khoảng hơn 10 người, (đính kèm hình, từ trái sang phải, có vài người bị khuất) là Các Thầy: Trần Ngọc Tá, Trần Sỹ Tín, Trần Ứng Tường,  Vũ Nhuận (?, vì hình bị khuất không rõ), Ngọc Thái, Thành Tâm, Vân và Vinh. Người đánh trống bị khuất là Thầy Thủy. Còn Tiến Lộc, Đức Mầu và Tuấn khuất phía sau? 
Hỏi Ban Halléluia có bầu trưởng ban, phó ban gì hay không? Cha Tâm trả lời là không! Tuy cha không tự nhận, nhưng chúng tôi thấy Ngài (nhạc danh khác là Tuấn Anh), tay “guitar Lead” lúc đó, xét về kiến thức âm nhạc và chỉ vẽ cho các bạn…và các bản nhạc do Ngài sáng tác, chiếm lĩnh trong dòng nhạc Vào đời, thì chúng ta có thể coi Ngài là người sáng lập ra Ban Halléluia (!) và thể loại nhạc này, mà sau này được tiếp nối  bởi những người khác (?)

3. Về thành kiến và áp lực: với sự tò mò, chúng tôi phỏng vấn Ngài câu này. Ngài nói không biết sau này ra sao nhưng thời của Ngài thì Ngài không cảm thấy bị áp lực gì vì mọi việc Ngài có xin phép Bề trên rồi. Tuy nhiên, lúc đầu không hẳn là được mọi người đón nhận ! Ngài cho biết có một Đức Cha (nay đã quá cố), ra 1 văn thư chính thức cấm giáo phận hát thể loại nhạc Thành Tâm trong thánh lễ. Và một số LM ở đó kháo với nhau : khi nào Đức Cha không làm chủ tế thì tùy nghi mà hát, nhưng hát với tiết tấu chậm lại là được. Sau này, tình cờ Đức Cha nghe thì khen, nói bài hát này của ai mà nghe được quá...
Một số bài nhạc Vào đời hiện nay được đưa vào Phụng vụ, hát trong thánh lễ !

4. Sự chia tay của Ban nhạc: với sự suy nghĩ rất đời là thông thường các ban nhạc sẽ chia tay tan rã phần lớn do có sự lục đục trong nội bộ. Thí dụ như Ban Beatles chẳng hạn. Nhưng khi phỏng vấn câu này, Ngài cho biết : “không có sự chia tay như vậy đâu! Chẳng qua là sau khi hết năm Thần học 4 thì anh em Lớp chúng tôi phải đi “thực tế”, mỗi người chọn một hình thức tông đồ mình thích. Người thì lên Pleiku, người thì tháp tùng các cha già đi giảng Đại phúc hoặc nhận một công việc khác do Bề Trên gợi ý. Thế là mỗi người mỗi hướng”!
Tuy quên không hỏi thêm! Nhưng theo anh em chúng tôi suy đoán, Ban Halléluia chỉ hoạt động trong thời gian ngắn ngủi, khoảng hai năm thôi khi còn ở Học viện Đà Lạt. Nhưng sau này dòng nhạc Vào đời vẫn tiếp diễn và có các ban nhạc “hậu sinh” khác tiếp nối. Điển hình là vào khoảng năm 1970, Lớp Jean De Dieu chúng tôi đã hình thành 2 ban nhạc cũng mang tên gọi Vào đời (hình như là duy nhất tại ĐTV vào thời đó). Một ban gồm các tay đờn trống lão luyện gồm: Việt Anh, Đắc Nghĩa, Quốc Thắng và Thanh Lâm (trống). Một ban trình độ hơi nhỉnh hơn gồm: Đình Tuyên, Nam Mỹ, Thành Mỹ và Chí Minh (trống).

5. Ý nguyện của Cha Thành Tâm khi sáng tác nhạc Vào đời:Tuy không được chuẩn bị trước với một câu hỏi khá lớn lao trừu tượng như vậy, Ngài đã bộc bạch với chủ ý rõ ràng : "Xin  được làm một chút gì gọi là để góp phần vào gia sản Thánh nhạc của Giáo hội, để ngợi khen Chúa. Ai đón nhận được thì đón nhận. Ai chê bai thì mình cũng đón nhận...". Ngài nói thêm, trên trang mạng Ca trưởng, cũng  đôi lúc có bình luận hơi nặng lời đối với dòng nhạc Vào đời hoặc sau khi nghe hát ở đâu đó, có người tới méc : “tụi nó hát sai quá xá, anh mà nghe chắc phải nổi giận đập trống luôn!”... tôi nghe thì cũng cười vậy thôi…(Miễn sao họ cầu nguyện ngợi khen Chúa Mẹ là được rồi!)





6. Các chi tiết thú vị khác:
- Ở trên mạng có hình chụp hành lang lầu thượng Nhà Dòng Đàlạt, nói đây là chỗ Ban nhạc Alleluia tập luyện khi xưa. Nhưng Ngài đinh chính là không đúng như vậy vì chỗ này trống hoác. Nếu tập luyện hát hò trên đó thì ồn ào lắm!... Chỗ tập luyện, thâu băng của Ban là căn phòng nhỏ kế bên cầu thang, tầng hầm ở bên phải của bức hình. Nó là phòng để nghe nhac, xem phim..của Học viện.
- Có 1 bức hình quý chụp cảnh Cha Thành Tâm đang đàn acordéon, ông Cố Phêrô Hoàng Yến đang thổi kèn Harmonica (Ngài giả bộ thôi!). Anh em cho là chụp ở Vĩnh Long.
Hỏi là trên mạng có nghe nói Ban Alleluia có trình diễn ở... vũ trường? Ngài nói chưa!
 Vào thời Ngài, Ban Alleluia đã lưu diễn tại các dòng tu nam-nữ, các Tiểu-Đại chủng viện, Nam-Nữ Trung học, Đại học công giáo… ở Đàlạt. Và tại Nha Trang, dịp hè, trên sân khấu nhà.
Có thủ bút của ĐHY.FX Nguyễn Văn Thuận gửi cho Cha Thành Tâm viết : "Lúc này con còn sáng tác không? Đó là đặc sủng của Chúa ban cho con, phải nhớ mà sáng tác. Gửi cho Cha với!...". Và lá thư của Đức cha P.Nguyễn Văn Nhơn, lúc ngài còn ở Đàlạt….
Hỏi về các tác phẩm nhạc mà Ngài sáng tác khoảng bao nhiêu? Ngài cho biết khoảng 180 bài, tính luôn dài ngắn. 
- Nói về ước muốn ghi lại lịch sử của dòng nhạc vào Đời: chúng tôi có tình cờ chụp được 1 tài liệu lịch sử do chính Nhạc sĩ biên soạn từ lâu với màu giấy đánh máy ố vàng, trong đó trình bày mạch lạc, theo mục lục như sau:
   I. Tiền thân của thể nhạc này.
  II. Thời kỳ hình thành và phát triển, qua 3 giai đoạn:
      A. Từ "ngoài nhà thờ": 1967 - 1970
      B. Mời tiến vào "trong nhà thờ": 1970 - 1980
      C. Để "đi vào Phụng vụ" (đặc biệt là Thánh lễ "giới trẻ" và "thiếu nhi"): 1980 - 1990
                   (tiếc là người viết chỉ chụp trang đầu, đính kèm)

Buổi nói chuyện kết thúc vào khoảng 11g30. Khi đến đoạn cuối anh em có mời Cha Thành Tâm giới thiệu về song thân của mình, mà tro cốt của các vị để ngay tại phòng làm việc của Ngài.

        Sau cùng, anh em cám ơn Ngài đã dành thời giờ tiếp anh em để có được cuộc nói chuyện thú vị này!

 * Ghi chú:
- Nghe lại băng ghi âm mới thấy rõ tính không chuyên nghiệp của anh em ta khi đi phỏng vấn: Lúc Cha Thành Tâm đang kể chuyện mạch lạc hoặc đang trả lời phỏng vấn đi vào chủ đề chính. Anh em ta tự nhiên nói đùa, đưa vào thông tin khác phang ngang nữa chừng, làm cho Ngài phải lịch sự bắt chuyện, rồi tới phiên anh khác lại nhảy vào đế thêm nữa...., thành ra cuối cùng quay lại với chủ đề chính không được nữa mặc dù Ngài đã cố gằng làm vậy. Mà nhiều lần lập đi lập lại như vậy thành ra câu chuyện đứt khúc nữa chừng, giống như 1 buổi nói chuyện tâm sự chứ không giống buổi phỏng vấn để có được tư liệu quý đang được quan tâm. May là có chụp hình tư liệu mới còn chuyện để kể. Bái phục cho anh em ta (trong đó có tớ) và xin lỗi cha Thành Tâm. 
- Bài viết này đã hân hạnh được Cha Thành Tâm, mặc dù bận nhiều việc nhưng đã bỏ thời giờ duyệt qua, chỉnh sửa về các chi tiết lịch sử. Nhân tiện, nếu Cha Thành Tâm thấy có gì cần nói thêm thì xin cho biết. Xin được cám ơn Cha.
- Các hình ảnh tư liệu gửi kèm chỉ là 1 phần nhỏ, còn các tư liệu khác do TM và CDH chụp hình, quay film ghi nhận lại chưa thể truyền đạt hết. Tuy nhiên, nếu muốn tìm  hiểu thấu đáu hơn về chủ đề này, chắc anh em ta phải chịu khó quay trở lại một lần nữa.
MS

Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

Ngày thứ 33 - Nhớ về Ban Alleluia


Đôi điều còn nhớ về Ban Hallêluyah:

Ngày “N’ hôm ấy, rơi vào tháng 10 là tháng Đức Mẹ Mân Côi năm 2013, có Lm Tiến Lộc DCCT từ Việt Nam qua Melbourne tham gia giảng lễ Đại Hội La Vang tại trung tâm Hoan Thiện, sau đó lại xuất hiện trên sân khấu “bỏ túi” của nhà hàng Crystal Palace Sydney với đôi lời mào đầu câu chuyện thân thương, như hồi nào: “Hôm nay, anh em chúng tôi, một số thành viên trong Ban Hallêluyah Học viện Dòng Chúa Cứu Thế quyết định thực hiện một tiết mục mà chúng tôi gọi là “Hallêluyah, 45 năm nhìn lại.”

Tiếp sau đó, người anh em làm nhiệm vụ MC là anh Vũ Nhuận trước khi cùng diễn trình với Lm Tiến Lộc và Trần Ngọc Tá, đã quay sang phỏng vấn Lm Tiến Lộc một câu: “Anh Tiến Lộc à, các bài hát năm đó vui nhộn ở điểm nào vậy?” Sau đó, anh Vũ Nhuận lại quay sang hỏi anh Trần Ngọc Tá, cũng là thành viên của ban nhạc này, một câu khác: “Xin hỏi anh: tại sao khi đó anh em lại đặt tên cho các bài ca này là: “Vào Đời”?

Nói chung, các câu hỏi hôm ấy được trả lời cách tóm gọn, vì lý do hôm ấy là buổi văn nghệ gây quỹ từ thiện giúp “các em khiếm thị ở Mấi Ấm Nhật Hồng và Thiên Ân” tại Việt Nam và ban tổ chức chỉ dành cho nhóm “Tam Ca Áo Đen” Dòng mình chừng 20 phút phù du thôi. Tuy nhiên, những ngày sau đó lại có thắc mắc cũng như nhận định từ nhiều nơi trên thế giới, nên một lần nữa anh Vũ Nhuận lại đề nghị người viết bài này ghi thêm một vài nét có tính “sử-liệu” về cái-gọi-là “Ban Hallêluyah, Ca Vào Đời”.

Với những gì người viết hôm nay còn nhớ được, thì xin ghi lại như sau: Lúc ấy, là cuối năm 1967 hoặc đầu năm 1968, anh em Học Viện DCCT Đà Lạt đã lĩnh-hội được ngọn gió lành rất mới thổi từ Giáo hội mẹ nhờ có Công Đồng Vaticăng II cho phép giáo-hội toàn-cầu sử-dụng ngôn-ngữ và âm-nhạc của đất nước mình sinh sống.

Nói cho công bằng, thì: vào cuối năm 1967, anh em Học Viện DCCT ở Đà Lạt sau khi hoà mình vào với bầu khí thân thương vui nhộn chịu ảnh hưởng từ Lm Aimé Duval, Sj và Soeur Sourire, OP ở Pháp sau đó lại nhận được một dĩa nhạc 33 vòng “tua” từ Học Viện DCCT Sainte Anne de Beaupré, Canada do Ban “Les Alleluias” thực-hiện, trong đó có hơn 10 bản nhạc mới dùng Tin Mừng làm lời ca nền nã. Không biết bên đó, anh em học viện DCCT Canada có hát hoặc trình diễn các bài đó trong nhà thờ hay trên sân khấu không nhưng âm-hưởng và nhịp điệu của những bài như “Juke-box”, “Alleluia! Alleluia!” đã khiến anh Thành Tâm có hứng đặt lời cho bài “Bạn Đường” tạo nguồn cảm-tác cho một số anh em có mặt trong Ban này.

Đặc biệt hơn, ở Việt Nam lúc đó, đã có bầu khí rộn ràng vui tươi và nguồn hứng rất phấn-khởi đã chuyển thành chất-liệu mới cho ý nhạc thời-thượng và lời ca cùng tâm-tình rút từ nền thần-học rất Kinh-thánh. Chả thế mà, sức hút của loại nhạc này đã bắt đầu được thể-hiện lập tức ngay sau khi các anh Thành Tâm, Sỹ Tín và Đức Mầu đưa vào hiện-thực phần kỹ-thuật và nghệ-thuật âm-thanh rất bài bản. Về phần ghi/kẻ giòng nhạc và chép lời ca cũng như trình-bày thành ấn-phẩm đã được các anh Vũ Đức Nhuận, Trần Ngọc Tá thực hiện bằng tay và phần thu thanh trên băng nhựa đã do anh Cao Đăng Minh, nay là linh mục DCCT ở Mỹ đưa vào thực tế, rất phấn chấn.

Còn nhớ, khi ấy anh Vũ Đức Nhuận đã khổ công ghi chép, kẻ nhạc và trang hoàng đầu đề bằng tay trên giấy giấy trắng và anh Trần Ngọc Tá cũng chép tay các ca từ trên bản thảo mà thời đó bà con gọi là thủ bản rồi sau đó, được anh Cao Đăng Minh cùng với Trần Ngọc Tá đích-thân đến Nha Địa Dư Đà Lạt để cậy nhờ quý vị bên ấy in theo dạng “offset”, qua trung gian của người anh ruột của anh Cao Đăng Minh, là Trung Tá Võ Bị Cao-Đăng-Tường (là vị sĩ quan nổi tiếng với sự-kiện trao đổi tù binh Nam Bắc và đoàn Quân sự Bốn bên hồi thập niên 1970, ở Sàigòn).

Dù đề-tựa của tập sách nhỏ do Ban Hallêluyah cưu-mang thực-hiện chỉ mang hai chữ “Vào Đời” thôi, nhưng thực-chất của tập sách, ngay từ đầu, đã mang ý nghĩa các bản “Ca Vào Đời”, tức chủ-trương: đem giọng ca của dân con nhà Đạo đi vào đời gặp-gỡ sẻ-san Lời Chúa với đời. Và quả nhiên, Ban Hallêluyah, với các tu sĩ mặc áo chùng thâm chơi đàn trống với loa kèn đã đem lại cho người trẻ một sức sống dâng trào niềm vui. Lúc đó, hai chữ “Vào Đời” hiện ra như câu “thần chú” thúc-bách các anh có trọng-trách mang Lời Chúa chuyển trao cho mọi người, ở đời, vì thời đó anh em Học viện đã thừa-hưởng và hấp-thụ cái-gọi-là “luồng gió mới” cả về thần-học lẫn triết-lý đến từ nước ngoài do các bậc thày đàn anh đi trước như: Lm Nguyễn Thế Thuấn, LM Đinh Khắc Tiệu, Lm Trần Hữu Thanh, Lm Chân Tín, cựu Lm Nguyễn Ngọc Lan, vv.. Riêng cựu Lm Nguyễn Ngọc Lan khi ấy đã thúc đẩy anh em học viên hãy đón-nhận không chỉ triết-học nền-tảng của thánh Tôma Akinô thôi, nhưng cũng nên và cũng cần ra đời mà xem xét, hấp-thụ nền triết-học hiện-sinh của các triết-gia nổi tiếng như:Kant, Hengel, Jean Paul Sartre, Albert Camus, Simone de Beauvoir, vv... Cụ thể là anh em lớp Triết đã được phép ra ngoài học “triết học ở ngoài đời” tại Đại Học Đà Lạt có tên là “Thụ Nhân” để học hỏi và nhận lãnh bằng cử-nhân văn/triết, như các người trẻ thời đó. Kết quả là, rất nhiều anh đã thành công về mặt này.

Được biết, sự kiện “Đạo Vào Đời” không chỉ xuất-phát từ phong-trào ca và nhạc “Vào Đời” mà thôi, nhưng còn xuất-hiện từ tình-huống lẫn chủ-trương của Công Đồng Vatican II đem lại. Nói cách khác, “luồng gió mới” Công Đồng Vaticăng II đã thổi vào Học viện qua lập-trường cũng như tư-tưởng của một số bậc thày giảng dạy tại Học-viện chủ-trương nên để cho anh em có thời-gian và cơ-hội tiếp-xúc cũng như chung sống với đời, trước khi về lại nhà Dòng lại sẽ tiếp-tục nhận-lãnh sứ-vụ linh mục chuyên chăm rao-giảng Lời Chúa cho đời và cho người. Tóm lại, muốn giảng cho người đời, cũng phải hiểu và biết đời người là thế nào. Và, muốn hiểu và biết “mặt thật” của đời, không gì bằng cứ “đầu cao mắt sáng” hiên ngang “đi Vào Đời” để “Ca Vào Đời” và để sống với lý-tưởng đem “Đạo Vào Đời”.

Có thể nói, trước/sau sự kiện “Ca Vào Đời” anh em Học Viện đã có những buổi bàn bạc, thương thảo về đường lối sống cũng như đào-tạo chính mình ở Học viện. Người viết những giòng này đã thực-tế “đi Vào Đời” một thân một mình, ở nơi xa-xôi ngoài miền Trung nước Việt, nên không được biết và cảm-thông những gì xảy ra sau đó, vào những năm 1969 và/hoặc 1970 khi có sự-kiện toàn Dòng quyết thực hiện cái-gọi-là Chương trình “Dự tu” hoặc “Đi Thử”, vào những tháng ngày sau đó.

Về chi-tiết thành-phần của Ban Hallêluyah, còn nhớ khi ấy gồm các thành viên như sau:

-Nguyễn Thành Tâm: người sáng-lập và sáng-tác phần lớn các bài trong tuyển tập “Vào Đời” và là tay chơi Guitar Lead và lấy bút-hiệu là Tuấn Anh khi sáng-tác các bài: Họp Nhau Trong Khúc Hát, Xuất Hành, Sao Đêm..
-Cao Đăng Minh: phụ trách in ấn, thu thanh vào máy Cassette Akai và liên-hệ với các nơi đăng cai trình-diễn.
-Nguyễn Đức Mầu (với bút hiệu Hoàng Đức) đã sáng tác các bản:Người Gieo Giống, Về Nhà Cha, Bài Ca Người Được Yêu, Bước Người Đi Qua.. Đồng thời, anh cũng chơi Clarinette cho hầu hết các bài được ghi âm trong băng nhựa.
-Trần Sỹ Tín: chơi Guitar Bass và là người đặt lời cho các bài, như:Vào đời, Bài Ca Người Được Yêu, Alleluia Hát Lên Người Ơi.
-Trần Ngọc Tá: chơi Guitar Rythm và hát chung các phần điệp khúc.
-Nguyễn Trường Thái; chơi Phong Cầm loại Accordion.
-Nguyễn Văn Thủy: chơi trống.
-Trần Quốc Tuấn: solo chính cho hầu hết các bài trong toàn tập.
-Lương Thế Vinh: hát solo một số bài.
-Vũ Đức Nhuận: cùng hát solo một số bài trong sách này.
-Nguyễn Tiến Lộc: hát phụ hoạ giọng Bass.
-Nguyễn Kim Văn: hát phụ hoạ giọng Tenor.

Như MC Vũ Nhuận có nói vào hôm trình diễn ở Sydney, là: phân nửa thành-viên trong Ban Hallêluyah, gồm các anh: Lm Cao Đăng Minh, Lm Nguyễn Thành Tâm (tức Thành Tâm), Lm Trần Sỹ Tín, Lm Nguyễn Đức Mầu (tức Hoàng Đức), Lm Tiến Lộc và Lm Nguyễn Văn Thủy tất cả vẫn là linh mục Dòng Chúa Cứu Thế sống ở Việt Nam, đang sinh họat với Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế, ở Sàigòn ngoại trừ linh mục Cao Đăng Minh lâu nay gia nhập tỉnh Dòng Baltimore, Hoa Kỳ. Các anh khác, đều đã chia tay và thực tế đi “Vào Đời”, theo ơn gọi khác, như: các anh Nguyễn Kim Văn (Hoa Kỳ), Nguyễn Trường Thái (Việt Nam), Trần Ngọc Tá (Úc), Lương Thế Vinh (Hoa Kỳ), Vũ Đức Nhuận (Úc), Trần Quốc Tuấn (còn gọi là Tuấn A, đang ở Hoa Kỳ). Tất cả, dù ở bậc nào đi nữa, vẫn đang rao-truyền chủ-trương và lời mời rất “Duc in Altum” tức “Ra Khơi” mà “đánh cá người”, nơi cuộc đời.

Còn việc đặt tên cho buổi diễn-trình ngày “N” hôm ấy, ở Sydney năm 2013 là: “Hallêluyah, 45 năm nhìn lại”, có lẽ cũng hơi “nổ bạo” một chút. Bởi, người đặt tên cho tiết mục dài 20 phút này chỉ muốn gợi lại một chút gì để nhớ và để thương về quá khứ có ban Hallêluyah ngày nào từng tạo sức hút rất phấn-khởi cho một số cộng-đoàn ở Đà Lạt, thôi. Chứ kỳ thực, cả đến sáng-lập-viên cũng như toàn ban ban hát này không có cao-vọng đưa nhạc Đạo theo kiểu mới thay cho loại nhạc nào đó, thật sự cũng không đúng. Duy có điều, là: sức hút và ảnh-hưởng của cái-gọi-là phong trào “Vào Đời” đã tạo một sức sống nào đó, để đến nỗi Trần Ngọc Tá nổi-hứng đã thêm câu kết cho lời phỏng vấn “bỏ túi” hôm ấy, đại-khái bảo rằng: tinh thần “Vào Đời”, nay được tiếp tục với cái-gọi-là “Chuyện Phiếm Đạo vào Đời”, cũng quá lời.

Nay, ghi lại đôi điều hiện nổi lên trong trí nhớ, cũng chỉ để gợi lại một đề-nghị rất cỏn con, rằng: có nên duy-trì tinh-thần “Vào Đời”, ở mọi nơi không? Và nếu được, có nên có một buổi hát ca văn nghệ hoặc hòa nhạc nào khác mang tên: “Hallêluyah, một hội ngộ” ở đâu đó, chốn sản-sinh tinh-thần này hoặc ở nước ngoài? Câu trả lời, xin dành để cho mỗi người, bạn bè cũng như người thân, vẫn gần gũi tinh thần An Phong, rất Hallêluyah, lâu nay.   

Mai Tá ghi nhanh từ Sydney,
Những ngày cuối tháng Mân Côi 2013.    

Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

Ngày thứ 36 - CÁI KHUÔN ĐÚC

Sáng hôm nay, mình bị một chú em ở Bình Dương phát hiện - Xin lỗi chú nghen, nếu cháu đóan không sai thì chú phải là một thầy dòng hay ít ra là một ông "ta ru". Tuần trước, ở chung phòng của nhà khách ngoài Hà Nội với một anh bạn đồng nghiệp trẻ ở Long An, cậu ta nói đùa trước khi đi ngủ: "Cháu được giao  nhiệm vụ  theo dõi chú, vì chú có gốc thầy dòng". Í chà cái khuôn đúc Đệ tử DCCT không biết kích cỡ như thế nào, mà đi đâu cũng bị phát hiện ?!

Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

Ngày 41 - ĐƯỜNG LÊN NÚI SỌ

CON ĐƯỜNG THEO CHÚA LÀ ĐƯỜNG LÊN NÚI SỌ

Tên thánh Phanxico Xavie bổn mạng lớp chúng ta cũng là tên Tỉnh Dòng Tên Việt Nam, được chọn vào ngày 14/7/2007. Chúng ta cũng có thể thấy trong lịch sử Giáo hội La Mã đã từng xảy ra những thời kỳ đen tối. Năm 1773, Dòng Tên bị Giáo triều Roma giải thể trên toàn thế giới, khiến cho Dòng Tên đã vào đến Việt Nam từ đầu năm 1615, trụ cho đến năm 1773, được 158 năm, mà phải "rút quân" toàn bộ, nhường lại chỗ cho các cha Dòng Đa Minh. Tính "đa quốc gia" của Dòng Tên đã có từ thời đó với 155 tu sĩ thuộc 20 quốc tịch khác nhau. Đầu tiên là 3 tu sĩ theo các tàu buôn phương tây đổ bộ đến cửa Hàn, vào phố Hội An ngày nay, nơi có cộng đồng người Nhật theo đạo Công giáo sinh sống, nhưng về sau bị Chúa Nguyễn Đàng Trong đàn áp. Vì vậy mà mà đến năm 1627, cha Alexandre de Rhodes chọn Cửa Bang ở Thanh Hóa mà truyền giáo, cùng với cha Pedro Marquez xây dựng Giáo hội Đàng ngoài dưới thời Chúa Trịnh. Trong thời gian hơn 100 năm đó, Dòng Tên chỉ đào tạo được 33 tu sĩ người Việt, cho thấy sự cẩn trọng hết sức của Dòng. Chủ trương của Dòng là dành thời gian thâm nhập vào hàng ngũ trí thức và quan lại, vì cho rằng đây là giai cấp cai trị có ảnh hưởng quan trọng, vì vậy 12 tu sĩ đã vào làm việc trong triều đình, đàng Trong lẫn đàng ngoài, ghi nhận có 12 tu sĩ làm việc ở Thái Y Viên và Khâm Thiên Giám của các Chúa Nguyễn Đàng Trong.

Ví dụ khi xem lịch sử Dòng Tên, ngày nay ở Việt Nam, ngoài thói quen gọi các cha Dòng Tên - les Jésuites, thì gọi là các Giêsu hữu - những người bạn của Đức Giêsu. Quyển tự điển Việt La Bồ cũng được soạn trong thời gian đó.

Mãi đến năm 1814, nghĩa là đầu thế kỷ 19, mất 2 thế kỷ, sai lầm của giáo triều Vatican mới được sửa chữa dưới giáo triều của Đức Giáo Hoàng Piô VII, bằng sắc lệnh Sollicitudo Omnium Ecclesiarum, Dòng Tên mới được lập lại trên toàn thế giới. Rồi đến năm 1957, Dòng Tên mới vào lại Việt Nam, thật ra là do chính quyền Cộng sản Trung quốc trục xuất vào năm 1949. Nhóm anh em đầu tiên trở lại Việt Nam đã lập trụ sở tại 161 Yên Đỗ nay là Lý Chính Thắng, gọi là cộng đoàn thánh Ignatiô. Sau này giới trẻ thường gọi là Trung Tâm Đắc Lộ vì là nới thu hút các sinh hoạt văn hóa và giáo dục phù hợp với các sinh viên. Có thư viện cho sinh viên đến đọc sách và học thi vì khung cảnh yên tĩnh. Bên cạnh có tư vấn hướng nghiệp cho bạn trẻ, do cha Elizalde (người Tây Ban Nha), gọi là cha Thành. Rồi hình thành foyer Đắc Lộ làm lưu học xá cho các sinh viên ở xa, rồi một số cha dạy ở các trường đại học, Y khoa, Văn Khoa .. Cho nên sinh hoạt càng hấp dẫn mà lại có chiều sâu. Đến năm 1970, nhà Dòng có một quyết định táo bạo, lấy nhà nguyện để làm phim trường cho Trung Tâm truyền hình giáo dục Tráng niên Đắc Lộ. Một nhà nguyện khác sẽ xây một năm sau đó để cho các bạn trẻ. Nhưng bão táp lại đổ ụp xuống Trung tâm Đắc Lộ và Cộng đoàn Y Nhã. Tan tác. Cuối năm 1975, các cha Dòng tặng cho chính quyền thành phố Khu vực Truyền hình Đắc Lộ. Năm 1978, toàn bộ khu vực phục vụ sinh viên bị đóng cửa và bị tịch thu, trở thành tòa soạn báo Tuổi trẻ và nhà xuất bản Trẻ. Do có giấy cho mượn nhà để làm cơ sở của Ủy Ban Phát thanh và truyền hình phía Nam, sau đổi tên là Viện Nghiên cứu và phát triển PT-TH, cho nên Nhà Dòng đã nhận lại được khu vực này, bao gồm cả khu vực thư viện - âu cũng là có phần may mắn, chứ không như toàn bộ An Phong Học Viện Thủ Đức và Học viện DCCT ở Thủ Đức phải đóng cửa và trưng dụng làm bệnh viện Thủ Đức, còn sân banh thì bị người dân sống chung quanh lấn chiếm ... Nhớ lại những lần đi thăm các cha thầy Dòng Tên ngày đó, cha Chính, cha Quí, thày Đạt (nay là Giám mục Bắc Ninh), thầy Lai, thày Tình, thày Nghĩa .. (nay đều là cha) .. rồi đến thăm các cha DCCT, cha Đào, cha Quang ...tá túc ở dãy nhà ngủ trên tầng lầu Đại chủng viện thánh Giuse ... giống như là đi tỵ nạn, trông rất tang thương. Một số thì ở tù. Vậy mà họ vẫn vui vẻ chịu đựng ... quả là ... con đường thập giá theo Chúa: "Đầy tớ thì không thể hơn thầy" !!



  

Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

Ngày thứ 42 - GIỜ ĐỌC SÁCH


 GIỜ ĐỌC SÁCH

Trong đời sống của một cộng đoàn nhỏ, theo tôi, có một nếp sinh hoạt rất thú vị và bổ ích, đó là nghe đọc sách trong giờ ăn.

Trong 8 năm sống dưới mái nhà đệ tử, nếu tôi làm biếng không đọc bất cứ sách nào, thì tôi cũng có thể nói là mình đã nghe đọc khoảng 20 quyển sách các loại, trong đó có vài quyển tiếng Pháp. Ký ức còn ghi lại: Từ chuyện hạnh các thánh như "Các phép lạ của Thánh Giê ra đô", "Chuyện ông thánh An Tôn", cho đến các chuyện về những mẫu gương sống hy sinh quên mình như "Bác sĩ Tom Dooley", kể cả những chuyện mang màu sắc điệp báo ly kì như "Ai giết tướng Nguyễn Bình" .... Thường thì sách do các cha trong Ban Giám đốc chọn. Cũng có thể các anh lớp lớn hoặc ban Điều hành xin phép cha Giám đốc cho đọc. Người đọc được quyền mượn sách mà mình sẽ đọc để xem trước.

Nói hơi lạc đề một chút ... Nhờ câu chuyện về bác sĩ Tom Dooley mà vào năm 2001, khi tôi được các cha dòng Holy Cross (CSC) của trường đại học Notre Dame ở South Bend của bang Indiana, Mỹ cho ở mấy tháng để nghiên cứu về Luật và Truyền hình, ngày nào tôi đi bộ từ Đài Truyền hình TV-NDU về nhà học viện Moreau cũng phải đi ngang qua hang đá Đức Mẹ. Trước hang đá có một tấm bia nhỏ ghi tên bác sĩ Tom Dooley với vài giòng chữ ... là cựu sinh viên của NDU vào năm 1940, trở thành bác sĩ Hải quân và đã tham gia vào chương trình giúp dân Việt Nam di cư từ miền Bắc xuống miền Nam sau khi hiệp định Geneve ký kết 1954. Ông đã chết ở Hong Kong vào tháng 1,1961 vì ung thư (xin xem thêm lá thư của ông viết năm 1960 gửi cho cha viện trưởng Đại học Notre Dame - rất cảm động! (http://archives.nd.edu/research/texts/dooley.htm).

Cũng như chuyện tướng Nguyễn Bình ...

Tôi thấy những gì đã xảy ra không phải tình cờ ... có những việc tưởng là bình thường trôi qua .. nhưng rồi lại có lúc được nhắc lại, cho dù là đi đến nửa vòng trái đất, thế mà lại có liên hệ với nhau một cách mật thiết, đến đổi làm cho ta bồi hồi xúc động. Đôi lúc, tôi bị níu chân lại bên hang đá Đức Mẹ, đứng lặng im và hồi tưởng câu chuyện được kể lại về người dân bôn ba trên con tàu .. rồi 1954 ... rồi 1975 .. 19 ... những phận đời long đong ... Rồi nhớ đến bài thánh ca "Phó Thác' của cha Đặng Văn Đào. Tôi cũng thấy lại Giờ đọc sách này vào những ngày tôi xin ở lại trong nhà chủng viện Moreau. Sao giống nhau quá! Chắc đây là một trong những phương thức đào tạo phổ quát ở các dòng tu chăng?

Giờ điểm tâm thì không có đọc sách vì ăn nhanh. Cơm trưa và cơm tối thì có đọc sách. Thời gian mỗi lần nghe đọc sách khoảng mười phút (10').Vào những ngày tỉnh tâm (cấm phòng) thì trọn buổi cơm.

Tùy chủ trương của "Ban Điều hành" mỗi năm, người đọc sách được cắt phiên theo thứ tự của một nhóm chuyên đọc được lựa chọn theo tiêu chuẩn có giọng đọc tốt, nhưng thường là các anh lớp lớn đều phải trải qua phiên đọc sách của mình để có dịp rèn luyện giọng đọc.

Khi mọi người đã có mặt đông đủ ở nhà cơm. Mọi người vẫn ở tư thế đứng bên cạnh chổ ngồi của mình ở bàn ăn và giữ im lặng. Khi cha phụ trách (trực) vừa dứt tiếng làm dấu thánh giá, người đọc sách sẽ đọc một đoạn ngắn kinh thánh. Rồi mọi người ngồi xuống bên bàn ăn với thức ăn, chén dĩa đã được dọn. Tiếng muổng, nỉa khởi động hơi ồn, Cho nên người đọc sách sẽ ngôi yên trong ít phút ở bục gổ có gắn micro đặt vị trí ngay giữa nhưng sát vào tường của nhà ăn.

Nguồi đọc sách lúc nào cũng nhắc lại tựa sách, rồi đọc tiếp phần đã đọc buổi hôm trước. Người đọc có thể diển tả cảm xúc của mình ở những đoạn cao trào, hoặc lơi chậm theo tâm tình của tác giả ... nhưng vẫn phải giữ cường độ của giọng đọc, rõ chữ với tốc độ vừa phải. Có những đoạn gây phản ứng nơi người nghe, như tiếng cười hay tiếng ồ ngạc nhiên, khi đó người đọc sẽ ngưng một chút rồi mới đọc tiếp.

Khi cha phụ trách nghe tiếng muổng, nĩa khua rào rào trên đĩa thủy tinh acoroc, là cha biết các chú ăn đến món canh, sắp xon bửa cơm, cha liền lắc chuông nhỏ cầm tay. Người đọc sách ngưng đọc. Cha sẽ có vài nhận xét gọn nếu cần về đoạn sách vừa đọc, hoặc cho nhận xét về người đọc. Có khi cha phụ trách cắt cớ hỏi một chú, đoạn sách hôm đó nói gì, hoặc nhân vật đó là ai ... Điều này khiến các chú phải để ý hơn bài đọc, chứ không thể cắm cúi ăn quên cả trời đất. Rồi cha xướng câu: "Ngợi khen Đức Chúa Giêsu và Đức Bà Maria" ...  Tất cả thưa: "Bây giờ và đời đời. Amen". Thế là cả nhà cơm òa lên tiếng cười nói. Đó là lúc các bàn đã ăn xong phải chồng gọn dĩa ăn mang xuống quày cuối nhà cơm để đội trực rửa chén chuyển xuống bếp.

Người đọc sách luôn có một phần cơm ăn riêng và tiếp tục ăn cho xong khi mọi người rời nhà cơm. Thich nhất là cha phụ trách mang phần cơm ăn không hết của mình cho người đọc sách, vì là phần cơm riêng có tiêu chuẩn cao hơn của các cha.

Không phải lúc nào cũng nghe đọc sách cả đâu. Có lúc cha cho nghe trích đoạn một bản nhạc giao hưởng hay. Có lúc mọi người được nghe một chương trình phát thanh do một lớp phụ trách. Việc này làm tôi nhớ mãi năm lớp 6B Vũng Tàu, lớp được phân công giới thiệu "Tiếng nói lớp 6B" trong một buổi cơm tối. Căn phòng của lớp nằm ngay bên cạnh nhà cơm cho nên lớp mình mới lập ra một ban phát thanh. Ban này có tui tham gia, mới soạn ra một kịch bản, phân công nhau, người đi mượn cha một cái máy phono chạy đĩa phát nhạc nền. Người thì lo viết bài, người lo đọc. Tui chẳng còn nhớ nội dung giờ phát tha nh này. Chỉ còn nhớ là đến giờ cơm tối hôm đó. Sau phần giới thiệu ngắn gọn của cha Đào giám đốc, từ bên phòng lớp, tụi tôi cầm micro, chẳng nhớ là ai, nhưng chắc chắn là một chú giả tiếng "écho" : Đầy ... đây ... là .. là .. tiếng nói ... lớp Phan ... phan ... xi ... xi .. cô.. cô  ... Xa xa xa viê viê .. 6B sáu bê ... bê ... ê .. bật nhạc lên (tiếng nhắc tuồng lọt vào micro .." khiến cả nhà cơm, các anh lớn có dịp cười no bụng. Hình như sau đó, các chú giới thiệu tên của các thành viên của lớp có gắn thêm "thổ ngữ" ... lại một phen làm cả nhà cười bò ra ...

Lúc hế giờ phát thanh ... Ban Phát thanh của chúng tôi còn đồng ca một đoạn nhặc ngắn ... rất quen thuộc: "đến đây chấm dứt chương trình của Ban Tùng Lâm". Cái câu hát này lại làm cả nhà cơm cười òa thích thú!
Chúng tôi kéo nhau qua nhà cơm với phần cơm đang chờ sẳng, nhưng phải chờ nghe cha Đào nhận xét. Còn nhớ rằng: cha khen hình thức phát thanh thì vui ... nhưng không sáng tạo lắm, vì cóp nhặt nhiều quá, nội dung thì chẳng có gì cả, chỉ làm trò đủa vui thôi! Lần sau, phải cố gắng có một thông điệp gì đó cho người nghe! Chúng tôi nhìn nhau, thông điệp gì đây ta?! Giớ thiệu tên lớp và các thành viên ... cũng là thông điệp rồi mà!!