Thứ Tư, 4 tháng 9, 2013

Ngày 90 - CHA PHANXICO XAVIE NGUYỄN HỮU HÒA

CHA PHANXICO XAVIE NGUYỄN HỮU HÒA

Hôm nay 4/9 là ngày sinh nhật của một người bạn lớp Phanxicô Xaviê chúng ta - một trong 03 người ( hai người là cha Giuse Nguyễn Ngọc Bích và cha Nguyễn Ngọc Anh) đã đạt được nguyện ước của bản thân và gia đình là hiến dâng mình cho ơn gọi làm linh mục tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, đó 1à linh mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Hữu Hòa:


Linh mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Hữu Hòa

Nhưng cha bạn của chúng ta đã sớm về với Chúa, ngày 26/11/2009 tại Roma, ở tuổi 57, có 32 năm trong tình thương yêu của Nhà Dòng, với 15 năm lãnh nhận thiên chức linh mục. Chúng ta cùng xem lại tiểu sử chủa cha Hòa:

Sinh ngày 04.09.1952 tại Hoà Ninh, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Theo gia đình lánh nạn vào Huế năm 1953, học trường tiểu học Việt Hương của DCCT đối diện đệ tử viện DCCT. 
Năm 1963: gia nhập Đệ Tử Viện DCCT Huế.
Năm 1967-1968:  chuyển vào An Phong Học Viện, Chợ Lớn.
Năm 1968-1971:  An Phong Học Viện Thủ Đức.
Năm 1971-1975:  Sinh viên dự tập DCCT, theo học Phân Khoa Kinh Thương, Viện Đại Học Minh Đức Sài Gòn.
Năm 1976-1977:  gia nhập Tập Viện DCCT Thủ Đức,
Ngày 04.01.1977: khấn Dòng tại tu viện DCCT Thủ Đức, bắt đầu học Triết học và Thần học. 
Ngày  02.02.1994: thụ phong Linh mục tại Sài Gòn.
1987 - 2005: phục vụ tại Cần Giờ, Giáo điểm Cần Thạnh, Giáo điểm Đồng Hòa.
2005 - 2009: phục vụ tại văn phòng Trung ương DCCT ở Roma trong cương vị Phó tổng quản lý.


Cha bạn FX Hòa của chúng ta lúc sinh thời vốn là người có nhiều tâm sự thường hay chia sẻ với anh em chúng ta. Và chúng ta ít nhiều cũng có một số kỷ niệm với cha Hòa, lẽ nào chúng ta không có gì để viết về cha bạn trên blog này ? Đặc biệt trong tuần lễ này (rồi những ngày kế tiếp), tôi sẽ chờ email của từng thầy và cha Bích, cha Anh (không biết ai có email của cha Ngọc Anh?) để tải lên blog phanxicoxavie1963.blogspot.com, xem như là mỗi ngọn nến của anh em sẽ được lớp thắp lên như những bông hoa được kết lại, để mừng sinh nhật cha FX Nguyễn Hữu Hòa. Rất mong.



Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

Ngày 91 - NHỮNG NGÀY MANG BỆNH


Chăm sóc sức khỏe 


(bỏ chuyện bây giờ để chuyển về những ngày nằm bệnh ở nhà Đệ tử)  

Thứ Hai, 2 tháng 9, 2013

Ngày 92 - NHỮNG NGƯỜI BẠN LỚP ĐÃ KHUẤT

NHỮNG NGƯỜI BẠN LỚP ĐÃ KHUẤT BÓNG (1)

1- THUẤN
2- CHIẾN
3- ĐẶNG THẾ QUANG
4- TRẦN MINH ANH
5- TÒA
6- GIẦU
7- LUÂN




Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2013

Ngày 93 - MỌI THỨ QUA ĐI .. TÌNH BẠN Ở LẠI

MỌI THỨ QUA ĐI .. TÌNH BẠN Ở LẠI

Đã 7 ngày rồi mà đến nay chỉ được đọc bài viết của mình thày Vĩnh An độc diễn trên blog phanxico xavie 1963. Ngày nào cũng có đọc chút ít … Mình cũng muốn nhảy vào đóng góp. Mà ôi thôi trí nhớ cùn cụt rồi ... sao mà sớm quá ! Chẳng nhớ được kỷ niệm gì rõ ràng về thời xưa  .. tiểu đệ tử cả!  Ngay cả cái khúc quanh của đời mình khi mà mình bị đá văng ra ngoài đời dưới thời cụ Diệm, linh mục Ignatiô Lê Quang Diệm (RIP), giám đốc An phong Học Viên Chợ lớn 1968 …

  
                        Lớp Judo ở APHV Chợ Lớn: có thể nhận ra gương mặt một số người từ trái sang phải: hàng đầu: x , Thảo, Thế, Hồng, Tuấn, x, Quang (RIP), x, Chung, Lâm, Khiêm (quỳ chống 1 chân).

Thực sự bây giờ mà hỏi tại sao lúc ấy mình “bị cho về” thế? Thì mình cũng không hiểu rõ taị sao cả !? Không phải do học kém đâu. Chắc chắn phải là phạm luật gì đó. Như hôm qua trên blog thầy Vĩnh An đã chia sẻ, không cần phải là lỗi lớn. Mình đã xét mình thật kỹ thì nhớ ra, có lẽ là mình đã bị Cha Diệm bắt gặp mình “trốn” dưới phòng học lớp, không lên dự thánh lễ chung với anh em cả nhà trong nhà nguyện! Bị bắt “quả tang” đến hai lần!  Thế là cuối năm, niên học 1967 – 1968, là năm lớp 4 đó, Cha Diệm gọi mình lên báo tin cho mình về gia đình, cha nói là con ra ngoài sống thử thách 1 năm … Cha ban cho con một cơ hội, chỉ về tạm ở nhà, sau một năm mà con cảm thấy còn ơn gọi trở lại gặp cha và xin tiếp tục, thì cha sẽ nhận con trở lại … Thật tình cha Diệm không khó tính. Cách cha giải quyết như thế là không ngặt nghèo, có thông cảm. Có thể cha cho rằng mình đến tuổi dậy thì cho nên tính nết hơi ương, đôi khi không muốn khép mình vào kỷ luật chung. Về nhà một năm để có cơ hội tự thay đổi mình. Có quyết tâm thì trở lại. Cha Diệm là tiến sĩ về tâm lý học mà. Cha dạy lớp triết về môn tâm lý học. Dưới thời cha Diệm làm giám đốc, anh em hay lợi dụng sự dễ dãi của cha (cha xem các chú như người lớn) mà “chuồn” ra ngoài ăn sò ốc ở khu La Cai Chợ Lớn … Nhưng cũng từ đó không còn cơ hội nào cho mình trở lại, bởi vì tinh hình chính trị xã hội năm đó đã biến động dữ dội.

Mình rời Đệ tử vào hè 1968, nhập niên học 1968 – 1969  vào lớp Second, tương đương với lớp Đệ Tam tiếng Việt ở trường École Pasteur  trên đường Sương Nguyệt Ánh(?) theo lời mách nước của Thày sáu Vân lúc đó. Lúc mình vừa từ giã APHV, thì được tin cha Diệm thôi chức giám đốc An Phong Viện. Cha chuyển lên Đà Lạt làm bề trên học viện.

Rủi thay cuối năm 68, do ảnh hưởng Tết Mậu Thân, luật Tổng động viên trở nên gắt gao hơn. Mình đã được hoãn dịch vì lý do tôn giáo trong năm học trước rồi. Hằng năm mọi người phải đăng ký hoãn dịch lại ở Tổng Nha Động viên. Năm 1969 mình đang ở ngoài, làm sao quay trở lại APHV để xin hoãn dịch vì lý do tôn giáo được. Liệu cha giám đốc mới là cha Đặng Văn Đào có chấp nhận cho mình không? Cha Đào đâu còn nhớ mình, khi mình còn là chú nhỏ lớp 6B ở Vũng Tàu. Xin hoãn dịch vì lý do học vấn càng không được, năm đó mình phải học xong đệ nhị để cuối năm học đi thi có bằng  tú tài 1 thì mới mong chuẩn tướng Bùi Đình Đạm ký cho cái giấy hoãn dịch mà thôi !! Thế là mình coi như không thi mà đã là .. “rớt tú tài anh đi trung sĩ” ..;  đành phải nhảy vào Hải quân VNCH lưu trú cho đến tận ngày 30.4.1975 …. là thời khắc có cơ hội mà mình đã bỏ lỡ và để cho cuộc đời mình lại trôi theo vận nước. 

Những ngày sau tháng 4/1975 thật là lộn xộn. Không biết nên đi hay nên ở. Gặp lại anh em cùng lớp đệ tử với nhau thật vui. Có thời giờ chuyện trò an ủi nhau. Lúc đó là trung sĩ an ninh của Hải quân cho nên cũng phải ra trình diện. Thày Vĩnh An lại có lời khuyên mình không nên trốn, lỡ có chuyện gì (!). Thế là mình tự dưng tình nguyện vào học “đại học xhcnVN”. Trung sĩ thì mau ra trại thôi, thày An tự tin nói thế. Theo lời khuyên của cố vấn Vĩnh An  khi đó là nên lắm….chứ ?! Biết đâu có kẻ chỉ điểm bên cạnh nhà thì sao (?!). Thế là sau 7 năm từ 1975 đến 1982, mình đã tốt nghiêp cái trường bố láo để có được mỗi cái chứng chỉ “học tập và lao động tốt” khi ra trường……. Bây giờ nghĩ lại, không biết có nên kiện ông bạn đã cố vấn cho mình và đòi bồi thường cho mình vì đã phải tiêu hủy hết 7 năm trời đẹp đẽ của tuổi thanh xuân, khiến mình lao đao trong rừng rú khai hoang ngày đó không ?! …. Thay vì theo gương “bác” cứ liều mạng ra đi tìm đưòng “cứu nước” ở hải ngọai ngay sau 75… đến giờ hẳn là đã phải khá hơn rồi, hoặc cũng có thể như hàng trăm ngàn người khác làm mồi cho cá mập cũng nên.  

Nói vậy thôi, chứ kể lại đây để thấy cái tình của các bạn trong lớp với nhau, nó đẹp lắm chứ… Những ngày sau 30 tháng 4, trông ai cũng ngơ ngáo, mất phương hướng. Nhớ lại có lúc mấy anh em, mình với Vĩnh An, Thế, Vân, có cả Thái, cô em gái của Minh Anh (RIP) đi bán báo. Rồi quên không khóa xe đạp cẩn thận, Thái bị mất xe. Cả bọn buồn suốt cả ngày hôm đó, bỏ luôn nghề bán báo. Nghe đâu cha Bích mình lúc đó có lúc đi đạp xích lô. Mà mình vẫn nhớ mãi nhớ hoài với 2 anh bạn Vân và An đã hết lòng giúp đỡ mình sau khi anh em đã chia tay nhau từ tổ ấm An Phong…để vào đời và cho dù xa mặt nhưng chẳng cách lòng…từ dạo ấy.

Tốt nghiệp “đại học”, trở về nhà, mình đem chuyện vượt biên ra bàn với thầy An. Cả hai đều có nghe nói chương trình HO (Special Release Reeducation Center Detainee Resettlement Program - Chương trình tái định cư phóng thích đặc biệt tù nhân trung tâm cải tạo) cho những người học tập cải tạo trên 3 năm. Mình dư tiêu chuẩn. Ở lại để chờ đi theo chương trình này nghe sao mơ hồ quá. Hằng ngày đi ngang qua công viên đằng sau lưng nhà thờ Đức Bà thấy các cựu quân nhân tụ tập bàn tán, chờ đợi, sao thấy quá nản lòng. Còn vượt biên thì quá nguy hiểm. Thày An lần này không dám khuyên mình gì cả. Lúc này thày đang làm việc trong đài truyền hình, nghe như nhân viên truyền hình Đắc Lộ cũ được cho vào làm lại từ cuối năm 75. Thày bèn rủ mình đi theo nhóm làm phim truyền hình thiếu nhi của thầy xuống Cần Giờ cho khuây khỏa. Coi bộ thày An lúc ấy có vẻ lạc quan khi ghi hình tụi nhóc của nhà Văn hóa thiếu nhi thành phố … Buổi tối, ngồi tâm sự với nhau, mình nói với thày mình quyết định ra đi. Thày nắm tay mình, “Chúa và Mẹ HCG sẽ luôn ở bên ông trong những lúc khó khăn nhất''. Thày còn nói đùa, khi định cư rồi thì ông nhớ gửi quà ủng hộ anh em lớp vào ngày lễ 3/12 nghe. OK, chuyện nhỏ ! Mấy năm sau, mình và anh em hải ngoại đã giữ đúng lời hứa ấy cho tới bây giờ.
  
Mình vào đệ tử viện Vũng Tàu từ 1963 do Cha Nguyễn Đức Thống (RIP) tuyển mộ cùng với các bạn nối khố như Kỳ Long (kỳ nhông), Văn Long (Long đầu bò), Cung (nước mắm), Khải (tề thiên),  Nhị (hynos - đen như ông chà và trên kem đánh răng hiệu hynos), Xuân (lé) … nhập chung với các bạn từ Vĩnh Long của cha già Yến là Thế, qua năm học 1964 – 1965, thêm Vân và Toà (RIP) … rồi cả lớp 6B phải di chuyển ra Huế, nhập chung với lớp 6B của Huế (thêm mấy gương mặt: Ân, Ánh, Đình, Thạch ... để cùng học năm học 1965 - 66 là lớp 6A, rồi cùng với nhau lên lớp 5.  Đến niên học 1967 – 68, lớp Phanxico Xavie chuyển vào Saigon, An Phong Học Viện Chợ lớn. Vì Nhà dòng đang xây dựng cơ sở mới dở dang ở Thủ Đức, cho nên các chú đệ tử vẫn còn phải mượn tạm cơ sở của dòng La san ở 223 Nguyễn Tri Phương, Chợ lớn. Thời gian ở lớp 4 cũng có nhiều kỷ niệm đẹp lắm ... mà sao không nhớ rõ hết … !! Thời cha Diệm làm giám đốc năm đó thú thật là anh em sống khá thoải mái, tự do cho nên các chú cũng “lợi dụng” mà ăn chơi dữ lắm ! 

Thôi thì nhờ các thầy nào còn nhớ đầy đủ hơn thì cứ kể ra cho nhau nghe đi …trước là làm quà kỉ niệm cho 50 năm tình nghĩa bạn bè vẫn bền vững của lớp mình cho dù thời gian có đổi thay không ngừng… sau là giúp thầy Vĩnh An bớt càm ràm than thở rằng ngày nào cũng phải ráng viết blog mà không được xem các tay vợt tennis tranh giải US Open ở Mỹ đang vào hồi gay cấn (hôm nay là sắp vào vòng 4 rồi!).

Khiêm