Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

Ngày 73 - LA PETITE ROSE D'OR

LA PETITE ROSE D'OR

Thật bất ngờ khi tôi nghe thầy Ánh hát bài "La petite belle Rose d'or" cách đây mấy tháng, lúc anh em ngồi nhậu với nhau. Bài này do "bố" Đăng tập cho các chú lớp "6B Vũng Tàu" dự thi "Hợp ca Cécilia" hàng năm của Đệ tử Vũng Tàu. Các chú hát 2 bè vậy mà đứng hạng 3 năm đó 1963-64. Tôi chắc rằng bài này được cha Giuse Phan Thiện Ân mang ra Huế phổ biến, vì lúc ấy chú Ánh đang ở Huế. 

“La petite Rose d'or”

Le ciel beau, beau et bleu, aujourd'hui, nous chantons:
la petite belle .. belle .. rose d'or.
Cette belle chanson est vraiment très jolie,
la petite belle rose, rose, rose d'or.
Eh oh eh,  les gars, chantons, aimons la vie si rose;
et voici, la vie nous sourira.
Le beau ciel d'azur, rempli de rayons d'or joyeux;
notre âme en ce beau jour est bien rempli de fleurs.
Nous chantons en plein coeur, nous fêtons aujourd'hui, la petite belle rose .. rose .. rose d'or. (thầy Ánh cung cấp với trí nhớ rất tốt)

Năm 1964-65, lớp chúng ta lại giữ vững vị trí hạng 3 với bài "Le Manteau rose de l'Aurore", cũng hợp ca 2 bè, soprano và alto. Xem hình bên dưới.

Cha Đăng chọn ra 18 người trong lớp 6B và điều khiển, có một vài gương mặt không nhận ra được tên:                                                                      



Hàng đầu: từ trái sang phải: Lộc, Bửu, Kỳ Long (ai vẽ râu cậu ấy, có thể xóa bớt được không?!), x?, Ấn, Tín, An, Huy (thường gọi là Huy ca sĩ vì Huy hay hát).
Hàng thứ 2từ trái sang phải: Vân, Khiêm, Khải, Văn Long, Hiển, x?, Thăng, Khánh, Bích, x? .


Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

Ngày 74 - DUC IN ALTUM

DUC IN ALTUM - RA KHƠI

Thời gian lớp chúng ta ở Đệ tử Vũng Tàu thật ngắn ngủi, 2 năm học: 1963-64 và 1964-65. Nhưng vẫn có thể kể ra bao nhiêu thứ chuyện, mà người có thể làm nhân chứng sinh động vì đã "bám trụ" rất lâu ở đây, về sau "Bụi gia trang" đã thay thế Nhà đệ tử của chúng ta đó là cha Louis Quy. Đó là một thời kỳ xã hội đầy biến động, đầy sóng gió phong ba như người ngư phủ ra khơi - DUC IN ALTUM, khẩu hiệu được gắn trên hang đá Đức Mẹ (hang đá vẫn còn, nếu ai đi ngang qua đường 30/4 - vào hoặc ra thành phố Vũng Tàu). Bên kia là sân bay mà máy bay lên xuống ngày đêm. Có những ngày nhiều chiếc trực thăng bay luân phiên không ngừng nghỉ vì trận đánh ở Bình Giã đang diễn ra rất gần đó. Lớp 6B ở sát gần đường cho nên tiếng động cơ trực thăng nghe rất ồn. Vũng Tàu là  nơi đồn trú của Bộ tư lệnh Thủy quân lục chiến. Trong một buổi sinh hoạt tối, chúng tôi đã được nghe một Trung úy TQLC kể lại trận đánh ở Bình Giã ... trận đánh thật khốc liệt ... nhiều toán quân TQLC khi dùng trực thăng vận đã bị rơi vào bẫy phục kích từ bên dưới, lữ đoàn bị tổn thất rất nặng (!).

Nhưng tuổi thơ thi quá ư là .. vô tư. Mặc cho cha giám đốc Đặng Văn Đào nêu cao khẩu hiệu "đầu cao mắt sáng", nhưng chúng ta vẫn say mê những trò nghịch phá không có gì cưỡng nổi. Bởi vì phía sau lưng dãy nhà ngủ là con rạch lớn có mấy bụi cây đước, bần bám bãi bùn đen mọc xanh um. Thủy triều lên xuống khiến cho dòng nước khá trong nếu không có đám phân heo từ chuồng heo cải thiện của cha quản lý Quy trôi ra biển. Kệ! Các chú lao xuống nước bì bõm mà thưởng thức cái vị mằn mặn của nước biển pha lẫn bùn non chẳng thể nào quên được. Cũng có lần ,một chú loay hoay thế nào mà chìm lìm, may mà cái quần xà lỏn nổi lên. Các nhóm bơi gần la ... ơi ới hoảng hốt .. cứu với ... cứu .. Tức thời mấy anh lớn đang bơi gần đó tắp lại gần chú, túm lấy cái quần đỏ, kéo lên, lôi chú vào bờ. Chú sặc sụa, chưa cần phải hô hấp nhân tạo. Hết hồn hết vía, nhưng kể từ đó chú bị chết cái tên ... Đình "noyé", dù cho đến cái tuổi của đấng bậc U70 thì vẫn bị gọi là thầy Đình ... noyé để phân biệt với thầy Đình  .."tây lai". Nói đến nước nôi ở đây .. phèn rất nặng, vàng khè. Các vòi nước tắm phải lọc bằng mấy lớp vải của mấy cái áo thun phế thải. Rồi cũng xong!

Ngoài đàn heo, cha quản lý Quy còn nuôi một đàn bò khoảng chục con, chúng thường nhởn nhơ gặm cỏ non gần sân banh đoàn nhỏ. Có mấy con bê sắp thành bò thật vừa tầm các chú nhỏ, bèn trở thành trò "rodéo" - cao bồi cưỡi bò của các chú, nhất là sau khi xem bộ phim Mỹ, chuyện một anh bồi khách sạn ngưỡng mộ cuộc sống cao bồi giang hồ, bèn quyết bỏ nghề đi theo mấy anh chăn bò. Những ngày đầu ngồi trên yên ngựa, anh ta ê mông đến nỗi  tối chẳng cách nào có thể đặt mông xuống đất .. gian khổ nhưng hào hùng (!), rồi lại đến bộ phim của Úc kể lại chuyện người dân xứ con Kangaroo thời thế chiến thứ 2, vì sợ Nhật tấn công vào cảng Darwin thành phố phía Bắc Úc rồi sẽ đổ bộ tràn vào, các anh cao bồi ở Úc bèn lùa cả đàn bò mấy chục ngàn con đi về phía Nam ... cũng thật gian nan vất vả (!). Anh em ta cũng thử gian nan vất vả thế nào, bèn hè nhau, vừa dứt tiếng còi chấm dứt trận banh, mấy chú rủ nhau nhảy lên các chú bò con. Hóa ra là cưỡi rất "ngầu". Có chú nằm ôm lưng bò không khéo ... té bịch xuống bãi cát. Người nào cưỡi được cũng hí hửng. Nhưng bóng cha quản lý thấp thoáng từ xa, cả bọn biến nhanh về phía nhà tắm ... Nhưng đâu qua được mắt cha. Ngày hôm sau, vào lớp, trước khi vào bài mới (cha Quy dạy môn Science Naturelle, Histoire và Géo.), yêu cầu chú nào chiều qua cưỡi bò thì đưa tay lên, để cha ghi tên và trừ ... 50 đồng (hình như là tương đương 50.000 đồng bây giờ, 2 euros vì bây giờ cha Quy đang ở Pháp). Méo mặt, hết dám cưỡi bò!

Nhiều ... rất nhiều chuyện ... từ từ chúng ta sẽ nhắc nhau nhớ hết thôi ... nếu có giờ !!!

Về học hành, môn Pháp văn là quan trọng nhất, có cha Đăng dạy chúng ta cả 2 năm ở đây. Có ai nhớ những lần tập "hùng biện" mấy bài trong tập thơ ngụ ngôn Fables de la Fontaine không? Thầy Đạt dạy Toán, chú Vinh con thầy Đạt cũng học với chúng ta nhưng rồi chia tay lúc nào cũng không biết! Còn Việt văn là ai? Nhưng nhớ nhất là lớp anh Nhuận, anh Tuấn A, Tuấn B .. chơi vở kịch tiếng Pháp Le Comédien pris à son jeu".

Rồi chuyện văn nghệ văn gừng, từ thi Hợp ca Cécilia giữa các lớp, thi "Tuyển lựa ca sỹ" chẳng khác gì với "The Voice Kids" bây giờ bao nhiêu. Thầy Ân ..."cầy" phải nhớ chứ vì cái giọng ca ngọt ngào của thầy trong bài "Hoa Xuân" kém gì Nguyễn Quang Anh về nhất 2013 (!)

Những trận "đánh lớn" (Grand Jeu), các toán quân hành quân đêm từ nhà cho đến bãi sau .. có ai nhớ?

Những lần mong ngóng cha giám đốc Đào lái chiếc xe Volswagen từ Saigon về nhà để kể những diễn biến chính trị ở Saigon với các bản tin "Sự thật" không chính thức (hóa ra là tin vịt!).

Đặc biệt nhất là chương trình phát thanh "Đây là tiếng nói lớp Phanxicô Xavie" mà suýt nữa tôi bị cha cho về.

Tôi không có mặt năm đầu tiên ở Vũng Tàu, nhưng chắc nhiều chú nhớ. Lính mới năm hai có Tòa và Vân, con của cố Yến gửi vào. Còn tôi thì từ Huế. Nghe tôi là dân Huế, cho nên thường bị nhại giọng ("chửi cha không bằng pha tiếng") cho nên tôi tức lắm. Ngay từ ngày đầu tiên, lúc tổng dượt cho lễ khai mạc mùa chơi, tôi phải bỏ hàng  rượt theo một chú trong lớp để đập cho hắn một trận cho biết thân, rượt mãi mà không bắt được, lại còn bị mấy anh lớp lớn chụp đầu lại bắt phạt ... từ đó bị chết cái biệt danh .. "heo rừng" (!).

Nhưng Anh "địa", Hoàng "xi cá nại", Quyền "ba tô", Tín "đớ", Thế "móm" ... gì gì đi  nữa thì cũng phải nhớ "Duc In Altum" là hãy ra khơi mà thả lưới, chinh phục lòng người bằng bản thân anh vốn là "con người đầu cao mắt sáng", con cháu thánh cả An Phong.




Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Ngày 75 - CHƠI TẾT TRUNG THU

TẾT TRUNG THU

Hôm nay là ngày Rằm Trung Thu. Không có nơi nào tổ chức vui nhộn cho bằng các nơi có cuộc sống tập thể, đời sống nội trú. Chỉ cần mỗi lớp đóng góp một trò chơi cho cả nhà, từ lớp 7 đến lớp triết như thời ở Vũng Tàu, hoặc 4 lớp nhỏ ở Huế, hoặc 4 lớp lớn ở Chợ Lớn, hoặc trở lại 7 lớp ở Thủ Đức. Nhưng không thể nào nhớ lại năm nào lớp mình đã làm cái gì, thì đành chịu. Chỉ gồm những mảng ký ức rời rạc, chắp vá.



Nhưng chắc chắn cuộc vui đêm rằm bao giờ cũng phải do một lớp đảm trách phần chính, các lớp khác đóng góp thêm cho xôm trò. Cuộc chơi bắt đầu sau cơm tối. Giờ cơm được đẩy lên sớm hơn. Nếu rơi vào ngày thứ Năm thì chỉ cần bớt giờ chơi. Còn ngày thường khác, thì bỏ luôn giờ chơi. Phần chuẩn bị đã được lớp phụ trách đêm hội trăng rằm tập dợt chuẩn bị từ 2, 3 tuần lễ trước. Mất công nhiều nhất là làm đầu lân. Phải tự làm đầu lân. Mỗi năm một kiểu. Đầu lân khó tồn tại qua đêm hội trăng rằm. Các tiết mục văn nghệ góp vui của các lớp khác thì cũng lai rai luyện. Tất nhiên ,các capo lớp đã ghi danh tiết mục cho lớp phụ trách từ một ngày trước để lên chương trình chi tiết mà không cần phải tổng dượt, vì chơi với nhau, cái gì cũng biết thì mất sự ngẫu hứng và sáng tạo. Vui là chính. Càng quậy càng dzui. Khách mời chỉ có các cha giáo, các cha bên nhà dòng nếu ở Huế và gia đình các anh, chị nhà bếp, nhà may .. và các chú cũng là khán giả khi chưa đến lúc phải ra biểu diễn.

Chương trình mừng đón Chị Hằng thường vào lúc 6g30 tối, kéo dài khoảng 2 tiếng. Đia điểm là do lớp phụ trách chọn, nhưng bao giờ cũng dự phòng trời mưa. Huế có phòng khánh tiết. Vũng Tàu cũng có. Còn Thủ Đức, hội trường cũng là nhà cơm, chỉ cần cả nhà phụ nhau dồn bàn ghế lùi sát vào phía sau là có khoảng trống lớn gần sân khấu.

Có tiếng chuông hoặc kẻng báo hiệu thì cả nhà tập họp đến đia điểm, ngồi quây thành vòng tròn. Cha phát mấy cái đèn cá chép, ngôi sao ... cho các em nhỏ, con của nhân viên giúp việc. Tắt đèn. Chỉ còn bóng đêm. Thế là người dẫn chương trình xuất hiện đâu đó, có khi là già làng, ông tiên ... hay một vị nào đó ... Hồi ấy làm gì có đèn follow hoặc spotlight, cho nên một chú cầm một cái đèn pin lớn đứng gần MC (hồi ấy chưa có tên gọi này - nhưng tam dùng cho tiện) chiếu vào mặt của MC, cũng có khi có đến 2, 3 đèn pin chiếu ... MC sẽ kể lai một câu chuyện cổ tích xa xưa ở một nơi nào đó xuất hiện một quái vật với 1 đàn yêu quái đến quấy nhiễu dân làng, giết chóc, cướp bóc, hoặc bắt cóc thì phải chuột ... rồi muốn yên thì dân làng hàng năm đến ngày trăng rằm thì phải cống nộp một người đẹp (ái chà, lại có một chú phải đóng giả gái!), rồi một dũng sĩ xuất hiện, chiến đấu với quái vật, cắt đầu quái vật, cứu người đẹp, và dân làng ăn mừng nhảy múa ... và cứ thế hàng năm dân làng kỷ niệm ... rồi các tiết mục đóng góp, như múa, hát hợp ca, đồng ca, song ca, đơn ca, ảo thuật, xiếc ... 

Có năm ,bên ngoài rộ lên chuyện kiếm hiệp, thế là câu chuyện năm đó có nhiều môn phái ra mắt, anh hùng tụ hội thi đấu, trổ tài, chặt gạch bằng tay không, múa kiếm ... để được chọn đi tiêu diệt con quái vật. Có năm con quái vật sau khi bị đạp cho tơi tả, bể sừng vì bên trong ruột là một chai bia con cọp loại lớn được phủ ngoài là lớp giấy bồi ... Đầu con quái vật phải do 1 anh khỏe vác bằng hai tay trùm qua đầu. Một tấm khăn dài do một chú cầm ở đoạn cuối để làm đuôi v.v. .. Có năm, không biết học ở đâu ra, có màn đầu lân phun được lửa ... thỉnh thoảng thấy lửa phù mạnh ra ... hết hồn! Các chú nhỏ và em bé ngồi xem phải hét lên. Ngay cả cha cũng phải giật mình. Cũng có màn nhảy vòng lửa ... thoát hiểm ... Ông địa thì bao giờ cũng gây cười. Lớp Phanxico Xavie không thể thiếu danh hài Charlot với các trò ngốc nghếch khiến cả nhà cười no bụng! Những màn đánh võ, đánh kiếm cứ y như xem phim kiếm hiệp ... Trò chơi bạo lực bao giờ vào phút yên lặng cầu nguyện buổi tối cha cũng phải nhắc nhở sang năm phải bớt liều lượng. Nhưng sang năm, lại xuất hiện các vũ khí "hại điện", súng dài, súng ngắn ... tiếng súng bằng miệng trên micro nghe cũng đã tai ... Vui nhất là khi giống dân châu Phi hoang dã xuất hiện với mình trần bôi đầy lọ nồi và trên mình chỉ quấn lá dừa .. trông rất là ... nhà nghèo !! Họ nhảy múa theo tiếng trống bập bùng ... Hò hét ... đến khàn cả giọng !!!

Khi đám lửa trại giữa sân vừa tàn thì cuộc chơi cũng đến lúc kết thúc. Bánh kẹo cũng vừa hết. Sau khi "quan khách" ra về, các chú ở lại với cha giám đốc. Vòng tròn vẫn giữ nguyên. Cha có vài ý nhận xét, khen nhiều hơn chê, về phần chính của chương trình, thêm vài ý về các tiết mục đóng góp. Kết thúc bằng bài "Oh Ma Mère" hoặc "Mẹ Yêu thương" thay cho bài "Salve Regina". Cha ban phép lành ... Các chú yên lặng di thu dọn chiến trường, đi vệ sinh cá nhân .. lên giường, riêng các anh lớp đi thi tú tài Việt và Pháp thì có giờ Veillée (học khuya thêm 1 tiếng).  ...



Các lớp lớn từ 15 tuổi trở lên được tham gia vào chương trình giúp trẻ em nghèo hoặc mồ côi đón Tết Trung thu sớm hơn một ngày. Các chú chia thành từng nhóm nhỏ khoảng 10 người, có khi theo lớp, có khi theo đội với các lứa tuổi khác nhau, nhất là khi cha đưa sinh hoạt hướng đạo vào đệ tử, thì có thêm các toán Kha. Các chú đèo nhau bằng xe đạp tiến vào các khu dân cư nghèo, các trại gia binh, các cô nhi viện, trại phong Bến Sắn ...Các nhóm đội ra đi từ sau buổi nghỉ trưa để kịp thực hiện chương trình sớm vào buổi chiều và trở về nhà kịp vào buổi tối lúc 9g.

Thật thú vị khi hôm nay ngồi bên nhau nhắc lại những kỷ niệm đẹp đầy ắp tiếng cười đó.

Thứ Tư, 18 tháng 9, 2013

Ngày 76 - LẦN GẶP GỠ THỨ BA

LẦN GẶP GỠ THỨ BA

Hôm nay ,trên đường từ Vũng Tàu trở về thành phố (giúp lập di chúc cho một người Anh bị ung thư ở giai đoạn cuối), khi đi ngang khu du lịch Chí Linh, mình nói với cả nhà trên xe, ngày trước, đây là Trung tâm huấn luyện cán bộ xây dựng nông thôn. Bà xã liền nhắc, "anh chụp tấm hình cho blog đi". "Đây đâu phải là nơi kỷ niệm của Đệ tử Vũng Tàu", tôi trả lời. Thật ra nếu muốn ghé thăm nhà Đệ tử Vũng Tàu tôi phải lái xe vòng qua khu công nghiệp Đông Xuyên, vào đường 30/4 theo hướng đi vào thành phố Vũng Tàu. Như vậy khá mất nhiều thời gian. Thôi đành phải thu xếp lần sau vậy, trước khi chấm dứt 100 ngày "chiến dịch blog FX-63" (!).

Nói về mục đích khi đến thăm ĐHY Thuận, lúc ấy tôi đang lập 1 dự án nhỏ về Truyền hình giáo dục để tiếp tục và mở rộng dự án tạp chí truyền hình về Gia đình đã được EU tài trợ 2 năm 96 -97 và Misereor 2 năm 98 - 99. Kinh phí quá nhỏ, xoay sở thật chật vật. Bản thân tôi cũng mất tập trung vào sự nghiệp riêng của mình. Lần này tôi mong muốn ĐHY giới thiệu cho nguồn tài trợ có tính bền vững hơn, với lý lẽ Ngài nguyên là chủ tịch Ủy Ban Truyền thông xã hội của Hội đồng giám mục Việt Nam. Nếu được việc thì tiến lên, tôi nhủ lòng. 

Nhờ có dịp làm việc với một số chuyên gia Công giáo trong lĩnh vực tuyền thông khu vực Châu Á, đặc biệt với cha Jerry Martison SJ ở Đài Bắc và ông Augustine Loorthusamy, người Mã Lai (hiện là chủ tịch SIGNIS), và được các chị Phan sinh thừa sai Fmm VN ủng hộ, tháng 11, 2001, tôi được 1 xuất mời đi Roma dự hội nghị về sát nhập giữa 2 tổ chức UNDA (Phát thanh và Truyền hình Công giáo) và OCIC (Điện Ảnh và Nghe Nhìn Công giáo) để hợp thành tổ chức Truyền thông Công giáo thế giới, tên SIGNIS World. Việt Nam nếu thuận lợi sẽ là thành viên của tổ chức này và có dịp thường xuyên gắn bó với SIGNIS ASIA.

Cho nên ,tôi lại càng cảm thấy có trách nhiệm lớn cho chuyến đi này. Thật ra, hoạt động truyền thông vô cùng phức tạp và nhạy cảm, nhất là vào thời điểm đó tại Việt Nam. Các thầy trong lớp mình có người tận tình chia sẻ, dù không biết nó là thế nào. Chẳng hạn, ở xa tận bên Mỹ, thầy Thạch lớp mình đã tận tình giúp đỡ, như giới thiệu người về nước nói chuyện, đặc biệt có xơ Elaine DesRosiers, dòng Đa Minh, trưởng khoa truyền thông (Media Education Department) của trường đại học Notre Dame (xui xẻo là sau đó xơ về hưu, và khoa này cũng bị dẹp luôn, xơ cũng hết muốn cố vấn cho mình thêm điều gì nữa, mà chuyên tâm lo tổ chức tĩnh tâm cho nhà Dòng), hoặc ủng hộ tài chánh cho 1 dự án đào tạo truyền thông ... Đứng ở vị trí đầu tàu, tôi thường chịu mọi áp lực, kể cả hao tổn vốn liếng của gia đình. Nhưng cái tôi thấy âu lo hơn, đó là phải có đồng chí  "có tâm có tầm" cùng đi lâu dài với mình. Sau khi xin nghỉ Đài TH thành phố năm 1994, tôi cố đeo đuổi dự án, đến 2000 là thấy hụt hơi, nhất là đụng phải chính sách Nhà nước lúc đó chưa mở cho tư nhân trong lĩnh vực này, bây giờ thì quá nhiều !!!. Vì vậy,tôi tự hỏi chuyến đi Roma tháng 11, 2001 là một cơ hội tốt cho mình chăng?


Đến Roma, tôi liền gửi email ngay cho HY Thuận theo địa chỉ mà anh Nguyễn Văn Thanh, em ruột của ngài, cho trước ngày lên đường. Chỉ hai ngày sau là tôi được ngài trả lời cho cái hẹn vào 7g tối thứ Ba ngày 20/11/2001 (còn nhớ là nhờ có chuyện khó quên - vào buổi sáng đó, đang họp sôi nổi, chúng tôi bất ngờ được thông báo Đức Thánh Cha Gioan Phao lô II mời vào Vatican gặp ngài. Đức Thánh Cha đã đọc một bài diễn văn chúc mừng đại hội, rồi mọi người chụp hình chung với Ngài), đến trụ sở "Công lý & Hòa Bình" ở địa chỉ số 16 Calisto, Piazza phía Nam thành Rome, với các chi tiết được dặn dò rất cẩn thận, dù lúc đó ngài đang còn ở Trung Đông. Ngài viết: cánh cửa cổng thường đóng sau giờ làm việc, nhưng sẽ được mở sẵn vào lúc đó. Đi qua khoảng sân rộng thì gặp một bót gác thì gặp người giữ cửa. Cha sẽ dặn trước anh ta để chỉ cho con lối vào trong, lên phòng của cha trên lầu một ở bên phải. Ngài dặn tôi đón taxi. Nhưng tôi lại tiếc tiền, đi xe buýt cho rẻ không quên cầm theo tập dự án Truyền hình Giáo dục.

Tôi đã theo đúng như vậy. Cửa phòng khách đã rộng mở. Không có ai cả. Nhìn qua trái tôi thấy một hành lang nhỏ hẹp dẫn đến mấy phòng riêng bên trong, một người đang ngồi đọc sách ở đầu hành lang trông giống người Việt nhờ mái tóc đen, tôi lên tiếng: "Dạ thưa có Đức Hồng Y Thuận ở đây không ạ?" Người đó ngước lên nhìn tôi nhưng không tỏ vẻ gì ngạc nhiên: "Ngài đang chờ anh đó. Anh ra phòng khách đợi. Tôi vào gọi ngài ngay". Tôi không phải chờ lâu, chỉ vài phút đã thấy ĐHY Thuận bước ra, tươi cười bắt tay tôi bằng giọng Huế: "Có phải Vĩnh An con cậu Bộ đây không? (Bủu Bộ là tên cha tôi, ông nội của ngài là ông Nguyễn Văn Diêu, anh ruột của bà nội tôi, bà Nguyễn Thị Lạc).  Mới ngày nào cha và hai cậu cùng nhau đi bộ qua trường Pellerin học (đó là chú Chiên,em sinh đôi của ba tôi, sau này cha đi vào tiểu chủng viện An Ninh, còn hai cậu thì vào Đệ tử DCCT, thường được ông nội Larouche không gọi tên riêng từng người, mà hay gọi chung một cách âu yếm là "Bo Chien lại đây" nghe như tiếng Pháp! - đó là lời cha Trần Hữu Thanh kể lại, chưa bao giờ nghe ba tôi hoặc chú tôi kể, vì có vẻ như khá "đụng chạm"! - chú thích). Vừa đi vừa khảo bài nhau, hoặc đố nhau nhiều thứ rất vui." Cha nhắc lại một cách tự nhiên như chuyện mới xảy ra hôm qua. Gia đình bà con họ hàng bên nội của tôi sống quây quần gần gũi với nhau trong họ Phủ Cam. Tôi thường nghe các ông bà chú bác chuyện trò với nhau toàn xoay quanh các đề tài "nhân đức", kể cả các chuyện vui cũng có màu sắc ... nhân đức, tuyệt đối không có "tục mà thanh" theo kiểu cha già Trần Hữu Thanh nhà mình là không được chấp nhận. Cho nên gia đình nào cũng gửi con vào các dòng tu, thậm chí có những dòng rất kham khổ, khó khăn như dòng Châu Sơn, dòng Thiên An (Biển Đức), dòng kín ... còn DCCT được xem là cấp tiến, tự do hơn cả ... có phần coi chừng. Cuộc sống của họ không nặng về vật chất, thể hiện rất rõ trong cách mua sắm, ăn uống, không được xa hoa, nhưng lại cầu kỳ quí phái đến từng chi tiết.

Tôi lại nhắc ngài: "Chắc cha không nhớ có lần vào dịp Tết bà nội con sai con mang bánh chưng qua tiểu chủng viện Hoan Thiện cho cha?" - "Không nhớ đâu. Nhưng cha nhớ là bà o có gì ngon thường để dành cho cha vì cha đi học xa nhiều năm. Bà o thương cha lắm." Thấy tôi nhìn quanh căn phòng khách đơn sơ, ngoài bức ảnh lớn Đức Thánh Cha Gioan Phao lô II còn lại là các bức sơn mài phong cảnh Việt Nam và nhiều lẳng hoa trên các bàn nhỏ, cha cười hiền lành nói: "Nghe cha mới về, người ta mang hoa đến tặng đó. Còn mấy bức sơn mài kia là bà con bên mình cho. Có chút gì để còn nhớ quê nhà chớ!". Tôi thấy hơi nghèn nghẹn ở cổ họng, một thoáng xúc động trong lòng, thì ra cha vẫn luôn thương nhớ về quê hương của mình, không biết ngày nào mới được quay về.

Khi liếc thấy một bức hình cha chụp chung với mấy người phương tây đứng vừa tầm với cha, tôi chợt hỏi cha với một chút trách móc: "Sao cha không lo cho các con của anh Thanh đi du học? Cái khách sạn mini nhỏ xíu của anh chỉ tạm sống qua ngày, khó mà cho con ra ngoại quốc học được!?" -"Cha cũng muốn lắm chớ! Xin một hai cái học bổng cho các cháu thì không khó, nhưng cha không có sức trông nom theo dõi các cháu, sợ mình làm hư các cháu thì sao?" Thế đấy, đối với người ngoài cha hết lòng giúp đỡ, nhưng trong giòng họ bà con thì xem ra là khắt khe, nhưng đó là truyền thống, không bao giờ áp dụng câu "một người làm quan thì cả họ được nhờ". Người nào cũng muốn vươn lên bằng sức của mình, thậm chí lỡ có nghèo thì cũng là niềm hãnh diện riêng, không hề mặc cảm. Tuy vậy, thực tế vẫn ít nhiều phải chịu vạ lây ! Nói vậy cha rất thương anh Thanh, cha rút trong túi ra 2 tờ đôla loại 100: "Con đưa cái này cho anh Thanh giùm cha. Còn đây là phần của con để đi taxi về nhà và mua cái bảng phép lành Tòa thánh mà trong thư con hỏi xin cha. Cha làm gì có sẵn!" Ngài đưa tôi tờ 50 đô Mỹ, rồi chỉ tay cái ghế dài: "Con đói bụng chưa? - Dạ chưa." "Vậy cha con mình nói chuyện với nhau một lát rồi đi ăn tối. Gần đây có một quán ăn đăc sản Ý" - Tôi đáp:"Mấy hôm nay hội nghị cho ăn toàn đồ Ý, ớn muốn chết". Cha phản đối:" Người ta quí mình mới đãi món Ý, nhưng cha bảo đảm hôm nay không trùng đâu!"

Tôi thấy là đã đến lúc "điều tra" cha thêm mấy chuyện mà tôi chỉ nghe đồn đại, trước hết là về sức khỏe.
- Sức khỏe của cha bi chừ ra sao rồi? Con nghe cha bị đưa cấp cứu vào bệnh viện ở Mỹ.
- Làm chi mà ghê dữ rứa! Hồi các Hồng Y về họp ở Vatican, cha quen thân với Đức Hồng Y Bernard Francis Law. Lúc giải lao, ngài hỏi cha hằng năm có đi khám sức khỏe tổng quát chưa. Cha nói làm gì có, không có thì giờ. Ngài giục cha khi nào đi Mỹ thì nhớ ghé Boston, vì giáo phận của ngài có một hệ thống chăm sóc y tế rất tốt gồm 6 bệnh viện (hệ thống này có tên Caritas Christi rất qui mô và hiện đại thuộc ha`ng đầu thế giới trực thuộc giáo phận Boston - chú thích). Khi qua Mỹ, cha ghé Boston. Vừa khám xong, bác sĩ ở đó bắt cha phải nhập viện ngay, không cần biết là cha đang bận gì, mình nghe phát hoảng, chẳng hiểu mô tê chi cả. Cha phải gọi điện về Roma nhờ cha Hiền báo tin cho các vị trong Hội đồng để sắp xếp mọi việc. Sau đó là các bác sĩ cho mổ ngay. Sau khi mổ, tan thuốc tê thì thấy hơi đau ở vùng bụng. Họ nói thấy một cục bướu nặng khoảng 7 ký, nhưng chỉ mới cắt được 4 ký, chừa lại chờ mổ tiếp, vì khối ưu lâu ngày quấn vào ruột, không thể cắt hết được một lần, rất khó.
- Bi giờ cha thấy sao?
- Thấy đỡ hơn trước nhiều. Thỉnh thoảng hơi đau. Lúc trước thấy bụng lớn ra mình tưởng là phát tướng (cha lại dí dỏm). Cứ i như mình mang ... bầu (cha phá lên cười thật vui khi chợt liên tưởng).


- Có mấy chuyện xưa rồi, nhưng con còn thắc mắc vì nghe nhiều version quá?
- Chuyện chi?
- Trước tiên là chuyện cha bi đi tù. Ai bắt cha rứa?
- Các cha mình bắt cha chứ ai. Hôm đó cha được mơ`i đến họp ở Dinh Độc lập. Có mấy cha cấp tiến ở đó. Các cha đó nói thẳng với cha: "Đức Cha về đây thì chúng con khó làm việc. Đức Cha về lại Nha Trang đi."" Cha trả lời:" Làm sao các cha yêu cầu tôi trở về Nha Trang được?! Tôi đã nhận bài sai của Đức Giáo Hoàng thì tôi phải nghe theo mà không được cãi, các cha cũng biết Luật Giáo hội mà." Các cha đó lại nói: " Đức cha không đi, thì chúng con bắt buộc phải bắt cha đi". Đúng thật, tối hôm đó cha đã bị bắt lên tàu đưa đi, cũng là ra Nha Trang, nhưng không phải mình về Tòa Giám mục đâu, mà về làng Cây Vông ở Diên Khánh (Diên Khánh cách thành phố Nha Trang khoảng 12 cây số - chú thích).
- Cha không giận các cha đó chớ?
- Không. Cha nghĩ đó là ý Chúa sắp đặt. Ngay từ hồi đó và cho đến bây giờ. Có cha đã qua đây thăm cha và xin tiền nói để làm thư viện. Cha cũng cho tiền cha đó, bằng tiền bổng lễ của cha (Một dịp đến tòa soạn báo Công giáo và dân tộc, tôi có nghe linh mục Trương Bá Cần kể lại việc này, lúc ấy tôi cứ tưởng là lm Cần có giúp cho cha việc gì đó mới được như vậy - chú thích). Đúng là cha cần phải cám ơn họ.
- Rồi làm sao cha được thả ra?
- Cha cũng không biết lý do chính thức từ phía chính quyền, từ khi bị bắt cho đến khi được thả.  Nhưng cha đoán là do trong thời gian bị giam giữ, nhất là khi bị giam riêng không được tiếp xúc bất cứ ai, người ta cứ tra hỏi cha có mỗi một câu " Ông về Sài gòn với mục đích gì? Có kế hoạch gì thì khai ra?" Cha có kế hoạch âm mưu nào đâu mà khai. Thật ra, nghe lệnh của Đức Giáo Hoàng thì cha đi ngay, cha cũng chỉ biết khai chừng đó. Từ những tháng đầu năm 75, đã có một số người thỉnh cầu Vatican cử cha về Saigon, nhưng không thấy Vatican trả lời. Nhưng đến khi Đức Tổng Bình xin thì Đức Thánh Cha mới chấp thuận. Đức Tổng Bình với cha hợp "gu" nhau lắm. Làm việc với nhau nhiều, rất "ăn rơ", mà khi nào cũng "dzui zdẻ" chẳng có lúc nào cãi nhau .. (cha đổi qua giọng Nam và nói chậm lại nghe như chính Đức Tổng giám mục Phao lô Nguyễn Văn Bình nói. Tôi cười thích thú.).
- Cha có giả được giọng Đức Thánh Cha không?
- Được chớ. Có lần cha gọi điện thoại cho các chị Mến Thánh giá Phát Diệm bằng giọng tiếng Ý của Đức Thánh Cha (Foyer Phát Diệm ở số 45 đường Via della Pineta Sacchetti, giá rất phải chăng, nếu các thầy nói mình ở Việt nam sang bao giờ cũng được các chị Mến Thánh giảm giá 10 - 20% - chú thích). Thấy các chị quýnh quáng tức cười quá sức (cha lại cười vui vì được dịp chọc các chị nữ tu).
- Nhưng còn với Đức Thánh Cha?
- Ai dám chọc ... phạm thượng chết! Cha nói đùa thôi. Thật ra người phương Tây họ rất thích đùa, họ không bao giờ giận. Trong những lần gặp nhau chuyện trò thân mật, cha cũng đã trổ tài cho Đức Thánh Cha xem. Ngài thích lắm. Những lúc ấy được nhìn ngài cười là mình thấy vui lắm! Thôi ... cha con minh đi "kéo ghế" chớ. Không đói bụng sao con?

Tôi nhìn vào bên trong tìm cha Hiền. Nhưng cha hiểu ý khoác tay: "Không sao đâu con, cha Hiền ăn tối rồi. Ngày nào hai cha con cũng ăn với nhau. Tự nấu lấy. Hôm nay phải thay đổi menu chớ !" Cha lại đùa vui.

- Xin cha cho con chụp một "bô" hai cha con với nhau.
- Mấy "bô" cũng được (cha hơi nhấn mạnh vào chữ bô rồi cười mỉm). Nhưng cha Hiền đi rồi lấy ai mà chụp!
- Dạ máy chụp tự động (tôi lôi cái tripod nhỏ ra, gắn vào máy chụp hình). Cha cứ ngồi yên đó nghe (Tôi lấy nét, đặt chế độ tự động, rồi chạy lại bên cha. Máy nháy đèn rồi đèn flash lóe sáng).
- Xong rồi, minh đi há. (cha dợm đứng lên)
- Dạ chưa. Còn tí xíu nữa. Đây là cái dự án truyền hình giáo dục của con. Lúc nào rảnh, cha xem cho con với, có gì cha giúp con nghe. Hồi xưa cha là chủ tịch Ủy ban truyền thông xã hội mà (tôi nói một hơi như sợ để vụt mất cơ hội). Cha cũng đã đặt hàng cho Truyền hình Đắc lộ làm chương trình giáo dục nông thôn ...
- Ơ` Cứ để đó đi ..
- Cha có nhớ cha Sesto Quercetti dòng Tên không? Xếp của con đó. Hồi năm 1972.
- Làm sao quên được. Cha Sesto có tên tiếng Việt là Hoàng Văn Lục. Cha nói tiếng Việt giỏi lắm. Cha là người đầu tiên lập ban Việt ngữ Radio Vatican năm 1980, rồi sau đó làm giám đốc chương trình của Đài. Năm 91, khi cha mới qua đây, cha có gặp ngài, nhưng mấy tháng sau thì nghe tin cha Lục qua đời.
- Cha Lục đã từng nói, Việt Nam là mối tình đầu của cha. Họp xong con sẽ đi viếng mộ cha.
- Cha cho con cuốn sách này (cha với tay lấy một cuốn sách tựa đề tiếng Anh). Đây là bài giảng cấm phòng cha soạn cho tuần cấm phòng của Đức thánh Cha hồi đầu năm nay đó:


- Các chị Pauline có trả tiền bản quyền tác giả cho cha không? (tôi nói đùa mà không cố tình)
- Không có tiền gì cả. In xong các chị cho cha mấy chục quyển để tặng. Mệt nhất là các chị mời cha đến ký tặng mấy trăm quyển vào ngày phát hành đầu tiên.
- Vậy cha ký cho con với ..


Chúng tôi rời phòng khách. Cha khoác thêm bên ngoài một cái áo choàng đen vì tiết trời tháng 11 đã khá lạnh khoảng 15 độ. Đi ngang qua trạm gác, cha chào người nhân viên trực: Buona notte! Anh ta đáp lại vui vẻ."Từ sân này vào trong tòa nhà là một phần lãnh thổ thuộc Vatican mặc dầu nó nằm bên ngoài Vatican. Kẻ trộm bị rượt bắt mà chạy vào đây, cảnh sát Ý phải dừng lại và xin phép."

Qua khỏi hàng rào là đường Calisto tấp nập du khách đi chơi đêm. "Dân Ý biết tận hưởng cuộc sống lắm đó con. Sáng 9g mới ngủ dậy, uống ca phê đi làm, đến trưa 12g là nghỉ về nhà ăn và ngủ trưa, đến chiều 2g mới đi làm tiếp, đến 5g là xong việc, dạo phố mua sắm, lo việc nhà, 8 giờ tối kéo nhau đi ăn tiệm rồi chơi cho tới nửa đêm, cuối tuần thì thức đến 2,3 giờ sáng. Thời buổi kinh tế khó khăn người Ý ít ra ngoài ăn hơn, thay vào đó lại có nhiều du khách ngoại quốc." Cha vừa đi vừa giải thích. "Con đường này đã có hàng ngàn năm trước rồi. Người La Mã là dân tộc đầu tiên biết làm đường xá. Con thấy mấy viên gạch lát đường này láng bóng vì nhiều người đi lại, vẫn được giữ nguyên cho đến bây giờ, không tráng nhựa. Gần đây có nhà thờ Santa Maria ở Trastevere được xây vào thế kỷ thứ 3, xếp vào hàng cổ nhất ở thành Roma. Hồi tháng 2 cha đã dâng lễ tạ ơn ở đây sau khi được phong Hồng Y."

Đi bộ khoảng 5 phút, cha chỉ cho tôi một cái quán nhỏ. Vừa bước qua khỏi cánh cửa, ông chủ quán người thấp đậm vồn vã bước đến chào cha "Buonasera signore", rồi giúp cha cởi cái áo khoác và treo lên móc một cách thân tình. Cha cũng đáp lại. Hai bên nói gì đó một tràng tiếng Ý ... Ông chủ quán như đã được cha giới thiệu rõ về tôi bèn niềm nở bước đến bắt tay tôi. Không khí trong quán nhỏ trông thật ấm áp. Chỉ có khoảng chục bàn vuông nhỏ kê gần sát nhau. Tôi đi sau cha, lia máy quay một vòng rồi dừng lại cỡ trung cảnh khi thấy cha tiến đến bên hai du khách độ tuổi trung niên, một nam một nữ đang cầm thực đơn chọn món. Cha chào họ bằng tiếng Anh và nói lời xin lỗi xin được hỏi thăm họ có phải du khách không. Hai người chào lại và tự giới thiệu là du khách Mỹ. Cha đề nghị được giúp họ chọn món ăn đặc biệt ngon của quán này,  cha chúc họ ngon miệng, rồi cha chỉ tôi đến một bàn trống gần bên. Cha thật thân thiện và tự nhiên.

- Tối nay, cha đãi con món spaghetti hải sản. Chắc chắn là con chưa ăn thử bao giờ (cha ra dấu cho ông chủ quán và nói tiếng Ý). Mình uống 1 carafe vang trắng nghen. ... (Trong khi chờ món mì Ý và vang trắng cha chia sẻ tiếp) Sau này cha mới biết được tin, có hai tàu chở thuốc men của Caritas mà cha đã đánh điện xin vào đầu tháng 4. 75, môt tàu sẽ cặp cảng Sai gon, một tàu sẽ ra miền bắc. Khi hai thuyền trưởng nghe báo tin cha bị bắt giam, họ lái tàu đi thẳng qua Hong Kong luôn. Tiếc quá.  ... ( bình rượu được mang lên, cha dành lấy bình và rót ra ly của tôi trước, rồi một ít cho cha, cha làm dấu thánh giá, rồi nâng ly) Chúc mừng ngày hội ngộ. .. À Đức Tổng Bình thích ăn đồ ăn tây lắm ..." - (Tôi cãi lại) "Không đâu cha, mạ con nấu bún bò, Đức Tổng ăn luôn 2 tô, rồi còn nói múc thêm 1 tô nhỏ. Ngài còn kể với tụi con (trong 1 buổi họp mặt giới trẻ ở nhà thờ DCCT Ky` Đồng- chú thích) lúc ra Hà Nội họp Đức Tổng cùng với mấy đức cha ra chợ Đồng Xuân ăn bún ốc ...". Cha cười và gật đầu: "Đức Tổng Bình đơn sơ, vui tính ... làm việc với ngài thật thích (cha nói với giọng có nhiều tiếc rẻ). "Cha chỉ ăn được một phần. Sau khi mổ cha ăn ít lắm". Cha vừa nói vừa cầm dĩa lên, lấy nĩa gạt phần của cha qua dĩa của tôi: Con ráng ăn hết giùm cha. Còn rượu, không uống hết cũng được." (Tôi ráng ăn món saghetti hải sản, sợi mì không mềm mà hơi sượng .. hơi khó ăn!).

Chúng tôi rời quán khoảng 10g tối, đi bộ trở về trụ sở. Chúng tôi chia tay nhau ở trước cổng. Tôi linh cảm đây là lần gặp cuối cùng. Tôi thấy cha nở nụ cười hiền lành: "Con lên chiếc taxi đằng kia kìa, thế nào xe cũng đi ngang qua Vatican, nhìn lên lầu, duy nhất ở cửa sổ bên phải, con sẽ thấy đèn vẫn sáng, đó là phòng của Đức Thánh Cha đó. Ngài vẫn còn thức và làm việc. Con đi bằng an nghe." Tôi nắm lấy tay cha thật chặt một lúc, ấm áp: "Xin Chúa và Mẹ giữ gìn cha". Cha đứng nhìn tôi ra xe và vẫy tay chào tôi cho tới khi chiếc taxi rẽ, bóng cha khuất hẳn vào một khúc quanh.

Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

Ngày 77 - ĐẤNG ĐÁNG KÍNH PHANXICO XAVIE

ĐẤNG ĐÁNG KÍNH PHANXICO XAVIE NGUYỄN VĂN THUẬN

(Vài suy nghĩ trước ghi chép về lần gặp gỡ thứ ba)
Đối với tôi ,tuy mục đích của lần gặp mặt này không đạt được kết quả cụ thể gì, nhưng lại giúp tôi được biết rõ hơn về một người mà Giáo hội Công giáo bày tỏ lòng tôn kính đặc biệt với mong muốn con cái mình soi chiếu nơi người ấy làm mẫu mực cho đời sống chứng nhân đức tin của người theo Chúa. Ở mỗi thời có một cách làm chứng, không nhất thiết phải đổ máu. 


Thời Thánh bổn mạng lớp của chúng ta sống là những năm của đầu thế kỷ 16, khi mà các nhà hàng hải nổi tiếng như Vasco de Gama, Cristoforo Colombo, Magellan .. là những người châu Âu đi tiên phong của phong trào phát triển địa lý, mở con đường mới đến Ấn Độ và Trung Quốc ở Châu Á, kể cả khi đi lầm hướng mà tìm ra là Châu Mỹ. 

Mấy năm trước, mình đã gửi đến các thầy bộ phim "Theo dấu chân Phanxico Xavie" (To the footsteps of Francis Xavier) do Trung tâm Kuangchi của các cha Dòng Tên ở Đài Bắc thực hiện. Có thể nói theo ngôn ngữ của nhà báo Thomas Friedman, đó là thời kỳ đầu tiên của toàn cầu hóa. Những năm cuối thế kỷ 20 và đầu 21, là giai đoạn ba của toàn cầu hóa mà Friedman gọi là giai đoạn nhân loại chúng ta bước vào thế giới phẳng, tại thời điểm này ta thấy nổi lên một Phanxico Xavie khác ở Việt Nam. Người này cũng đi đây đi đó rất nhiều, nếu trước kia người của thế kỷ 16 di chuyển với tốc độ vài hải lý/giờ của thuyền buồm, thì nay là vận tốc ngàn kilômét / giờ của phản lực cơ ở cuối thế kỷ 20. Tuy nội dung rao giảng Tin Mừng vẫn như nhau, nhưng chiều kích đã khác nhau rất nhiều. Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận ngày nay đã có một duyên may (nói theo kiểu người trần gian) cực kỳ lớn, tưởng là phải gò bó trong một phạm vi địa lý nhỏ hẹp, thì tự dưng được đẩy ra ngoài, thâm nhập vào "thế giới phẳng", là được dịch chuyển liên tục, không bị một giới hạn nào ngăn chặn bước đi và sự hiện diện ở một thế giới trở nên thật nhỏ bé, sáng  ở Roma - Vatican thì chiều lại đã có mặt ở Boston, bờ Đông của Mỹ quốc. 

Thật ra, ngay lúc Phanxico Xavie Thuận chịu cảnh ngục tù cực kỳ giới hạn tưởng không thể nào hạn chế hơn, thì ngài cũng đã có cách vượt ra khỏi những cái giới hạn hữu hình đó rồi, bởi vì ngài đã dùng các phương tiên thông tin cổ điển nhất để truyền đi các suy niệm của mình về Hy Vọng của Tin Mừng rồi. Đó là các tác phẩm "Đường hy vọng", Đường Hy vọng dưới ánh sáng Lời Chúa và Công đồng Vatican II, "Người Lữ hành trên đường Hy vọng". Và cũng chính cách xử lý tự nhiên, thẳng thắn và trung thực đó, với các thông tin nhỏ nhoi mà ngài có được từ những người đến thăm mình lần cuối cùng ở trại giam, ngài đã tự mình làm chứng và được phóng thích ngay mà không một phút chần chừ. 

Cho nên, mấy ngày nay, tối cố khâu nối, tìm cách gắn kết cái ý nghĩa của lần kỷ niệm 50 năm của lớp chúng ta với những ai không hẹn trước nhưng đã xuất hiện trên vệt thời gian 100 ngày này. Để không phải chỉ là cuộc gặp gỡ chè chén đình đám rồi hết. Nhưng hôm nay, thật ra là từ hôm tôi nhắc đến ngày sinh của Phanxico Xavie Nguyễn Hữu Hòa qua đời tại Roma, kế đến từ một email forwarded của thầy Ánh về nhóm truyền giáo Phanxico Xavie ở Westminster giới thiệu cuộc đời cha Gioan Lee người Đại Hàn chăm lo anh em nghèo khó bệnh tật ở Nam Sudan, rồi đến ngày giỗ 16/9 của cố Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận  đã trải qua 13 năm ngục tù, nhờ đó chúng ta nghiệm ra được một chân lý rằng những vị này đã mang trong người sứ mệnh là xóa bỏ và thay thế các khái niệm cũ kỹ của  "địa chính trị" hay "địa kinh tê" mà người ta đang đấu tranh để tự giam mình trong lợi ích bản thân cho đến lợi ích bè nhóm dưới danh nghĩa chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ. Đức Giêsu của chúng ta đã "vượt biên" từ mấy ngàn năm trước rồi ("Nước Thiên Chúa ở trong các ông" - Luca 17:21) ("Nước của tôi không thuộc về chốn này" - Yoan 18:36). Khái niệm "địa chính trị" của người đi chinh phục (người La Mã) và các lãnh đạo Do Thái khác hẳn với khái niệm "thế giới phẳng" của Đức Giêsu. Các thánh tử đạo cũng đã tuyên xưng lòng tin về một thế giới như thế. Thánh Phanxicô Xaviê cũng đã cố vượt biên bằng thuyền buồm để xóa bỏ các biên giới quốc gia. Vậy có phải đề tài CHỨNG NHÂN HY VỌNG (Testimony of Hope) được Hồng Y Thuận làm đề tài suy niệm cho những ngày tĩnh tâm của Giáo triều La Mã vào mùa chay hồi năm 2000, vào đầu thế kỷ 21 này, là một trong những nhân tố tích cực và cần thiết cho thế giới phẳng của chúng ta đang sống không? Hôm nay, tôi tin là có và đúng như thế thật. Bởi vì trong thế giới phẳng, loài người trước tiên chỉ có thể tồn tại bằng HY VỌNG. Nếu không người ta sẽ bị mê hoặc và bị cuốn hút vào cái thế giới ảo như bị cuộn vào trận lốc xoáy của vòi rồng (tornado) hoặc vùi dập tan tác bởi cơn sóng thần (tsunami).


Để hiểu khái niêm mới của HY VỌNG mà Hồng y Thuận diễn tả trong vai trò người làm chứng, chúng ta phải chịu khó đọc những gì ngài đã viết, hoặc nghe băng đĩa, hoặc tìm thông tin trên mạng ... Hồng Y Thuận chắc hẳn đã nghĩ đến rất nhiều về hai chữ Hy Vọng, rồi quyết định lấy khẩu hiệu cho Tòa Giám mục của mình: "Vui mừng và Hy vọng" - cặp đôi hoàn hảo! Xem người ấy Vui thì biết trong người ấy có Hy vọng. Người có Hy vọng là người sống Vui vẻ, hạnh phúc. Cho đến khi chết, Hồng Y PX Thuận đã sống trọn vẹn khẩu hiệu đó. Đây chính là lý do, mà tôi xin thử đề nghị các thầy + cha trong lớp Phanxico Xavie-63 hãy chọn cho lớp và cho mình một khẩu hiệu, vì đã 50 năm chúng ta chưa có (có thể đã có người nào đó trong lớp đã có - vậy có thể chia sẻ vào dịp này được không?) để năm tháng còn lại của đời người (hình như chỉ còn vài ba năm nữa thôi, nhiều lắm là mười, tối đa là hai mươi năm) chúng ta có thể đeo đuổi như Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận, như Gioan Lee Tae-suk. Tôi mong được lắng nghe.   

Còn câu chuyện gặp gỡ lần thứ ba được kể ra đây sẽ đơn thuần mang ý nghĩa trong giới hạn của không gian và thời gian. Dài dòng một chút là để muốn nói rằng việc kể lại không phải là để "mua vui một vài trống canh". 



Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

Ngày 78 - HỒNG Y PHANXICO XAVIE

HỒNG Y PHANXICO XAVIE NGUYỄN VĂN THUẬN

Hôm nay ngày 16/9 là ngày giỗ năm thứ 11 của Hồng y PX Thuận - Đấng Đáng kính. Vì ngài là giám mục phó với quyền kế vị của Tổng giáo phận Saigon theo bài sai của Đức Giáo Hoàng mà chưa nhận một quyết định đến nhận một nhiệm sở mới nào khác. Cho nên cứ đến ngày này thì Nhà thờ Chánh tòa Đức Bà Sài Gòn, đều có lễ giỗ cho ngài với tư cách một giám mục nguyên là mục tử của giáo phận. Riêng năm nay lại có một dấu nhấn đặc biệt là hồ sơ phong thánh của ngài vừa kết thúc hồi tháng 7 trước. Một băng rôn treo ngang trên cao ở mặt tiền của Vương cung thánh đường: Lễ Giỗ 11 năm (16/9/2002-16/9/2013) Đức Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận.

Đã có nhiều bài viết và chuyện kể về cuộc đời của Đức HY PX Nguyễn Văn Thuận. Có thể nói chuyện kể dài nhất và đã làm tôi xúc động nhất, đó là quyển CHA TÔI của linh mục Phan Văn Hiền, người đã có quãng thời gian sống bên cạnh ĐHY Thuận từ lúc Ngài trở về làm việc tại Vatican, mang quốc tịch Vatican, cho đến lúc qua đời. Cho nên dịp này tôi nhắc lại vài kỷ niệm nhỏ mà tôi đã có với Ngài với ý định tìm cách kết nối mối liên hệ nào đó giữa ĐHY PHANXICO XAVIE Nguyễn Văn Thuận với lớp PHANXICO XAVIE 1963 của anh em chúng ta, cũng như là với cha Phanxico Xavie Nguyễn Hữu Hòa mà chúng ta đã kỷ niệm ngày sinh cách đây mấy ngày.

Lần gặp gỡ thứ nhất:


Tiểu chủng viện Hoan Thiện xây xong năm 1962, cách Đệ tử viện DCCT Huế một cánh đồng. Tôi được dịp qua đó vào dịp Tết con Rồng (1964), đúng hơn là chiều 30 Tết. Các chú được về gia đình ăn Tết. Gia đình tôi ở Sài gòn. Huế thì có đủ hai bên nội ngoại, nội ở Phủ Cam chỉ còn bà và cô. Ngoại thì trong thành nội. Tôi chia ra mỗi bên vài ngày. Các chú được về nhà từ sáng 30, cho nên tôi về kịp xem bà nội gói xong mấy cái bánh chưng sau cùng và sẽ vớt ra vào tối khuya, đó là bánh để ăn trong nhà, thường không được đều đặn vì bà nội tận dụng những nguyên liệu còn sót lại, kể cả lá dong thiếu thì lá chuối đắp vào. Đến trưa người giúp việc vớt bánh đợt đầu ra, là bánh để "đi tết", hong cho ráo nước. Khoảng 3 giờ chiều bà nội kêu tôi lại: "Con có biết tiểu chủng viện Hoan Thiện không?" Dạ biết, tôi thưa. Bà đưa cho tôi một cái bánh chưng xanh mướt của lá còn ấm ấm trong tay và một gói mứt. " Con mang bánh chưng và mứt này qua cho cha Thuận" Có tiếng của cô Mai (tôi hay gọi là cô cả) trong phòng kế bên nói vọng ra:'' Con phải hỏi cho kỹ có cha giám đốc ở nhà không nghe". "Dạ", tôi tính tới đâu hay tới đó. Nhưng đi bộ thì xa lắm.
" Cô cho con mượn xe đạp nghe". "Không được, nguy hiểm!", giọng cô hơi đanh lại. tôi không nói gì thêm, cầm bánh và mứt đi ngay. Sở dĩ tôi còn nhớ chi tiết chiều hôm đó cũng nhờ cái vụ mượn xe đạp. Ái chà giá có chiếc xe đạp peugeot, mình thả dốc từ nhà ông Hường Sách (còn gọi là đốc Sách) xuống phía cầu. Thuở ấy đường vắng xe lắm. Đi bộ mất hơn 20 phút mới đến TCV Hoan Thiện. Rất may, qua cổng tôi đến ngay phòng khách thì gặp một linh mục bận áo chùng đen, dáng dong dỏng cao, đeo kính cận trông thông thái. Tôi chưa kịp hỏi thăm, thì cha đó hỏi tôi:'' Con đi mô rứa? Con muốn gặp ai? Dạ bà nội con biểu con mang bánh và mứt qua tết cha Thuận giám đốc tiểu chủng viện. Bà nội nào? Dạ bà Ưng Đệ''. Cha bỗng phá lên cười:'' À, bà phán Đệ, bà o của cha đó mà." Cha xoa đầu tôi và cám ơn tôi. ... Trong ký ức đoạn phim dừng lại ở đó, tôi không còn nhớ gì thêm ... hình như tôi đã vội quay về nhà, vì đang bị mất hứng. ... Ông nội của cha Thuận là ông Nguyễn Văn Diêu là anh ruột của bà nội tôi. Có bánh trái gì ngon bà cũng để dành cho cha.  


Lần gặp gỡ thứ hai:
Trong thời gian là sinh viên dự tập được 4 năm vào đời, tôi học trường Luật, cho nên đến năm hai (năm 1972) tôi vào làm việc ở Trung tâm Truyền hình giáo dục Đắc Lộ của các cha Dòng Tên trên đường Yên Đỗ (Lý Chính Thắng bây giờ) sau một khóa hè Mass Media dành cho các chủng sinh các dòng. Đúng ra là đi ngả Hiền Vương (Võ Thị Sáu bây giờ) là cổng vào của Trung tâm. Nhưng phòng biên tập của tôi lại nằm bên dãy nhà tiền chế phía đường Yên Đỗ. Năm 73, một chị tên Thanh vào làm việc trong phòng của tôi. Hỏi thăm nhau thì biết chị phụ trách biên tập cho một chương trình phát triển nông thôn do Hội đồng giám mục Việt Nam tài trợ, gọi là COREV, có một giám mục đặc trách về phát triển theo dõi loạt chương trình giáo dục nông dân thử nghiệm này. Trong phòng biên tập chỉ có vài người, mỗi người lo một loạt chương trình riêng, ai lo việc nấy, thời gian khá tự do, cho nên chỉ có mặt đông đủ khi họp. Còn tôi thì hầu như thường xuyên có mặt trong phòng, không la cà, đi đâu cũng mau chóng quay về phòng. Vì vậy, tôi có dịp chuyện trò công việc với chị Thanh, mới biết ngoài Trung tâm chị còn có một xếp khác, đó là Đức giám mục Nguyễn Văn Thuận. Tôi nói với chị Đức cha Thuận thì em có biết, trong gia đình có nhắc đến lần phong Giám mục, nhưng lúc ấy em đang ở Đệ tử Huế. Chị Thanh nói được làm việc với Đức cha, chị thấy thích lắm. Đức cha luôn động viên, hỏi han và đưa ra nhiều ý kiến rất hay, y như cha Hoàng Văn Lục vậy (cha Lục là cha Sesto Quercetti người Ý, là trưởng phòng biên tập của tôi). Hai vị nói nhỏ nhẹ, mình không cãi được, nhiều khi phải sửa lại bài chết luôn! Rồi thỉnh thoảng chị cũng nhờ tôi mang kịch bản qua cho Đức Cha, hoặc lấy dùm tài liệu về cho chị vì thấy tôi thích đọc các tài liệu đó. Văn phòng làm việc của Đức Cha ở 123 Bà Huyện Thanh Quan, cho nên đi khá gần, tiện thể tôi có thể tạt vào nhà Dòng Chúa cứu thế Sài gòn hoặc tòa soạn Đức Mẹ Hằng Cứu giúp để giúp cha Vũ Khởi Phụng vài việc (lúc này cha Phụng là chủ bút và thường viết với bút danh Vũ). Thật lạ, có lần tôi đưa bài tận tay Đức cha Thuận, nhưng mình không chú ý gì cả, xong việc chị Thanh nhờ rồi quay đi ... Quả là không có duyên! Sau này tôi mới biết Đức cha còn là Chủ tịch Ủy ban Truyền thông xã hội của Hội đồng giám mục ... Đó là vào những năm 73,74 ...




Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

Ngày 79 - ĐỪNG KHÓC CHO TÔI, SUDAN !

ĐỪNG KHÓC CHO TÔI, SUDAN !

Cách đây mấy ngày, thầy Ánh có chuyển cho anh em xem một phim tài liệu rất cảm động kể về cuộc đời linh mục Gioan Lee Tae-suk dòng Salesien Don Bosco (1962 - 2010) do một nhóm tông đồ ở Westminster - California, Hội Truyền giáo Phanxicô Xaviê, tải lên mạng. Phim do đài truyền hình KBS thực hiện. Nói đến phim ảnh thì dân xứ Kim chi là số dzách rồi! Mà đức tin Ki tô giáo của họ cũng là tuyệt vời! Bởi vì tin mừng Phúc âm đến với người dân Cao ly vào đầu thế kỷ 17 bằng chính một nhà ngoại giao Triều Tiên đi sứ bên Trung Hoa mang về. Rồi giới trí thức tranh luận về các tư tưởng trong sách phúc âm.  Dân Cao ly tự đào tạo cho mình các linh mục "đời" tình nguyện, cho nên rất chủ động trong sứ mệnh truyền giáo. Giáo dân cũng phải tử đạo để bảo vệ đức tin (có số thánh tử đạo nhiều nhất thế giới), nhưng văn hóa Kitô giáo thì mau chóng hòa quyện với văn hóa dân tộc, trở thành một nước có tỷ lệ ki tô hữu lớn nhất châu Á (hình như 60% dân số). Rồi người Đại Hàn ki tô hữu lại được sai đi rao giảng tin mừng ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Cho nên chuyện cha Gioan Lee không phải là "hàng hiếm", cha là hoa trái từ một cây nho đã lớn mạnh với bộ rễ rất lớn và sâu trong lòng đất.


Các thầy có thể xem đầy đủ tiểu sử của cha Gioan Lee trên mạng. Mình chỉ nêu ra đây mấy suy nghĩ riêng tư muốn chia sẻ với mọi người. Mình không đồng ý khi nói cha Gioan hy sinh cuộc sống giàu có của một bác sĩ. Không, chẳng có lúc nào cha Lee nói là mình đã hy sinh. Cha đã chọn Chúa trong anh em phong cùi (có lẽ nên nói là bệnh Hansen) ở Nam Sudan và các thiếu nhi ở làng Tonj làm bạn của mình, ở đó có một môi trường sống tồi tệ nhất thế giới với một nhiệt độ thường xuyên là 50oC. Nhưng hãy nhìn cha Lee cười cùng với các em đó thì thấy ... họ đều nhe răng ra cười rất giống nhau, chỉ khác chăng là màu da ... bởi vì họ đang rất hạnh phúc. Nhưng không chỉ có tiếng cười mà cha Lee đã mang lại, còn có cả tiếng khóc. Hỏi rằng bạn có bao giờ khóc trước sự mất mát của một người thân không? Tất nhiên là có. Bộ ta là gạch đá sao! Thế mà người dân ở Nam Sudan, trẻ em ở làng Tonj đã không còn biết khóc trước cái chết, chết dần chết mòn, vì đói khát và bệnh tật, của người thân. Họ không còn nước mắt để khóc, hoặc lòng đã trở nên chai cứng vì quá đau khổ mà không còn đau khổ nào trên đời lớn hơn để họ phải nếm trải thêm. nhưng sau khi cha Gioan Lee đến, thì họ đã biết cười, rồi họ đã có thêm một trải nghiệm mới, là biết khóc cho một người anh em, một người cha tuyệt vời có hình ảnh của Chúa Giêsu phục sinh. 



Mình không thấy đoạn phim nào cha Gioan Lee rửa tội, nhưng có thấy cha đang nghiêng người bên một cậu thiếu niên bản xứ để giải tội. Có thấy nhưng người bệnh phong đang quờ quạng làm dấu thánh. Có thấy họ cúi đầu cầu nguyện trong thinh lặng. Vậy phải hiểu là họ đã lãnh nhận bí tích thanh tẩy rồi. Cha Gioan Lee không tổ chức lớp giáo lý (chắc là cũng có thôi), nhưng là lập một ban nhạc mà cha là người chơi trống, có khi là keyboard, rồi tổ chức một ban kèn hoành tráng ... để đem đến sự tự tin và tự hào ở các em. Lúc phải ở lại Hàn quốc để chữa trị bệnh ung thư ruột già ở giai đoạn cuối, cha còn thu hình mình vào đĩa bài tập kèn do cha sáng tác để cho các em có bài thực tập liên tục. Ngoài việc gom các bệnh nhân phong từ các nơi về tập trung tại một bệnh viện phong, cha còn lo xây dựng trường học và cũng đứng ra dạy một số lớp về các môn toán và khoa học khi không có thầy từ Kenya đến dạy. Và 9 năm ở Sudan cũng đủ cho thời gian cho một thiếu niên học xong phổ thông, thế là cha đưa được ba em vào học đại học ở Hàn quốc.

Phản ứng của bà Shin Myung Nam, mẹ Lee Tae- suk khi nghe con tỏ ý đi tu sau thời gian trong quân ngũ làm bác sĩ quân y là khác với các bà mẹ Công gíáo Việt Nam, vì theo lý lẽ của bà là trong gia đình 10 đứa con thì đã có 2 đi tu, 1 linh mục và 1 nữ tu. Thế là đủ cặp rồi dâng cho Chúa rồi. Làm giáo dân cũng tốt vì giáo dân Hàn quốc vốn nổi tiếng về tông đồ giáo dân mà! Bà cụ phản đối dữ lắm. Nhưng Lee Taee-suk thuyết phục được bà mẹ đã tần tảo nuôi các con từ khi ông cụ mất rất sớm, rằng anh muốn theo một linh đạo của dòng Salesien Don Bosco, là đem tình yêu Thiên Chúa đến cho thanh thiếu niên nghèo khổ nhất. Nhưng một khi đã chọn đời tu thì bà cụ lại động viên cha Lee dấn thân sâu hơn, đến với những người anh em khốn cùng nhất thế giới. 

Hiểu được ý nguyện đó cũng như quãng thời gian 9 năm sống giữa anh em cùng khổ nhất ở Sudan, đạo diễn Koo Soo Wan mới chọn cái tên phim tài liệu 90 phút nói về cha Gioan Lee Tae-suk là "Xin đừng khóc thương tôi Sudan" (Don't cry for me Sudan), như cái tựa bài hát "Xin đừng khóc thương tôi Argentina" (Don't cry for me Argentina)  trong phim Evita. 

Xin trích vài đoạn trong bài hát (nếu các thầy vào mp3 nghe ca sĩ Madonna hát thì càng tuyệt) thì có thể thấy chủ đề của hai phim có điểm tương đồng nào: 
"... Khi tôi cố giải thích cảm xúc của tôi, rằng tôi vẫn cần tình yêu của các bạn dù tôi đã làm bao nhiêu việc... Xin đừng khóc thương tôi, Argentina. Thật sự là tôi chưa bao giờ rời các bạn. Trong những ngày hoang dại của tôi, hiện hữu điên cuồng của tôi, tôi đã giữ lời hứa. Đừng tránh xa tôi ..." (Evita, vợ của tổng thống Peron nước Achentina lúc trước mình gọi là Á Căn Đình được dân xứ này xem như là nữ thánh vì tinh thần phục vụ dân nghèo rất hăng say, đấu tranh cho quyền bình đẳng phụ nữ và chống bất công ở nước của bà).

Bài hát nổi tiếng đó đã giúp chúng ta liên tưởng rất nhanh và tự nhiên đến câu chuyện của cha Gioan Lee Taae-suk và tâm tình của cha thổ lộ trong quyển tự truyện của cha "Các con là những người bạn của cha".

 Sự tiếc thương đó ở "Đừng khóc cho tôi, hỡi Sudan" lại lần nữa sẽ được trình chiếu tại liên hoan phim Berlin sắp tới (2013).

 Để xem phim xin link theo hướng dẩn của thầy Ánh đã gửi: http://www.youtube.com/watch?v=NpTbCaakQkc&feature=player_embedded