Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2013

Ngày 94 - SINH HOẠT TRÊN SÂN THƯỢNG

SÂN THƯỢNG LÀ NƠI SINH HOẠT

Trong hai tháng 8 và 9, Huế nóng kinh khủng, do gió hình thành từ phía Tây bên Lào vượt qua dãy Trường Sơn thành luồng khí khô, trượt dốc đẩy dồn hơi nóng bỏng rát xuống đồng bằng. Cho nên gọi gió Lào nóng vào mùa hè là vậy, còn gọi là gió "phơn" (foehn). Nhà ngủ to thoáng như thế chứa hơn 100 con người nhưng chẳng ai có thể ngủ nghê cho được ! Không biết do tài thiết kế của ông Đinh Doãn Sắc hay là các cha Canada có óc thực dụng, đã tìm ra được lời giải cho bài toán "nóng quá không tài nào ngủ được". Nóc trên nhà ngủ là sân thượng lát gạch chống thấm. Bao quanh bốn mặt có lối đi bằng phẳng, có lan can bao quanh vừa tầm che chắn an toàn khi ghé mắt nhìn xuống dưới. Rất thuận tiện cho buổi tối khi các chú xếp hàng hai đi vòng quanh đọc kinh lần chuỗi buổi tối. Phần chính ở giữa thì xây theo 2 mái xuôi hơi nghiêng khoảng 15 độ.

Mặt bằng sân thượng phủ trọn diện tích tòa nhà chính Đệ tử viện, rộng khoảng gần 2.000 m2. Sân thượng ngoài công năng kiến trúc là che mưa và nắng, còn là một mặt bằng sinh hoạt chung buổi tối cho cả nhà vào những ngày không có mưa. Này nhé, sau cơm tối, mọi người lên sân thượng, các chú không được chạy nhảy, không lo sập nhà, mà chỉ vì ăn no chạy nhảy là không tốt. Có 10 phút để đi bách bộ. Chu choa, chuyện trò thật rôm rả. Các chú nhỏ thường vây lấy một anh lớp lớn, hoặc một cha, để mà nghe kể chuyện.

Nhân đây cũng phải nói tới một đề tài khá quan trọng: Raro solus, numquam duo, semper tres. Dễ nhớ. Hiếm khi 1 mình, không bao giờ được hai, mà đơn giản phải là ba. Đi dạo một mình chỉ xảy ra trong ngày cấm phòng, và phải giữ im lặng không được nói chuyện, cho nên nếu đi solo một mình là bị anh em tẩy chay, là không sống hòa hợp được với mọi người, chắc chắn sẽ sớm xách và li về nhà thôi. Đi hai người với nhau cũng không được, vì là cặp bồ (amitié particulière - particular friendship) nhất là không được nắm tay nhau ra chiều thân thiết, phải là đi tối thiểu ba người với nhau.

Nghe tiếng còi, mọi người tụ tập lại theo hàng đội. Ngồi xuống nền gạch còn hơi nóng của nắng, nhưng thoáng mát để bắt đầu buổi sinh hoạt tối. 

Mỗi tối đều có 45 phút theo lịch sinh hoạt trong tuần. Buổi nào họp theo lớp là để học chương trình nhân bản. Các chú mới vào thì học cách cầm muỗng nĩa, ăn uống sao cho đúng cách, đi đứng, quỳ ngồi sao cho đứng đắn, giờ nào việc đó, im lặng và nói chuyện phải có lúc có thì. Không cần ghi nhép. Cha sẽ nhắc. Anh lớn trong đội sẽ nhắc. Nhắc nhiều lần không nhớ ... thì về nhà luôn, vì không có ơn .. kêu gọi (!). Thậm chí, cha phó Phạm Gia Thụy còn bảo là "manquer de jugement" (thiếu óc phán đoán), bởi vì đang lúc mọi người đang im lặng mà mình lại cười to, hoặc trên mâm cơm chỉ có mấy miếng thịt mà mình lại múc hết vào dĩa acoroc ... Chuyện nhỏ chưa xong thì sau này làm sao được chuyện lớn (!) Mà trẻ con thì hay quên, thế là cứ sau kỳ nghỉ dài, quay trở lại là biến mất vài chú. Mà không có các chú này thì thấy thiếu vắng làm sao. Phải một hai ngày sau, cả lớp mới lấy lại được tình thần "vui chơi ồn ào".

Mỗi tuần có một tối xem phim. Nhà đệ tử có một máy chiếu phim 16mm, một máy chiếu slide. Màn chiếu được căng ở bờ thành quay ra đường Khải Định sau đổi tên là đường Nguyễn Huệ. Trẻ con ở dưới đường cũng bu lại ngước cổ lên xem ké. Cha Phục sưu tập nhiều phim câm Charlot, thỉnh thoảng mang chiếu cho các chú xem, dù năm nào cũng xem lại, mà vẫn cứ bò ra cười. Thế là danh hài của lớp xuất hiện, đó là Chiến "charlot". Chú bắt chước rất tài, từ dáng đi, cho đến bộ điệu múa may. Cho nên lúc nào anh em ủ rũ là chú diễn hài kiểu charlot. Cha cũng phải cười. Đối với phim truyện dài, thường là nói tiếng Pháp, lớp lớn nghe hiểu, chứ các chú lớp nhỏ đành chịu, cha phải tóm tắt trước. Hết phim thì cha sẽ có nhận xét, phân tích thêm. Phim truyện dài trên một tiếng cho nên mọi sinh hoạt từ buổi chiều được cắt bớt vài phút. Mà cái gì hơi khác thường là các chú xôn xao bàn tán đoán mò. Thường là tin vịt. Rồi bày cá cược, ai trúng thì được "ký" đầu kẻ đoán sai. Tôi chán nhất là khi phải xem phim slides, đúng ra là filmstrip, phim cỡ 72mm cuộn nhỏ lại, kéo từng khung hình. Nhà đệ tử chỉ có bộ phim Tintin. Cha Nhân vừa kéo phim vừa kể chuyện do cha đã xem trước kịch bản, nhưng cha phải pha chế thêm sao cho dí dỏm.  

Họp đội cũng được sếp vào 1 buổi tối trong tuần. Mỗi đội chiếm một diện tích, ngồi quay tròn lại. Đội trưởng là một chú lớp trên lấy kinh nghiệm của mình mà nhắc nhở các chú nhỏ, linh tinh đủ thứ ... Cha cũng cho phép trong lúc họp đội cũng được bày trò chơi với nhau, nhưng không được ồn ào. Có hôm cha mời một cha bên Nhà Dòng, hoặc một người bên ngoài đến nói chuyện, như thầy Kim kể chuyện phiêu lưu vượt biên của thầy ...

Kết thúc giờ sinh hoạt buổi tối là vào khoảng 8g30. Mọi người trở lại theo hàng đội của mình. Mọi người hướng về phía Nhà Thờ Đức Mẹ Hằng Cứu giúp - hướng Đông. Cha tắt đèn và và bắt đầu kinh tối ngắn gọn. Kinh tối là Kinh dọn mình chờ chết (Ớ Chúa tôi, tôi biết thật tôi sẽ chết, có khi đêm nay tôi vào giường nằm ngủ, mà sáng mai chẳng còn chỗi dậy nữa, cho nên Chúa dặn bảo tôi, dọn mình vào giường nằm ngủ mà sáng mai chẳng còn chỗi dậy nữa ...) và hát Kinh Lạy Nữ Vương bằng tiếng La tinh Salve Regina. Cha ban phép lành. Từ lúc này, tất cả phải im lặng giải quyết chuyện riêng của mình. Từ từ xuống cầu thang gỗ vào nhà ngủ, làm vệ sinh cá nhân, thay quần áo (không xà lỏn, mà là quần áo pyjama, có thể là áo thun ba lỗ). Các chú cuộn chiếu với chăn gối của mình mang lên sân thượng, đặt vào đúng vị trí của mình. Ôi chao, thật là sung sướng, gió hiu hiu, đúng là khách sạn ngàn sao. Đẹp nhất là vào ngày trăng tròn, sáng vằng vặc. Thế mà không thấy chú nào làm được bài thơ về trăng sao cả ... như nhà thơ Hàn Mạc Tử. Hay là các chú mãi lo toan những âm mưu ... đen tối !!!

Lúc đi bách bộ các chú đã lên kế hoạch rồi. Không được kéo dài thời gian làm vệ sinh cá nhân. Sau 15 phút, những ai muốn ngủ trên sân thượng phải nằm vào vị trí ngủ của mình, đồng thời đèn néon ở nhà ngủ cũng phải tắt. Chỉ còn đèn chong trong khu nhà vệ sinh. Chừng như mọi sự trở nên yên ắng, có một vài kẻ ở nhà ngủ, y như mộng du, bước đi rất khẽ, theo cầu thang xuống tầng dưới, không vào nhà nguyện hoặc phòng học ở tầng một, mà đi thẳng xuống bếp. Nhưng phải đẩy cái thanh gỗ ngang chận cánh cửa vào bếp. Đèn pin chớp sáng cho thấy ngay cái bếp lò lớn bằng gang chiếm gần nửa diện tích căn bếp. Ở bếp lò có những cái hộc nhỏ. Mở cánh cửa hộc là thấy ngay mục tiêu là các tảng cơm cháy được anh nhà bếp cạy lên từ đáy nồi lớn. Than củi đã tàn nhưng vẫn khiến cho mấy miếng cơm cháy  còn hơi nóng. Không lấy hết, chỉ một vài miếng. Luồn chiến lợi phẩm vào bên trong áo thun, rồi bước nhanh lên cầu thang, không quên cài thanh gỗ ngang lại. Chiến lợi phẩm được phân phối cho đồng bọn bằng một màn dàn cảnh tinh vi. Có ai cấm kẻ mắc tiểu, cần phải đi vệ sinh đâu ...  Chỉ có những đứa trong nhóm mới chia nhau vật phẩm thu được ... Bốn bề vắng lặng bỗng có tiếng rốp ... rốp ... nghe giòn tan. Cả sân thượng bỗng xôn xao. Cha bước lên cầu thang ... đi rảo một vòng ... hoàn toàn yên ắng ...

Chẳng may bất chợt cơn giông buổi tối kéo tới ... lắc rắc hạt mưa. Các chú phải cuốn chiếu, chạy xuống cầu thang. Nhà ngủ lại trở nên rộn ràng. Nếu nhiều đêm liên tiếp đều có mưa, không còn ai được lên sân thượng ngủ nữa, vì mùa mưa đến rồi.   


Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013

Ngày 95 - XEM BÁO TUỔI HOA

CÁC CHÚ XEM BÁO TUỔI HOA

Vào khoảng năm 1964, Dòng Chúa Cứu thế Việt Nam có ấn hành một tờ báo bán nguyệt san rất nổi tiếng dành cho tuổi thiếu niên, tên Tạp chí TUỔI HOA. Nghĩa là trước đó 1, 2 năm, tờ báo này cũng đã chuẩn bị mọi thứ, tìm người sáng tác, thành lập ban biên tập, tìm nhà in, lập trụ sở ... nhất là kinh phí đầu tư ban đầu. Vậy thì Tuổi Hoa cũng đã bắt đầu cùng một năm với lớp Phanxicô Xaviê chúng ta. Nhưng rồi đến năm 1975, Tuổi Hoa phải đình bản vì không còn báo chí tư nhân - cũng là chấm dứt năm Dự tập của lớp chúng ta, cùng lúc chương trình đào tạo cấp thiếu niên của Nhà Dòng cũng chấm dứt, hơi muộn vài năm không lâu sau đó (cha giám đốc An phong học viện Giuse Nguyễn Tiến Lộc). 

Tôi tự hỏi không biết thân phận của Tờ báo TUỔI HOA và Chú Đệ tử Phanxico Xavie 1963 (FX-63)có mối liên hệ gì không? Xét về hình thức, chẳng có ăn nhập gì với nhau hết! Có giống nhau là ở chỗ, cả hai xuất hiện cùng năm, và đều xuất phát từ TÌNH YÊU của Nhà Dòng trong một kế hoạch giáo dục đào tạo ở lứa tuổi vị thành niên (11 - 19 tuổi). Nói là do Tình yêu, bởi vì bất cứ cái gì mà ta ấp ủ và xây dựng nên, thì đều xuất phát từ tình yêu, từ hoài bão. Tất nhiên Đệ tử DCCT đã được thành lập từ năm 1927 lận. Vậy tại sao lại là 1963 -1964. Là bởi vì tôi cảm nhận một điều lớp FX-63 phải có duyên nợ gì đó với Tạp chí Tuổi Hoa, như anh em song sinh, mặc dù trong suốt năm tháng của tuổi teen của chúng ta, chúng ta chẳng có một phút giây nào bước chân vào tòa soạn Tuổi Hoa chung nhà với Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu giúp ở 38 Kỳ Đồng, Saigon. Nhưng chắc chắn, từ số đầu tiên, Đệ tử DCCT là độc giả đầu tiên và thường xuyên (dù là báo biếu). Chúng ta không thể nào quen nét vẽ Vivi, nhà văn Quyên Di, hồi hộp theo dõi các chuyện phiêu lưu của Hoàng Đăng Cấp ... Anh em chúng ta phải công nhận ít nhiều bị ảnh hưởng.

Như là một khám phá cực kỳ mới mẻ - đó là FX-63 đã song hành với Tạp chí tuổi teen TUỔI HOA trong một thời gian dài. Các thầy hãy nghĩ xem có đúng không ?


Đến bây giờ, khi ngồi viết những dòng hồi tưởng này, mình mới cảm nhận ra được những điều trên. Còn khi lớp chúng ta lớn dần lên theo từng năm tháng, bước lên từng lớp 7, 6B, 6A, 5, 4 .... thì Tuổi Hoa cũng lớn dần lên với số lượng độc giả thiếu nhi. 

Chúng ta đã bỏ lỡ nhiều cơ hội để mà gắn bó với TUỔI HOA. Đúng không nào? Duy nhất cho đến bây giờ chỉ có thầy Nguyễn Thanh Long đã trung thành với nó, xét ở một góc cạnh nào đó. Nhưng mà nếu đi sâu hơn, thì thầy Long đầu bạc nhà mình chưa phát huy lợi thế ... về tuổi teen ở tờ báo Công giáo & Dân tộc mà thầy đã từng là thư ký tòa soạn, phó tổng biên tập. Càng đáng trách hơn là thằng tôi. Mình đã được vào làm việc trong ngành sản xuất chương trình truyền hình từ năm 1972, rồi làm chương trình tivi thiếu nhi từ cuối năm 1975, vậy mà lại bỏ ngang xương vào năm 1994. Mea culpa. Mea maxima culpa. 

Hiện nay có một số người trạc tuổi chúng ta, đã có một thời say mê đọc TUỔI HOA, cho nên họ đã cất giữ cẩn thận tờ báo như là những người bạn thân thiết. Giờ đây nhờ kỹ thuật số và interet, họ đã và đang chia sẻ những hoài niệm đó. Các thầy hãy truy cập thử xem ở đường dẫn  http://tuoihoa.hatnang.com/node/235. Bởi thế, những hoài niệm về năm tháng sống tuổi niên thiếu của FX-63 lẽ nào không được khơi dậy và chia sẻ như thế, đúng không ?


Trùng hợp nhất là hôm nay tôi có tấm hình bìa cô bé che dù dưới mưa, ứng với những kỷ niệm về mưa Huế mà một số thầy muốn nhắc lại. Tôi đã có hơn 20 năm làm phim tivi cho thiếu nhi, cho nên có chút cảm giác về hình ảnh, làm nên thói quen nghề nghiệp - "suy nghĩ bằng hình ảnh". Vì trước tiên, mình phải có một ý tưởng, đưa ra chủ đề, xác định khán giả mục tiêu, thu thập dữ liệu phù hợp, rồi suy nghĩ theo một cấu trúc của câu chuyện bằng hình ảnh (story board). Vì vậy kỷ niệm thường sống lại với tôi bằng hình ảnh, mà trong kỹ thuật dựng phim thường gọi là flash back (nhớ lại - hồi cảnh), như ta thường thấy trong các bộ phim truyện tivi Hàn quốc hay sử dụng thủ pháp này. 

Trở lại chuyện hôm qua, thầy sáu Huy có nhắc tôi kể thêm mấy chuyện liên quan đến mưa ở đệ tử Huế. Thầy email: "như cảnh anh em chơi đá banh thích thú, hụp lặn trong những vũng nước bùn, xình lầy.Trong những dịp mưa lớn, được chơi banh bóng vịt, tha hồ hụp lặn. Khi không được ra ngoài chơi, anh em chơi “đá banh” bằng cách lừa banh tennis hay bất cứ một vật gì khác có được lúc đó.  Đôi khi có cả cha Nhân cũng cùng chơi lừa “banh” nữa. Đến mùa mưa, trời lạnh, tối ngủ hay bi lạnh hai bàn chân, mặc dầu đắp mền, cũng không đủ ấm.  Nhiều đêm không ngủ được vì bàn chân bị tê lạnh. Buổi tối đi thành hàng lần chuỗi trong nhà chơi, không được lên sân thượng. Đối với một số anh em từ miền Nam ra Huế (nhà Huy ở Qui Nhơn), lần đầu tiên trong đời được mặc áo Manteau trong mùa mưa lạnh."  ....  Có ai còn muốn đóng góp gì thêm không?

Tôi đang nhớ lại thêm, ra khỏi "siêu thị", đến "chợ chồm hổm" tìm thêm vài món  ... Ngày mai, ngày thứ 94, sẽ chiếu thử đoạn phim tài liệu đó cho các thầy xem có đúng không nhé.

Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

Ngày 96 - NHỮNG NGÀY MƯA Ở ĐỆ TỬ VIỆN HUẾ

Sàigòn tháng 8 lúc này đang là mùa mưa, nhưng không hiểu sao, hôm qua thầy Ánh từ Tennessee gửi cho mọi người xem bài tả cảnh mưa ở Huế khá đầy đủ, chỉ còn thiếu bài hát "Mưa trên phố Huế" với giọng ca sĩ Bảo Yến gốc Huế thì đủ bộ. Thế rồi thầy sáu Huy lại gợi ý tôi viết về những ngày mưa ở Đệ tử Huế. Vậy hôm nay, chúng ta cùng nhớ lại:

NHỮNG NGÀY MƯA Ở ĐỆ TỬ VIỆN HUẾ

Có ai  sáng tác một bài hát mang tựa đề này không? Hay là một bài thơ theo đơn đặt hàng? Thầy Minh bạch làm một bài nhé.

Mưa ở Huế bao giờ cũng bắt đầu vào khoảng tháng 10. Đến tháng 12, Mưa nhiều hơn và dai dẳng. Qua tháng giêng thì mưa nhỏ hạt thành mưa phùn lất phất, báo hiệu xuân về. Những ngày mưa đi kèm với rét lạnh thì mọi thứ trong nhà bỗng trở nên nhớp nháp. Đó là độ ẩm trong không khí tăng cao. Trên mặt gỗ như bị phủ lớp nước. Trên thành vịn cầu thang, trên mặt bàn lớp học, trên bàn qùy trong nhà nguyện. Đây lại là dịp cho các chú bày trò nghịch. Nếu không lau chùi mặt bàn và ghế ngồi thì không thể nào đặt sách vở lên bàn (cùng đặt cái mông) một cách sạch sẽ được, tay áo dài tựa vào mặt bàn và đũng quần cũng bị dơ lây. Mỗi người phải tự lau chùi ngay chỗ mình ngồi. Hầu như không chú nào trang bị cho mình cái giẻ để lau. Vì ai cũng thích xé giấy nháp chùi, bởi vì có tiếng sột soạt rõ to, nghe rất vui tai. Theo luật, mọi người phải im lặng trong giờ étude buổi sáng sau thánh lễ. Cho nên đây là dịp giải tỏa sự im lặng bị kềm chế từ lúc ngủ dậy, tập thể dục, vệ sinh, kinh sáng, thánh lễ, cho đến hết giờ học bài (étude) buổi sáng trước khi điểm tâm. Xoạt ... xoạt ... đồng thanh từ mấy mươi bàn tay, từ mấy lớp học, tiếng giấy chà sát trên mặt gỗ ... xoạt ... xoạt ... thỉnh thoảng có tiếng cười rúc rích ... nhưng không đủ lớn. Nếu có khó chịu, thì cũng chẳng ai làm gì được. Rồi những cảnh "lợi dụng", các chú phải đi vất rác ở sọt rác cuối phòng học. Có chú làm biếng vo tròn giấy bẩn, mà ngồi tại chỗ ném viên giấy vào sọt rác ... nhưng chắc chắn là đi sai địa chỉ, thường là vào những người ở hàng cuối. Thế là xảy ra trận  chiến đến ồn ào. Phải có bề trên xuất hiện, hoặc một tiếng tằng hắng đầy uy lực vang lên từ xa ... mới có thể vãn hồi sự yên tĩnh cần thiết!


Mưa. Hầu như mọi sinh hoạt cả ngày đều ở trong nhà. Mưa. tập thể dục trong phòng khánh tiết, hay còn gọi là nhà chơi (có thể gọi là nhà đa năng), rộng thênh thang chỉ cách ngăn hành lang bằng một cánh cửa đôi. Đầu tiên là chạy đủ vòng quanh phòng khánh tiết, rồi đứng thẳng hàng theo đội mà tập. Ở cuối phòng là sân khấu, không ngờ đó lại là nơi vô cùng cám dỗ cho những kẻ còn say giấc ngủ. Vì thức dậy vào 5g sáng trong thời tiết rét lạnh, phải ra khỏi mền ấm, chỉ còn trên người cái quần xà lỏn và áo thun, thì quả là không công bằng. Các chú đang lúp xúp chạy vòng vòng dưới ánh đèn néon không được sáng lắm, thì bỗng có một chú, rồi một chú biến mất vào cánh gà của sân khấu. Tất nhiên, đội nào thiếu người là lộ ra ngay. Bề trên cũng biết tỏng là có mấy chú đã chui vào sân khấu tìm giấc ngủ đông ngắn ngủi ... bị xách tai ra trước ba quân. Thật là "xấu hổ" mà tỉnh ngủ hẳn!

Mưa Huế dai lâu và lạnh buốt. Không hiểu sao hơi lạnh như chui vào tận bên trong da thịt. Lúc cao điểm của cái lạnh, thầy phụ trách phòng may cho thêm mỗi chú 3, 4 mền, cái bọc lấy chiếu, cái chồng đôi chồng ba lại. Những chui hẳn người vào mền thì hơi thở tỏa ra mới sưởi ấm được. Nhưng khi ngủ quên, chân tay quờ quạng làm ló bàn chân ra ngoài là thấy lạnh buốt. Sau này, mới hiểu, nhà ngủ ở tầng lầu hai. Các cửa sổ đều khắp bốn mặt. Trần nhà cao. Gió mang hơi lạnh từ ngoài lùa vào cửa chớp thoải mái. Không lạnh mới lạ. Kẻ nào gần nằm cửa sổ có thể nghe thấy tiếng gió rít vù vù ... trong đêm nghe ớn lạnh, nhất là khi cha mở băng phát qua loa cho nghe cố Yến kể chuyện trừ qủy trong các tuần đại phúc. Có lúc tưởng như có con qủy nào đứng bên cạnh giường. Mà quả thật, các chú lấy cớ vì quá lạnh khoác thêm cái chăn lên người đi vào phòng vệ sinh, rồi bỗng dựng trùm lên cả người bước sát đến giường một chú nhát ma, hừ hừ khe khẽ cũng đủ làm cho chú kia hết hồn ...  Cái trò ấy cứ tái diễn mãi ... mà không thấy chán. Ma cũng thua các chú! 

(nhớ tiếp vào ngày 95)

Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

Ngày 97 - NĂM ĐẦU TIÊN DƯỚI MÁI NHÀ ĐỆ TỬ VIỆN DCCT HUẾ

NĂM ĐẦU TIÊN DƯỚI MÁI NHÀ ĐỆ TỬ VIỆN DCCT HUẾ

Trong danh sách Lớp 7 ở Huế tôi còn nhớ các chú sau đây: An - Ân - Ánh - (Chiến) - HXT Đình - Định - Hải - Hiến - (HÒA) - Hộ - Hồng - Văn Hùng - Ký - Lâm - Phương - (Quang) - Tân - Thanh - Thạch - Phùng Thảo - (Thuấn) - Tuấn. Chắc chắn là còn sót tên vài chú. Trong số này có Phanxicô Nguyễn Hữu Hòa đã trở thành linh mục và đã qua đời tại Roma. Ba người bạn khác là Chiến "charlot", Quang "trọc" và Thuấn đã mất, sẽ được nhắc đến sau.

Lớp trên có hai lớp, lớp 6B (còn nhớ mấy anh: Trung, Tùng, Tuyên, Vang ..) và lớp 6A (Hội, Hào, Huân, Thái, Quý, Tâm ...). Anh Hội (bây giờ là cha Hội rồi) là đoàn trưởng suốt năm học này. Anh xứng đáng là 1 anh cả, lúc nào cũng vui vẻ mà nghiêm nghị khi cần thiết. Luôn thay mặt cha giám đốc Phát nhắc nhở các chú nhỏ. Hoặc anh thường "đi tuần" ở nhà ngủ vào ban đêm, chính anh tắt đèn, bật đèn chong, chờ khi mọi người đã yên ắng trên giường khoảng 5 - 10 phút thì mới lên giường. Anh nhắc nhở các chú nhỏ với giọng miền Bắc nhẹ nhàng. Da anh trắng trẻo hồng hào, gương mặt tươi cười cho nên dễ gần gũi. Tướng anh khá "đô" (bây giờ lại thấy anh hơi nhỏ con), rắn chắc, nhưng anh không "ăn hiếp" chú nhỏ nào bao giờ. Đoàn phó có anh Tâm "ngố". Chẳng biết tại sao gọi anh như vậy. Có lẽ vì anh luôn xởi lởi, cởi mở đến dễ dãi chăng. Dáng đi mau mắn, cho nên sau này khi đã là linh mục anh vẫn phóng xe gắn máy như bay, rồi bị tai nạn mà qua đời, để lại rất nhiều thương tiếc khi anh đang là cha bề trên Nhà Dòng Huế chưa được bao lâu. Anh thường đảm nhận phần tập thể dục buổi sáng và hoạt động thể thao cho các chú. Với ba lớp chúng tôi phân thành các đội hòa trộn với nhau, cứ một đội gồm 7 - 8 chú, thường các anh lớp 6A là đội trưởng, lớp 6B làm đội phó và đội viên, lớp 7 chắc chắn yên phận là đội viên và cũng không phải đảm nhận công việc gì trong nhà. Tổng công khỏang hơn 100 chú.

Là lớp nhỏ nhất mới vào, cho nên chúng tôi được tập nếp sống chung của một chú đệ tử.

Trước hết là tập giữ thinh lặng. Khó lắm. Không phải là tuyệt đối im lặng. Khi cần thì có thể trao đổi với nhau qua tiếng nói thì thào, ra dấu được với nhau càng tốt. Nhưng đến khi tập được rồi thì thấy rất hữu ích. Mọi việc sẽ được thực hiện nhanh chóng. Có thể tiết kiệm được nhiều thời gian riêng cho mình. Thử tưởng tượng xem từ lúc ngủ dậy đến lúc giờ ăn sáng các chú mới được nói chuyện với nhau. Trong khoảng thời gian hai tiếng đồng hồ đó là nhiều việc đã làm được tính theo giây/phút: đọc kinh sáng 5 giây, đi tiểu 1 phút, tập thể dục sáng 5 phút, dọn giường chiếu 1 phút, vệ sinh cá nhân 2 phút, thay quần áo/chải đầu 2 phút. Nhưng chương trình sinh hoạt ghi có tất cả 20 phút, đến phút thứ 15 có 3 tiếng kẻng dài gọi là kẻng báo 5 phút. Trước khi có tiếng kẻng, có một số chú đã đi xuống nhà nguyện rồi, và có nhiều người đã rời nhà ngủ ngay sau tiếng kẻng đầu tiên. Khi tiếng chuông rung lên, ngân dài  thì tất cả đã có mặt đông đủ trong nhà nguyện rồi. Sau thánh lễ có giờ étude là giờ học bài riêng trong 30 phút. Học bài cho buổi học sáng. Học xong thì có thể ngồi tại chỗ đọc truyện, làm việc riêng trong yên lặng. Nghe tiếng chuông thì xếp hàng đôi đi xuống nhà cơm. Khi cha phụ trách, cha giám đốc và cha phó thay phiên nhau, thấy đã đông đủ, cha xướng câu: Ngợi khen Đức Chúa Giêsu và Đức bà Maria. Các chú thưa lại: bây giờ và đời đời. Amen. Lúc này các chú ngồi xuống và ăn sáng, được nói chuyện.

Nhà cơm ở tầng trệt gần cầu thang thứ hai ở cuối tòa nhà. Có 3 cửa lớn để các lớp có thể đi vào cùng một lúc. Có hai cánh cửa mở ra gần nhà bếp. Nhân viên nhà bếp đã bày thức ăn sáng trên bàn cho từng bàn 8 người với một ly nhựa, dĩa thủy tinh acoroc và muỗng nĩa, cứ bốn người chung nhau một phần ăn. Một ấm sữa nóng cho 8 người. Đội trưởng hoặc đội phó rót sữa cho đội viên. Món điểm tâm thay đổi tùy ngày. Nhưng các chú có thể đoán được sẽ ăn thứ gì, vì cứ theo chu kỳ thì sẽ lập lại. Nhưng ăn sáng thì đơn giản. Các chú thích nhất món cơm chiên vàng màu nghệ và cà ri trộn với thịt heo ba rọi xắc thái nhỏ. Bốn chú chuyền cho nhau tô cơm chiên vừa đủ phần mình. Luôn có một nồi to dự trữ để cuối nhà cơm cho ai muốn lấy thêm. Chán nhất là món ngũ cốc trộn chung với sữa. Chú nào ăn xong điểm tâm thì có thể làm các việc riêng, nhưng thường là các chú đã có công việc làm chung theo đội, như quét nhà phần hành lang trên lầu theo hướng dẫn của đội trưởng đã nhận phân công từ trước. Sau công việc vệ sinh nhà buổi sáng, chúng tôi cũng còn 5, 10 phút để đi lại chuyện trò với nhau và chờ tiếng kẻng để vào lớp.

Lớp 7 tập trung nhiều giờ nhất cho môn Pháp văn với thầy Anh. Phương pháp sư phạm của thầy Anh rất hay. Các chú phải làm bài tập rất nhiều. Viết dictée (chính tả). Tập đặt câu với các từ mới học. Nhất là analyse grammaticale và analyse logique (phân tích văn phạm và phân tích mệnh đề). Làm bài xong là thầy chấm cho điểm ngay. Đối với tôi học môn Pháp văn khá dễ dàng vì giống như mình đang ôn lại bài đã học đã làm từ năm học trước ở lớp Huitième trường Taberd Lasan trong Saigon, vì vậy hầu như lúc nào cũng được "dix huit, dix neuf, vingt" là chuyện thường tình. Sau này, cha Hòa hay nhắc lại cái thành tích này, thật ra tôi chẳng thấy hãnh diện gì, chẳng qua là mình đã biết trước thôi. Tôi nghiệp có nhiều chú lần đầu học tiếng Pháp, vô số lỗi ... nhưng với phương pháp của thầy Anh .. sau nửa năm đã thấy nhiều tiến bộ. Kế tiếp là làm rédaction bằng những câu đơn giản ... 












Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

Ngày 98 - NHÀ ĐỆ TỬ DCCT HUẾ

NHÀ ĐỆ TỬ DCCT HUẾ

Anh Vũ Sinh Hiên viết về Nhà Dòng Huế trong “Câu chuyện những cây đại thụ” ghi rằng cha Eugène Larouche là cha giám đốc đầu tiên vào năm 1928 là chưa chính xác lắm, vì trước đó, cha Cousineau đã làm giám đốc 1 năm (1927 -1928). 


Cha Hubert Cousineau
                                       Nhà Đệ tử đầu tiên là túp lều tranh dựng tạm trong vườn nhà ông Đinh Doãn Sắc           
Các chú đầu tiên (sau này là cha Trần Hữu Thanh, cha Nguyễn Quang Kiêm, cha Hoàng Quang Lượng, thầy Edmond Hà) ở tạm trong một căn nhà tranh dựng lên trong vườn nhà ông Đinh Doãn Sắc. Nhà ông Sắc cách nhà ông bà nội tôi mấy căn, chia cắt bằng đường rầy xe lửa dẫn lên ga Huế (hiện nay ông Gioankim Đỗ Trinh Huệ là chủ nhà). Thời ở Đệ tử, cuối tháng được dịp về thăm gia đình, tôi đi bộ từ cửa sau nhà đệ tử, dọc sông An cựu, qua cầu Kho rèn (hay Lò rèn?), đi một quãng là tới nhà. 
  
                            27 chú đệ tử lớp đầu tiên cùng với cha Cousineau và cha Larouche
                                 cùng với ông Đốc Sắc trước nhà của ông vào năm 1928.

Cũng phải thôi, cha Eugène Larouche là giám đốc đệ tử viện Huế lâu nhất (1928-46); rồi cha Dubé (1946-51); cha Labonté (51-55). Chưa tìm thấy trong tư liệu Nhà dòng từ 1956 là các cha giám đốc nào. Nhưng theo mình nhớ năm 1962, là cha Sơn. Vậy năm nào thì Đệ tử viện chuyển vào Vũng Tàu? Chắc chắn là sau Hiệp định Genève, vì nghe nói, các cha dự định chuyển về Vũng Tàu cho dễ lên tàu “ra khơi”, cho nên mới có cái motto “Duc in Altum” của Đệ tử Vũng Tàu (mà cũng rất là ý nghĩa! Bây giờ là tên nội san của các anh cựu đệ tử ở Úc).                                                                                                                                                                  Cha Larouche (cố Hiền)
Đệ tử viện Huế xây xong vào tháng 1.1930.




Nhìn vào Nhà Đệ tử Huế, phải thật sự nhìn nhận về thiết kế kiến trúc tòa nhà khá hợp lý trong một khối hoàn chỉnh của một trường trung học nội trú, có những thuận tiện trong di chuyển đến từng nơi sinh hoạt. Tòa nhà này đã là mô hình mẫu sau này cho các trường gần bên là trường Thiên Hựu (Providence) và Tiểu chủng viện Hoan Thiện. Nhà Đệ tử Vũng Tàu, tuy nhà thiết kế cố gắng tối đa nhưng vì không nhằm mục đích lâu dài, cho nên có nhiều điều bất tiện. Càng nhiều bất tiện hơn khi dọn về Chợ lớn. An Phong Học viện Thủ Đức trông đồ sộ hơn, nhưng kiến trúc sư không hiểu hết triết lý đào tạo "có định hướng đời sống tu" cho tuổi thiếu niên cho nên cũng có một số bất cập trong chi tiết thiết kế (hãy thử bàn thêm về sau).

Tháng 9/1930, số đệ tử là 77 chú, chia thành 5 lớp, tăng dần lên đến khoảng trên 120, cho đến năm 1945. 
   
Vị trí chụp hình: trên sân banh, dãy nhà bên trái - nhà khánh tiết, dãy nhà ngang phía sau - nhà chính đễ tử viện; dãy nhà thấp bên phải: nhà kho. Hiện nay, người dân kéo về tỵ nạn từ Tết Mậu Thân 1968 ở luôn phần sau nhà đệ tử viện cho đến nay.

Rồi tăng lên 9 lớp từ lớp 8è (Huitième) - cho lứa 10 tuổi, vì cha Ân "khai" là cha vào đệ tử lúc 10 tuổi) là lớp nhỏ nhất, rồi kế tiếp là lớp 7è (Septième) ... lớp 1è (Première), rồi lớp cuối cùng trước khi vào Nhà Tập là lớp Triết gọi là lớp "phi-lô" (philosophie). Lớp nhỏ nhất có khoảng 15-20 chú. Cứ mỗi năm rơi rụng vài chú, vì nhiều lý do khác nhau. Lớp cuối chỉ còn khoảng 5, 7 chú lớn ở tuổi 18 - 20. 

Các cha Canada rất quan tâm đến việc đào tạo về nề nếp sinh hoạt thường ngày của một cậu bé, chẳng hạn rửa tay trước khi ăn cơm, chải răng trước khi đi ngủ, quần áo tươm tất từ sau khi vệ sinh sáng cho đến lúc thay đồ nghỉ trưa, cách cầm muỗng nĩa khi ăn, cách đi đứng, quỳ ngồi ... hàng ngàn thứ phải tập luyện sao cho tự nhiên mà không cảm thấy gò bó. Cho nên phải tập luyện ngay từ lúc nhỏ là vậy, từ lúc 10 tuổi theo "qui chế đào tạo" của năm 1928. Thật vậy, chúng ta đã có dịp xem phim tài liệu mà các cha đã quay được hình như vào khoảng năm 1935, 40 gì đó. Những thước phim tài liệu thật quí! Những cảnh các chú nhỏ thức dậy có các thầy trợ sĩ giúp lau mặt với các chậu nước trong phòng tắm, kể cả cảnh các chú "ở truồng" đứng cho các thầy chà xà bông lên người, kỳ cọ ... "Rứa" mới biết "sự công phu" để có một linh mục "đầu cao mắt sáng" sau này là như thế nào (!)

Sau Hiệp định Genève 1954, do Đệ tử viện từ Thái Hà/ Hà Nội di cư vào miền Nam, cho nên Đệ tử Huế cũng rút theo vào Nam, sát nhập chung ở Vũng Tàu, thành Đệ tử viện Vũng Tàu.

Năm 1958, cha Sơn làm giám đốc,  Đệ tử viện Huế mở lại, thu hẹp qui mô thành Tiểu Đệ tử viện chỉ còn các bốn lớp nhỏ, thì số lượng năm đầu được tăng lên. Một lớp có khoảng 30 chú. Tôi không biết thời nào, đã có sự sắp xếp lại tên gọi các lớp nhỏ, lớp 8, 7 và 6A / 6B, mà bỏ luôn lớp 8. Hình như để tương ứng với lớp đệ thất của chương trình Việt bên ngoài, và lớp Septième của chương trình Pháp, để khi lên đến lớp 4è các chú có thể thi Trung học đệ nhất cấp, lên 3è thì thi BEPC của Pháp, lớp 2è thì thi Tú tài 1, lớp 1ère thi Bac1 (Baccalauréat 1) và Tú tài 2, lớp Triết thi "Bắc đơ" (2è Baccalauréat). Sẽ trở lại việc thi cử này sau, cũng là một đề tài đáng bàn thêm. Năm học 1963 - 1964, thời cha Phát, Nhà Huế có 3 lớp, lớp 7, lớp 6B và lớp 6A, gồm trên 100 chú.

Lớp chúng ta vào năm đầu tiên ở Huế là lớp 7 của năm học 1963 - 1964 với cha Phát làm giám đốc, cùng lúc với lớp Đệ tử ở Vũng Tàu, thành ra có 2 lớp 7, năm đó chưa có tên riêng để gọi. Sau này chúng ta phân biệt nguồn gốc thì gọi lớp Huế và lớp Vũng Tàu.

Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

Ngày 99 - TRỞ VỀ NGUỒN CỘI

TRỞ VỀ NGUỒN CỘI

Mong quí thầy FX-63 chia sẻ với mình suy nghĩ này, là khi định ra mốc thời gian 100 ngày, là mình cố tình tự giam mình lại, ở cái tuổi 62 rồi còn gì (phần lớn anh em lớp mình đều ở tuổi này, có hơn kém nhau chỉ một hoặc hai tuổi) tạm bớt lo toan việc bên ngoài, mỗi ngày dành ra thời gian để suy nghĩ về một đoạn đường đời đã làm nên con người mình sau này. Không phải để khoe cái trí nhớ của mình đâu nghen! Cái tuổi thiếu niên ai mà không có ít nhiều kỷ niệm, phải không? Nhưng đặc biệt nhất là khi chúng ta cùng sống trong nhà đệ tử từ lớp 7, có một số đã cùng đi đến lớp 12, rồi sinh viên dự tập. Vài anh em làm thầy dòng và rồi nay chỉ còn lại duy nhất một linh mục. Lần này, có nhiều phương tiện truyền thông kết nối nhanh giúp mình tương đối kịp thời rà soát, kiểm chứng lại các chi tiết, đôi khi có thể bấm điện thoại gọi ngay vài anh em hỏi ý kiến ... Nhờ vậy, trong tâm trí mình, cuốn phim tài liệu dần dần được hình thành một cách sống động.

Trước khi tiếp tục viết về tháng ngày ở Đệ tử Huế, Vũng Tàu …, tôi sực nhớ đến trong tháng 5 vừa qua, Nhà Dòng có thánh lễ khai mạc năm chuẩn bị mừng 50 năm Phụ tỉnh Đông Dương được nâng lên hàng Tỉnh Dòng (1964 – 2014). Thì ra chuyện nhà đệ tử chúng ta hồi đó bị xáo trn liên tục trong 5 năm, từ 64 đến 69 là do cái sự nâng cấp này. Quan trọng nhất là từ đây, Tỉnh Dòng phải có ngân sách độc lập. Vì vậy Nhà Dòng đã đầu tư lập các cơ sở sản xuất, như khai hoang lập nông trại cả trăm mẫu ở Phú Dòng, Fyan, trại gà Scala Đà lạt… ít thì cũng khoảng chục mẫu ở Mai Thôn - bán đảo Thanh Đa .. Rồi sau đó phải chịu rất nhiều mất mát, phỏng chừng mất gần hai phần ba!!… 
(xem thêm www.chuacuuthe.com/2010/08/06/dcct-việt-nam-thời-cha-leo-le-trung-nghia-1975-1981).

Lại thêm sang năm Nhà Dòng cũng sẽ kỷ niệm 90 năm (1924 -2014) Dòng Chúa cứu thế được lập ở Việt Nam. Nhưng đặc biệt nhất là trong năm nay, mãi cho đến hôm nay, Hội đồng quản trị Tỉnh Dòng Việt Nam mới chọn được Đấng bảo trợ cho Tỉnh Dòng Việt Nam – là Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Chúng ta cầu xin Mẹ HCG, nếu là ý Chúa, mong sao thời gian thử thách sẽ mau qua để Nhà Dòng nhận lại được những gì đã mất làm phương tiện phát triển ... 


              Ngày 31/12/2005, các FX-63 đến thăm Học viện DCCT Đà Lạt, nay là Viện Nghiên cứu
                                    sinh học Đà Lạt, nhưng vẫn còn lưu lại khẩu hiệu" Copiosa apud eum  redemptio"                                                

Sau 1975, ở Việt Nam không còn Dòng tu nào được hoạt động ở cấp đệ tử tuổi thiếu niên. An Phong học viện ở Thủ Đức cũng chỉ ráng được thêm 3 năm (25.1.1978) do cha Giuse Nguyễn Tiến Lộc phụ trách. Quả là định mệnh, lớp đệ tử chúng ta là lớp cuối cùng vào năm 1975 đã đi đến hết thời sinh viên dự tập, tổng cộng 12 năm, mà sau này không còn có một chương trình đào tạo nào như thế, có muốn cũng không được (!)  


Nhân đây, tôi cũng xin phép lạm bàn về sinh hoạt cựu đệ tử thời gian qua. Các anh hay nói nửa thật nửa đùa anh em cựu đệ tử là anh em DCCT tuyến 2, rồi lại là anh em "tu ngoài viện" ... Thật ra đó là chỉ là cụm từ nói đùa. Đời sống tu sĩ độc thân không có cách chi giống với đời sống vợ chồng. Thậm chí kỷ niệm ngắn ngủi của một, hai năm sống dưới mái nhà Đệ tử chưa thể gọi là đã nếm trải cuộc sống tu trì. Theo tôi cứ giữ i nguyên cái tên "Hội Cựu Đệ tử DCCT" mà Cha Larouche đã dành nhiều tâm trí cho việc thành lập và duy trì Hội Cựu đệ tử DCCT trong một thời gian dài sau khi cha già thôi chức giám đốc ở Huế. Tôi còn nhớ về cha già khi ba tôi cho đi theo đến nhà Dòng Kỳ đồng thăm “ông nội”, là một ông cố tây có bộ râu trắng phau như ông già Noen nói tiếng Việt giọng Huế. Tiếc là sau cha Larouche, chưa có cha nào “xung phong” hoặc “tình nguyện” làm công việc này. Ông Trần Văn Tín, ba của anh Trần Minh Anh lớp chúng ta và anh Tuấn lớp trên và Việt lớp dưới, cũng đã đứng ra nhận lãnh trách nhiệm được một thời gian sau khi cố Hiền qua đời. Số cựu đệ tử, cựu tu sĩ DCCT tính ra cho đến nay, rất là đông, có thể nói là cả ngàn người, chưa kể bầu đoàn thê tử của họ … ("Ngươi có tài đếm được chúng không?" - KN, 15, 5).

Sau năm 1975, nhiều anh em cựu đệ tử DCCT mong muốn được sinh hoạt trở lại với nhau, thu hút thêm các "cựu thầy trợ sĩ" và "cựu linh mục". Bởi vì suy cho cùng, tất cả những ai nhận mình là con cái của "Mẹ Nhà dòng" (cha Phan Thiện Ân nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong bài giảng kỷ niệm Ngọc Khánh khấn dòng của cha). Cho đến nay, dù có những lúc trắc trở gián đoạn vài kỳ, nhưng cứ đến Chúa nhật đầu tháng anh em lại tụ về Nhà Dòng để cùng nhau dự thánh lễ chung với nhau, chí ít cũng có dịp một hoặc vài lần trong năm, vào những ngày lễ của Nhà Dòng. Một số anh tham gia cộng tác vài công việc mục vụ của Nhà Dòng, thường xuyên hay đoản kỳ. Nhưng do cơ cấu lỏng lẻo mà không có sự tham gia của các anh em của những lớp sau 75, khoảng 30 năm, là 30 lớp ...  

Vậy Hội Cựu Đệ tử Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam nên chăng được tiếp tục phát huy sau một thời gian dài ?





Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

Ngày 100 - TÌM LẠI THỜI NIÊN THIẾU

TÌM LẠI THỜI NIÊN THIẾU

Hôm nay, tôi nhớ lại quá khứ bắt đầu từ năm 1963, dựa phần nào theo mốc thời gian cho dễ viết. 
Mình tìm thêm vài chi tiết liên quan đến đệ tử DCCT ở Huế từ 1956 đến 1990, còn Đệ tử Vũng Tàu từ ngày chuyển từ Huế vào, hình như từ năm 1956, 57 gì đó, rồi lại vào Chợ lớn năm 1965, xuống Thủ Đức 1968 .... là thời gian chịu sự tác động của nhiều biến cố chính trị xã hội dồn dập từ bên ngoài. Ở một góc độ nào đó thì thấy khá hấp dẫn ly kỳ. Nhưng phải nói là các con cái cha thánh An Phong  đã nhận được ơn Chúa dồi dào và sự che chở của Mẹ Hằng Cứu giúp.

Có gì thiếu sót các thầy góp ý thêm nghen:

Nhân hôm 22/8/2013, chúng ta thu xếp công việc gia đình, tụ về Nhà Dòng Kỳ Đồng dự Lễ kỷ niệm sinh nhật 80, khấn dòng 60 năm, 55 năm linh mục của Cha Giuse Phan Thiện Ân. 
Chi tiết thánh lễ chúng ta có thể đọc xem tin tức ở link của Nhà DCCT: http://www.chuacuuthe.com/2013/08/23/thanh-le-ta-on-bat-tuan60-nam-khan-dong-va-55-nam-linh-muc-cua-cha-giuse-phan-thien-an-dcct/














Năm 1963, Cha Ân là cha phó, phụ trách đoàn nhỏ của Đệ tử Vũng Tàu. Năm học 63-64, ba má lại gửi tôi ra Đệ tử Huế, khi đó cha Lôrensô Vũ Văn Phát là giám đốc. Qua năm 1964, cha Phát làm Bề trên Nhà Dòng Huế. Còn cha Ân từ Vũng Tàu ra Huế nhận chức Giám đốc tiểu đệ tử Huế vì nhà chỉ còn 3 lớp: 7, 6B và 6A.

Kỷ niệm lần đầu vào nhà Đệ tử mà tôi còn nhớ như in, là chiều hôm đó, cô tôi đưa tôi đến gặp cha Giám đốc. Sau khi cha Phát xem thư của ba tôi cùng giấy tờ của tôi ở phòng khách, cha mở cửa ra hành lang bên trong nhà, thấy ngay một chú trạc tuổi tôi đi qua, trông như anh tây lai. Cha ngoắc chú ấy lại bảo dẫn tôi lên nhà ngủ cất đồ. Chú nhanh nhẹn cầm lấy cái valy nhỏ của tôi xách lên cầu thang bên cạnh hành lang từ nhà khách. 

Chú bảo tôi đi theo lên lầu 2, toàn bộ là nhà ngủ, có một lối đi chính giữa từ cửa chính đầu này cho đến cửa ra vào tận đầu kia vừa dẫn xuống cầu thang bên kia đồng thời dẫn lên sân thượng. Hai bên lối đi phân thành từng hàng giường sắt sơn màu trắng ngà. Mỗi hàng giường đều có lối đi nhỏ có lối đi vừa đủ cho 1 người. Cứ bên cạnh mỗi giường ở đầu giường có một cái tủ nhỏ, gồm 1 ngăn nhỏ để vật dụng cá nhân như bàn chải đánh răng, ngăn dưới lớn hơn để quần áo. Giường đã được trải chiếu, một cái gối bọc vải trắng ở đầu giường, còn 1 tấm chăn được xếp ngay ngắn phía dưới. Cái giường sắt có gắn 4 cây sắt kết nối bằng bốn thanh ngang. Một cái mùng muỗi trắng phau móc bằng khoen tròn treo trên thanh ngang, được đẩy dồn về phía đầu giường, và được túm cột lại bằng một dải băng màu xanh dương. Khi nhìn toàn thể nhà ngủ, tất cả giường tủ đều i như nhau với màu trắng của mùng treo thẳng tắp, sạch sẽ, và gọn gàng. Ánh sáng từ các cánh cửa sổ lớn ở hai bên hông mở rộng, làm cho ánh nắng ban chiều ùa vào sáng rực rỡ. 

Tôi thấy có vài chú đang loay hoay ở bên cạnh giường của mình, xếp dọn dồ, nhưng nói chung là tương đối vắng vẻ. Tôi hỏi chú hướng dẫn: "Mọi người đi đâu hết rồi?" "À, đi ra chơi hết rồi. Chiều này chơi tự do. Mình tên Đình, Hoàng Xuân Tràng Đình", chú ấy đáp lại nhiệt tình nhưng nói giọng hơi nhỏ. "Khi vào nhà ngủ thì mình không được nói chuyện, chơi đùa. Chỉ nói nhỏ với nhau những gì cần thiết thôi", chú Đình nói.

Tôi nói mình ở tận Saigon mới ra, không qua lớp thử nên không biết gì cả, nhờ anh chỉ cho. Trong khi tôi xếp đồ vào tủ, Đình chỉ cho tôi tháo mùng bằng cách với tay tháo cái móc nhỏ ở dải đai xanh túm eo cái mùng. Chiếc mùng bung thẳng xuống. Đình tiện tay nắm một đầu mùng kéo về phía đầu giường. Những khoen sắt cột vào nóc mùng cọ sát vào hai thanh sắt dọc reo lên âm thanh nghe thật vui tai. Đó là cái âm thanh mà tôi nghe rất quen thuộc của mỗi buổi sáng thức dậy đồng loạt, nhưng khi đêm xuống thì âm thanh này lại không đồng đều, nhưng cũng rộn ràng trong khoảng 10 phút, rồi rơi vào yên tĩnh, kế tiếp là bóng tối và giấc ngủ đêm. "Vậy là mình treo xong mùng ngủ rồi đó", Đình vừa nói vừa biểu diễn kéo ngược cái mùng trở lại phía đầu giường rồi lại với tay túm gọn cái mùng và thắt eo lại bằng cái đai xanh, rồi nói tiếp, "khi ngủ dậy, anh làm như thế này, chỉ mất trong mấy giây thôi. Nè xếp đồ lẹ lên, cởi quần dài ra, rồi ra sân chơi đá banh với tụi mình". Nói là làm, Đình chạy nhanh ra phía cánh cửa dẫn xuống cầu thang. 

Đó là người bạn lớp 7 ở Đệ tử Huế của tôi, Hoàng Xuân Tràng Đình, cháu ruột của cha Giuse Phan Thiện Ân. Chính vì mối quan hệ ruột thịt này mà Đình thường phải chịu đòn thay cho các bạn khi cha Ân (trở về Huế làm giám đốc thay cho cha Phát) không truy ra được "thủ phạm" các vụ nghịch phá của các chú nhỏ hoặc là bị nhéo tai, chịu cú bạt tai, phạt quỳ ...

Trở lại chuyện lúc nãy với Đình. Chúng tôi chạy ra sân banh nằm bên ngoài nhà Đệ tử, bên cạnh trường tiểu học Việt Hương của nhà dòng. Tôi thấy khoảng mười mấy chú đang rượt đuổi nhau với trái banh. Đình nhập cuộc nhanh chóng. Tôi đứng lớ ngớ, chưa biết vào đội nào. Lúc ấy có một chú chạy đến bên tôi, hất cằm hỏi tôi, "đứa nào đó?" Tôi chỉ tay về phía Đình, "tôi theo anh ấy". Chú lại hỏi, "thằng Đình [....] hả?'' Tôi khó chịu nói xẳng lại: "thì sao?" Chú xấn lại cà khịa với tôi. Tôi "xửng cồ" lại. Hai bên coi bộ muốn chơi nhau một trận(!) Đoán được sắp có trận chiến, cả đám ngừng chơi kéo lại phía hai đứa chúng tôi. Lúc ấy có tiếng kẻng liên hồi từ bên kia nhà Đệ tử báo hiệu hết giờ chơi. Chú này bỏ tôi đi mà không quên buông lại một lời gì đó tôi không nghe rõ. Đình đến bên tôi kéo tay tôi đi, vừa nói: thằng Ánh [....] dân Phủ Cam đàn em Phú [...] đó! Thế là ngày đầu tiên nhập đệ tử Huế tôi biết tên 2 người bạn mới: Hoàng Xuân Tràng Đình và Nguyễn Văn Ánh. .... rồi những ngày kế tiếp, tôi làm quen thêm các cùng lớp 7:  Ân, Hộ, Hồng, Chiến, Hòa, Phương, Thuấn .... Nhưng chúng tôi sống theo đội, một nhóm 6,7 người. Đội phó/ trưởng là các anh lớp trên. Anh đoàn trưởng là anh Hội, về sau là cha Hội. Anh đoàn phó là anh Tâm, tụi tôi rắn mắt hay gọi là anh Tâm ngố, vì anh ấy hiền và vui vẻ, bị chọc mà không tức. Tiếc quá, cha Tâm sau này về làm bề trên Nhà Huế chưa được bao lâu thì chết vì tai nạn xe cộ. Còn anh Hào khi bị chọc thì chẳng tha đứa nào, rượt theo bắt cho bằng được, rồi cú một cái lên đầu đau điếng, nay là cha Hào phụ trách Nhà sách Kỳ Đồng vui vẻ, ít nói nhưng rất cần mẫn.  

Tôi ở nhà Đệ tử Huế một năm. Có nhiều kỷ niệm để nhớ mãi. Sẽ kể được đủ thứ chuyện lớn nhỏ ở đó, năm đó - 1963 - 64. Vì đường xa cách trở, ba tôi lại xin chuyển tôi về nhà đệ tử Vũng Tàu. 

Thời gian này chiến sự bắt đầu dữ dội từ năm 1964 sau khi nền đệ nhất cộng hòa miền Nam bị lật đổ. Nhà đệ tử nằm bên cạnh sân bay quận sự Vũng Tàu cho nên các chú không thể nào học hành được vì tiếng máy bay cất và hạ hánh ngày đêm liên tục. Nhà Dòng quyết định dọn nhà vào hè 1965. 

Khi này cha Phêrô Đặng Văn Đào là giám đốc, cha Lộc là cha phó phụ trách đoàn nhỏ, chỉ có lớp 6B của chúng ta và lớp 6A (Ánh đế, Chiến, Thuyết, Tùng ..), không nhận thêm lớp mới, chỉ có Đệ tử Huế mới nhận thêm lớp mới. Đoàn giữa (Đoàn Hiệp sĩ) do cha Ngô Đình Thỏa phụ trách. Còn đoàn lớn có cha Nguyễn Văn Thọ (tức anh Hai Thọ bây giờ - lúc ấy mình nhớ cha nghiêm lắm, có tác phong nhà binh). 

(ngày mai, ngày 99, sẽ nhớ tiếp ...)  

Theo danh sách 2 lớp Huế và Vũng Tàu do thầy Khiêm cung cấp, tương đối đầy đủ nếu tính từ năm đầu tiên, vì mỗi lớp cũng có khoảng hơn ba chục người, ai biết thì thêm vào:  

An - Ân - Ấn - (Minh Anh) - Ngọc Anh - Ánh - BÍCH - Bửu - (Chiến) - Chiếu - Chu - Chung - Cung - Đào -Đình - HXT Đình - Định - (Giầu) - Haỉ - Hầu - Hiển - Hiến - (HÒA) - M.Hoàng - Chánh Hoàng - Hồng - Thế Hùng - Văn Hùng - Q.Huy - Khải.Huy - Khải - Khánh - Khiêm - Ký - Lâm - Lộc - Kỳ Long - Thanh Long - Văn Long - (Luân) - Mầu - Minh Nhị - Phồn- Phứơc - Phương - Quân -(Quang) - Quới - Qúy - Quyền  - Văn Sơn - Sơn - Tài - Tân - Tam - Tâm -Thanh - Thanh VT - Thạch - Thăng - Thảo - Phùng Thảo - Thế - Thể - Thiện - Thông - (Thuấn) - Thụy - Tín - (Tòa) - Trân - (Tuấn)  -Vân  - Vinh - Xuân : 75 chú