Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013

Ngày 95 - XEM BÁO TUỔI HOA

CÁC CHÚ XEM BÁO TUỔI HOA

Vào khoảng năm 1964, Dòng Chúa Cứu thế Việt Nam có ấn hành một tờ báo bán nguyệt san rất nổi tiếng dành cho tuổi thiếu niên, tên Tạp chí TUỔI HOA. Nghĩa là trước đó 1, 2 năm, tờ báo này cũng đã chuẩn bị mọi thứ, tìm người sáng tác, thành lập ban biên tập, tìm nhà in, lập trụ sở ... nhất là kinh phí đầu tư ban đầu. Vậy thì Tuổi Hoa cũng đã bắt đầu cùng một năm với lớp Phanxicô Xaviê chúng ta. Nhưng rồi đến năm 1975, Tuổi Hoa phải đình bản vì không còn báo chí tư nhân - cũng là chấm dứt năm Dự tập của lớp chúng ta, cùng lúc chương trình đào tạo cấp thiếu niên của Nhà Dòng cũng chấm dứt, hơi muộn vài năm không lâu sau đó (cha giám đốc An phong học viện Giuse Nguyễn Tiến Lộc). 

Tôi tự hỏi không biết thân phận của Tờ báo TUỔI HOA và Chú Đệ tử Phanxico Xavie 1963 (FX-63)có mối liên hệ gì không? Xét về hình thức, chẳng có ăn nhập gì với nhau hết! Có giống nhau là ở chỗ, cả hai xuất hiện cùng năm, và đều xuất phát từ TÌNH YÊU của Nhà Dòng trong một kế hoạch giáo dục đào tạo ở lứa tuổi vị thành niên (11 - 19 tuổi). Nói là do Tình yêu, bởi vì bất cứ cái gì mà ta ấp ủ và xây dựng nên, thì đều xuất phát từ tình yêu, từ hoài bão. Tất nhiên Đệ tử DCCT đã được thành lập từ năm 1927 lận. Vậy tại sao lại là 1963 -1964. Là bởi vì tôi cảm nhận một điều lớp FX-63 phải có duyên nợ gì đó với Tạp chí Tuổi Hoa, như anh em song sinh, mặc dù trong suốt năm tháng của tuổi teen của chúng ta, chúng ta chẳng có một phút giây nào bước chân vào tòa soạn Tuổi Hoa chung nhà với Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu giúp ở 38 Kỳ Đồng, Saigon. Nhưng chắc chắn, từ số đầu tiên, Đệ tử DCCT là độc giả đầu tiên và thường xuyên (dù là báo biếu). Chúng ta không thể nào quen nét vẽ Vivi, nhà văn Quyên Di, hồi hộp theo dõi các chuyện phiêu lưu của Hoàng Đăng Cấp ... Anh em chúng ta phải công nhận ít nhiều bị ảnh hưởng.

Như là một khám phá cực kỳ mới mẻ - đó là FX-63 đã song hành với Tạp chí tuổi teen TUỔI HOA trong một thời gian dài. Các thầy hãy nghĩ xem có đúng không ?


Đến bây giờ, khi ngồi viết những dòng hồi tưởng này, mình mới cảm nhận ra được những điều trên. Còn khi lớp chúng ta lớn dần lên theo từng năm tháng, bước lên từng lớp 7, 6B, 6A, 5, 4 .... thì Tuổi Hoa cũng lớn dần lên với số lượng độc giả thiếu nhi. 

Chúng ta đã bỏ lỡ nhiều cơ hội để mà gắn bó với TUỔI HOA. Đúng không nào? Duy nhất cho đến bây giờ chỉ có thầy Nguyễn Thanh Long đã trung thành với nó, xét ở một góc cạnh nào đó. Nhưng mà nếu đi sâu hơn, thì thầy Long đầu bạc nhà mình chưa phát huy lợi thế ... về tuổi teen ở tờ báo Công giáo & Dân tộc mà thầy đã từng là thư ký tòa soạn, phó tổng biên tập. Càng đáng trách hơn là thằng tôi. Mình đã được vào làm việc trong ngành sản xuất chương trình truyền hình từ năm 1972, rồi làm chương trình tivi thiếu nhi từ cuối năm 1975, vậy mà lại bỏ ngang xương vào năm 1994. Mea culpa. Mea maxima culpa. 

Hiện nay có một số người trạc tuổi chúng ta, đã có một thời say mê đọc TUỔI HOA, cho nên họ đã cất giữ cẩn thận tờ báo như là những người bạn thân thiết. Giờ đây nhờ kỹ thuật số và interet, họ đã và đang chia sẻ những hoài niệm đó. Các thầy hãy truy cập thử xem ở đường dẫn  http://tuoihoa.hatnang.com/node/235. Bởi thế, những hoài niệm về năm tháng sống tuổi niên thiếu của FX-63 lẽ nào không được khơi dậy và chia sẻ như thế, đúng không ?


Trùng hợp nhất là hôm nay tôi có tấm hình bìa cô bé che dù dưới mưa, ứng với những kỷ niệm về mưa Huế mà một số thầy muốn nhắc lại. Tôi đã có hơn 20 năm làm phim tivi cho thiếu nhi, cho nên có chút cảm giác về hình ảnh, làm nên thói quen nghề nghiệp - "suy nghĩ bằng hình ảnh". Vì trước tiên, mình phải có một ý tưởng, đưa ra chủ đề, xác định khán giả mục tiêu, thu thập dữ liệu phù hợp, rồi suy nghĩ theo một cấu trúc của câu chuyện bằng hình ảnh (story board). Vì vậy kỷ niệm thường sống lại với tôi bằng hình ảnh, mà trong kỹ thuật dựng phim thường gọi là flash back (nhớ lại - hồi cảnh), như ta thường thấy trong các bộ phim truyện tivi Hàn quốc hay sử dụng thủ pháp này. 

Trở lại chuyện hôm qua, thầy sáu Huy có nhắc tôi kể thêm mấy chuyện liên quan đến mưa ở đệ tử Huế. Thầy email: "như cảnh anh em chơi đá banh thích thú, hụp lặn trong những vũng nước bùn, xình lầy.Trong những dịp mưa lớn, được chơi banh bóng vịt, tha hồ hụp lặn. Khi không được ra ngoài chơi, anh em chơi “đá banh” bằng cách lừa banh tennis hay bất cứ một vật gì khác có được lúc đó.  Đôi khi có cả cha Nhân cũng cùng chơi lừa “banh” nữa. Đến mùa mưa, trời lạnh, tối ngủ hay bi lạnh hai bàn chân, mặc dầu đắp mền, cũng không đủ ấm.  Nhiều đêm không ngủ được vì bàn chân bị tê lạnh. Buổi tối đi thành hàng lần chuỗi trong nhà chơi, không được lên sân thượng. Đối với một số anh em từ miền Nam ra Huế (nhà Huy ở Qui Nhơn), lần đầu tiên trong đời được mặc áo Manteau trong mùa mưa lạnh."  ....  Có ai còn muốn đóng góp gì thêm không?

Tôi đang nhớ lại thêm, ra khỏi "siêu thị", đến "chợ chồm hổm" tìm thêm vài món  ... Ngày mai, ngày thứ 94, sẽ chiếu thử đoạn phim tài liệu đó cho các thầy xem có đúng không nhé.

1 nhận xét:

  1. Nếu báo tuổi hoa được xuất bản lại theo dạng 3D/animation/ảnh động thì chắc sẽ thu hút được nhiều đọc giả lắm ạ!

    Bảo Trí

    Trả lờiXóa