Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

Ngày 81 - THÁNH LỄ MISA

THÁNH LỄ MISA LÀ TRUNG TÂM CỦA ĐỜI SỐNG TU SĨ DCCT

Tiếp phần "việc đạo đức": 

Chú còn được dạy, "Đời con còn phải là thánh lễ kéo dài" ... Ý là mình phải cố gắng sống sao cho xứng đáng, tránh làm cho con người mình nên hoen ố ... mà lỡ có sai phạm điều gì thì chiều thứ Năm nào, là ngày nghỉ học buổi chiều giữa tuần, cũng có giờ Xưng tội. Chú không biết rằng cách sắp lịch như vậy là nhà giáo dục khôn ngoan nhằm cân bằng cho thời gian học tập trong tuần, học sinh được giảm áp lực có một buổi nghỉ ngơi ngắn, còn đệ tử viện thì giải quyết được một trong những giờ sinh hoạt đạo đức cần thiết là giờ xưng tội, hướng dẫn thói quen lãnh nhận bí tích hòa giải này hằng tuần (nhưng không hiểu thế nào, lớn lên các chú rất thích giải tội tập thể ... có dịp sẽ nói thêm sau). Giờ  ngủ trưa được dài hơn một chút, rồi xuống nhà nguyện làm việc đạo đức, các chú xưng tội riêng và làm giờ chầu thánh thể, chỉ trong 1 tiếng, rồi ăn bữa lỡ (goûter) và giờ ... giờ quan trọng nhất, đó là giờ chơi được kéo dài hơn một tiếng (giờ chơi này là trận đá banh có nghỉ mi-temps.) 

Nói về giải tội. Cha giải tội là các cha ở bên nhà dòng (ví dụ cha Nghiễm, tác giả các quyển sách Dừng, Sống, Vươn - mình nhớ cái dáng đi của cha rất ư làn nhẹ nhàng, nói năng cũng rất từ tốn, ngài cũng cho đọc rất ít kinh để đền tội, hình như là chỉ một kinh kính mừng ...) được qua ngồi tòa giải tội, vì vậy các chú không phải lo các "bí mật riêng tư" sẽ bị bóc trần. Thật ra cái gì rất ư là "kín đáo" có ... trời biết, thì mới phải xưng, chú cho là vậy. Nhưng bị anh em mình phát hiện, thì vẫn xưng, như vậy là lãnh phạt hai lần, dù kinh đền tội quá ư là nhẹ nhàng. Còn cái tội mà bị trừng phạt công khai ... đôi khi "nảy đom đóm", do bị cú bạt tai của cha Ân, hay cha Thụy. Lớp nào vào đầu năm học cha cũng thông báo có 2 zélateur(s) cha chọn và phát cho chú ấy một cuốn sổ để giúp cha ghi chép các lỗi vi phạm giờ giấc sinh hoạt ... của các bạn trong lớp mình, đến giờ sinh hoạt trong tuần của lớp vào buổi tối, thì chú này sẽ đọc tên những người đã vi phạm, bây giờ mình tạm dịch là báo cáo viên, nhưng nó không giống mấy anh ăng ten hay là báo cáo viên trong trại học tập cải tạo. Zélateur thường là người gương mẫu.  Ai giữ sổ zélateur cũng khiến cho anh em dè chừng, hơi xa lánh ... Biết điều đó, cha không để ai phải đảm nhận công việc này cả năm. Một hai tháng thì thay người. Nhưng cũng có lúc cha chọn một chú hay nghịch làm zélateur, nhưng lại có tác dụng ngược, là vì chú ấy chẳng chịu ghi ai, mà lại thành khẩn ghi tên mình vào sổ ... Thật tình, mục đích của nó là cha nhờ có những ghi chép này để giải thích, uốn nắn hơn là xử phạt.

Thánh lễ buổi sáng sớm, diễn ra trong bầu không khí như đã kể trên dần dần làm cho mình có một cái cảm nhận thật đặc biệt. Bỏ qua những lúc ngái ngủ ... riết rồi quen, nhất là đã thể dục xong, quần áo chỉnh tề, cha con cùng tiến đến bàn thánh, quả thật là thánh thiện. Đối với tôi, có lẽ đã làm cho minh trở nên khó tính khi tham dự thánh lễ ở bên ngoài tu viện. Có thể phần nào trở về cái cảm giác đó khi mình đi lễ buổi sáng, nhưng quanh mình chỉ gồm các cụ già với tiếng đọc kinh "như cái máy" cứ lặp đi lặp lại đến chán ... Nhưng sáng sớm cũng thật khó khăn để đến nhà thờ ... do đời sống gia đình và không thuận tiện đi lại. Buổi chiều thì ồn ào xe cộ tấp nập giờ tan ca và khói bụi ... Thỉnh thoảng, tôi cũng được trở về bầu không khí ấy vào những kỳ nghỉ hè, đi chơi xa, đến sống ở một tu viện vài ngày thì được trải nghiệm

Đối với những ai đã sống ở Đệ tử Huế, chắc chắn sẽ không bao giờ quên Thánh lễ ngày Chúa nhật. Từ đầu năm, các chú được một bộ áo ca nhi. gồm một áo dài trắng (như áo giúp lễ), khăn để làm nón capuchon (mũ trùm), một dây dài để cột ngang thắt lưng, và 1 thánh giá gỗ có dây để đeo trước ngực. Chú phải phủ tấm khăn lên đầu trước, dùng dây gắn ở hai đầu khăn quấn giữ ở ngang hông, rồi trùm cả cái áo dài qua đầu, rồi tròng dây thánh giá qua đầu, cây thánh giá sẽ ở ngay trước ngực, kéo khăn trùm xuống khỏi đầu thành cái mũ trùm capuchon, cuối cùng là lấy dây vòng quanh hông, thắt lại thành nút ở bên hông phải sao cho hai đầu giây buông thõng xuống bằng nhau. Đó là áo giúp lễ của mỗi chú, cũng là áo để đi dự lễ Chúa Nhật với cộng đoàn giáo xứ Đức Mẹ Hằng cứu giúp.

Từ trên nhà ngủ, sau khi mùng chiếu đã ngay ngắn, các chú mặc áo ca nhi vào trong thinh lặng, không chuyện trò, chỉ có tiếng nhạc gregrorien (các thầy dòng hát bình ca) qua đĩa hát phát trên loa. Có tiếng chuông, các chú bước vào vị trí thành hàng ngay ngắn chính giữa nhà ngủ. Hai chú nhỏ đầu tiên được cha ra dấu đi xuống cầu thang ra phía Nhà dòng ở lầu một. Đi qua Nhà Dòng bằng một hành lang dài, ngang qua các phòng riêng của các cha. Đôi khi cánh cửa một phòng mở ra, một cha bước ra trong bộ áo dòng đen truyền thống, cổ trắng, đai ngang hông với xâu chuỗi dài. Chú tò mò nhìn vào trong mà không kịp vì phòng tối om. Chú tự nhủ biết chừng nào mình được vào ở đây (còn khuya !). Vài chú xì xầm ... à cha ... gì đó ... à cha Hưng bề trên đó, ... không phải ... suỵt ... có người nhắc phải yên lặng.

Đến phòng áo của Nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, các chú tẻ ra làm hai nhánh, đi vào cung thánh tạo thành một vòng cung quanh bàn thờ, gồm 2 hàng, nhỏ trước lớn sau. Các chú quì trước cái ghế đẩu bằng gỗ. Các chú đảm trách phần hát bộ lễ, hát một câu, công đoàn phụng vụ hát một câu đáp lại. Ví dụ Kyrie có 3 đoạn, mội đoạn 2 lần. Hoặc Gloria, sau khi cha chủ tế bắt câu đầu tiên Gloria in excelsis Deo ... thì Ca đoàn thiếu nhi cung thánh (Pueri Cantores - oai lắm chứ bộ!) bắt câu tiếp theo, rồi đến công đoàn ... và cứ thế .. Ối chào ... tiếng hát của các chú nghe sao mà thánh thót ... Không khí thánh lễ vừa sâu lắng vừa thánh thiện. Gian cung thánh có phần giống Nhà thờ DCCT Sài gòn nhưng rộng hơn và cao vút lên nhờ phần kiến trúc ở đầu nhà thờ được đẩy lên cao, không theo kiến trúc truyền thống là tháp cao ở tháp chuông khi bước vào từ cuối nhà thờ, và được làm sáng lên bởi các tấm kính màu. Nhờ thế tiếng hát trong trẻo như cuộn dâng lên theo chiều cao đó. Cô tôi hay nói với tôi, nhiều lần sau này khi tôi đã là chàng thanh niên, "Chúa nhật nào cô cũng đi lễ DCCT (trừ khi các chú nghỉ hè về nhà) chứ không đi lễ ở nhà thờ chính tòa Phủ Cam, vì đến đây các chú hát rất hay giúp cô dự lễ sốt sắng." Cô tôi ngày xưa tu dòng kín ở Kim Long, nhưng phải trở về để chăm sóc bà nội tôi vì là chị cả. Các chị dòng kín hát hay lắm, đến ngày lễ thánh Têrêxa cha tổ chức cho chúng tôi đi thăm các chị, đúng hơn là thăm mẹ bề trên, nói chuyện qua cánh cửa có những lỗ nhỏ. Lần nào các chị cũng hái cho chúng tôi một thúng khế ngọt.



Sau này, lớp chúng ta hằng năm đến ngày 3 tháng 12, thường thì có cha Bích và cha Hòa đến dâng thánh lễ tại nhà một anh em trong lớp. Có năm thầy Thanh Long làm capo thì anh em lại kéo nhau đến Tòa báo Công giáo và Dân tộc. Có năm thì mời cha dòng khác, "anh Hai" Thọ, cha Thủy, cha Vãng ... Những lần như vậy, anh em như sống lại những kỷ niệm xưa mà không hề cũ, dù đang nguội lạnh cũng thấy sốt sắng lên đôi chút. Chỉ tiếc là khoảng 2, 3 năm nay, cha Bích không đồng ý mà nói rằng phải xin phép cha xứ sở tại, chỉ có thể quay về Nhà Dòng mà làm thôi (?!). Dĩ nhiên là cha xứ thường là không bằng lòng ... cho nên chỉ còn buổi cầu nguyện, vì vậy mà thấy .. rất thiếu (!!).


Nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu giúp do kiến trúc sư Nguyễn Mỹ Lộc thiết kế, xây dựng mất 20 tháng do cha Hưng bề trên nhà Dòng Huế trực tiếp theo dõi và dưới sự điều khiển của thày Henry, và Đức cha Ngô Đình Thục làm lễ cung hiến vào tháng 8/1962. Đặc biệt là nơi này đầu tiên sử dụng chuông điện, và cứ mỗi một giờ thì cử bản nhạc "Kìa bà nào", tối khuya thì ngưng tiếng chuông.
    

Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

Ngày 82 - VIỆC ĐẠO ĐỨC

VIỆC ĐẠO ĐỨC

Việc đạo đức dưới nhà đệ tử mà tôi muốn kể ra ở đây không liên quan gì đến môn đạo đức học mà chúng ta đã học ở lớp 12, mà bây giờ chẳng nhớ gì xớt. Nhưng khi ra đời hành nghề, là đụng ngay cái "đạo dức" đó. Ethics - đạo đức kinh doanh, đạo đức làm báo, đạo đức nghề y. Nghề luật sư còn cả cuốn Qui tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư mà luật sư nào cũng phải học thuộc (Vade Mecum de la profession d'avocat). Đoàn LS nào, ở nước nào cũng phải có một Ban Kỷ luật/Đạo đức để chế tài các luật sư vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Nhưng trong ngôn ngữ bình dân, người ta thường nói một người giáo dân đạo đức là một người năng đọc kinh (tức là biết nhiều thứ kinh và đọc thường xuyên và đọc nhiều kinh mỗi khi đọc), năng đi lễ (thường là mỗi ngày), để phân biệt với một người có đạo nhưng nguội lạnh, ít đọc kinh ít đi lễ, thậm chí không đọc kinh mà cũng chẳng đi lễ. Tây họ nói thẳng luôn: Un/une catholique pratiquant/e ou non-pratiquant/e. Dân Tây bây giờ phần lớn là non-pratiquant. Nhưng các ngày lễ trọng trong năm thì họ vẫn xem là ngày nghỉ lễ chính thức, ví dụ ngày lễ Thăng thiên -Đức Mẹ lên trời (Fête de l'Assomption), nhưng Tây không đi lễ, mà ở nhà ngủ, hoặc đi chơi ...

Vậy cho nên, việc đạo đức của chú đệ tử Dòng Chúa Cứu Thế là gì? Ai còn nhớ không? Chắc là phải nhớ ít nhiều chớ ?!

Đó là buổi sáng đang ngon giấc, nhất là ở Huế vào mùa đông giá lạnh, chui trong mấy lớp mền, nghe tiếng chuông điện reo vang cả nhà ngủ, đèn néon bật sáng, làm mọi người phải ngồi bật dậy. Chú chồm về phía trước một chút, với hai cánh tay kéo hai đầu mùng ngược về đầu giường, nhảy xuống giường, quỳ bên giường. Tiếng cha cất lên từ đầu nhà ngủ, "Lạy Chúa Cứu thế mến yêu". Tất cả hưởng ứng: Toàn thân con là của Chúa, con chỉ muốn theo Chúa, làm đẹp lòng Chúa hôm nay và trót đời con. Amen. Một hai ba, chú tụt cái quần dài xuống, còn lại cái xà lỏn, chạy nhanh vào phòng vệ sinh, chỉ tè thôi nghe, vì còn vài ba chú khác đang sắp hàng đợi. Chạy xuống cầu thang, nếu đó là đệ tử Huế, hoặc ở nhà Thủ Đức. Còn ở Vũng Tàu, không có lầu, chỉ là một dãy nhà ngủ ngang dài, được ngăn thành 3 phòng, một cho đoàn nhỏ, một cho đoàn giữa, phòng thứ ba là của đoàn lớn. Thiệt tình, câu kinh này đối với tôi rất có hiệu nghiệm cho đến bây giờ. Hầu như sáng nào, thức dậy, tôi cũng dâng ngày cho Chúa bằng câu kinh ngắn gọn này. Đọc lẩm nhẩm trong người xong là thấy tỉnh táo hẳn.

Sau khi thể dục, rồi vệ sinh, gấp mùng màn, xếp chăn gối ngay ngắn, mặc áo bỏ vào quần, chải tóc đàng hoàng là vừa kịp nghe tiếng chuông hiệu 5 phút. Trong thinh lặng các chú xuống Nhà nguyện. Nhanh nhẹn thì cũng có thể sớm được hơn vài phút, vào chỗ của mình mà lấy sách thiêng liêng ra đọc. Thường đầu năm học, các cha giới thiệu cho vài đầu sách hay để đọc trong Nhà nguyện (cấm đọc các loại sách khác). Loại sách này thường cất ở tủ cuối Nhà nguyện. Ai cũng có thể chọn cho mình một cuốn. Cứ mỗi lần vào sớm, chú có thể lấy sách ở bàn quỳ của mình ra đọc. Còn đã vào giờ lễ, giờ chầu, giờ cầu nguyện là không được đọc, mà phải làm theo việc chung. Thật ra chỉ có 3 lần vào nhà nguyện trong ngày, một lần vào sáng sớm để cùng dự thánh lễ, buổi trưa là khi tan học,buổi sáng là giờ cầu nguyện ngắn 5 phút , kinh truyền tin buổi trưa, và kinh tối trước khi đi ngủ vào những ngày mưa gió không sinh hoạt được trên sân thượng. Cho nên, đọc hết một quyển sách thiêng liêng, phải mất khoảng nửa năm học. Các chú nhỏ thích đọc sách hạnh các thánh. Lớp lớn hơn cũng đọc loại sách đó nhưng bằng tiếng Pháp ... rồi sách có chủ đề tu đức ...Giờ thì tôi chẳng còn nhớ mình đọc cái gì nữa. Bởi vì, đọc chục trang thì chán, lại đổi cuốn khác ... cho nên có thể nói tôi đã đọc rất nhiều sách, nhưng mỗi thứ chỉ được vài trang .. !!

Giờ vệ sinh cá nhân buổi sáng được báo hiệu chấm dứt bằng tiếng kẻng. Thường có hai lần kẻng báo, lần thứ nhất là 3 tiếng kẻng, 5 phút sau tiếng kẻng nhịp nhanh rồi tách thành 3 tiếng mạnh mẽ. Lúc này, tất cả mọi người đều đã có mặt trong nhà nguyện. Vừa dứt tiếng thứ ba, chú phụ trách xướng kinh cất bài Truyền tin (Angelus), kinh mùa Phục sinh phải khác mùa thường niên là cái chắc (có khi xướng lộn là dịp cho các chú nhỏ cười): xướng - Đức Chúa trời sai Thánh Thiên Thần truyền tin cho rất thánh Đức Bà Maria. Tất cả đáp lại: Và rất thánh Đức Bà chịu thai bởi phép Đức Chúa Thánh Thần ... Kính mừng Maria đầy ơn phước Đức Chúa trời ở cùng Bà ...  Cuối cùng là: Lạy Chúa, chúng con xin Chúa ban ơn xuống trong linh hồn chúng con là kẻ đã nhờ lời Thánh Thiên Thần truyền, mà biết thật Chúa Kitô là con Chúa đã xuống thế làm Người, thì xin vì công ơn Chúa chịu nạn chịu chết trên cây Thánh Giá, cho chúng con ngày sau khi sống lại được đến nơi vinh hiển, cũng vì công nghiệp Chúa Kitô Chúa chúng con. Amen. Kế tiếp là Kinh Tin Cậy Mến, Kinh cám ơn ...

Rồi cả nhà thinh lặng trong mấy phút. Thỉnh thoảng nghe vài tiếng ho - có khi là ho giả đò, vì có chú thấy không khí sao yên ắng quá ! 

Trong bầu không khi yên tĩnh bốn bề, chỉ nghe thấy tiếng Cha phụ trách dâng lời cầu nguyện, hoặc nguyện gẫm ... Sốt sắng thật! Nhưng cũng nhiều khi chú vẫn còn buồn ngủ, cho nên xem ra có kẻ nhắm tít mắt lại, tay ôm lấy đầu như thể đang hết sức sốt sắng cầu nguyện, chưa hẳn là cầu nguyện sốt sắng, mà biết đâu chú đang ráng ngủ thêm một chút.

Bỗng cha phụ trách gõ tay vào bàn quỳ nghe một cái cóc. Thế là xong phần kinh sáng, mất đúng 5 phút. 

Mọi người ngồi lên. Sột soạt.  Cha phụ trách và các chú theo phiên giúp lễ đi vào phòng áo. Các chú trong ban phụng vụ đã chuẩn bị áo lễ từ tối hôm qua, đã ghi lên bảng phiên ai giúp lễ ... Anh phụ trách hát lễ gắn số báo trang hát ở tập thánh ca lên bảng. Những năm 60, giáo hội chưa có bộ lễ tiếng Việt, cho nên các chú đệ tử hát bộ lễ Kyrie bằng tiếng La tinh, gồm Kyrie, Gloria, Sanctus và Agnus Dei. Không nhất thiết ngày nào cũng hát bộ lễ đó  Để hát được thì phải có giờ tập hát các bài đó. Không phải chỉ có các chú mới vào. Các chú lớp lớn cũng phải ôn lại và hát sao cho hay hơn. Tập theo đội. Chú lớn hát mẫu cho chú nhỏ. Đầu tiên là tập cách "xôn fe" (solfège), là ký xướng âm khóa đô của nhạc bình ca in trên tập sách bìa bọc vải đen. Các nốt nhạc này trông lạ, không tròn mà vuông ... Nhưng không khó lắm. Cứ hát theo. Khi vào nhà nguyện có tiếng đàn phong cầm bắt cung rồi mình ngân nga theo tiếng đàn, lên xuống một cách mềm mại là được, chứ không bất chợt nhảy quãng, lên xuống mấy quãng, cũng không phải theo nhịp nào cả. Người giữ nhịp thì cứ đưa bàn tay lên vẽ từng vòng nhỏ trong không gian. Nốt cao thì tay đưa lên cao. Nốt thấp thì đưa xuống thấp Nghe mấy lần là quen, hát theo dễ dàng. Gọi là hát theo tiết điệu bình ca, hay là hát gregorian. 

Ngoài bộ lễ, các chú còn được hát Tantum Ergo, Veni Creator Spiritus ... khi chầu thánh thể, hát Salve Regina trước khi đi ngủ. Dễ nhất là hát Ave Maria theo điệu bình ca. Nhưng không hiểu sao nhạc Ave Maria của Schubert hay Gounot/ Bach thì ít khi được hát. Sau này mới hiểu là hát cùng loại nhạc cầu nguyện để không bị xao lãng là vậy.

Còn Thánh lễ thì sao? Ngày thường chỉ hát một bài vào đầu lễ và kết lễ, cha chủ tế không giảng chỉ nói sơ qua ý lễ của ngày hôm đó, cho nên trọn thánh lễ chỉ mất 30 phút. Sau lễ, các chú tiếp tục giữ yên lặng đi về lớp mình để học bài 30 phút - đó là giờ "étude" buổi sáng.   




Thứ Tư, 11 tháng 9, 2013

Ngày 83 - CHÚA ƠI, CHO CON HẦU KỀ ...

CHÚA ƠI, CHO CON HẦU KỀ ...
(xem phim Titanic ở Đệ tử Vũng Tàu)
Tối nay, vừa cơm nước xong cũng vừa kết thúc bản tin quốc tế của HTV7, mình chuyển qua kênh Star Movies, thì bắt đầu vô phim Titanic. Mình buộc miệng nói với bà xã: chuyện kể về chiếc tàu Titanic này anh đã xem ở đệ tử Vũng Tàu từ năm 1964 lận. Hồi đó chỉ có phim đen trắng. Cảm động nhất là cảnh những người còn lại trên tàu vây quanh dàn nhạc cùng hát bài "Chúa ơi cho con hầu kề" ... rồi con tàu chìm xuống thật nhanh ... Chỉ còn nhớ giai điệu. Lời nhạc thì không nhớ hết. Ước gì trong ngày họp mặt lớp năm nay, anh em cùng hát với nhau bài này. Bởi vì chúng ta cũng đã nhiều lần hát bài này trong giờ Chầu Thánh thể hoặc sau khi rước lễ. Cho nên khi đến đoạn phim này, cả nhà đệ tử tự nhiên hát theo .. Titanic được James Cameron làm mới lại vào năm 1997 nhưng ông ta khai thác một khía cạnh khác, khía cạnh tình yêu nam nữ với tất cả các kỹ thuật điện ảnh hiện đại nhất của những năm cuối của thế kỷ 20. 

Cũng phải thôi, cái khía cạnh tâm linh cần xem đã bị sự phù phiếm che khuất. Người xem chỉ còn thấy cái vĩ đại của vật chất mà nó tạo nên, hãnh diện với cái tên Titanic được đặt cho con tàu, là tên vị thần khổng lồ trong thần thoại Hy Lạp. Con tàu quả là khổng lồ vào thời điểm đó. Ông chủ tàu đã cười hể hả với vẻ thách thức, rằng đi trên con tàu này mọi người sẽ hoàn toàn được an toàn, cho nên số thuyền cứu sinh không thể đủ cho 1,400 con người. Chỉ có phụ nữ và vài gã đàn ông chết nhát. Thế là con tàu "khủng" đó đã chìm thật nhanh.

Không biết những người sắp lịch chiếu phim của Star Movies vô tình hay cố ý, đã cho chiếu lại bộ phim này vào ngày kỷ niệm 12 năm của biến cố ngày 11/9/2001. Hai cái tháp đôi cao sừng sững, nhô cao khỏi tất cả các tòa nhà "chọc trời" khác (gratte ciel), cũng đã sụp đ thật nhanh chóng. Năm đó, cũng buổi tối như tối nay, khoảng 8 - 9 giờ tối gì đó, vợ chồng tôi đang xem một phim truyện trên TV5Monde của Pháp, thì bỗng dưng phim bị dừng đột ngột ... nhà đài chạy một tít lớn trên màn ảnh: Nước Mỹ bị tấn công ! Tiếp là cảnh một trong hai tòa tháp đôi ở New York đang ngùn ngụt cháy như một ngọn đuốc khổng lồ. Nhà đài cho cắt chuyển qua cảnh trực tiếp truyền hình tòa nhà thứ nhất đang ngun ngút khói đen trên các tầng cao cùng với cảnh đường phố hỗn loạn, thì bỗng xuất hiện chiếc máy bay dân dụng hai động cơ phản lực lao vào tòa tháp thứ hai. Tôi giật bắn người trên ghế. Hết sức hoảng hốt. Tôi sực nhớ đến một cô bạn luật sư ở Mỹ vừa đến Việt Nam, gọi ngay đến khách sạn của cô ấy. "Hạnh nè, nước Mỹ bị tấn công rồi, có biết không?" "Anh nói giỡn hả? Làm gì có!", tôi nghe thấy giọng cười của cô ấy. "Thiệt mà, bật tivi xem đi, tôi phải xem tiếp đây" - Tôi trở lại với cái tivi ... chương trình truyền hình ở các kênh từ đó đã liên tục đưa tin khủng khiếp này ... Cả thế giới đã "bị" thấy trực tiếp hai tòa tháp sụp thẳng đứng xuống mà không một ai hoặc một phương tiện nào có thể cứu được hơn một ngàn người đang ở trong Trung tâm Thương mại thế giới này (tổng số 2.750 người chết bên trong và ở ngoài - kể cả vì bụi).

Một năm sau, tôi đã đến thăm nơi đó, nhưng là thăm cái tầng trệt số không, Ground zero. Ở phần đáy của hai tòa tháp đã được dọn sạch, nhưng chung quanh vẫn còn ngổn ngang. Quang cảnh thật tang thương. Quay lưng đối diện tòa tháp là một ngôi nhà thờ nhỏ phủ đầy vòng hoa, cờ và chữ ký của những người đến viếng ... và tiếc thương những người lính cứu hỏa đã hy sinh.

Ngày 9/11/2001 là một phần của " một sự thật: chúng ta hồi sinh tội ác của Cain trong mọi hành vi bạo lực và trong tất cả các cuộc chiến tranh. Tất cả là do chúng ta đó thôi!" (Suy niệm của ĐTC Phanxico tối 7/9/2013 trên quảng trường thánh Phêrô - xin xem lại blog ngày 10/9)

Thứ Ba, 10 tháng 9, 2013

Ngày 84 - ĐỌC KINH VÀ CẦU NGUYỆN

KHÔNG PHẢI LÀ TIẾNG KÊU TRONG SA MẠC ! (ĐỌC KINH VÀ CẦU NGUYỆN)

Tin tức thế giới trong ngày hôm nay: Syria đồng ý giải pháp của Nga là giao kho vũ khí cho LHQ kiểm soát. TT Obama xem đó là một hành động cần thiết để Mỹ không tiến hành phóng tên lửa vào Syria.

Tối thứ bảy ngày 7/9, khoảng mấy ngàn người đã tụ về quảng trường thánh Phêrô để cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện suốt 4 tiếng đồng hồ cho Syria thoát khỏi chiến tranh. ĐTC có một bài chia sẻ thật ý nghĩa. Trước hết, những người tham dự bày tỏ sự chân thành của mình trước giờ cầu nguyện, là xin được hòa giải với Chúa. 50 tòa giải tội được bố trí quanh sân trước cửa đền thờ thánh Phêrô từ 5 giờ chiều. Đến 7 giờ tối,  ĐTC bắt đầu buổi cầu nguyện hiệp cùng giáo dân và các tôn giáo khác khắp năm châu như ĐTC đã mời gọi. Xen kẽ bằng một số bài thánh ca do Ca đoàn thiếu nhi cung thánh hợp cùng cộng đoàn như lời cầu nguyện, chủ yếu là yên lặng ... kéo dài đến 11 giờ khuya,. Mong rằng lời cầu nguyện hòa bình này sẽ đem lại một giải pháp tích cực ,đem lại hòa bình cho Syria.

Mình thấy cần thiết phải lưu lại đây bài suy niệm của ĐTC Phanxicô, không dài, nhưng sâu sắc:

"Thiên Chúa thấy mọi sự là tốt đẹp" (St 1:12, 18, 21, 25 ). Trình thuật Kinh Thánh về sự khởi đầu lịch sử của thế giới và của nhân loại nói cho chúng ta về một Thiên Chúa Đấng đang nhìn những gì Ngài đã tạo ra, hầu như là chiêm ngưỡng công trình ấy và tuyên bố: "Thật là tốt đẹp". Điều này cho phép chúng ta tiến vào con tim của Thiên Chúa và chính xác từ bên trong Ngài, chúng ta đón nhận thông điệp của Ngài.

Chúng ta có thể tự hỏi: thông điệp này có nghĩa là gì? Nó nói gì với tôi, với bạn, với tất cảchúng ta?

1. Thông điệp nói với chúng ta đơn giản một điều này thôi, đó là: thế giới của chúng ta, trong trái tim và tâm trí của Thiên Chúa, là "ngôi nhà của hòa hợp và hòa bình ", và rằng, đó là nơi trong đó tất cả mọi người có thể tìm thấy được chỗ đứng của mình và cảm thấy "thoải mái như đang ở nhà", bởi vì thế giới này "tốt lành". Toàn thể công trình sáng tạo họp thành một tập hợp hài hòa, tốt lành, nhưng nhất là con người, đã được tạo nên theo hình ảnh giống Thiên Chúa, họ là một gia đình duy nhất, trong đó các mối quan hệ được đánh dấu bởi một tình huynh đệ thực sự với nhau chứ không chỉ những lời nói đầu môi chót lưỡi: tha nhân là anh chị em của chúng ta cần được chúng ta yêu thương, và  trong mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa là Tình Yêu, là lòng trung thành và  sự thiện hảo (cần thiết phải được) phản ánh trên tất cả các mối quan hệ giữa con người với nhau và (để - nhằm) mang lại sự hài hòa cho toàn thể công trình sáng tạo.
Thế giới của Thiên Chúa là một thế giới mà tất cả mọi người phải cảm thấy có trách nhiệm đối với người khác, với thiện ích của tha  nhân.
Tối nay, trong suy tư, chay tịnh và cầu nguyện, mỗi người chúng ta tự thẳm sâu trong lòng nên tự hỏi mình: Đây có thực sự là thế giới mà ta mong muốn? Đây có thực sự là thế giới mà tất cả chúng ta đều mang trong tim mình? Thế giới mà chúng ta mong muốn có thực sự là một thế giới của hòa hợp và hòa bình trong chính con người chúng ta, trong các mối quan hệ của chúng ta với những người khác, trong gia đình, trong các thành thị, trong và giữa các quốc gia với nhau sao? Và trong thế giới này, con người có được tự do lựa chọn một cách đích thực con đường cần đi theo hầu được hướng dẫn bởi tình yêu mang lại thiện ích cho tất cả mọi người không?

2. Nhưng giờ đây, chúng ta hãy tự hỏi: Đây có phải là thế giới mà chúng ta đang sống? Loài thụ tạo vẫn đang giữ được vẻ đẹp khiến chúng ta ngạc nhiên và đó vẫn là một kỳ công tốt đẹp. Nhưng cũng có cả "bạo lực, chia rẽ, xung đột, chiến tranh ". Điều này xảy ra khi con người ở đỉnh cao của việc tạo dựng, thì thôi không còn chiêm ngưỡng vẻ đẹp và sự tốt lành nữa, nhưng rồi lui vào trong sự khép kín ích kỷ của mình.


Khi con người chỉ nghĩ đến mình, đến những lợi ích riêng mình và đặt mình ở vị trí trung tâm, khi con người cho phép mình bị mê hoặc bởi các thần tượng của sự thống trị và quyền lực, khi con người đặt mình vào vị trí thay thế Thiên Chúa, thì lúc đó con người phá vỡ hết mọi tương quan, và tất cả mọi thứ bị hủy hoại, khi đó mở tung ra những cánh cửa cho bạo lực, thờ ơ, và xung đột (tràn vào). Đây là chính xác những gì mà trích đoạn sách Sáng Thế ký muốn dạy chúng ta, đoạn sách kể về sự Sa Ngã của con người: người đàn ông bắt đầu xung đột với chính mình, ông nhận ra mình trần truồng và ông ẩn trốn vì sợ hãi (Sáng Thế 3: 10 ), ông ta sợ cái nhìn của Thiên Chúa, ông cáo buộc cho người phụ nữ, vốn là thịt bởi thịt của chính mình ( xem câu 12) ; ông phá vỡ sự hài hòa của thiên nhiên, ông bắt đầu giơ cao tay mình lên chống lại em trai của mình để giết hại em mình. Chúng ta có nên nói rằng từ sự hài hòa, con người đi đến sự thiếu hòa hợp (disarmonia) hay không? Không, chẳng có thứ gì là "thiếu hòa hợp" cả, hoặc là có sự hòa hợp hoặc là chúng ta đang rơi vào hỗn loạn, nơi đó có bạo lực, tranh giành, xung đột và sợ hãi.
Chính khi xảy ra sự hỗn loạn này mà Thiên Chúa chất vấn lương tâm con người: "Em trai Abel của ngươi ở đâu?" Cain trả lời: "Tôi không biết, tôi là người trông giữ em tôi sao? " (Sáng thế 4:9).
Câu hỏi này cũng được gửi đến chất vấn chúng ta, sẽ là tốt nếu chúng ta tự hỏi: Tôi có phải thực sự là người trông giữ anh em tôi không? Đúng, con người là người trông giữ anh chị em mình! Là con người nghĩa là phải chăm sóc cho nhau! Trái lại, khi ta phá vỡ sự hài hòa, thì xảy ra tình trạng biến thái: người anh em lẽ ra phải được chăm sóc và yêu thương lại trở thành một kẻ thù phải bài trừ, phải tiêu diệt. Từ lúc ấy bạo lực xảy ra, bao nhiêu là xung đột, bao nhiêu là chiến tranh đã xảy ra trong lịch sử của chúng ta! Hãy nhìn vào sự đau khổ của rất nhiều anh chị em chúng ta. Đây không phải là một sự tình cờ, nhưng là một sự thật: chúng ta hồi sinh tội ác của Cain trong mọi hành vi bạo lực và trong tất cả các cuộc chiến tranh. Tất cả là do chúng ta đó thôi! Và thậm chí cho đến hôm nay, chúng ta tiếp tục để cho mình được hướng dẫn bởi những ngẫu tượng, bởi sự ích kỷ, bởi những lợi ích riêng của mình, và thái độ này vẫn còn. Chúng ta đã hoàn thiện vũ khí của chúng ta, lương tâm của chúng ta đã chìm vào giấc ngủ, và chúng ta đã làm cho những lý luận của mình trở nên tinh tế để biện minh cho hành động của mình. Như thể đó là bình thường khi chúng ta tiếp tục gieo rắc sự hủy diệt, đau khổ, và chết chóc! Bạo lực và chiến tranh chỉ dẫn đến tử vong, chúng réo gọi cái chết! Bạo lực và chiến tranh là ngôn ngữ của cái chết!

3. Tại thời điểm này tôi tự hỏi: Liệu chúng ta có thể đi theo một con đường khác không? Chúng ta liệu có thể thoát khỏi cái vòng lẩn quẩn của đau thương và chết chóc không? Chúng ta có thể học lại cách bước đi trên con đường hòa bình không? Khi khẩn cầu sự giúp đỡ của Thiên Chúa, dưới cái nhìn từ mẫu của Đức Mẹ là phần rỗi của dân Rôma, là Nữ Vương Hòa Bình, tôi muốn trả lời rằng: Thưa vâng, tất cả chúng ta có thể đi theo một con đường khác! Tối hôm nay, tôi mong muốn rằng từ mọi nơi trên thế giới chúng ta hãy kêu lên: Vâng, tất cả mọi người có thể đi con đường khác ! Hoặc thậm chí tốt hơn, tôi xin mỗi người chúng ta, từ người thấp cổ bé họng nhất đến những bậc cao trọng nhất, cho tới cả những người được gọi làm lãnh đạo các quốc gia, hãy đáp lại: Vâng có, chúng ta muốn con đường khác!
Đức tin Kitô giáo của tôi thúc giục tôi nhìn lên Thánh Giá. Tôi ao ước rằng trong lúc này mọi người nam nữ thiện chí hãy nhìn lên Thánh Giá dù chỉ trong giây lát! Ở đó, chúng ta có thể thấy câu trả lời của Thiên Chúa: bạo lực đã không được đáp trả bằng bạo lực, cái chết không được đáp trả bằng ngôn ngữ của cái chết. Trong thinh lặng của Thánh Giá, tiếng bom đạn phải im bặt và người ta sẽ nói với nhau bằng ngôn ngữ của sự hòa giải, tha thứ, đối thoại và hòa bình.
Tối nay, tôi cầu xin Chúa cho những người Kitô hữu chúng ta, cho các anh chị em của chúng ta ở các tôn giáo khác, và mọi nam nữ thiện chí, hãy mạnh mẽ kêu lên: bạo lực và chiến tranh không bao giờ là con đường hòa bình!  Ước gì mỗi người hãy nhìn sâu vào lương tâm của mình và lắng nghe từ đó những lời này: Ngươi hãy ra khỏi những lợi ích riêng tư đang bóp nghẹt con tim ngươi, hãy vượt thắng sự dửng dung đối với anh em đồng loại, hãy khuất phục cái lý luận chết chóc của ngươi, và hãy cởi mở cho những cuộc đối thoại và hòa giải. Hãy nhìn vào nỗi đau của anh em ngươi và đừng chất cao thêm những sầu muộn khác, hãy ngừng tay phá hoại lại mà trái lại dùng để xây dựng lại sự hài hòa đã bị tan vỡ, và tất cả điều này đạt được không phải bằng các đụng độ, nhưng bằng các cuộc gặp gỡ đối thoại !

Hãy chấm dứt những tiếng ồn của vũ khí! Chiến tranh luôn luôn đánh dấu sự thất bại của hòa bình, luôn luôn là một đại bại của nhân loại. Một lần nữa, những lời của Đức Phaolô VI vang vọng: "Đừng chống lại nhau, đừng bao giờ nữa!... Đừng bao giờ chiến tranh nữa!" (Diễn văn tại Liên Hiệp Quốc, ngày 4/10/1965). " Hòa Bình chỉ được khẳng định bằng hòa bình, một nền hòa bình không tách rời khỏi những đòi hỏi của công lý, hòa bình được nuôi dưỡng bởi sự hy sinh cá nhân, bằng khoan dung, lòng thương xót và bác ái" (Thông điệp nhân Ngày thế giới về Hoà bình, 1975). 

Tha thứ, đối thoại, hòa giải - đó là những lời của hòa bình, tại đất nước Syria thân yêu, ở Trung Đông, trên toàn thế giới! Chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa giải và hòa bình, chúng ta hãy làm việc cho hòa giải và hòa bình, và tất cả chúng ta hãy trở thành, ở mọi nơi, là những người nam nữ của hòa giải và hòa bình!  Amen.

(nguồn Vietcatholic và Radio Vatican Việt ngữ)

Đêm nay, cả nhà thay phiên nhau đọc từng đoạn của bài suy niệm trên đây thay cho kinh tối trước khi đi ngủ.

Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

Ngày 85 - ƠN GỌI LINH MỤC TU SĨ DÒNG CHÚA CỨU THẾ

ƠN GỌI LINH MỤC TU SĨ DÒNG CHÚA CỨU THẾ

Chờ đợi mãi 04 ngày qua mà không thấy ai đóng góp thêm ... ít nhất là một vài kỷ niệm với cha bạn PX Nguyễn Hữu Hòa. Ít ra cũng phải là những thầy khá là gần gũi với cha Hòa trong những năm sau cùng. Thuở ấy, thỉnh thoảng cha Hòa xách ký cá khô làm mồi từ Đông Hòa, Cần Giờ để lai rai tâm sự, đó là các thầy Ánh, Chiếu, Định, An .. và may mắn nhất, đó là cha Bích vào những ngày cuối cùng ở Roma. Không ngờ lại lần cuối cho những người bạn lớp tưởng chừng khó gặp ở Mỹ, thế mà có dịp tụ lại để gặp mặt cha Hòa, nhân dịp thầy Vân nhận chức phó tế ở Boston. 


Ước tính cả hai lớp Huế và Vũng Tàu, từ năm đầu tiên là lớp 7 thì có thể đạt sĩ số khoảng gần 80 chú. Vậy mà được gọi làm linh mục tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế đến nay chỉ còn tồn tại trên cõi đời này là một linh mục duy nhất = cha Gisse Nguyễn Ngọc Bích. Tỷ lệ 1/80. Chúa gọi thì nhiều nhưng chọn thì ... rất ít.

Thôi thì tôi xin bắt đầu vài suy nghĩ và liên tưởng của mình:

Suốt thời gian ở Đệ tử, chúng ta thường nghe các cha nhắc nhở với các câu: "Lúa chín đầy đồng nhưng thợ gặt thì ít, hãy xin Chúa ban thêm nhiều thợ gặt." Đó là ơn Thiên triệu. Chắc chắn không ai trong chúng ta lúc đầu nghe được tiếng Chúa gọi mời cả, như Samuel được tiếng Chúa gọi trong đêm. Rồi đã có nhiều chú khóc sướt mướt vào ngày cuối năm khi nhận Thư-cho-về-luôn của Cha Giám đốc mà không hiểu tại sao cha cho "dìa", chỉ nghe câu nói thật khó hiểu "con không có ơn gọi làm tu sĩ DCCT".

Dám chắc không có tiếng gọi thiêng liêng như trong sách thánh. Nhìn chung, đầu tiên các chú ngưỡng mộ hình ảnh các linh mục DCCT đến giáo xứ nhà tổ chức tuần tĩnh tâm, gọi là tuần đại phúc. Một luồng gió mới thổi vào nếp sinh hoạt buồn tẻ ở nhà thờ. Thường là một nhóm các cha thầy DCCT với các thánh lễ, giờ chầu đặc biệt sốt sắng, rồi các buổi viếng thăm từng gia đình của các cha dòng, các buổi sinh hoạt với đám thiếu nhi ở sân nhà xứ ... thật là vui. Hình ảnh cha Dòng đứng trên tòa giảng thật oai làm sao ? Thời đó, tòa giảng gắn vào cái cột thứ nhất bên trái, hoặc bên phải của nhà thờ. Nhưng nhiều khi cha Dòng ra đứng giữa nhà thờ, trông thật gần gũi. Cha Dòng chẳng thèm xem giấy, cứ như nói chuyện, kể chuyện, thật là lôi cuốn. Tên các cha Dòng một thời vang danh: cha Vàng, cha Hồng Phúc, cha Yến, Cha Lành .. có cả các cha Canada như cha Gagnon, cha Olivier ... Ơn gọi vào nhà Dòng bắt đầu nảy mầm trong trí óc non nớt của cậu bé.

Rồi mỗi lần tĩnh tâm năm, các cha đi giảng đại phúc thường được mời đến giảng cấm phòng cho các chú. Chúng ta đã từng say mê nghe kể về những kỳ giảng đại phúc của các cha và những kết quả đã gặt hái được, kể cả ơn trừ quỷ được chuyển thành những câu chuyện khá rùng rợn chẳng kém gì phim kinh dị Exorcist (sản xuất năm 1973 ở Mỹ, được đề cử nhiều giải và đạt nhiều giải thưởng, và chiếu ở rạp Rex Saigon vào đầu năm 1975) mà cha già Hoàng Yến kể lại  được thu băng, rồi phát ra cho cả nhà ngủ nghe khi đi ngủ buổi tối. Hấp dẫn nhất là vào ngày mưa gió lạnh lẽo, trùm mền nghe chuyện trừ quỷ. Nhìn dáng cha già Yến thì quả thật là một linh mục có đặc sủng đặc biệt này. Bây giờ lớp FX-63 chúng ta có cha Giuse Nguyễn Ngọc Bích. 

Nói thiệt .. chẳng có gì là xấu hổ cả ... vì mình nghe có chú lớp lớn kể lại, rất đơn giản ... vì thấy các cha Dòng được đãi ăn ngon, cầm đùi gà với ly rượu vang đỏ ở trong nhà xứ. Vậy mà sau này chú ấy đã "đậu" linh mục, nhưng lại là linh mục khổ hạnh, ăn chay hãm mình (!) 

Hôm qua Chúa nhật, tình cờ xem một phim tài liệu trên TV5 của Pháp, thật hay, bỏ luôn cái "sô" The Voice ở kênh VTV3. Phim thật hay kể về nước Miến Điện, "Myanmar, la nouvelle Birmanie" với một chuỗi các câu chuyện kể bằng hình ảnh rất sinh động của một nước đang dần hồi sinh. Trong đó có một câu chuyện rất gần với đề tài mình đang suy nghĩ ở đây - ƠN GỌI LÀM TU SĨ.

Ở đây là chú bé Wai Piu, vì chiến tranh nên không còn ai, sống một mình với bà. Nay đến 11 tuổi (cũng là cái tuổi của anh em chúng ta vào ngày đầu vào đệ tử - cũng là lứa tuổi mà người Do thái làm lễ đặc biệt dâng con trai vào đền thánh), bà quyết định dẫn chú đi nhờ thuyền và bè xuôi theo dòng sông Irrawaddy mà đến thành phố Mandalay. Không phải để học nghề kiếm tiền và làm giàu. Bởi vì, theo bà cụ, giàu nhưng không hạnh phúc. Chỉ có đi tu để tấm lòng được thanh sạch, là điều kiện để có hạnh phúc thật. Tập tục của người Myanmar là gửi con trai trước 18 tuổi phải đến chùa tu từ vài tuần đến vài năm. Tu được thì thành sư thầy luôn.