Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

Ngày 74 - DUC IN ALTUM

DUC IN ALTUM - RA KHƠI

Thời gian lớp chúng ta ở Đệ tử Vũng Tàu thật ngắn ngủi, 2 năm học: 1963-64 và 1964-65. Nhưng vẫn có thể kể ra bao nhiêu thứ chuyện, mà người có thể làm nhân chứng sinh động vì đã "bám trụ" rất lâu ở đây, về sau "Bụi gia trang" đã thay thế Nhà đệ tử của chúng ta đó là cha Louis Quy. Đó là một thời kỳ xã hội đầy biến động, đầy sóng gió phong ba như người ngư phủ ra khơi - DUC IN ALTUM, khẩu hiệu được gắn trên hang đá Đức Mẹ (hang đá vẫn còn, nếu ai đi ngang qua đường 30/4 - vào hoặc ra thành phố Vũng Tàu). Bên kia là sân bay mà máy bay lên xuống ngày đêm. Có những ngày nhiều chiếc trực thăng bay luân phiên không ngừng nghỉ vì trận đánh ở Bình Giã đang diễn ra rất gần đó. Lớp 6B ở sát gần đường cho nên tiếng động cơ trực thăng nghe rất ồn. Vũng Tàu là  nơi đồn trú của Bộ tư lệnh Thủy quân lục chiến. Trong một buổi sinh hoạt tối, chúng tôi đã được nghe một Trung úy TQLC kể lại trận đánh ở Bình Giã ... trận đánh thật khốc liệt ... nhiều toán quân TQLC khi dùng trực thăng vận đã bị rơi vào bẫy phục kích từ bên dưới, lữ đoàn bị tổn thất rất nặng (!).

Nhưng tuổi thơ thi quá ư là .. vô tư. Mặc cho cha giám đốc Đặng Văn Đào nêu cao khẩu hiệu "đầu cao mắt sáng", nhưng chúng ta vẫn say mê những trò nghịch phá không có gì cưỡng nổi. Bởi vì phía sau lưng dãy nhà ngủ là con rạch lớn có mấy bụi cây đước, bần bám bãi bùn đen mọc xanh um. Thủy triều lên xuống khiến cho dòng nước khá trong nếu không có đám phân heo từ chuồng heo cải thiện của cha quản lý Quy trôi ra biển. Kệ! Các chú lao xuống nước bì bõm mà thưởng thức cái vị mằn mặn của nước biển pha lẫn bùn non chẳng thể nào quên được. Cũng có lần ,một chú loay hoay thế nào mà chìm lìm, may mà cái quần xà lỏn nổi lên. Các nhóm bơi gần la ... ơi ới hoảng hốt .. cứu với ... cứu .. Tức thời mấy anh lớn đang bơi gần đó tắp lại gần chú, túm lấy cái quần đỏ, kéo lên, lôi chú vào bờ. Chú sặc sụa, chưa cần phải hô hấp nhân tạo. Hết hồn hết vía, nhưng kể từ đó chú bị chết cái tên ... Đình "noyé", dù cho đến cái tuổi của đấng bậc U70 thì vẫn bị gọi là thầy Đình ... noyé để phân biệt với thầy Đình  .."tây lai". Nói đến nước nôi ở đây .. phèn rất nặng, vàng khè. Các vòi nước tắm phải lọc bằng mấy lớp vải của mấy cái áo thun phế thải. Rồi cũng xong!

Ngoài đàn heo, cha quản lý Quy còn nuôi một đàn bò khoảng chục con, chúng thường nhởn nhơ gặm cỏ non gần sân banh đoàn nhỏ. Có mấy con bê sắp thành bò thật vừa tầm các chú nhỏ, bèn trở thành trò "rodéo" - cao bồi cưỡi bò của các chú, nhất là sau khi xem bộ phim Mỹ, chuyện một anh bồi khách sạn ngưỡng mộ cuộc sống cao bồi giang hồ, bèn quyết bỏ nghề đi theo mấy anh chăn bò. Những ngày đầu ngồi trên yên ngựa, anh ta ê mông đến nỗi  tối chẳng cách nào có thể đặt mông xuống đất .. gian khổ nhưng hào hùng (!), rồi lại đến bộ phim của Úc kể lại chuyện người dân xứ con Kangaroo thời thế chiến thứ 2, vì sợ Nhật tấn công vào cảng Darwin thành phố phía Bắc Úc rồi sẽ đổ bộ tràn vào, các anh cao bồi ở Úc bèn lùa cả đàn bò mấy chục ngàn con đi về phía Nam ... cũng thật gian nan vất vả (!). Anh em ta cũng thử gian nan vất vả thế nào, bèn hè nhau, vừa dứt tiếng còi chấm dứt trận banh, mấy chú rủ nhau nhảy lên các chú bò con. Hóa ra là cưỡi rất "ngầu". Có chú nằm ôm lưng bò không khéo ... té bịch xuống bãi cát. Người nào cưỡi được cũng hí hửng. Nhưng bóng cha quản lý thấp thoáng từ xa, cả bọn biến nhanh về phía nhà tắm ... Nhưng đâu qua được mắt cha. Ngày hôm sau, vào lớp, trước khi vào bài mới (cha Quy dạy môn Science Naturelle, Histoire và Géo.), yêu cầu chú nào chiều qua cưỡi bò thì đưa tay lên, để cha ghi tên và trừ ... 50 đồng (hình như là tương đương 50.000 đồng bây giờ, 2 euros vì bây giờ cha Quy đang ở Pháp). Méo mặt, hết dám cưỡi bò!

Nhiều ... rất nhiều chuyện ... từ từ chúng ta sẽ nhắc nhau nhớ hết thôi ... nếu có giờ !!!

Về học hành, môn Pháp văn là quan trọng nhất, có cha Đăng dạy chúng ta cả 2 năm ở đây. Có ai nhớ những lần tập "hùng biện" mấy bài trong tập thơ ngụ ngôn Fables de la Fontaine không? Thầy Đạt dạy Toán, chú Vinh con thầy Đạt cũng học với chúng ta nhưng rồi chia tay lúc nào cũng không biết! Còn Việt văn là ai? Nhưng nhớ nhất là lớp anh Nhuận, anh Tuấn A, Tuấn B .. chơi vở kịch tiếng Pháp Le Comédien pris à son jeu".

Rồi chuyện văn nghệ văn gừng, từ thi Hợp ca Cécilia giữa các lớp, thi "Tuyển lựa ca sỹ" chẳng khác gì với "The Voice Kids" bây giờ bao nhiêu. Thầy Ân ..."cầy" phải nhớ chứ vì cái giọng ca ngọt ngào của thầy trong bài "Hoa Xuân" kém gì Nguyễn Quang Anh về nhất 2013 (!)

Những trận "đánh lớn" (Grand Jeu), các toán quân hành quân đêm từ nhà cho đến bãi sau .. có ai nhớ?

Những lần mong ngóng cha giám đốc Đào lái chiếc xe Volswagen từ Saigon về nhà để kể những diễn biến chính trị ở Saigon với các bản tin "Sự thật" không chính thức (hóa ra là tin vịt!).

Đặc biệt nhất là chương trình phát thanh "Đây là tiếng nói lớp Phanxicô Xavie" mà suýt nữa tôi bị cha cho về.

Tôi không có mặt năm đầu tiên ở Vũng Tàu, nhưng chắc nhiều chú nhớ. Lính mới năm hai có Tòa và Vân, con của cố Yến gửi vào. Còn tôi thì từ Huế. Nghe tôi là dân Huế, cho nên thường bị nhại giọng ("chửi cha không bằng pha tiếng") cho nên tôi tức lắm. Ngay từ ngày đầu tiên, lúc tổng dượt cho lễ khai mạc mùa chơi, tôi phải bỏ hàng  rượt theo một chú trong lớp để đập cho hắn một trận cho biết thân, rượt mãi mà không bắt được, lại còn bị mấy anh lớp lớn chụp đầu lại bắt phạt ... từ đó bị chết cái biệt danh .. "heo rừng" (!).

Nhưng Anh "địa", Hoàng "xi cá nại", Quyền "ba tô", Tín "đớ", Thế "móm" ... gì gì đi  nữa thì cũng phải nhớ "Duc In Altum" là hãy ra khơi mà thả lưới, chinh phục lòng người bằng bản thân anh vốn là "con người đầu cao mắt sáng", con cháu thánh cả An Phong.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét