Hôm nay là ngày Rằm Trung Thu. Không có nơi nào tổ chức vui nhộn cho bằng các nơi có cuộc sống tập thể, đời sống nội trú. Chỉ cần mỗi lớp đóng góp một trò chơi cho cả nhà, từ lớp 7 đến lớp triết như thời ở Vũng Tàu, hoặc 4 lớp nhỏ ở Huế, hoặc 4 lớp lớn ở Chợ Lớn, hoặc trở lại 7 lớp ở Thủ Đức. Nhưng không thể nào nhớ lại năm nào lớp mình đã làm cái gì, thì đành chịu. Chỉ gồm những mảng ký ức rời rạc, chắp vá.
Nhưng chắc chắn cuộc vui đêm rằm bao giờ cũng phải do một lớp đảm trách phần chính, các lớp khác đóng góp thêm cho xôm trò. Cuộc chơi bắt đầu sau cơm tối. Giờ cơm được đẩy lên sớm hơn. Nếu rơi vào ngày thứ Năm thì chỉ cần bớt giờ chơi. Còn ngày thường khác, thì bỏ luôn giờ chơi. Phần chuẩn bị đã được lớp phụ trách đêm hội trăng rằm tập dợt chuẩn bị từ 2, 3 tuần lễ trước. Mất công nhiều nhất là làm đầu lân. Phải tự làm đầu lân. Mỗi năm một kiểu. Đầu lân khó tồn tại qua đêm hội trăng rằm. Các tiết mục văn nghệ góp vui của các lớp khác thì cũng lai rai luyện. Tất nhiên ,các capo lớp đã ghi danh tiết mục cho lớp phụ trách từ một ngày trước để lên chương trình chi tiết mà không cần phải tổng dượt, vì chơi với nhau, cái gì cũng biết thì mất sự ngẫu hứng và sáng tạo. Vui là chính. Càng quậy càng dzui. Khách mời chỉ có các cha giáo, các cha bên nhà dòng nếu ở Huế và gia đình các anh, chị nhà bếp, nhà may .. và các chú cũng là khán giả khi chưa đến lúc phải ra biểu diễn.
Chương trình mừng đón Chị Hằng thường vào lúc 6g30 tối, kéo dài khoảng 2 tiếng. Đia điểm là do lớp phụ trách chọn, nhưng bao giờ cũng dự phòng trời mưa. Huế có phòng khánh tiết. Vũng Tàu cũng có. Còn Thủ Đức, hội trường cũng là nhà cơm, chỉ cần cả nhà phụ nhau dồn bàn ghế lùi sát vào phía sau là có khoảng trống lớn gần sân khấu.
Có tiếng chuông hoặc kẻng báo hiệu thì cả nhà tập họp đến đia điểm, ngồi quây thành vòng tròn. Cha phát mấy cái đèn cá chép, ngôi sao ... cho các em nhỏ, con của nhân viên giúp việc. Tắt đèn. Chỉ còn bóng đêm. Thế là người dẫn chương trình xuất hiện đâu đó, có khi là già làng, ông tiên ... hay một vị nào đó ... Hồi ấy làm gì có đèn follow hoặc spotlight, cho nên một chú cầm một cái đèn pin lớn đứng gần MC (hồi ấy chưa có tên gọi này - nhưng tam dùng cho tiện) chiếu vào mặt của MC, cũng có khi có đến 2, 3 đèn pin chiếu ... MC sẽ kể lai một câu chuyện cổ tích xa xưa ở một nơi nào đó xuất hiện một quái vật với 1 đàn yêu quái đến quấy nhiễu dân làng, giết chóc, cướp bóc, hoặc bắt cóc thì phải chuột ... rồi muốn yên thì dân làng hàng năm đến ngày trăng rằm thì phải cống nộp một người đẹp (ái chà, lại có một chú phải đóng giả gái!), rồi một dũng sĩ xuất hiện, chiến đấu với quái vật, cắt đầu quái vật, cứu người đẹp, và dân làng ăn mừng nhảy múa ... và cứ thế hàng năm dân làng kỷ niệm ... rồi các tiết mục đóng góp, như múa, hát hợp ca, đồng ca, song ca, đơn ca, ảo thuật, xiếc ...
Có năm ,bên ngoài rộ lên chuyện kiếm hiệp, thế là câu chuyện năm đó có nhiều môn phái ra mắt, anh hùng tụ hội thi đấu, trổ tài, chặt gạch bằng tay không, múa kiếm ... để được chọn đi tiêu diệt con quái vật. Có năm con quái vật sau khi bị đạp cho tơi tả, bể sừng vì bên trong ruột là một chai bia con cọp loại lớn được phủ ngoài là lớp giấy bồi ... Đầu con quái vật phải do 1 anh khỏe vác bằng hai tay trùm qua đầu. Một tấm khăn dài do một chú cầm ở đoạn cuối để làm đuôi v.v. .. Có năm, không biết học ở đâu ra, có màn đầu lân phun được lửa ... thỉnh thoảng thấy lửa phù mạnh ra ... hết hồn! Các chú nhỏ và em bé ngồi xem phải hét lên. Ngay cả cha cũng phải giật mình. Cũng có màn nhảy vòng lửa ... thoát hiểm ... Ông địa thì bao giờ cũng gây cười. Lớp Phanxico Xavie không thể thiếu danh hài Charlot với các trò ngốc nghếch khiến cả nhà cười no bụng! Những màn đánh võ, đánh kiếm cứ y như xem phim kiếm hiệp ... Trò chơi bạo lực bao giờ vào phút yên lặng cầu nguyện buổi tối cha cũng phải nhắc nhở sang năm phải bớt liều lượng. Nhưng sang năm, lại xuất hiện các vũ khí "hại điện", súng dài, súng ngắn ... tiếng súng bằng miệng trên micro nghe cũng đã tai ... Vui nhất là khi giống dân châu Phi hoang dã xuất hiện với mình trần bôi đầy lọ nồi và trên mình chỉ quấn lá dừa .. trông rất là ... nhà nghèo !! Họ nhảy múa theo tiếng trống bập bùng ... Hò hét ... đến khàn cả giọng !!!
Khi đám lửa trại giữa sân vừa tàn thì cuộc chơi cũng đến lúc kết thúc. Bánh kẹo cũng vừa hết. Sau khi "quan khách" ra về, các chú ở lại với cha giám đốc. Vòng tròn vẫn giữ nguyên. Cha có vài ý nhận xét, khen nhiều hơn chê, về phần chính của chương trình, thêm vài ý về các tiết mục đóng góp. Kết thúc bằng bài "Oh Ma Mère" hoặc "Mẹ Yêu thương" thay cho bài "Salve Regina". Cha ban phép lành ... Các chú yên lặng di thu dọn chiến trường, đi vệ sinh cá nhân .. lên giường, riêng các anh lớp đi thi tú tài Việt và Pháp thì có giờ Veillée (học khuya thêm 1 tiếng). ...
Các lớp lớn từ 15 tuổi trở lên được tham gia vào chương trình giúp trẻ em nghèo hoặc mồ côi đón Tết Trung thu sớm hơn một ngày. Các chú chia thành từng nhóm nhỏ khoảng 10 người, có khi theo lớp, có khi theo đội với các lứa tuổi khác nhau, nhất là khi cha đưa sinh hoạt hướng đạo vào đệ tử, thì có thêm các toán Kha. Các chú đèo nhau bằng xe đạp tiến vào các khu dân cư nghèo, các trại gia binh, các cô nhi viện, trại phong Bến Sắn ...Các nhóm đội ra đi từ sau buổi nghỉ trưa để kịp thực hiện chương trình sớm vào buổi chiều và trở về nhà kịp vào buổi tối lúc 9g.
Thật thú vị khi hôm nay ngồi bên nhau nhắc lại những kỷ niệm đẹp đầy ắp tiếng cười đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét