Hôm nay ,trên đường từ Vũng Tàu trở về thành phố (giúp lập di chúc cho một người Anh bị ung thư ở giai đoạn cuối), khi đi ngang khu du lịch Chí Linh, mình nói với cả nhà trên xe, ngày trước, đây là Trung tâm huấn luyện cán bộ xây dựng nông thôn. Bà xã liền nhắc, "anh chụp tấm hình cho blog đi". "Đây đâu phải là nơi kỷ niệm của Đệ tử Vũng Tàu", tôi trả lời. Thật ra nếu muốn ghé thăm nhà Đệ tử Vũng Tàu tôi phải lái xe vòng qua khu công nghiệp Đông Xuyên, vào đường 30/4 theo hướng đi vào thành phố Vũng Tàu. Như vậy khá mất nhiều thời gian. Thôi đành phải thu xếp lần sau vậy, trước khi chấm dứt 100 ngày "chiến dịch blog FX-63" (!).
Nói về mục đích khi đến thăm ĐHY Thuận, lúc ấy tôi đang lập 1 dự án nhỏ về Truyền hình giáo dục để tiếp tục và mở rộng dự án tạp chí truyền hình về Gia đình đã được EU tài trợ 2 năm 96 -97 và Misereor 2 năm 98 - 99. Kinh phí quá nhỏ, xoay sở thật chật vật. Bản thân tôi cũng mất tập trung vào sự nghiệp riêng của mình. Lần này tôi mong muốn ĐHY giới thiệu cho nguồn tài trợ có tính bền vững hơn, với lý lẽ Ngài nguyên là chủ tịch Ủy Ban Truyền thông xã hội của Hội đồng giám mục Việt Nam. Nếu được việc thì tiến lên, tôi nhủ lòng.
Nhờ có dịp làm việc với một số chuyên gia Công giáo trong lĩnh vực tuyền thông khu vực Châu Á, đặc biệt với cha Jerry Martison SJ ở Đài Bắc và ông Augustine Loorthusamy, người Mã Lai (hiện là chủ tịch SIGNIS), và được các chị Phan sinh thừa sai Fmm VN ủng hộ, tháng 11, 2001, tôi được 1 xuất mời đi Roma dự hội nghị về sát nhập giữa 2 tổ chức UNDA (Phát thanh và Truyền hình Công giáo) và OCIC (Điện Ảnh và Nghe Nhìn Công giáo) để hợp thành tổ chức Truyền thông Công giáo thế giới, tên SIGNIS World. Việt Nam nếu thuận lợi sẽ là thành viên của tổ chức này và có dịp thường xuyên gắn bó với SIGNIS ASIA.
Cho nên ,tôi lại càng cảm thấy có trách nhiệm lớn cho chuyến đi này. Thật ra, hoạt động truyền thông vô cùng phức tạp và nhạy cảm, nhất là vào thời điểm đó tại Việt Nam. Các thầy trong lớp mình có người tận tình chia sẻ, dù không biết nó là thế nào. Chẳng hạn, ở xa tận bên Mỹ, thầy Thạch lớp mình đã tận tình giúp đỡ, như giới thiệu người về nước nói chuyện, đặc biệt có xơ Elaine DesRosiers, dòng Đa Minh, trưởng khoa truyền thông (Media Education Department) của trường đại học Notre Dame (xui xẻo là sau đó xơ về hưu, và khoa này cũng bị dẹp luôn, xơ cũng hết muốn cố vấn cho mình thêm điều gì nữa, mà chuyên tâm lo tổ chức tĩnh tâm cho nhà Dòng), hoặc ủng hộ tài chánh cho 1 dự án đào tạo truyền thông ... Đứng ở vị trí đầu tàu, tôi thường chịu mọi áp lực, kể cả hao tổn vốn liếng của gia đình. Nhưng cái tôi thấy âu lo hơn, đó là phải có đồng chí "có tâm có tầm" cùng đi lâu dài với mình. Sau khi xin nghỉ Đài TH thành phố năm 1994, tôi cố đeo đuổi dự án, đến 2000 là thấy hụt hơi, nhất là đụng phải chính sách Nhà nước lúc đó chưa mở cho tư nhân trong lĩnh vực này, bây giờ thì quá nhiều !!!. Vì vậy,tôi tự hỏi chuyến đi Roma tháng 11, 2001 là một cơ hội tốt cho mình chăng?
Đến Roma, tôi liền gửi email ngay cho HY Thuận theo địa chỉ mà anh Nguyễn Văn Thanh, em ruột của ngài, cho trước ngày lên đường. Chỉ hai ngày sau là tôi được ngài trả lời cho cái hẹn vào 7g tối thứ Ba ngày 20/11/2001 (còn nhớ là nhờ có chuyện khó quên - vào buổi sáng đó, đang họp sôi nổi, chúng tôi bất ngờ được thông báo Đức Thánh Cha Gioan Phao lô II mời vào Vatican gặp ngài. Đức Thánh Cha đã đọc một bài diễn văn chúc mừng đại hội, rồi mọi người chụp hình chung với Ngài), đến trụ sở "Công lý & Hòa Bình" ở địa chỉ số 16 Calisto, Piazza phía Nam thành Rome, với các chi tiết được dặn dò rất cẩn thận, dù lúc đó ngài đang còn ở Trung Đông. Ngài viết: cánh cửa cổng thường đóng sau giờ làm việc, nhưng sẽ được mở sẵn vào lúc đó. Đi qua khoảng sân rộng thì gặp một bót gác thì gặp người giữ cửa. Cha sẽ dặn trước anh ta để chỉ cho con lối vào trong, lên phòng của cha trên lầu một ở bên phải. Ngài dặn tôi đón taxi. Nhưng tôi lại tiếc tiền, đi xe buýt cho rẻ không quên cầm theo tập dự án Truyền hình Giáo dục.
Tôi đã theo đúng như vậy. Cửa phòng khách đã rộng mở. Không có ai cả. Nhìn qua trái tôi thấy một hành lang nhỏ hẹp dẫn đến mấy phòng riêng bên trong, một người đang ngồi đọc sách ở đầu hành lang trông giống người Việt nhờ mái tóc đen, tôi lên tiếng: "Dạ thưa có Đức Hồng Y Thuận ở đây không ạ?" Người đó ngước lên nhìn tôi nhưng không tỏ vẻ gì ngạc nhiên: "Ngài đang chờ anh đó. Anh ra phòng khách đợi. Tôi vào gọi ngài ngay". Tôi không phải chờ lâu, chỉ vài phút đã thấy ĐHY Thuận bước ra, tươi cười bắt tay tôi bằng giọng Huế: "Có phải Vĩnh An con cậu Bộ đây không? (Bủu Bộ là tên cha tôi, ông nội của ngài là ông Nguyễn Văn Diêu, anh ruột của bà nội tôi, bà Nguyễn Thị Lạc). Mới ngày nào cha và hai cậu cùng nhau đi bộ qua trường Pellerin học (đó là chú Chiên,em sinh đôi của ba tôi, sau này cha đi vào tiểu chủng viện An Ninh, còn hai cậu thì vào Đệ tử DCCT, thường được ông nội Larouche không gọi tên riêng từng người, mà hay gọi chung một cách âu yếm là "Bo Chien lại đây" nghe như tiếng Pháp! - đó là lời cha Trần Hữu Thanh kể lại, chưa bao giờ nghe ba tôi hoặc chú tôi kể, vì có vẻ như khá "đụng chạm"! - chú thích). Vừa đi vừa khảo bài nhau, hoặc đố nhau nhiều thứ rất vui." Cha nhắc lại một cách tự nhiên như chuyện mới xảy ra hôm qua. Gia đình bà con họ hàng bên nội của tôi sống quây quần gần gũi với nhau trong họ Phủ Cam. Tôi thường nghe các ông bà chú bác chuyện trò với nhau toàn xoay quanh các đề tài "nhân đức", kể cả các chuyện vui cũng có màu sắc ... nhân đức, tuyệt đối không có "tục mà thanh" theo kiểu cha già Trần Hữu Thanh nhà mình là không được chấp nhận. Cho nên gia đình nào cũng gửi con vào các dòng tu, thậm chí có những dòng rất kham khổ, khó khăn như dòng Châu Sơn, dòng Thiên An (Biển Đức), dòng kín ... còn DCCT được xem là cấp tiến, tự do hơn cả ... có phần coi chừng. Cuộc sống của họ không nặng về vật chất, thể hiện rất rõ trong cách mua sắm, ăn uống, không được xa hoa, nhưng lại cầu kỳ quí phái đến từng chi tiết.
Tôi lại nhắc ngài: "Chắc cha không nhớ có lần vào dịp Tết bà nội con sai con mang bánh chưng qua tiểu chủng viện Hoan Thiện cho cha?" - "Không nhớ đâu. Nhưng cha nhớ là bà o có gì ngon thường để dành cho cha vì cha đi học xa nhiều năm. Bà o thương cha lắm." Thấy tôi nhìn quanh căn phòng khách đơn sơ, ngoài bức ảnh lớn Đức Thánh Cha Gioan Phao lô II còn lại là các bức sơn mài phong cảnh Việt Nam và nhiều lẳng hoa trên các bàn nhỏ, cha cười hiền lành nói: "Nghe cha mới về, người ta mang hoa đến tặng đó. Còn mấy bức sơn mài kia là bà con bên mình cho. Có chút gì để còn nhớ quê nhà chớ!". Tôi thấy hơi nghèn nghẹn ở cổ họng, một thoáng xúc động trong lòng, thì ra cha vẫn luôn thương nhớ về quê hương của mình, không biết ngày nào mới được quay về.
Khi liếc thấy một bức hình cha chụp chung với mấy người phương tây đứng vừa tầm với cha, tôi chợt hỏi cha với một chút trách móc: "Sao cha không lo cho các con của anh Thanh đi du học? Cái khách sạn mini nhỏ xíu của anh chỉ tạm sống qua ngày, khó mà cho con ra ngoại quốc học được!?" -"Cha cũng muốn lắm chớ! Xin một hai cái học bổng cho các cháu thì không khó, nhưng cha không có sức trông nom theo dõi các cháu, sợ mình làm hư các cháu thì sao?" Thế đấy, đối với người ngoài cha hết lòng giúp đỡ, nhưng trong giòng họ bà con thì xem ra là khắt khe, nhưng đó là truyền thống, không bao giờ áp dụng câu "một người làm quan thì cả họ được nhờ". Người nào cũng muốn vươn lên bằng sức của mình, thậm chí lỡ có nghèo thì cũng là niềm hãnh diện riêng, không hề mặc cảm. Tuy vậy, thực tế vẫn ít nhiều phải chịu vạ lây ! Nói vậy cha rất thương anh Thanh, cha rút trong túi ra 2 tờ đôla loại 100: "Con đưa cái này cho anh Thanh giùm cha. Còn đây là phần của con để đi taxi về nhà và mua cái bảng phép lành Tòa thánh mà trong thư con hỏi xin cha. Cha làm gì có sẵn!" Ngài đưa tôi tờ 50 đô Mỹ, rồi chỉ tay cái ghế dài: "Con đói bụng chưa? - Dạ chưa." "Vậy cha con mình nói chuyện với nhau một lát rồi đi ăn tối. Gần đây có một quán ăn đăc sản Ý" - Tôi đáp:"Mấy hôm nay hội nghị cho ăn toàn đồ Ý, ớn muốn chết". Cha phản đối:" Người ta quí mình mới đãi món Ý, nhưng cha bảo đảm hôm nay không trùng đâu!"
Tôi thấy là đã đến lúc "điều tra" cha thêm mấy chuyện mà tôi chỉ nghe đồn đại, trước hết là về sức khỏe.
- Sức khỏe của cha bi chừ ra sao rồi? Con nghe cha bị đưa cấp cứu vào bệnh viện ở Mỹ.
- Làm chi mà ghê dữ rứa! Hồi các Hồng Y về họp ở Vatican, cha quen thân với Đức Hồng Y Bernard Francis Law. Lúc giải lao, ngài hỏi cha hằng năm có đi khám sức khỏe tổng quát chưa. Cha nói làm gì có, không có thì giờ. Ngài giục cha khi nào đi Mỹ thì nhớ ghé Boston, vì giáo phận của ngài có một hệ thống chăm sóc y tế rất tốt gồm 6 bệnh viện (hệ thống này có tên Caritas Christi rất qui mô và hiện đại thuộc ha`ng đầu thế giới trực thuộc giáo phận Boston - chú thích). Khi qua Mỹ, cha ghé Boston. Vừa khám xong, bác sĩ ở đó bắt cha phải nhập viện ngay, không cần biết là cha đang bận gì, mình nghe phát hoảng, chẳng hiểu mô tê chi cả. Cha phải gọi điện về Roma nhờ cha Hiền báo tin cho các vị trong Hội đồng để sắp xếp mọi việc. Sau đó là các bác sĩ cho mổ ngay. Sau khi mổ, tan thuốc tê thì thấy hơi đau ở vùng bụng. Họ nói thấy một cục bướu nặng khoảng 7 ký, nhưng chỉ mới cắt được 4 ký, chừa lại chờ mổ tiếp, vì khối ưu lâu ngày quấn vào ruột, không thể cắt hết được một lần, rất khó.
- Bi giờ cha thấy sao?
- Thấy đỡ hơn trước nhiều. Thỉnh thoảng hơi đau. Lúc trước thấy bụng lớn ra mình tưởng là phát tướng (cha lại dí dỏm). Cứ i như mình mang ... bầu (cha phá lên cười thật vui khi chợt liên tưởng).
- Có mấy chuyện xưa rồi, nhưng con còn thắc mắc vì nghe nhiều version quá?
- Chuyện chi?
- Trước tiên là chuyện cha bi đi tù. Ai bắt cha rứa?
- Các cha mình bắt cha chứ ai. Hôm đó cha được mơ`i đến họp ở Dinh Độc lập. Có mấy cha cấp tiến ở đó. Các cha đó nói thẳng với cha: "Đức Cha về đây thì chúng con khó làm việc. Đức Cha về lại Nha Trang đi."" Cha trả lời:" Làm sao các cha yêu cầu tôi trở về Nha Trang được?! Tôi đã nhận bài sai của Đức Giáo Hoàng thì tôi phải nghe theo mà không được cãi, các cha cũng biết Luật Giáo hội mà." Các cha đó lại nói: " Đức cha không đi, thì chúng con bắt buộc phải bắt cha đi". Đúng thật, tối hôm đó cha đã bị bắt lên tàu đưa đi, cũng là ra Nha Trang, nhưng không phải mình về Tòa Giám mục đâu, mà về làng Cây Vông ở Diên Khánh (Diên Khánh cách thành phố Nha Trang khoảng 12 cây số - chú thích).
- Cha không giận các cha đó chớ?
- Không. Cha nghĩ đó là ý Chúa sắp đặt. Ngay từ hồi đó và cho đến bây giờ. Có cha đã qua đây thăm cha và xin tiền nói để làm thư viện. Cha cũng cho tiền cha đó, bằng tiền bổng lễ của cha (Một dịp đến tòa soạn báo Công giáo và dân tộc, tôi có nghe linh mục Trương Bá Cần kể lại việc này, lúc ấy tôi cứ tưởng là lm Cần có giúp cho cha việc gì đó mới được như vậy - chú thích). Đúng là cha cần phải cám ơn họ.
- Rồi làm sao cha được thả ra?
- Cha cũng không biết lý do chính thức từ phía chính quyền, từ khi bị bắt cho đến khi được thả. Nhưng cha đoán là do trong thời gian bị giam giữ, nhất là khi bị giam riêng không được tiếp xúc bất cứ ai, người ta cứ tra hỏi cha có mỗi một câu " Ông về Sài gòn với mục đích gì? Có kế hoạch gì thì khai ra?" Cha có kế hoạch âm mưu nào đâu mà khai. Thật ra, nghe lệnh của Đức Giáo Hoàng thì cha đi ngay, cha cũng chỉ biết khai chừng đó. Từ những tháng đầu năm 75, đã có một số người thỉnh cầu Vatican cử cha về Saigon, nhưng không thấy Vatican trả lời. Nhưng đến khi Đức Tổng Bình xin thì Đức Thánh Cha mới chấp thuận. Đức Tổng Bình với cha hợp "gu" nhau lắm. Làm việc với nhau nhiều, rất "ăn rơ", mà khi nào cũng "dzui zdẻ" chẳng có lúc nào cãi nhau .. (cha đổi qua giọng Nam và nói chậm lại nghe như chính Đức Tổng giám mục Phao lô Nguyễn Văn Bình nói. Tôi cười thích thú.).
- Cha có giả được giọng Đức Thánh Cha không?
- Được chớ. Có lần cha gọi điện thoại cho các chị Mến Thánh giá Phát Diệm bằng giọng tiếng Ý của Đức Thánh Cha (Foyer Phát Diệm ở số 45 đường Via della Pineta Sacchetti, giá rất phải chăng, nếu các thầy nói mình ở Việt nam sang bao giờ cũng được các chị Mến Thánh giảm giá 10 - 20% - chú thích). Thấy các chị quýnh quáng tức cười quá sức (cha lại cười vui vì được dịp chọc các chị nữ tu).
- Nhưng còn với Đức Thánh Cha?
- Ai dám chọc ... phạm thượng chết! Cha nói đùa thôi. Thật ra người phương Tây họ rất thích đùa, họ không bao giờ giận. Trong những lần gặp nhau chuyện trò thân mật, cha cũng đã trổ tài cho Đức Thánh Cha xem. Ngài thích lắm. Những lúc ấy được nhìn ngài cười là mình thấy vui lắm! Thôi ... cha con minh đi "kéo ghế" chớ. Không đói bụng sao con?
Tôi nhìn vào bên trong tìm cha Hiền. Nhưng cha hiểu ý khoác tay: "Không sao đâu con, cha Hiền ăn tối rồi. Ngày nào hai cha con cũng ăn với nhau. Tự nấu lấy. Hôm nay phải thay đổi menu chớ !" Cha lại đùa vui.
- Xin cha cho con chụp một "bô" hai cha con với nhau.
- Mấy "bô" cũng được (cha hơi nhấn mạnh vào chữ bô rồi cười mỉm). Nhưng cha Hiền đi rồi lấy ai mà chụp!
- Dạ máy chụp tự động (tôi lôi cái tripod nhỏ ra, gắn vào máy chụp hình). Cha cứ ngồi yên đó nghe (Tôi lấy nét, đặt chế độ tự động, rồi chạy lại bên cha. Máy nháy đèn rồi đèn flash lóe sáng).
- Xong rồi, minh đi há. (cha dợm đứng lên)
- Dạ chưa. Còn tí xíu nữa. Đây là cái dự án truyền hình giáo dục của con. Lúc nào rảnh, cha xem cho con với, có gì cha giúp con nghe. Hồi xưa cha là chủ tịch Ủy ban truyền thông xã hội mà (tôi nói một hơi như sợ để vụt mất cơ hội). Cha cũng đã đặt hàng cho Truyền hình Đắc lộ làm chương trình giáo dục nông thôn ...
- Ơ` Cứ để đó đi ..
- Cha có nhớ cha Sesto Quercetti dòng Tên không? Xếp của con đó. Hồi năm 1972.
- Làm sao quên được. Cha Sesto có tên tiếng Việt là Hoàng Văn Lục. Cha nói tiếng Việt giỏi lắm. Cha là người đầu tiên lập ban Việt ngữ Radio Vatican năm 1980, rồi sau đó làm giám đốc chương trình của Đài. Năm 91, khi cha mới qua đây, cha có gặp ngài, nhưng mấy tháng sau thì nghe tin cha Lục qua đời.
- Cha Lục đã từng nói, Việt Nam là mối tình đầu của cha. Họp xong con sẽ đi viếng mộ cha.
- Cha cho con cuốn sách này (cha với tay lấy một cuốn sách tựa đề tiếng Anh). Đây là bài giảng cấm phòng cha soạn cho tuần cấm phòng của Đức thánh Cha hồi đầu năm nay đó:
- Các chị Pauline có trả tiền bản quyền tác giả cho cha không? (tôi nói đùa mà không cố tình)
- Không có tiền gì cả. In xong các chị cho cha mấy chục quyển để tặng. Mệt nhất là các chị mời cha đến ký tặng mấy trăm quyển vào ngày phát hành đầu tiên.
- Vậy cha ký cho con với ..
Chúng tôi rời phòng khách. Cha khoác thêm bên ngoài một cái áo choàng đen vì tiết trời tháng 11 đã khá lạnh khoảng 15 độ. Đi ngang qua trạm gác, cha chào người nhân viên trực: Buona notte! Anh ta đáp lại vui vẻ."Từ sân này vào trong tòa nhà là một phần lãnh thổ thuộc Vatican mặc dầu nó nằm bên ngoài Vatican. Kẻ trộm bị rượt bắt mà chạy vào đây, cảnh sát Ý phải dừng lại và xin phép."
Qua khỏi hàng rào là đường Calisto tấp nập du khách đi chơi đêm. "Dân Ý biết tận hưởng cuộc sống lắm đó con. Sáng 9g mới ngủ dậy, uống ca phê đi làm, đến trưa 12g là nghỉ về nhà ăn và ngủ trưa, đến chiều 2g mới đi làm tiếp, đến 5g là xong việc, dạo phố mua sắm, lo việc nhà, 8 giờ tối kéo nhau đi ăn tiệm rồi chơi cho tới nửa đêm, cuối tuần thì thức đến 2,3 giờ sáng. Thời buổi kinh tế khó khăn người Ý ít ra ngoài ăn hơn, thay vào đó lại có nhiều du khách ngoại quốc." Cha vừa đi vừa giải thích. "Con đường này đã có hàng ngàn năm trước rồi. Người La Mã là dân tộc đầu tiên biết làm đường xá. Con thấy mấy viên gạch lát đường này láng bóng vì nhiều người đi lại, vẫn được giữ nguyên cho đến bây giờ, không tráng nhựa. Gần đây có nhà thờ Santa Maria ở Trastevere được xây vào thế kỷ thứ 3, xếp vào hàng cổ nhất ở thành Roma. Hồi tháng 2 cha đã dâng lễ tạ ơn ở đây sau khi được phong Hồng Y."
Đi bộ khoảng 5 phút, cha chỉ cho tôi một cái quán nhỏ. Vừa bước qua khỏi cánh cửa, ông chủ quán người thấp đậm vồn vã bước đến chào cha "Buonasera signore", rồi giúp cha cởi cái áo khoác và treo lên móc một cách thân tình. Cha cũng đáp lại. Hai bên nói gì đó một tràng tiếng Ý ... Ông chủ quán như đã được cha giới thiệu rõ về tôi bèn niềm nở bước đến bắt tay tôi. Không khí trong quán nhỏ trông thật ấm áp. Chỉ có khoảng chục bàn vuông nhỏ kê gần sát nhau. Tôi đi sau cha, lia máy quay một vòng rồi dừng lại cỡ trung cảnh khi thấy cha tiến đến bên hai du khách độ tuổi trung niên, một nam một nữ đang cầm thực đơn chọn món. Cha chào họ bằng tiếng Anh và nói lời xin lỗi xin được hỏi thăm họ có phải du khách không. Hai người chào lại và tự giới thiệu là du khách Mỹ. Cha đề nghị được giúp họ chọn món ăn đặc biệt ngon của quán này, cha chúc họ ngon miệng, rồi cha chỉ tôi đến một bàn trống gần bên. Cha thật thân thiện và tự nhiên.
- Tối nay, cha đãi con món spaghetti hải sản. Chắc chắn là con chưa ăn thử bao giờ (cha ra dấu cho ông chủ quán và nói tiếng Ý). Mình uống 1 carafe vang trắng nghen. ... (Trong khi chờ món mì Ý và vang trắng cha chia sẻ tiếp) Sau này cha mới biết được tin, có hai tàu chở thuốc men của Caritas mà cha đã đánh điện xin vào đầu tháng 4. 75, môt tàu sẽ cặp cảng Sai gon, một tàu sẽ ra miền bắc. Khi hai thuyền trưởng nghe báo tin cha bị bắt giam, họ lái tàu đi thẳng qua Hong Kong luôn. Tiếc quá. ... ( bình rượu được mang lên, cha dành lấy bình và rót ra ly của tôi trước, rồi một ít cho cha, cha làm dấu thánh giá, rồi nâng ly) Chúc mừng ngày hội ngộ. .. À Đức Tổng Bình thích ăn đồ ăn tây lắm ..." - (Tôi cãi lại) "Không đâu cha, mạ con nấu bún bò, Đức Tổng ăn luôn 2 tô, rồi còn nói múc thêm 1 tô nhỏ. Ngài còn kể với tụi con (trong 1 buổi họp mặt giới trẻ ở nhà thờ DCCT Ky` Đồng- chú thích) lúc ra Hà Nội họp Đức Tổng cùng với mấy đức cha ra chợ Đồng Xuân ăn bún ốc ...". Cha cười và gật đầu: "Đức Tổng Bình đơn sơ, vui tính ... làm việc với ngài thật thích (cha nói với giọng có nhiều tiếc rẻ). "Cha chỉ ăn được một phần. Sau khi mổ cha ăn ít lắm". Cha vừa nói vừa cầm dĩa lên, lấy nĩa gạt phần của cha qua dĩa của tôi: Con ráng ăn hết giùm cha. Còn rượu, không uống hết cũng được." (Tôi ráng ăn món saghetti hải sản, sợi mì không mềm mà hơi sượng .. hơi khó ăn!).
Chúng tôi rời quán khoảng 10g tối, đi bộ trở về trụ sở. Chúng tôi chia tay nhau ở trước cổng. Tôi linh cảm đây là lần gặp cuối cùng. Tôi thấy cha nở nụ cười hiền lành: "Con lên chiếc taxi đằng kia kìa, thế nào xe cũng đi ngang qua Vatican, nhìn lên lầu, duy nhất ở cửa sổ bên phải, con sẽ thấy đèn vẫn sáng, đó là phòng của Đức Thánh Cha đó. Ngài vẫn còn thức và làm việc. Con đi bằng an nghe." Tôi nắm lấy tay cha thật chặt một lúc, ấm áp: "Xin Chúa và Mẹ giữ gìn cha". Cha đứng nhìn tôi ra xe và vẫy tay chào tôi cho tới khi chiếc taxi rẽ, bóng cha khuất hẳn vào một khúc quanh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét