Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

Ngày 78 - HỒNG Y PHANXICO XAVIE

HỒNG Y PHANXICO XAVIE NGUYỄN VĂN THUẬN

Hôm nay ngày 16/9 là ngày giỗ năm thứ 11 của Hồng y PX Thuận - Đấng Đáng kính. Vì ngài là giám mục phó với quyền kế vị của Tổng giáo phận Saigon theo bài sai của Đức Giáo Hoàng mà chưa nhận một quyết định đến nhận một nhiệm sở mới nào khác. Cho nên cứ đến ngày này thì Nhà thờ Chánh tòa Đức Bà Sài Gòn, đều có lễ giỗ cho ngài với tư cách một giám mục nguyên là mục tử của giáo phận. Riêng năm nay lại có một dấu nhấn đặc biệt là hồ sơ phong thánh của ngài vừa kết thúc hồi tháng 7 trước. Một băng rôn treo ngang trên cao ở mặt tiền của Vương cung thánh đường: Lễ Giỗ 11 năm (16/9/2002-16/9/2013) Đức Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận.

Đã có nhiều bài viết và chuyện kể về cuộc đời của Đức HY PX Nguyễn Văn Thuận. Có thể nói chuyện kể dài nhất và đã làm tôi xúc động nhất, đó là quyển CHA TÔI của linh mục Phan Văn Hiền, người đã có quãng thời gian sống bên cạnh ĐHY Thuận từ lúc Ngài trở về làm việc tại Vatican, mang quốc tịch Vatican, cho đến lúc qua đời. Cho nên dịp này tôi nhắc lại vài kỷ niệm nhỏ mà tôi đã có với Ngài với ý định tìm cách kết nối mối liên hệ nào đó giữa ĐHY PHANXICO XAVIE Nguyễn Văn Thuận với lớp PHANXICO XAVIE 1963 của anh em chúng ta, cũng như là với cha Phanxico Xavie Nguyễn Hữu Hòa mà chúng ta đã kỷ niệm ngày sinh cách đây mấy ngày.

Lần gặp gỡ thứ nhất:


Tiểu chủng viện Hoan Thiện xây xong năm 1962, cách Đệ tử viện DCCT Huế một cánh đồng. Tôi được dịp qua đó vào dịp Tết con Rồng (1964), đúng hơn là chiều 30 Tết. Các chú được về gia đình ăn Tết. Gia đình tôi ở Sài gòn. Huế thì có đủ hai bên nội ngoại, nội ở Phủ Cam chỉ còn bà và cô. Ngoại thì trong thành nội. Tôi chia ra mỗi bên vài ngày. Các chú được về nhà từ sáng 30, cho nên tôi về kịp xem bà nội gói xong mấy cái bánh chưng sau cùng và sẽ vớt ra vào tối khuya, đó là bánh để ăn trong nhà, thường không được đều đặn vì bà nội tận dụng những nguyên liệu còn sót lại, kể cả lá dong thiếu thì lá chuối đắp vào. Đến trưa người giúp việc vớt bánh đợt đầu ra, là bánh để "đi tết", hong cho ráo nước. Khoảng 3 giờ chiều bà nội kêu tôi lại: "Con có biết tiểu chủng viện Hoan Thiện không?" Dạ biết, tôi thưa. Bà đưa cho tôi một cái bánh chưng xanh mướt của lá còn ấm ấm trong tay và một gói mứt. " Con mang bánh chưng và mứt này qua cho cha Thuận" Có tiếng của cô Mai (tôi hay gọi là cô cả) trong phòng kế bên nói vọng ra:'' Con phải hỏi cho kỹ có cha giám đốc ở nhà không nghe". "Dạ", tôi tính tới đâu hay tới đó. Nhưng đi bộ thì xa lắm.
" Cô cho con mượn xe đạp nghe". "Không được, nguy hiểm!", giọng cô hơi đanh lại. tôi không nói gì thêm, cầm bánh và mứt đi ngay. Sở dĩ tôi còn nhớ chi tiết chiều hôm đó cũng nhờ cái vụ mượn xe đạp. Ái chà giá có chiếc xe đạp peugeot, mình thả dốc từ nhà ông Hường Sách (còn gọi là đốc Sách) xuống phía cầu. Thuở ấy đường vắng xe lắm. Đi bộ mất hơn 20 phút mới đến TCV Hoan Thiện. Rất may, qua cổng tôi đến ngay phòng khách thì gặp một linh mục bận áo chùng đen, dáng dong dỏng cao, đeo kính cận trông thông thái. Tôi chưa kịp hỏi thăm, thì cha đó hỏi tôi:'' Con đi mô rứa? Con muốn gặp ai? Dạ bà nội con biểu con mang bánh và mứt qua tết cha Thuận giám đốc tiểu chủng viện. Bà nội nào? Dạ bà Ưng Đệ''. Cha bỗng phá lên cười:'' À, bà phán Đệ, bà o của cha đó mà." Cha xoa đầu tôi và cám ơn tôi. ... Trong ký ức đoạn phim dừng lại ở đó, tôi không còn nhớ gì thêm ... hình như tôi đã vội quay về nhà, vì đang bị mất hứng. ... Ông nội của cha Thuận là ông Nguyễn Văn Diêu là anh ruột của bà nội tôi. Có bánh trái gì ngon bà cũng để dành cho cha.  


Lần gặp gỡ thứ hai:
Trong thời gian là sinh viên dự tập được 4 năm vào đời, tôi học trường Luật, cho nên đến năm hai (năm 1972) tôi vào làm việc ở Trung tâm Truyền hình giáo dục Đắc Lộ của các cha Dòng Tên trên đường Yên Đỗ (Lý Chính Thắng bây giờ) sau một khóa hè Mass Media dành cho các chủng sinh các dòng. Đúng ra là đi ngả Hiền Vương (Võ Thị Sáu bây giờ) là cổng vào của Trung tâm. Nhưng phòng biên tập của tôi lại nằm bên dãy nhà tiền chế phía đường Yên Đỗ. Năm 73, một chị tên Thanh vào làm việc trong phòng của tôi. Hỏi thăm nhau thì biết chị phụ trách biên tập cho một chương trình phát triển nông thôn do Hội đồng giám mục Việt Nam tài trợ, gọi là COREV, có một giám mục đặc trách về phát triển theo dõi loạt chương trình giáo dục nông dân thử nghiệm này. Trong phòng biên tập chỉ có vài người, mỗi người lo một loạt chương trình riêng, ai lo việc nấy, thời gian khá tự do, cho nên chỉ có mặt đông đủ khi họp. Còn tôi thì hầu như thường xuyên có mặt trong phòng, không la cà, đi đâu cũng mau chóng quay về phòng. Vì vậy, tôi có dịp chuyện trò công việc với chị Thanh, mới biết ngoài Trung tâm chị còn có một xếp khác, đó là Đức giám mục Nguyễn Văn Thuận. Tôi nói với chị Đức cha Thuận thì em có biết, trong gia đình có nhắc đến lần phong Giám mục, nhưng lúc ấy em đang ở Đệ tử Huế. Chị Thanh nói được làm việc với Đức cha, chị thấy thích lắm. Đức cha luôn động viên, hỏi han và đưa ra nhiều ý kiến rất hay, y như cha Hoàng Văn Lục vậy (cha Lục là cha Sesto Quercetti người Ý, là trưởng phòng biên tập của tôi). Hai vị nói nhỏ nhẹ, mình không cãi được, nhiều khi phải sửa lại bài chết luôn! Rồi thỉnh thoảng chị cũng nhờ tôi mang kịch bản qua cho Đức Cha, hoặc lấy dùm tài liệu về cho chị vì thấy tôi thích đọc các tài liệu đó. Văn phòng làm việc của Đức Cha ở 123 Bà Huyện Thanh Quan, cho nên đi khá gần, tiện thể tôi có thể tạt vào nhà Dòng Chúa cứu thế Sài gòn hoặc tòa soạn Đức Mẹ Hằng Cứu giúp để giúp cha Vũ Khởi Phụng vài việc (lúc này cha Phụng là chủ bút và thường viết với bút danh Vũ). Thật lạ, có lần tôi đưa bài tận tay Đức cha Thuận, nhưng mình không chú ý gì cả, xong việc chị Thanh nhờ rồi quay đi ... Quả là không có duyên! Sau này tôi mới biết Đức cha còn là Chủ tịch Ủy ban Truyền thông xã hội của Hội đồng giám mục ... Đó là vào những năm 73,74 ...




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét