Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

Ngày 79 - ĐỪNG KHÓC CHO TÔI, SUDAN !

ĐỪNG KHÓC CHO TÔI, SUDAN !

Cách đây mấy ngày, thầy Ánh có chuyển cho anh em xem một phim tài liệu rất cảm động kể về cuộc đời linh mục Gioan Lee Tae-suk dòng Salesien Don Bosco (1962 - 2010) do một nhóm tông đồ ở Westminster - California, Hội Truyền giáo Phanxicô Xaviê, tải lên mạng. Phim do đài truyền hình KBS thực hiện. Nói đến phim ảnh thì dân xứ Kim chi là số dzách rồi! Mà đức tin Ki tô giáo của họ cũng là tuyệt vời! Bởi vì tin mừng Phúc âm đến với người dân Cao ly vào đầu thế kỷ 17 bằng chính một nhà ngoại giao Triều Tiên đi sứ bên Trung Hoa mang về. Rồi giới trí thức tranh luận về các tư tưởng trong sách phúc âm.  Dân Cao ly tự đào tạo cho mình các linh mục "đời" tình nguyện, cho nên rất chủ động trong sứ mệnh truyền giáo. Giáo dân cũng phải tử đạo để bảo vệ đức tin (có số thánh tử đạo nhiều nhất thế giới), nhưng văn hóa Kitô giáo thì mau chóng hòa quyện với văn hóa dân tộc, trở thành một nước có tỷ lệ ki tô hữu lớn nhất châu Á (hình như 60% dân số). Rồi người Đại Hàn ki tô hữu lại được sai đi rao giảng tin mừng ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Cho nên chuyện cha Gioan Lee không phải là "hàng hiếm", cha là hoa trái từ một cây nho đã lớn mạnh với bộ rễ rất lớn và sâu trong lòng đất.


Các thầy có thể xem đầy đủ tiểu sử của cha Gioan Lee trên mạng. Mình chỉ nêu ra đây mấy suy nghĩ riêng tư muốn chia sẻ với mọi người. Mình không đồng ý khi nói cha Gioan hy sinh cuộc sống giàu có của một bác sĩ. Không, chẳng có lúc nào cha Lee nói là mình đã hy sinh. Cha đã chọn Chúa trong anh em phong cùi (có lẽ nên nói là bệnh Hansen) ở Nam Sudan và các thiếu nhi ở làng Tonj làm bạn của mình, ở đó có một môi trường sống tồi tệ nhất thế giới với một nhiệt độ thường xuyên là 50oC. Nhưng hãy nhìn cha Lee cười cùng với các em đó thì thấy ... họ đều nhe răng ra cười rất giống nhau, chỉ khác chăng là màu da ... bởi vì họ đang rất hạnh phúc. Nhưng không chỉ có tiếng cười mà cha Lee đã mang lại, còn có cả tiếng khóc. Hỏi rằng bạn có bao giờ khóc trước sự mất mát của một người thân không? Tất nhiên là có. Bộ ta là gạch đá sao! Thế mà người dân ở Nam Sudan, trẻ em ở làng Tonj đã không còn biết khóc trước cái chết, chết dần chết mòn, vì đói khát và bệnh tật, của người thân. Họ không còn nước mắt để khóc, hoặc lòng đã trở nên chai cứng vì quá đau khổ mà không còn đau khổ nào trên đời lớn hơn để họ phải nếm trải thêm. nhưng sau khi cha Gioan Lee đến, thì họ đã biết cười, rồi họ đã có thêm một trải nghiệm mới, là biết khóc cho một người anh em, một người cha tuyệt vời có hình ảnh của Chúa Giêsu phục sinh. 



Mình không thấy đoạn phim nào cha Gioan Lee rửa tội, nhưng có thấy cha đang nghiêng người bên một cậu thiếu niên bản xứ để giải tội. Có thấy nhưng người bệnh phong đang quờ quạng làm dấu thánh. Có thấy họ cúi đầu cầu nguyện trong thinh lặng. Vậy phải hiểu là họ đã lãnh nhận bí tích thanh tẩy rồi. Cha Gioan Lee không tổ chức lớp giáo lý (chắc là cũng có thôi), nhưng là lập một ban nhạc mà cha là người chơi trống, có khi là keyboard, rồi tổ chức một ban kèn hoành tráng ... để đem đến sự tự tin và tự hào ở các em. Lúc phải ở lại Hàn quốc để chữa trị bệnh ung thư ruột già ở giai đoạn cuối, cha còn thu hình mình vào đĩa bài tập kèn do cha sáng tác để cho các em có bài thực tập liên tục. Ngoài việc gom các bệnh nhân phong từ các nơi về tập trung tại một bệnh viện phong, cha còn lo xây dựng trường học và cũng đứng ra dạy một số lớp về các môn toán và khoa học khi không có thầy từ Kenya đến dạy. Và 9 năm ở Sudan cũng đủ cho thời gian cho một thiếu niên học xong phổ thông, thế là cha đưa được ba em vào học đại học ở Hàn quốc.

Phản ứng của bà Shin Myung Nam, mẹ Lee Tae- suk khi nghe con tỏ ý đi tu sau thời gian trong quân ngũ làm bác sĩ quân y là khác với các bà mẹ Công gíáo Việt Nam, vì theo lý lẽ của bà là trong gia đình 10 đứa con thì đã có 2 đi tu, 1 linh mục và 1 nữ tu. Thế là đủ cặp rồi dâng cho Chúa rồi. Làm giáo dân cũng tốt vì giáo dân Hàn quốc vốn nổi tiếng về tông đồ giáo dân mà! Bà cụ phản đối dữ lắm. Nhưng Lee Taee-suk thuyết phục được bà mẹ đã tần tảo nuôi các con từ khi ông cụ mất rất sớm, rằng anh muốn theo một linh đạo của dòng Salesien Don Bosco, là đem tình yêu Thiên Chúa đến cho thanh thiếu niên nghèo khổ nhất. Nhưng một khi đã chọn đời tu thì bà cụ lại động viên cha Lee dấn thân sâu hơn, đến với những người anh em khốn cùng nhất thế giới. 

Hiểu được ý nguyện đó cũng như quãng thời gian 9 năm sống giữa anh em cùng khổ nhất ở Sudan, đạo diễn Koo Soo Wan mới chọn cái tên phim tài liệu 90 phút nói về cha Gioan Lee Tae-suk là "Xin đừng khóc thương tôi Sudan" (Don't cry for me Sudan), như cái tựa bài hát "Xin đừng khóc thương tôi Argentina" (Don't cry for me Argentina)  trong phim Evita. 

Xin trích vài đoạn trong bài hát (nếu các thầy vào mp3 nghe ca sĩ Madonna hát thì càng tuyệt) thì có thể thấy chủ đề của hai phim có điểm tương đồng nào: 
"... Khi tôi cố giải thích cảm xúc của tôi, rằng tôi vẫn cần tình yêu của các bạn dù tôi đã làm bao nhiêu việc... Xin đừng khóc thương tôi, Argentina. Thật sự là tôi chưa bao giờ rời các bạn. Trong những ngày hoang dại của tôi, hiện hữu điên cuồng của tôi, tôi đã giữ lời hứa. Đừng tránh xa tôi ..." (Evita, vợ của tổng thống Peron nước Achentina lúc trước mình gọi là Á Căn Đình được dân xứ này xem như là nữ thánh vì tinh thần phục vụ dân nghèo rất hăng say, đấu tranh cho quyền bình đẳng phụ nữ và chống bất công ở nước của bà).

Bài hát nổi tiếng đó đã giúp chúng ta liên tưởng rất nhanh và tự nhiên đến câu chuyện của cha Gioan Lee Taae-suk và tâm tình của cha thổ lộ trong quyển tự truyện của cha "Các con là những người bạn của cha".

 Sự tiếc thương đó ở "Đừng khóc cho tôi, hỡi Sudan" lại lần nữa sẽ được trình chiếu tại liên hoan phim Berlin sắp tới (2013).

 Để xem phim xin link theo hướng dẩn của thầy Ánh đã gửi: http://www.youtube.com/watch?v=NpTbCaakQkc&feature=player_embedded



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét